Tình huống pháp lý trong vụ nổ súng làm 2 người chết tại Phú Quốc

Theo luật sư, ngoài những người trực tiếp nổ súng, những người đi cùng và người phụ nữ tại Cà Mau thuê nhóm của Hai Lượng cũng có thể bị xem xét trách nhiệm về tội Giết người.

Tình huống pháp lý trong vụ nổ súng làm 2 người chết tại Phú Quốc-1

Trưa 27/10, hơn 50 người do Võ Văn Lượng (tức Hai Lượng, 35 tuổi,ở huyện U Minh, Cà Mau) cầm đầu đi 8 ôtô đến ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, TP Phú Quốc, để giải quyết mâu thuẫn đất đai với anh Khúc Văn Đoài (39 tuổi). Một số người trong nhóm của Hai Lượng đã cầm súng bắn vào nhóm anh Đoài làm 2 người chết, 4 người bị thương.

Theo nguồn tin của Zing, 6 nạn nhân bị bắn thuộc nhóm của anh Đoài. Nhóm của Hai Lượng được cho là "đánh thuê" trong vụ tranh chấp đất giữa một phụ nữ quê Cà Mau với anh Đoài. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án hình sự Giết người và Gây rối trật tự công cộng, bắt giữ 29 nghi phạm để điều tra theo quy định.

Trường hợp này, các nghi phạm có thể chịu trách nhiệm pháp lý ra sao? Người phụ nữ ở Cà Mau có thể phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này hay không?

Tình huống pháp lý trong vụ nổ súng làm 2 người chết tại Phú Quốc-2Khu vực xảy ra vụ nổ súng tại TP Phú Quốc. Ảnh: Phú Quốc.

Những ai có thể bị xử lý tội Giết người?
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Giám đốc Công ty Luật Hãng Luật Hưng Yên) đánh giá đây là sự việc có tính chất nghiêm trọng, thể hiện sự hung hăng, bất chấp và coi thường pháp luật của Hai Lượng cùng đồng phạm. Việc cơ quan chức năng sớm khởi tố vụ án hình sự để điều tra là cần thiết nhằm xác định trách nhiệm pháp lý và xử lý những người liên quan trong vụ việc theo đúng quy định.

Bình luận về trách nhiệm pháp lý của các nghi phạm trong vụ việc, luật sư Quynh nhận định đối với những người trực tiếp nổ súng, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Đối với những người còn lại, có thể xảy ra 2 trường hợp như sau:

Thứ nhất, những người này không sử dụng súng hoặc có hành vi khác đủ yếu tố cấu thành tội Giết người nhưng có biết về việc có súng, có bàn bạc, thống nhất, phân chia công việc với những người cầm súng nhằm tạo điều kiện tối đa cho hành vi phạm tội được thực hiện, thì họ có thể bị xử lý về tội Giết người. Theo ông Quynh, với những người nhận thức đầy đủ, họ phải biết hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng mong muốn hoặc để mặc điều này diễn ra.

Thứ hai, nếu những người không sử dụng súng không hề biết về việc có người mang súng và sử dụng súng giết người, những người này chỉ bàn bạc thỏa thuận về việc đe dọa hoặc gây thương tích cho nhóm nạn nhân, hành động của họ cũng chỉ dừng lại ở việc đe dọa nhóm nạn nhân, việc có người mang súng và sử dụng súng bắn nhóm nạn nhân là ngoài ý muốn của họ, thì những người đó không phải là đồng phạm tội Giết người. Trường hợp này, họ có thể bị xem xét xử lý về tội Cố ý gây thương tích hoặc Gây rối trật tự công cộng.

Tình huống pháp lý trong vụ nổ súng làm 2 người chết tại Phú Quốc-3Ôtô của ông Đoài hư hỏng sau vụ nổ súng. Ảnh: Phú Quốc.

Còn luật sư Lưu Kiều Trang (Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự) cho rằng việc xác định những người còn lại có thể bị xử lý về tội Giết người với vai trò đồng phạm hay không sẽ phụ thuộc vào hoạt động điều tra, xác minh động cơ, mục đích, hành vi phạm tội của cơ quan công an và những tài liệu, tình tiết khách quan của vụ án.

Theo luật sư Trang, để một người được coi là đồng phạm, thì người đó phải là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, những người đó có thể là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nhưng cũng có thể là những người không trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Những người không thực hiện hành phạm tội, nhưng vẫn bị coi là đồng phạm khi hành vi của họ có sự thống nhất, liên kết chặt chẽ với người phạm tội và hành vi của tất cả người trong nhóm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả, tác hại chung của tội phạm.

"Để xem xét xử lý đồng phạm tội Giết người, cần xác định việc thực hiện hành vi phạm tội có sự chuẩn bị kỹ, từ giai đoạn lên kế hoạch, thỏa thuận và bàn bạc cùng nhau để đi đến mục đích cuối cùng là tước đoạt tính mạng của người khác", luật sư bình luận.

Trách nhiệm pháp lý của người phụ nữ tại Cà Mau
Ngoài hành vi của nhóm Hai Lượng, yếu tố khác được quan tâm là trách nhiệm pháp lý của người phụ nữ tại Cà Mau. Theo thông tin hiện có, nhóm của Hai Lượng được cho là "đánh thuê" trong vụ tranh chấp đất giữa một phụ nữ quê Cà Mau với anh Đoài. Sau khi sự việc xảy ra gây hậu quả làm 6 người thương vong, người phụ nữ này có thể chịu trách nhiệm hay không?

Bình luận vấn đề này, Luật sư Dương Đức Thắng (Phó giám đốc Công ty Luật Myway) cho rằng có 2 trường hợp có thể xảy ra như sau:

Thứ nhất, người phụ nữ này đã thuê nhóm Hai Lượng và có sự bàn bạc, trao đổi, thống nhất ý chí về việc sẽ thực hiện hành vi giết người khi tới giải quyết mâu thuẫn về đất đai. Trường hợp này, người phụ nữ có thể được coi là chủ mưu và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 dù không trực tiếp thực hiện hành vi.

Với các tình tiết định khung như giết từ 2 người trở lên; thuê giết người hoặc giết người thuê; có tổ chức và có tính chất côn đồ theo khoản 1, Điều 123 Bộ luật này, khung hình phạt áp dụng đối với nhóm người này sẽ là 12-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Thứ hai, nếu người phụ nữ thuê nhóm của Hai Lượng không nhằm mục đích giết người, hành vi giết người vượt quá giới hạn thoả thuận và nằm ngoài kiểm soát của người thuê, cơ quan chức năng sẽ làm rõ mục đích, động cơ và sự thoả thuận về ý chí giữa những người này.

Tình huống pháp lý trong vụ nổ súng làm 2 người chết tại Phú Quốc-4
Vụ nổ súng do tranh chấp đất giữa người phụ nữ ở Cà Mau với ông Đoài khiến 2 người chết, 6 người bị thương. Ảnh: Viết Nhân.

"Có nhiều biến số có thể xảy ra, song điều quan trọng cần làm rõ là nội dung trao đổi, thỏa thuận giữa người này với nhóm của Hai Lượng. Nếu người này thuê nhóm kia để đánh người, cần làm rõ ý chí chủ quan và mức độ hành vi mong muốn của người phụ nữ này ra sao. Nếu mục đích thuê là đánh gây thương tích, để lại thương tật cho nạn nhân, nhưng không nhằm mục đích giết người, tội Cố ý gây thương tích có thể được xem xét áp dụng. Trường hợp chỉ thuê để đánh dằn mặt, không gây thương tích hoặc đe doạ nạn nhân, khó có căn cứ xử lý hình sự người này", ông Thắng phân tích.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon) cũng cho rằng phải làm rõ ý chí, nội dung thoả thuận giữa những người liên quan, từ đó xác định vai trò chủ mưu và đồng phạm trong vụ án.

Trích dẫn Án lệ số 01/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 6/4/2016, ông Long cho biết trong vụ án có đồng phạm, nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người chủ mưu là chỉ thuê người khác gây thương tích cho bị hại mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ (chỉ yêu cầu gây thương tích ở chân, tay mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người); người thực hành cũng đã thực hiện theo đúng yêu cầu; việc nạn nhân bị chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu, thì người chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích với tình tiết định khung là gây thương tích dẫn đến chết người.

Trường hợp có sự thoả thuận về việc sẽ thực hiện hành vi giết người, cả người thuê và người được thuê sẽ phải chịu trách nhiệm theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 về tội danh này.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/tinh-huong-phap-ly-trong-vu-no-sung-lam-2-nguoi-chet-tai-phu-quoc-post1369860.html

nổ súng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.