Tôi đi bốc bát họ: Lạc giữa ma trận "hỗ trợ tài chính"

Đã có rất nhiều vụ việc xô xát rùm beng dư luận, thậm chí là cả án mạng xảy ra liên quan đến bốc bát họ.

Đã có rất nhiều vụ việc xô xát rùm beng dư luận, thậm chí là cả án mạng xảy ra liên quan đến bốc bát họ. Là nạn nhân, con nợ phải oằn mình trả lãi suất kinh hoàng ra sao? Tại sao hình thức tín dụng đen kiểu "tanh mùi máu" này vẫn ngày một nở rộ?

Tôi đi bốc bát họ: Lạc giữa ma trận hỗ trợ tài chính-1

Khốn khổ vì "bốc họ"

Không ít câu chuyện đau thương bắt nguồn từ những màn “bốc họ” chóng vánh.

Lãi "cắt cổ"

Quy định chung của "bốc bát họ" là cứ mỗi bát 20 triệu đồng, người vay được cầm về 16 triệu và trả dần trong 50 ngày. Trung bình, lãi suất là 180%/năm.

Tuy nhiên cũng tỉ lệ này có thể dao động tùy thuộc mối quan hệ con nợ - chủ nợ cũng như tính cấp bách của khoản tiền vay. Không ít trường hợp thấy khách quá "khát" tiền, chủ họ sẽ "vẽ" thêm một số điều khoản hòng bắt chẹt.

Theo kết luận của Công an quận Hai Bà Trưng, tháng 7.2017, bà Vũ Thị M (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được nhóm của Khánh, Hiếu, Tuấn hướng dẫn viết giấy vay nợ số tiền là 12 triệu đồng với hình thức “bốc họ”. Tuy nhiên, số tiền bà M nhận về thực tế chỉ là 10 triệu đồng, sau đó phải đóng tiền trong 60 ngày, mỗi ngày 200.000 đồng.

Đến tháng 4, bà M trả được hết “bát họ” cũ, rồi tiếp tục tìm gặp Khánh vay thêm 2 lần nữa. Tuy vậy, vì nhiều lý do, sau đó, người phụ nữ không thể thanh toán tiền lãi "bát họ" theo ngày.

Nhóm của Khánh đã nhiều lần tìm đến nhà bà M và cửa hàng của con trai bà đổ keo vào khóa cửa, ném mắm tôm, chất bẩn và chửi bới, đe dọa sẽ đập phá cửa hàng. Không ít lần, nạn nhân bị nhóm chủ họ hành hung ngay tại cửa nhà, trước những cặp mắt hãi hùng của người thân.

May mắn thay, những hành vi phạm pháp đó đã không thể thoát khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chức năng địa phương. Những kẻ ngông cuồng đã lần lượt sa lưới song bản thân bà M cũng tự hiểu rằng mọi chuyện chưa kết thúc. "Luật" xã hội rất rõ ràng: Có vay, có trả...

Tôi đi bốc bát họ: Lạc giữa ma trận hỗ trợ tài chính-2

Cuối tháng 9.2018, vụ việc anh N.Đ.L (23 tuổi, Nghệ An), hành nghề “thu họ” bị một đối tượng đâm chết trên địa bàn phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) cũng khiến dư luận bàng hoàng.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai rằng có quen biết trước với N.Đ.L và sau khi có lời qua tiếng lại về việc không trả tiền nên hắn đã cầm con dao bầu lao vào đâm anh L.

Tôi đi bốc bát họ: Lạc giữa ma trận hỗ trợ tài chính-3

Mới đây nhất, ngày 25.10, công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố năm bị can để điều tra về hành vi cho vay lãi theo hình thức "bốc bát họ". Theo đó, các đối tượng điều hành 6 tụ điểm cho vay theo hình thức bốc họ rải rác khắp TP.Hưng Yên. Với lãi suất "cắt cổ" lên đến 30%/tháng hoặc từ 180%/năm trở lên, trong vòng 2 tháng, nhóm trên đã thu lợi bất chính số tiền hơn 400 triệu đồng.

Công an xác định, khi người vay chậm trả tiền hoặc không có khả năng trả, nhóm đối tượng trên tính lãi và gốc theo ngày, đến tận nhà đe dọa, chửi bới, thậm chí ném chất bẩn vào nhà người vay gây mất an ninh trật tự. Nhiều người đã phải bỏ nhà để trốn nợ.

Những câu chuyện thực tế cho thấy, hình thức vay lãi kiểu “bốc họ” đang ngày một nở rộ, đem đến nhiều hệ lụy, cho cả con nợ và chủ họ.

Núp bóng “hỗ trợ tài chính”

“Bốc bát họ” không phải là một khái niệm mới. Nó đơn giản là hình thức cho vay lãi trả dần theo ngày. Tuy vậy trên thực tế, nó vẫn thường bị nhầm lẫn với kiểu tiết kiệm theo nhóm có tên là chơi họ (còn gọi là chơi phường, hội, hụi...).

Lợi thế của bốc bát họ là thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, không cần thế chấp giấy tờ hay tài sản nhưng đổi lại cho những giản tiện ấy chính là lãi suất rất cao, “cắt phế” ngay trên số tiền vay.

Theo quy định ngầm, vay một "bát họ” 20 triệu thì người vay chỉ thực nhận được 16 triệu. 4 triệu tiền lãi đã được “cắt nóng” luôn và ngay. Trong 50 ngày tiếp theo, mỗi ngày người vay phải trả đủ 400 nghìn đồng để hoàn trả đủ 20 triệu ban đầu.

Tôi đi bốc bát họ: Lạc giữa ma trận hỗ trợ tài chính-4

Lãi suất “cắt cổ” như vậy, nhưng sở dĩ vẫn rất nhiều người tìm đến dịch vụ “bốc bát họ” bởi tính cơ động. Đây chính là “phao cứu sinh” cho rất nhiều trường hợp cần kíp: Sinh viên cần tiền đóng học, chơi game, dân chơi thiếu tiền đi "bay" thậm chí là cả những cô gái trẻ cần tiền gấp tút tát nhan sắc trước khi quyết định bước chân vào chốn giang hồ...

Theo khảo sát của nhóm PV Báo Lao Động, tại Hà Nội, từ ngã tư đường, cổng trường học, thậm chí là bảng tin của khu phố cũng có thể trở thành nơi quảng cáo cho hình thức bốc bát họ dưới cái mác mĩ miều: “hỗ trợ tài chính”. Nhưng chỉ cần một cuộc gọi, bộ mặt tín dụng đen theo kiểu “bốc họ” sẽ hiện nguyên hình.

Chúng tôi gọi ngẫu nhiên 10 số điện thoại nhận "hỗ trợ tài chính" thì có tới 7 cuộc gọi kết nối đến những chủ họ (người cho vay theo hình thức bốc bát họ).

Tất cả các cuộc gọi đều cùng chung một kịch bản: Chủ họ sẽ yêu cầu khách hàng bắt buộc phải có sổ hộ khẩu chính chủ Hà Nội và trình ra được giấy tờ tùy thân như CMND, thẻ sinh viên hoặc bằng lái xe. Sau đó sẽ là thủ tục dò la về người thân và nghề nghiệp hiện tại.

Sau khi chốt số tiền vay và lãi suất (thường lên tới 20%/tháng), chủ họ cho người về tận địa chỉ mà khách khai báo để xác minh thông tin. Chỉ khi tất cả đã chắc chắn, tiền mới được xuất và con nợ chính thức bước vào những ngày tháng oằn mình trả lãi.

T.N - một người em của chúng tôi hiện là sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Từng tham gia hình thức vay tiền nóng theo kiểu bốc họ, do không đủ khả năng trả lãi đều đặn, N đã nếm trải những tháng ngày sống không bằng chết, tột cùng kinh hãi vì liên tục bị đe đọa, khủng bố.

Phải mất nhiều thuyết phục, N mới đồng ý dẫn chúng tôi tìm đến những địa chỉ cho vay họ với mục đích khắc họa lại sự thật kinh hoàng bên trong những hang ổ “hỗ trợ tài chính” trá hình.

Theo chân T.N, PV đã tận thấy tất cả. Những thỏa thuận ngầm, lãi suất kinh hoàng, những màn truy đuổi con nợ rùng rợn... dần dần lộ sáng.

(Còn tiếp)

Theo Lao động


hỗ trợ tài chính

bốc bát họ

con nợ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.