TP.HCM tổ chức countdown không khán giả dịp Tết Dương lịch

Toàn bộ chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.

Chiều 30/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM (Ban Chỉ đạo) họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo, tính đến 29/12, TP.HCM đã tiêm được 250.364 mũi vaccine bổ sung và 733.718 mũi vaccine nhắc lại. Trong tuần qua, số ca nhập viện có xu hướng đi ngang và thấp hơn số ca xuất viện. Tương tự, số bệnh nhân thở máy và số ca tử vong diễn biến ổn định.

TP.HCM tổ chức countdown không khán giả dịp Tết Dương lịch-1Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM (TTTT), cho biết Phó chủ tịch Dương Anh Đức vừa kết luận thống nhất tổ chức chương trình countdown trong Tết Dương lịch 2022 tại một điểm duy nhất là trên đường Nguyễn Huệ (trước tòa nhà Sunwah) và không tổ chức trên đường Lê Duẩn như thường niên.

Hoạt động sẽ diễn ra từ 22h ngày 31/12 đến 0h10 ngày 1/1/2022.

“Phương thức là không mời khán giả, đại biểu. Toàn bộ chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, các trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Đây là lần đầu tiên TP.HCM chương trình đếm ngược không có khán giả”, ông Từ Lương cho hay.

Sở Y tế TP.HCM nói gì về đề xuất quán karaoke phải đảm bảo 4 m2/khách?
Để karaoke, quán bar, vũ trường… hoạt động trở lại, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM (VHTT) mới đây có đề xuất một trong những điều kiện hoạt động là đảm bảo 4 m2 trở lên/khách. Zing đặt câu hỏi theo quan điểm của Sở Y tế, khoảng cách này có cần thiết không?

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế, cho biết ngày 15/10, Ban Chỉ đạo ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 với cơ sở kinh doanh karaoke, khiêu vũ, trò chơi điện tử… với 10 tiêu chí thành phần. Trong đó, tiêu chí số 4 là số khách đảm bảo đủ điều kiện 4 m2/khách (không bao gồm công trình phụ).

“Đến nay, căn cứ vào tình hình dịch bệnh của thành phố, các ngành nghề vừa nêu tên chưa được thành phố cho phép mở lại. Thành phố đang trong quá trình theo dõi sát, đặc biệt theo dõi biến chủng mới Omicron để đảm bảo sức khỏe cho người dân”, bà Mai thông tin.

Tại sao Sở GDĐT chỉ đề xuất lớp 7, 8, 10, 11 đến trường từ 3/1?
Cơ sở để Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (GDĐT) đưa ra đề xuất với UBND TP.HCM về kế hoạch cho học sinh học trở lại từ 3/1?

Trả lời câu hỏi của Zing, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP.HCM, cho biết Sở dựa trên rất nhiều tiêu chí, có thể điểm một số nội dung cơ bản.

Thứ nhất là dựa trên kết quả thí điểm 2 tuần dạy học trực tiếp với học sinh lớp 9, 12. “Đây là khoảng thời gian quý giá để nhà trường thực hiện các điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 trong nhà trường. Các trường đã có kinh nghiệm và xử lý tình huống F0 xuất hiện”, ông Trọng nói.

Cơ sở thứ 2 là học sinh lớp 7, 8, 10, 11 thuộc nhóm học sinh lớn, có ý thức, kỹ năng thực hiện phòng, chống dịch tốt. Đây cũng là nhóm đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Về các khối lớp cấp 1, dựa trên cơ sở vừa nêu, Sở đang cân nhắc và sẽ căn cứ theo tình hình dịch bệnh thời gian tới để có báo cáo, tham mưu cho UBND TP.HCM.

Về tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh học sinh, ông Trọng cho biết qua kết quả khảo sát từ quận, huyện thì số lượng phụ huynh đồng ý cho học sinh lớp 7, 8, 10, 11 đến trường dao động từ 60% đến 80%.

TP.HCM sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ 3-11 tuổi
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết thành phố từng đề xuất tiêm vaccine cho trẻ 3-11 tuổi và Bộ Y tế đã ra văn bản chỉ đạo rà soát lập danh sách, lên kế hoạch tiêm cho trẻ nhóm tuổi này trong năm 2022. TP.HCM cũng đã chuẩn bị, chỉ chờ Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch, hướng dẫn triển khai.

Ông Tâm thông tin thêm TP.HCM hiện còn 464.000 liều vaccine và trung bình mỗi ngày tiêm không đến 100.000 liều vaccine. Trong ngày mai, TP.HCM sẽ nhận thêm 200.000 liều vaccine và sắp tới có kế hoạch nhận thêm 1 triệu liều.

“Nếu thiếu vaccine thành phố sẽ báo cáo ngay, hiện có thể yên tâm”, đại diện HCDC cho hay.

Về chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết đến nay, thành phố ghi nhận 634.612 người thuộc nhóm nguy cơ; trong đó 24.477 người, chiếm 3,9%, chưa được tiêm mũi vaccine nào.

Đến nay, 10.451 trường hợp đã được tiêm mũi 1, chiếm 42,7%. Các đơn vị đang tiếp tục hoàn thành việc tiêm vaccine mũi 1 cho nhóm này và tiếp tục tiêm mũi 2, mũi bổ sung, mũi nhắc lại.

Không còn thiếu oxy y tế
Về tình hình cung cấp oxy tại các đơn vị, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết hiện trên địa bàn thành phố có 11 đơn vị cung cấp oxy, 4 đơn vị có sản xuất còn 7 đơn vị kinh doanh cung cấp. Tổng lượng oxy lỏng cung cấp cho TP.HCM khoảng 150 tấn/ngày.

“Nhu cầu oxy lỏng với các cơ sở điều trị theo báo cáo cách đây 2 tuần là 166 tấn/ngày. Thời điểm đó, F0 có chiều hướng tăng lên và các đơn vị có báo cáo kêu oxy hơi khó”, Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết.

Theo bà Mai, thời kỳ đỉnh dịch, oxy cung cấp cho TP.HCM ước chừng 300-350 tấn/ngày và kéo dài suốt 2 tuần. Nhưng đó là thời điểm tất cả cơ sở sản xuất để tập trung sản xuất oxy nên không thiếu. Nhưng giai đoạn hiện nay, các đơn vị quay trở lại sản xuất thông thường nên nguồn cung cấp giảm đi. Giai đoạn 2 tuần kể từ 1/10, một số cơ sở tương đối thiếu do F0 tăng lên.

Trước tình hình đó, Chính phủ chỉ đạo với các ngành, đặc biệt là ngành thép, để ưu tiên sản xuất oxy y tế phục vụ cả nước và TP.HCM. Đáp ứng yêu cầu này, các công ty đã triển khai như chỉ đạo. UBND TP.HCM cũng có công văn gửi các đơn vị trực thuộc để vừa hướng dẫn, nhắc nhở sử dụng có hiệu quả oxy.

Số F0 giảm nhanh thời gian qua dẫn đến số ca chuyển nặng giảm và nhu cầu oxy cũng giảm.

“Hiện, trong các group zalo để điều phối oxy, chúng tôi thấy bệnh viện thông tin là không thiếu. Như vậy cũng tạm thời yên tâm. Thời gian tới ngành y tế và toàn dân kiểm soát tốt ca nhiễm, không có đột biến trong sử dụng oxy và thuốc thì sẽ kiểm soát tốt”, bà Mai nhận định.

Hà Nội phát hiện Omicron, TP.HCM sẵn sàng ứng phó
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết sau khi Hà Nội phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron, TP.HCM đã khẩn trương họp với các đơn vị. Tinh thần là nắm bắt, phát hiện từ xa trường hợp người nước ngoài vào trong nước.

Riêng với cộng đồng, hiện nay, các cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở dự phòng, đã được kích hoạt. Các đơn vị sẽ tầm soát, nếu có bất thường (như số ca F0 tăng, ca tử vong tăng) thì sẽ xét nghiệm PCR và giải mã trình tự gene.

Về vấn đề chi trả hỗ trợ cho nhân viên y tế, bà Mai cho biết thời gian qua việc này có 2 nguồn. Bình thường là lương cơ bản do bệnh viện trả và có thêm phụ cấp chống dịch. Một nguồn khác là chi một lần mà TP.HCM gửi tặng tất cả người tham gia hỗ trợ trong đợt dịch, tùy mức độ đóng góp, tiếp xúc.

Đến nay, gần như tất cả cơ sở y tế và UBND quận/huyện đã hoàn thành, còn một vài đơn vị chi trả chậm trễ. Sở Y tế đã kiểm tra và phát hiện như kế toán trưởng thành F0, phải cách ly nên công tác chi trả đình trệ. Sở đã tháo gỡ vấn đề này.

TP.HCM tổ chức countdown không khán giả dịp Tết Dương lịch-2

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/tphcm-to-chuc-countdown-khong-khan-gia-dip-tet-duong-lich-post1286577.html?fbclid=IwAR222kDqOyidEq7R3ucSFqjlHb3uh6nqlDzepjw8YhY4lkRPvtBCBzM4Zzg

Tết dương lịch


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.