Tràn lan hội nhóm vỡ nợ làm liều, xúi giục tự tử... trên mạng xã hội

Ngày càng nhiều những hội nhóm với hàng nghìn thành viên, lan truyền những nội dung phản cảm, tiêu cực, kích động, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nguy hại hội nhóm xúi giục tự tử trên mạng

Số lượng hội, nhóm trên các mạng xã hội có dấu hiệu gia tăng. Bên cạnh những hội nhóm chung sở thích, mối quan tâm như hội phụ huynh, hội học sinh, câu lạc bộ hâm mộ nghệ sỹ, thần tượng….thì xuất hiện cả những hội nhóm kỳ dị, tiêu cực như: Hội những người vỡ nợ muốn làm liều, Hội Báo chốt 141, Hội hướng dẫn cách bùng nợ vay qua app, Hội những người muốn tự tử, Hội người thứ 3, Hội ghét cha mẹ, Hội đi bụi, Hội lô đề. Điều đáng lo ngại, các hội nhóm này hoạt động rầm rộ, lôi kéo rất đông người tương tác, thậm chí còn có cả những hội nhóm rủ nhau tìm cách kết thúc cuộc đời…

Hội những người tìm cách tự tử không đau, Hội tâm sự của những người muốn tự tử hay Hội những người bị rối loạn, trầm cảm, lo âu… thu hút hàng nghìn đến hàng chục nghìn người tham gia.

Tràn lan hội nhóm vỡ nợ làm liều, xúi giục tự tử... trên mạng xã hội-1Tràn lan hội nhóm vỡ nợ làm liều, xúi giục tự tử... trên mạng xã hội-2Tràn lan hội nhóm vỡ nợ làm liều, xúi giục tự tử... trên mạng xã hội-3

Một thanh niên buồn chán vì tốt nghiệp đại học, ra trường đã lâu mà không kiếm được việc làm, anh lên mạng tìm kiếm những người có cùng tâm trạng để trút bầu tâm sự.

Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một điểm chung dễ thấy là thay vì động viên, giúp đỡ nhau vực dậy tinh thần, thoát khỏi khó khăn, rất nhiều thành viên tham gia dưới dạng tài khoản ẩn danh lại chỉ đề cập đến các vấn đề tiêu cực, thậm chí là rủ rê, xúi giục nhau tìm cách tự tử. Rất nguy hiểm khi không ít thành viên còn sẵn sàng công khai chia sẻ những thiết bị như chất độc, súng, đạn, dây thừng… để tự sát.

Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, tội phạm bạo lực, bao gồm cả những vụ giết người cướp của trong nhóm vị thành niên tăng, xuất hiện cả ở cả thành thị và nông thôn, một phần lý do là ở những hội nhóm rủ rê vi phạm pháp luật. Hội nhóm là ảo nhưng hệ lụy là thật.

Những băng cướp ngân hàng quen nhau qua hội nhóm "vỡ nợ, làm liều"

Những ngày cuối tháng 11 vừa qua, dư luận xã hội rúng động trước vụ cướp của, giết bảo vệ của 2 đối tượng tại ngân hàng BIDV ở Đà Nẵng. Có một chi tiết đáng quan tâm: 2 kẻ cướp, một sống tại Quảng Nam, một sống tại Đà Nẵng, quen nhau qua một hội nhóm "vỡ nợ, làm liều", lên kế hoạch qua mạng xã hội và đặt sào huyệt trên đèo Hải Vân rồi thực hiện vụ cướp.

Tràn lan hội nhóm vỡ nợ làm liều, xúi giục tự tử... trên mạng xã hội-4

Hình ảnh 2 đối tượng tại thời điểm cướp ngân hàng

Ngay trước đó, Công an TP Hồ Chí Minh bắt khẩn cấp nhóm đối tượng cướp Phòng giao dịch Nhị Xuân - ngân hàng Sacombank. Các đối tượng quen nhau qua nhóm facebook "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều", không biết lai lịch nhau, dùng tên giả để bảo mật, bàn nhau mua súng trên mạng xã hội để đi cướp, rồi sau khi gây án sẽ ra nước ngoài lẩn trốn.

Vì không có quan hệ thân thích, chỉ thông qua mạng xã hội quen biết nhau nên đã gây khó khăn cho cơ quan công an khi truy bắt. Tuy nhiên, cuối cùng, tất cả bọn chúng vẫn sa lưới pháp luật.

Một đối tượng khác mới chỉ học hết lớp 8, là thủ phạm của một vụ án nghiêm trọng. Ý đồ xấu nảy sinh sau khi tham gia một nhóm thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trên mạng xã hội. Những hội nhóm kín tương tự tồn tại nhan nhản trên mạng xã hội, rủ rê nhau tham gia các hành vi vi phạm pháp luật như đánh nhau, cờ bạc, đua xe, chơi ma túy. Trong đó có nhiều người tham gia dưới 16 tuổi.

Chọn bạn mà chơi - Chọn hội mà vào

Theo quy định của pháp luật, muốn thành lập hội nhóm phải đáp ứng những điều kiện nhất định như: có tôn chỉ mục đích, có quy chế điều lệ rõ ràng, có trụ sở giao dịch... rồi cần các thủ tục cấp phép của cơ quan chức năng thì mới được hoạt động.

Tuy nhiên, trên không gian mạng, việc quản lý, giám sát khó khăn phức tạp hơn nhiều. Vì thế chính phủ đã có các nghị định riêng, gần đây nhất là Nghị định 15/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện đã quy định rất rõ.

Hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Hành vi đăng tải lên mạng xã hội những thông tin tiêu cực, bày cách hay rủ nhau tự tử đều bị coi là phạm pháp, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10-20 triệu đồng.

Tràn lan hội nhóm vỡ nợ làm liều, xúi giục tự tử... trên mạng xã hội-5Tràn lan hội nhóm vỡ nợ làm liều, xúi giục tự tử... trên mạng xã hội-6

Những hành vi kích động dụ dỗ, xúi giục người khác tự sát hoặc tạo điều kiện về vật chất hoặc tinh thần để người khác tự sát thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt có thể đến 3 năm tù. Trường hợp khiến 2 người tự sát trở lên có thể bị xử từ 2-7 năm tù. Và những admin - thành viên quản lý hội nhóm biết rõ nội dung nhưng vẫn để các đối tượng bàn luận, chia sẻ những nội dung vi phạm pháp luật, khi cơ quan quản lý xác định vi phạm cũng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Tràn lan hội nhóm vỡ nợ làm liều, xúi giục tự tử... trên mạng xã hội-7Tràn lan hội nhóm vỡ nợ làm liều, xúi giục tự tử... trên mạng xã hội-8

Tâm lý đám đông của hàng ngàn người trong các hội nhóm khiến sự bi quan, tiêu cực của người này rất dễ lây lan sang người khác, hình thành lên một cộng đồng trong hội nhóm có cái nhìn đen tối về cuộc sống. Ông bà ta có câu "Chọn bạn mà chơi" và với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều người giờ cho rằng cần có thêm câu " Chọn hội mà vào ". Bởi đằng sau mục đích muốn tìm kiếm những người cùng chia sẻ, có thể những người lập ra các hội nhóm này còn có mục đích trục lợi.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

 

Theo VTV.vn

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtv.vn/xa-hoi/tran-lan-hoi-nhom-vo-no-lam-lieu-xui-giuc-tu-tu-tren-mang-xa-hoi-20231208232931928.htm

vỡ nợ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.