Trâu thủng mắt, gãy sừng, tục chọi tàn ác quá

Những chú trâu bị húc gãy sừng, thủng mắt trong tiếng reo hò của đám đông là hình ảnh tàn nhẫn và là bằng chứng ngược đãi động vật; đừng mở các lễ hội chọi trâu nữa.

Mặc dù là sinh hoạt văn hóa dân gian có truyền thống mấy trăm năm, thời gian gần đây lễ hội chọi trâu luôn đi cùng với những tranh cãi về việc nên dừng hay tiếp tục tổ chức. Trong đó, ý kiến phản đối hoạt động này do tính bạo lực và tàn ác đối với động vật ngày càng chiếm ưu thế.

Chọi trâu thực chất là một hình thức đối kháng tàn nhẫn giữa những con trâu vốn dĩ hiền lành. Những con trâu ưu tú nhất được chọn lọc, nuôi dưỡng, chăm sóc theo chế độ đặc biệt, nhưng chúng không hề là con vật may mắn. Sự “bồi dưỡng” đó là để chuẩn bị cho hành trình đi tới nỗi đau và cái chết của chúng.

Trâu chọi bị huấn luyện, bị kích thích để tử chiến với đồng loại. Bước vào sân đấu, chúng buộc phải lao vào nhau trong trạng thái hung hãn cao độ, chọi nhau kịch liệt đến một mất một còn, chịu thương tích hoặc chết chóc. Dù thắng hay thua, tất cả trâu chọi đều bị giết ngay sau đó, xưa là để hiến tế thần linh, nay là để xẻ thịt bán cho những người muốn lấy may.

Trâu thủng mắt, gãy sừng, tục chọi tàn ác quá-1

(Ảnh: Phan Tuấn/An ninh Hải Phòng)

Lễ hội này đem lại sự giải trí cho những người thích xem các màn kịch chiến, đem lại lợi ích kinh tế cho người bán thịt và sự hài lòng cho những ai muốn cầu may khi mua thịt. Còn những chú trâu tội nghiệp thì mất đi tính mạng sau khi đã chịu bao đau đớn.

Sự thật ấy khiến tôi không thể cảm nhận được vẻ đẹp của lễ hội truyền thống này. Có lẽ rất nhiều người khác cũng như tôi, điều đó giải thích vì sao ngày càng nhiều người lên tiếng đề nghị xóa bỏ chọi trâu khỏi danh sách lễ hội được phép tổ chức, giống như việc xóa bỏ lễ hội chém lợn, đâm trâu một số năm về trước.

Nét đẹp văn hóa và tinh thần nhân văn là điều mà con người thời đại văn minh mong mỏi cảm nhận được từ các lễ hội. Nhưng các cuộc chọi trâu mang đậm tính bạo lực. Con người hò reo khi xem những màn chọi kịch tính, khốc liệt nhất, đó là niềm vui xuất phát từ bạo lực, loại niềm vui kém lành mạnh nếu không nói là độc hại.

Tiếng reo phấn khích của đám đông trước những chú trâu bị húc gãy sừng, thủng bụng, thủng mắt… cũng cho thấy sự nhẫn tâm của con người chúng ta. Mải vui, rất nhiều người đã không nhận ra những con vật tội nghiệp đang bị đối xử rất tàn ác. Chúng ta luôn coi con trâu hiền lành là bạn của nhà nông, của con người. Đối xử với bạn bè như vậy, chẳng phải là giả dối và phản bội hay sao!

Xã hội có trình độ văn minh càng cao thì càng coi trọng việc bảo vệ động vật, tôn trọng chúng và giúp chúng tránh tối đa những tổn thương, đau đớn không cần thiết. Đó cũng chính là biểu hiện của lòng từ bi. Lễ hội nên là không gian văn hóa để kết nối cộng đồng, bảo tồn những giá trị nhân văn, chứ không phải là nơi con người chiêm ngưỡng cảnh động vật tàn sát lẫn nhau như một trò giải trí.

Nhiều người viện cớ lễ hội chọi trâu là bản sắc văn hóa, là truyền thống do cha ông truyền lại nên cần được bảo tồn. Tuy nhiên, không phải cái gì lâu đời cũng có giá trị. Những phong tục lạc hậu, những nghi thức có tính bạo lực đã và đang dần biến mất trong xã hội hiện đại, tại sao chúng ta phải cố chấp duy trì một hoạt động mang tính sát sinh và gây đau đớn cho động vật?

Nếu không muốn loại bỏ, hãy nghiêm túc xem xét, nghiên cứu việc điều chỉnh lễ hội chọi trâu, chẳng hạn như đua trâu như đề xuất của tác giả bài “Cần dừng lễ hội chọi trâu trên toàn quốc”. Văn hóa không có nghĩa là duy trì những gì cũ kỹ, mà phải là tổng hoà những giá trị tốt đẹp phù hợp với thời đại.

Theo VTC

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtcnews.vn/trau-thung-mat-gay-sung-tuc-choi-tan-ac-qua-ar926529.html

chọi trâu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.