Vì sao chưa đưa ra xét xử vụ nữ doanh nhân uống rượu bia gây tai nạn liên hoàn khiến 6 người thương vong ở Sài Gòn?

Dù nữ tài xế đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam nhưng vụ án vẫn chưa được cơ quan chức năng đưa ra truy tố, xét xử khiến nhiều người thắc mắc.

Nửa năm sau vụ nữ doanh nhân uống rượu bia lái BMW gây tai nạn liên hoàn ở Sài Gòn, dù nữ tài xế đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam nhưng vụ án vẫn chưa được cơ quan chức năng đưa ra truy tố, xét xử khiến nhiều người thắc mắc.

Vụ tai nạn giao thông ở ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) nửa năm về trước từng gây ám ảnh, bức xúc dư luận. Nguyên nhân được xác định là do bà Nguyễn Thị Nga (SN 1972, ngụ quận 12) điều khiển xe ô tô hiệu BMW đi hướng Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Sài Gòn, khi đến vòng xoay Hàng Xanh đã tông liên hoàn 5 xe máy đang dừng đèn đỏ. Sau đó tiếp tục lao thẳng vào một chiếc taxi rồi mới dừng lại.

Vì sao chưa đưa ra xét xử vụ nữ doanh nhân uống rượu bia gây tai nạn liên hoàn khiến 6 người thương vong ở Sài Gòn?-1
Hiện trường vụ tai nạn ở ngã tư Hàng Xanh.

Vụ tai nạn liên hoàn đã khiến 1 người tử vong và 5 người bị thương nghiêm trọng. Tại cơ quan công an, bà Nguyễn Thị Nga có biểu hiện say xỉn đến rạng sáng mới chịu cung cấp lời khai.

Đến chiều 24/10, Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam tài xế Nga về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo khoản 2, điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Từ đó đến nay vụ án vẫn chưa được đưa ra truy tố, xét xử khiến nhiều người thắc mắc.

Chịu nhiều mất mát nhất trong vụ tai nạn đêm 21/10 là gia đình của chị Nguyễn Thị Kim Phụng (39 tuổi). Vụ tai nạn đã khiến chị tử vong tại chỗ, chồng chị - anh H.H.Đ bị chấn thương nghiêm trọng, nhập viện trong tình trạng đa chấn thương (chấn thương sọ não, chấn thương cột sống và gãy xương bàn chân trái). Con gái của anh chị đang học lớp 10, trong phút chốc mất mẹ, bố nguy kịch, cô nữ sinh vẫn chưa đủ trưởng thành để đối diện với biến cố quá lớn của gia đình.

Vì sao chưa đưa ra xét xử vụ nữ doanh nhân uống rượu bia gây tai nạn liên hoàn khiến 6 người thương vong ở Sài Gòn?-2
Ông Nguyễn Văn Minh (59 tuổi) bên di ảnh của con gái - nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn kinh hoàng này.

Liên quan đến câu hỏi bao lâu thì một vụ án được khởi tố hình sự sẽ đưa ra xét xử, ngày 12/5 trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, từ hậu quả của vụ tai nạn cho thấy, trường hợp này có thể xác định là rất nghiêm trọng. Thời hạn điều tra ban đầu có thể là 4 tháng, sau đó được gia hạn 2 lần: Lần thứ nhất không quá 3 tháng, lần thứ 2 không quá 2 tháng.

Hết thời hạn trên, cơ quan điều tra phải ra kết luận điều tra và chuyển hồ sơ cho viện kiểm sát để truy tố. Vụ án có thể kéo dài đến khi xét xử là khoảng 12 tháng.

Vị luật sư cho biết thêm, thường một vụ án hình sự sẽ trải qua 3 bước. Cụ thể, sau khi khởi tố cơ quan điều tra có trách nhiệm thu thập đầy đủ các tình tiết, chứng cứ của vụ án để làm rõ hành vi có tội hay không có tội, nếu có tội thì là tội gì, tính chất mức độ ra sao, hậu quả ra sao... 

Từ đó kết luận điều tra là nghi phạm có tội hay không, nếu có thì phạm tội gì rồi đề nghị truy tố. Nếu cơ quan điều tra đề nghị truy tố thì hồ sơ sẽ chuyển sang viện kiểm sát để thực hiện giai đoạn thứ hai là giai đoạn truy tố. 

Trong trường hợp không đủ căn cứ để kết luận là có tội thì sẽ có quyết định đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ điều tra bị can đồng thời trả tự do cho bị can.

Vì sao chưa đưa ra xét xử vụ nữ doanh nhân uống rượu bia gây tai nạn liên hoàn khiến 6 người thương vong ở Sài Gòn?-3
Tài xế Nga thời điểm gây ra vụ tai nạn.

Thời hạn điều tra phụ thuộc vào vụ án đó là tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay tội đặc biệt nghiêm trọng. Tương ứng với đó là mức thì phạt dưới 3 năm tù, từ 3 năm đến 7 năm, từ 7 năm đến 15 năm, trên 15 năm.

Theo quy định tại điều 172 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì thời hạn điều tra được tính như sau: Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

Tiếp theo, giai đoạn thứ hai là giai đoạn truy tố. Giai đoạn này do viện kiểm sát cùng cấp thực hiện. 

Trong thời gian truy tố viện kiểm sát sẽ tiến hành phúc cung, kiểm tra lại toàn bộ các tài liệu chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập để đi đến kết luận là trả hồ sơ cho cơ quan điều tra làm lại, đình chỉ điều tra hoặc ra cáo trạng truy tố bị cáo để chuyển hồ sơ cho tòa án xét xử. 

Trong trường hợp viện kiểm sát Ban hành bản cáo trạng để truy tố đối với bị can thì viện kiểm sát sẽ chuyển hồ sơ cho tòa án cùng cấp để tòa án xét xử vụ án.

Thời gian truy tố của vụ án ít nghiêm trọng là và nghiêm trọng là 20 ngày, vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là 30 ngày.

Vì sao chưa đưa ra xét xử vụ nữ doanh nhân uống rượu bia gây tai nạn liên hoàn khiến 6 người thương vong ở Sài Gòn?-4
Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ với PV.

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn xét xử, giai đoạn này do tòa án thực hiện. Về nguyên tắc là phải có khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì mới có kết luận điều tra.

Phải có kết luận điều tra thì mới có thể có bản cáo trạng để truy tố. Phải có bản cáo trạng để truy tố thì tòa án mới có thể xét xử vụ án.

Trong quá trình tố tụng đó nếu không chứng minh được hành vi phạm tội của bị can thì phải đình chỉ vụ án để trả tự do cho nghi phạm đồng thời xem xét trách nhiệm của người có thẩm quyền.

Như vậy trong trường hợp này, vì vụ án được xem là nghiêm trọng nên dù có lệnh khởi tố nửa năm trước thì nay vẫn còn thời hạn điều tra trước khi mang ra xét xử.

Theo Trí thức trẻ


tai nạn liên hoàn

gây tai nạn

nữ doanh nhân


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.