Vì sao phải mang rắn độc đến bệnh viện sau khi bị cắn?

Việc mang theo con rắn đến bệnh viện hoặc miêu tả rõ đặc tính, hình dáng của nó giúp bác sĩ xác định được loại nọc độc và lựa chọn huyết thanh phù hợp để điều trị cho bệnh nhân.

Ngày 20/8, liên quan đến vụ người đàn ông 48 tuổi ở Tây Ninh được chuyển tới bệnh viện cấp cứu cùng con rắn hổ mang, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết hành động trên là rất cần thiết.

Theo bác sĩ Sang, sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần nhớ màu sắc, hình dạng con vật để giúp bác sĩ xác định loài bò sát và đánh giá độc tố. Trong trường hợp người đàn ông ở Tây Ninh mang con vật đến cơ sở y tế, việc này giúp bác sĩ nhanh chóng chỉ định loại huyết thanh phù hợp. Đồng thời, bác sĩ sẽ nắm được biến chứng có thể xảy ra để theo dõi, điều trị cho bệnh nhân.

Vì sao phải mang rắn độc đến bệnh viện sau khi bị cắn?-1
Người đàn ông ở Tây Ninh mang theo con rắn vào bệnh viện sau khi bị con vật cắn. Ảnh: H.P.


Bác sĩ Sang cho biết rắn hổ mang có nhiều loại, riêng rắn hổ chúa có kích thước rất lớn, độc tính cực mạnh. Khi nạn nhân bị rắn hổ cắn, lượng độc truyền vào người nhiều hơn những loại khác.

Trong trường hợp này, nếu người bệnh không được đưa đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời thì sẽ bị tổn thương dây thần kinh gây liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp dẫn đến tử vong.

“Nếu sau 24-48 giờ, bác sĩ xử lý thành công liệt cơ tứ chi và liệt cơ hô hấp, nọc độc vẫn có khả năng tấn công vào tế bào cơ tim, làm tổn thương, gây suy tim cấp”, bác sĩ Sang nói.

Bên cạnh đó, nọc độc tại vết cắn có thể làm viêm mô tế bào, gây sưng phù và lan ra xung quanh rất nhanh, tạo nên ổ nhiễm trùng.

Bác sĩ Sang khuyến cáo nếu người dân không may bị rắn cắn thì phải rời khỏi vùng nguy hiểm nhanh nhất có thể và hết sức bình tĩnh.

Vị trí bị rắn cắn cần được giữ bất động nhằm tránh nọc độc phát tán ra cơ thể. Sau đó, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu và có bước xử lý tiếp theo.

Trước đó, khoảng 7h30 ngày 19/8, ông P.V.T. đang làm vườn ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) thì phát hiện con rắn hổ mang.

Ông T. đuổi theo bắt thì bị rắn cắn vào đùi bên phải. Nạn nhân chụp được đầu con rắn, tự ga-rô và chạy ra đường nhờ người dân chuyển đi Bệnh viện đa khoa Tây Ninh cấp cứu.

Người nhà bệnh nhân cho biết con rắn hổ mang chúa dài khoảng 2,5 m và nặng 4,5 kg. Khi đến Bệnh viện đa khoa Tây Ninh cấp cứu, con rắn vẫn còn sống và quấn quanh khuỷu tay ông T.

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/vi-sao-phai-mang-ran-doc-den-benh-vien-sau-khi-bi-can-post1122167.html

rắn độc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.