"Vợ chồng cần nói lời yêu thương, tặng quà nhau trong các dịp quan trọng"

Theo đại biểu Quốc hội, đối với văn hóa tốt đẹp của các gia đình trên thế giới thì vợ chồng cần kính trọng nhau, nói với nhau lời yêu thương, tặng quà trong các dịp quan trọng…

Chiều 14/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

"Tổ ấm phải có bàn tay phụ nữ"

Nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) viện dẫn, theo điều tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) năm 2020 cho thấy, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng; 90,4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ. Theo ông, một trong những khó khăn trong việc áp dụng luật là việc xác định mức độ vi phạm nào là hành vi bạo lực gia đình

"Chính bản thân mỗi thành viên trong gia đình và người xung quanh cũng không hiểu rõ ranh giới giữa bạo lực gia đình và va chạm hàng ngày, cơ quan pháp luật cũng gặp khó khăn để xác định ranh giới vi phạm hình sự hay vi phạm hành chính", ông Cảnh cho hay.

Vợ chồng cần nói lời yêu thương, tặng quà nhau trong các dịp quan trọng-1


Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Ảnh: Quochoi.vn).

Qua tìm hiểu, đại biểu đoàn Bình Định cho biết, trên thế giới chỉ có hai Quốc gia có luật tương đối giống chúng ta là Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo ông, quyền, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong gia đình đã được quy định rõ trong luật dân sự, luật hôn nhân gia đình, luật bình đẳng giới, luật trẻ em, luật người cao tuổi. Nhưng vấn đề là làm sao để thực hiện các quyền và trách nhiệm đó.

"Mục đích của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình. Nhưng theo tôi, cái xã hội đang mong muốn nhiều hơn là làm sao để xây dựng các gia đình mới hạnh phúc, duy trì hạnh phúc gia đình đang có, hàn gắn các rạn nứt trong hôn nhân và cuối cùng mới là chữa lành các vết thương về thể xác và tinh thần của các thành viên trong gia đình đang có bạo lực trước khi hôn nhân đổ vỡ", ông Cảnh cho hay và đề nghị Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được mở rộng phạm vi. 

Theo đại biểu, nhiều người mong có được kinh tế như hiện nay nhưng văn hóa được như xưa. Mặc dù không phải ai cũng đang có kinh tế ổn định, đặc biệt là những người lao động phổ thông, nhưng mong muốn đó cho thấy phần nào văn hóa thời gian qua có chuyển biến theo hướng tiêu cực, trong đó có văn hóa gia đình.

Về kinh tế, chúng ta đều mong muốn đến năm 2030, nước ta có GDP bình quân đầu người 7.500 USD/năm, là nước phát triển với nhiều nhóm, ngành hàng mang thương hiệu quốc gia. Lúc đó, chúng ta sẽ xây dựng nhiều hơn các chính sách dành cho người yếu thế, người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau, kinh tế mỗi gia đình được đảm bảo.

Theo ông Cảnh, vấn đề khác cần quan tâm đó là văn hóa gia đình đến năm 2030 và sau đó như thế nào. Văn hóa gia đình cũng cần được định hướng phù hợp với văn hóa quốc gia đó là văn hóa gia đình cũng phải giữ gìn truyền thống tốt đẹp, tiếp thu có chọn lọc văn hóa tốt đẹp của thế giới và áp dụng lối sống văn minh.

Về giữ gìn truyền thống tốt đẹp, ông ví dụ: "Tổ ấm phải có bàn tay phụ nữ. Bình đẳng không phải là cố gắng để ngang tài ngang sức mà đảm bảo vai trò, cơ hội phát triển và được thụ hưởng như nhau về thành quả. Phụ nữ có lúc quên mất sức mạnh lớn nhất và theo mình cả đời đó là sự dịu dàng; đôi khi họ cố gắng thật nhiều để có các năng lực khác nhưng không bù lại được kết quả mà sự dịu dàng mang lại cho gia đình", ông cho hay.

Đối với văn minh thế giới, theo đại biểu, cần bỏ suy nghĩ trọng nam khinh nữ, phải có con trai nối dõi. 

"Việc có con duy trì nòi giống là bản năng sinh tồn, của các loài, trong đó có loài người. Tuy nhiên khoa học đã chứng minh trong gen của cháu nội hay cháu ngoại đều chứa hơn 20% thông tin di truyền của ông bà. Như vậy cháu nội hay cháu ngoài cũng đều duy trì nòi giống cho ông bà. Việc thờ cúng thì ngày nay con gái, con rể hay cháu ngoại vẫn thực hiện chu đáo, chưa kể phần đông con gái quan tâm, chăm sóc cha mẹ già tốt hơn con trai", ông cho hay.

Cũng theo đại biểu, đối với văn hóa tốt đẹp của các gia đình trên thế giới thì vợ chồng cần kính trọng lẫn nhau, nói với nhau lời yêu thương, tặng quà trong các dịp quan trọng, sống gần gũi, ăn mặc chỉnh tề, dành quyền ưu tiên, nhận lãnh trách nhiệm, hy sinh cho nhau, sống vững niềm tin, làm tròn bổn phận vợ chồng. 

"Cha mẹ nào cũng thương con nhưng người chồng tế nhị sẽ biết quan tâm vợ trước khi quan tâm con để tránh đôi lúc người vợ nghĩ chồng cưới mình về chỉ để sinh con, hay người vợ quan tâm chồng trước khi quan tâm con để người chồng nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm của mình đối với gia đình", đại biểu cho hay.

Tuy nhiên, phát biểu thảo luận tại hội trường về nội dung nói trên, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) lại cho rằng, không nên mở rộng phạm vi áp dụng của hành vi bạo lực gia đình.

Theo bà Hằng, phòng, chống bạo lực gia đình chỉ nên áp dụng trong phạm vi các quan hệ gia đình, không nên mở rộng đối với trường hợp đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng, trừ trường hợp được pháp luật công nhận hôn nhân thực tế. Nhất là đối với trường hợp người đã ly hôn thì không còn phát sinh quan hệ hôn nhân, nếu có hành vi bạo lực thì sẽ do pháp luật về lĩnh vực khác điều chỉnh.

Cần quy định rõ khái niệm "bạo lực gia đình"

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Vương Thị Hương tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành. 

Vợ chồng cần nói lời yêu thương, tặng quà nhau trong các dịp quan trọng-2Đại biểu Vương Thị Hương (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đề nghị quy định rõ chủ thể, đối tượng của khái niệm "bạo lực gia đình". Đại biểu cũng cho rằng, việc mở rộng đối tượng là rất phù hợp, đáp ứng kịp thời với tình hình thực tế. 

Về khái niệm bạo lực gia đình, đại biểu đề nghị bổ sung chủ thể, đối tượng gây bạo lực gia đình vào khái niệm, cụ thể: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình, gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình. 

 

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/vo-chong-can-noi-loi-yeu-thuong-tang-qua-nhau-trong-cac-dip-quan-trong-20220614161056983.htm

bạo lực gia đình


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.