Vụ hổ cắn đứt 2 tay người ở Bình Dương: Nuôi hổ để... nấu cao?

Chủ cơ sở nuôi hổ để bán thịt, nấu cao và không tuân thủ quy định an toàn nên để xảy ra những hậu quả.

Trong khi mục đích chính của việc nuôi nhốt hổ là để bảo tồn, duy trì loài động vật quý hiếm thì tại các cơ sở được cấp phép nuôi nhỏ lẻ ở Bình Dương lại vì mục đích kinh doanh, thu lợi bất chính. Chủ cơ sở nuôi hổ để bán thịt, nấu cao và không tuân thủ quy định an toàn nên để xảy ra những hậu quả.

Ðề nghị thu hồi giấy phép

Sau 5 ngày ông Võ Thành Qưới (SN 1970, quê An Giang) bị hổ cắn và lôi vào ăn 2 cánh tay lên đến phần vai, dư luận tại tỉnh Bình Dương vẫn chưa hết bàng hoàng. Trước đó, ông Qưới là nhân viên tại khu sinh thái Thanh Cảnh (phường Vĩnh Phú, TX. Thuận An) khi vịn tay vào song sắt nhìn hổ ăn thì bị hổ nuôi cắn đứt hai cánh tay. Ngay khi sự việc xảy ra, Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và phát hiện nhiều vi phạm tại cơ sở nuôi nhốt động vật quý hiếm này, cụ thể, chuồng trại nuôi hổ quá sơ sài, nhân viên chăm sóc không được đào tạo chuyên nghiệp, không có lối thoát hiểm nhanh nhất cho người.

Mặt khác, khu sinh thái Thanh Cảnh không đủ điều kiện để nuôi, bảo tồn hổ theo đúng mục đích, tiêu chuẩn đề ra. Do đó, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã gửi công văn đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương thu hồi giấy phép hoạt động nuôi nhốt hổ ở cơ sở Thanh Cảnh.

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên nhận định, cơ sở nuôi nhốt hổ Thanh Cảnh có dấu hiệu bất minh. Tại khu sinh thái Thanh Cảnh được cơ quan chức năng cấp phép nuôi thí điểm bảo tồn hổ từ năm 2007 nhưng năm 2011, người của cơ sở này bị kết án về buôn bán hổ trái phép. Đến nay, cơ sở này lại để xảy ra việc nhân viên bị hổ cắn lìa 2 tay.

Các điểm nuôi nhốt hổ, trong đó có khu sinh thái Thanh Cảnh năm nào cũng duy trì số lượng chừng đó con, trong khi họ nuôi nhốt cả hổ cái và hổ đực. Hổ sinh dễ nên không thể 5 năm, 10 năm không sinh thêm. Vậy những con hổ con được sinh ra họ làm gì chúng? Trong khi cơ quan chức năng lại rất khó kiểm soát bởi hổ không được gắn chip, khi đến nơi thì chủ cơ sở giấu giếm làm sao biết được”, bà Hà đặt nghi vấn.

Trong khi đó, bà Ngô Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam cho PV báo Tiền Phong biết thêm, đối với động vật hoang dã dù được cấp phép nuôi, chủ cơ sở cũng không được tự quyết định chúng. Ví dụ, khi hổ có dấu hiệu bất thường thì chủ phải báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý. Trong trường hợp hổ chết, phải được tiêu hủy công khai chứ không được bán thịt hoặc nấu cao.

Vi phạm đã rõ

Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cho biết đã nhận được văn bản đề nghị thu hồi giấy phép nuôi hổ của khu sinh thái Thanh Cảnh từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên. Chi cục Kiểm lâm tỉnh này sẽ vận động để cơ sở Thanh Cảnh bàn giao hổ nếu có đơn vị nhận nuôi.

Phía Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cho biết thêm, từ năm 2000 đến năm 2003, khu sinh thái Thanh Cảnh mua 12 con hổ nhưng đều không rõ nguồn gốc. Vào năm 2003, bất ngờ 4 con hổ loại lớn ở cơ sở Thanh Cảnh lần lượt bị lén lút bán ra ngoài, thu lợi hàng tỷ đồng.

Có lần cơ sở Thanh Cảnh bán con hổ nặng 180kg với giá 2,3 triệu đồng/kg, thu về 414 triệu đồng. Sau đó, người mua bán lại con hổ cho Lê Văn Hùng với giá 2,4 triệu đồng/kg. Hùng tự nấu con hổ này thành 9,1kg cao hổ. Khi vụ việc bị bại lộ và bị bắt giữ, Hùng khai đã dùng cao hổ trị bệnh cho bản thân, chỉ giữ lại bộ da khô của con hổ làm kỷ niệm.

Nuôi và kinh doanh hổ bất hợp pháp ở cơ sở Thanh Cảnh chỉ bại lộ khi vào ngày 12/1/2006, Công an tỉnh Bình Dương phát hiện một nhóm người dùng taxi vận chuyển một con hổ chết (nặng hơn 150 kg). Nhóm người này khai mua hổ ở cơ sở Thanh Cảnh với giá hơn 365 triệu đồng. Sau khi công an vào cuộc điều tra mới phát hiện ra những ‘phi vụ’ bán hổ trái pháp luật xảy ra trước đó ở Thanh Cảnh. Năm 2011, chủ cơ sở là ông Huỳnh Văn Hai bị phạt 36 tháng tù, con trai ông Hai là Huỳnh Tấn Đạt cũng bị phạt 30 tháng tù về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Điều đáng nói là, khoảng thời gian này dù cơ sở Thanh Cảnh đang "dính án" kinh doanh hổ trái pháp luật và cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra làm rõ để xử lý những người liên quan, thì vào năm 2007 cơ sở này lại được cấp phép cho nuôi thí điểm 5 con hổ với mục đích bảo tồn?

Theo khảo sát của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, cả nước hiện còn 4 cơ sở nuôi nhốt tổng cộng hơn 30 con hổ không có nguồn gốc, không có xuất xứ rõ ràng. Trong đó, Thanh Cảnh (Bình Dương) có 5 con; Công ty Thái Bình Dương (Bình Dương) có 14 con (khảo sát vào tháng 6/2018); ông Nguyễn Khắc Thường ở Thái Nguyên có 6 con (4 con ban đầu và 2 con được đẻ ra, khảo sát tháng 2/2019); ông Nguyễn Mậu Chiến có 11 con (khảo sát tháng 6/2018).

Theo Tiền Phong


nấu cao

động vật quý hiếm

nuôi hổ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.