Tôi nhớ cái đêm đó trời mưa nhỏ. Không to lắm, nhưng đủ để ngoài hiên nghe lộp độp, dai dẳng. Con trai tôi – khi ấy đang học năm nhất đại học – bất ngờ gọi điện về. Giọng nó run run: “Bố mẹ ơi, con muốn xin nghỉ học một thời gian”.

Tôi và mẹ nó lặng người.

Nó học ngành Kiến trúc. Hồi thi đại học, nó chọn ngành đó rất chắc chắn, dù tôi từng khuyên nên suy nghĩ kỹ hơn. Tôi không phản đối, chỉ nói: “Ngành này áp lực, không phải cứ vẽ đẹp là học được đâu”. Nó chỉ cười: “Con học được, bố không phải lo đâu”.

Tôi nghĩ thôi, cứ để con tự quyết. 18 tuổi rồi, phải bắt đầu chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Vậy mà giờ đây, mới chỉ qua năm nhất, nó gọi điện về, giọng nghẹn lại:

– “Con mệt quá, bố mẹ ơi. Bạn bè ai cũng giỏi, deadline dí liên tục, đồ án nào cũng như một trận chiến. Con tưởng mình yêu ngành này. Nhưng càng học càng thấy mình không theo nổi. Con không có khả năng sắp xếp không gian, con lên ý tưởng chậm hơn bạn khác. Con làm cả tuần trời, thầy chỉ nói: “Không có tư duy kiến trúc”.

– “Ngày xưa bố nói đúng. Con bướng, không chịu nghe. Giờ con thấy nhục quá... Con không dám nhìn bố mẹ”.

Và rồi nó bật khóc.

Đứa con trai cao 1m8, từng đá bóng lăn xả, từng nói với tôi là: “Bố yên tâm, con ổn” – giờ đang ngồi trong ký túc xá, tay cầm điện thoại, vừa khóc vừa thừa nhận mình không đủ giỏi.

Tôi không giận, không thất vọng. Chỉ thấy thương. Và biết ơn – vì nó dám nói ra điều đó.

Nhân vật Otis Milburn

Tôi chợt nhớ lại một bộ phim từng xem, đó là phim Sex Education. Đây là bộ phim tôi xem sau khi đọc được những bài review tích cực và áp dụng được khá nhiều điều để dạy dỗ 2 đứa con của mình. 

Trong phim có một câu nói rất hay mà tôi nhớ mãi, thậm chí còn lấy sổ ra ghi chép lại vì quá hay. Đó là câu thoại của nhân vật tên Otis: “Tôi nghĩ, việc thừa nhận rằng bạn cảm thấy thất vọng vì một điều bạn mong muốn nhưng có thể sẽ không đạt được khiến bạn trở nên trung thực. Và việc thừa nhận điểm yếu của mình khiến bạn trở nên can đảm”.

Con tôi vừa làm được cả hai điều đó.

Nó dám nói ra điều mình đã từng tin tưởng nhưng giờ phải bỏ lại. Nó dám đối diện với nỗi xấu hổ khi không giỏi như mình tưởng. Nó dám thừa nhận điểm yếu, không chỉ trước bạn bè, mà trước chính bố mẹ – những người nó từng muốn chứng minh rằng “con làm được”.

Và tôi hiểu – cái khoảnh khắc đó, con tôi không yếu đuối. Nó đang can đảm hơn bao giờ hết.

Sáng hôm sau, tôi gọi lại cho con.

Tôi bảo: “Bố chưa từng mong con giỏi nhất. bố chỉ mong con biết mình đang ở đâu – và biết đi tiếp. Giờ con đang làm được điều đó rồi. Ngày xưa bố cũng từng chọn sai, cũng từng bướng như con. Nhưng bố mất rất nhiều thời gian mới dám thừa nhận. Con đã làm được điều mà người lớn cũng không dễ làm”.

Tôi nói tiếp: “Nên nếu con thấy mình không hợp, thì dừng lại là đúng. Không phải vì con yếu – mà vì con hiểu mình hơn. Và nếu con muốn học lại ngành khác, bố mẹ sẽ ở đây. Còn nếu con cần nghỉ ngơi một thời gian, bố mẹ vẫn ở đây”.

Nó im lặng vài giây. Rồi nói: “Con tưởng bố sẽ giận…”. Tôi cười: “Bố tự hào chứ. Vì con đang trưởng thành rồi”.

Bài học tôi rút ra – không chỉ cho con, mà cho chính mình

Tôi nghĩ lại những lần mình từng vấp ngã – chọn sai nghề, bị phản bội, làm ăn thất bại. Tôi giấu hết. Không khóc. Không than. Tự xem đó là bản lĩnh.

Nhưng bây giờ, khi thấy con trai mình dám nói ra: “Con không đủ giỏi. Con cần dừng lại”, tôi hiểu: Can đảm không phải là giỏi hơn người khác, mà là hiểu rõ bản thân mình. Trưởng thành không phải là không mắc sai lầm, mà là biết thừa nhận sai lầm và học cách bước tiếp.

Xã hội hay dạy tụi nhỏ phải “kiên trì đến cùng”, “vượt lên chính mình”. Nhưng ít ai nói rằng: Có lúc, mạnh mẽ là dám lùi lại. Có lúc, bản lĩnh là biết từ bỏ đúng lúc. Có lúc, lời xin lỗi là khởi đầu của sự trưởng thành.

Thừa nhận điểm yếu không làm con tôi nhỏ bé hơn trong mắt tôi. Ngược lại, nó khiến tôi tôn trọng con hơn. Bởi lúc con yếu nhất, nó không trốn tránh. Nó chọn đối mặt.

Giờ thì tôi hiểu: Làm cha không phải là người luôn giỏi giang để làm gương cho con. Mà là người đủ kiên nhẫn để đi cạnh con qua cả những lần vấp ngã – lặng lẽ, không phán xét, không thúc ép.

Và nếu có một điều tôi muốn con nhớ mãi, thì đó là:

Không ai giỏi tất cả mọi thứ. Không phải ai cũng đi đúng đường ngay lần đầu tiên. Nhưng nếu con luôn trung thực với bản thân, và đủ can đảm để nói ra những điều khó nói, thì dù con học ngành gì, làm nghề gì, sống ở đâu – con vẫn sẽ là một người trưởng thành đầy bản lĩnh.

Theo Người đưa tin