Trong một video đăng trên mạng xã hội, một người tên Ng. nói: “Loại thực phẩm độc hại hơn cả rượu, đường và mỡ… đang hiện diện trong bữa ăn mỗi gia đình mỗi ngày đó chính là dầu ăn tinh luyện hay dầu ăn thực vật”.

Người này cho rằng dầu ăn "độc hại" vì "chứa chất béo trans fat, omega-6 dư thừa có thể gây tăng viêm, và hexane độc cho hệ thần kinh, gan, thận".

Video này hiện đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, khiến nhiều người lo lắng, hoang mang.

Vậy thực hư các chất trên là gì, và dầu ăn có khả năng gây hại sức khỏe hay không?

Giải đáp từ chuyên gia

Liên quan đến thông tin này, TS.Nguyễn Hồng Vũ, Chuyên gia Sinh học phân tử trong Y học (đang làm việc tại Mỹ), khẳng định: “Những thông tin mà Ng. đưa ra, cho rằng dầu thực vật đang “đầu độc” người tiêu dùng, là không khoa học và không chính xác”.

Giải thích kỹ hơn về các chất mà Ng nhắc tới, TS.Vũ nói rằng chất béo trans fat là một loại chất béo không bão hoà, có khả năng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nếu tiêu thụ quá nhiều. Tuy nhiên, hầu hết các loại dầu ăn hiện nay không chứa trans fat hoặc chứa rất thấp (gần bằng 0%).

WHO khuyến cáo mức giới hạn sử dụng trans fat là dưới 1% tổng năng lượng hàng ngày (khoảng 2,2 gram với người trưởng thành tiêu thụ 2000 calo/ngày).

Xôn xao thông tin

Ảnh minh hoạ.

Với omega 6, đây là một acid béo không bão hoà đa – một chất thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được. Nó có vai trò trong phát triển tế bào, miễn dịch, chữa lành tổn thương ở giai đoạn đầu (tạo phản ứng viêm), và duy trì sức khoẻ của da, tóc, xương.

Nghiên cứu cho thấy omega-6 nên chiếm khoảng 4-5% tổng năng lượng hằng ngày, tương đương 10g/ngày với người tiêu thụ 2000 calo.

Việc nói rằng ăn dầu ăn hàng ngày gây thừa omega-6 là không thực tế, đặc biệt với người châu Á, TS.Vũ khẳng định.

Xôn xao thông tin

TS. Nguyễn Hồng Vũ, Chuyên gia Sinh học phân tử trong Y học (đang làm việc tại Mỹ)

Chất thứ 3 được Ng. nhắc tới là hexane - đây là một dung môi hữu cơ được sử dụng trong công nghiệp chiết xuất dầu từ các loại hạt như đậu nành, hướng dương, cải... Tuy nhiên, dầu sau khi ép sẽ trải qua các bước lọc, khử mùi, tinh luyện – trong đó hexane được loại bỏ bằng nhiệt (bay hơi). Lượng hexane còn sót lại trong dầu thành phẩm thường rất nhỏ, dưới ngưỡng an toàn theo quy định của Bộ Y tế và các tiêu chuẩn quốc tế (ví dụ như Codex, FAO/WHO), TS Vũ nói.

TS.Vũ khuyên: “Không cần phải quá lo lắng về tin đồn này. Khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội, người tiêu dùng cần tỉnh táo, đối chiếu lại với nguồn thông tin khoa học đáng tin cậy để tránh hoang mang, sợ hãi không cần thiết”.

Theo Người đưa tin