Ông Nguyễn Tử Quảng và BKAV của ông lao động tạo ra giá trị, cũng có thể xem là yêu nước rồi, nhưng chuyện khách hàng chọn BPhone liệu có liên quan gì đến chuyện yêu nước?
Có thể khẳng định rằng, sự kiện tập đoàn BKAV ra mắt Bphone là một sự kiện chấn động tuần qua. Đơn giản, sự công phá của nó trên các diễn đàn, với nhiều ý kiến thuộc hai phía đối nghịch nhau đủ cho thấy nó có sức hút nhường nào.
Và sức hút của sự kiện đó, nếu xem lại đoạn ghi hình buổi lễ ra mắt, có thể được lý giải bằng chính câu nói của ông chủ Bphone Nguyễn Tử Quảng: “Tôi yêu Việt nam”.
Đó là một câu nói cũ nhưng luôn mới. Nó cũ vì đã có quá nhiều thương hiệu sử dụng bài ái quốc để thúc đẩy sức mua của thị trường. Còn nó mới bởi vì thực tế thương hiệu Việt còn quá ít, nền sản xuất của Việt nam còn quá nghèo nàn, manh mún nên một sản phẩm ở trình độ cao được sản xuất bởi người Việt tất nhiên sẽ là cái mới, cái lạ đủ sức để người ta dám nói đến câu ‘dùng hàng Việt là yêu nước’.
Nhiều người đồng tình với quan điểm dùng hàng nội là yêu nước và quan điểm đó không hề sai. Người Nhật, ở giai đoạn khó khăn nhất của họ, cũng đã dùng lòng ái quốc làm điểm tựa cho sản xuất và tiêu thụ hàng nội.
Chính vì thế, khi một ai đó mỉa mai Nguyễn Tử Quảng rằng Steve Jobs không cần khẩu hiệu ái quốc để khuếch trương iPhone thì ý kiến đó thực sự chưa hợp lý.
Đơn giản, Việt nam không phải là Mỹ; môi trường kinh tế xã hội Việt nam không như của Mỹ và Nguyễn Tử Quảng chẳng ở tầm vóc của Steve Jobs. Khi đã khác xa nhau về điểm tựa so sánh, sự so sánh trở nên khập khiễng.
Nhưng câu hỏi đặt ra là Nguyễn Tử Quảng nói riêng và các nhà sản xuất nội địa nói chung có cần phải lên gân bằng hai chữ ái quốc hay không? Yêu nước không phải là quyền của riêng ai và yêu nước theo cách nào cũng là quyết định riêng của mỗi người.

Nguyễn Tử Quảng có yêu nước không? Câu hỏi này quá dễ để trả lời. Việc anh ta không ăn không ngồi rồi, việc anh ta vẫn miệt mài lao động vì một mục đích, một khát vọng, một lý tưởng và vẫn tự tạo ra giá trị để không ăn bám xã hội đã đủ để quyết định anh ta là người yêu nước rồi.
Và như thế, dù có bị chê bai là "Quảng nổ" hay "Quảng nguyên tử" đi nữa, Nguyễn Tử Quảng vẫn còn là người đáng được tôn trọng hơn chán vạn người đã và đang dè bỉu, chê bai anh ta mỗi ngày.
Song, vấn đề lại nằm ở chỗ, nếu Nguyễn Tử Quảng có cách yêu nước của riêng mình thì không nhất thiết phải dùng khẩu hiệu ái quốc để nhằm mục đích tạo điều kiện thành công cho sản phẩm mới ra mắt của mình.
Nói một cách khác, ý thức sử dụng hàng Việt là một cách thể hiện lòng ái quốc phải bắt nguồn từ sự tự nguyện của người tiêu dùng chứ không phải từ sự lên gân lạm dụng cảm xúc tập thể ấy của chính người mong đợi gặt hái thành công từ sự yêu nước của người khác.

Và vượt trên tất cả, làm kinh tế thì phải tôn trọng quy luật của thị trường. Đó là thị trường sẽ quyết định tất cả. Nếu anh có sản phẩm tốt; anh có phương thức bán hàng, quảng bá, marketing tốt đủ tạo dựng lòng tin trong cộng đồng người tiêu dùng, anh có khả năng lớn để thành công mà không cần đến việc ‘làm lớn chuyện’ thành một chủ nghĩa vốn dĩ thiêng liêng và luôn cần sự trân trọng.
Có nhiều tác phẩm nói về lòng yêu nước, về tình yêu với quê hương mà trong đó, có thể nói, tiêu biểu là “Tình Ca” của Phạm Duy và “Và tôi cũng yêu em” của Đức Huy. Xin mạn phép dùng chính một câu của nhạc sỹ Đức Huy để chốt lại câu chuyện cũ mà mới này. Đó là “tôi yêu những gì đến tự nhiên”, một câu dung dị nhưng nhiều ý nghĩa.
Vâng, hãy để người tiêu dùng yêu nước bằng một tình yêu đến một cách tự nhiên và những sản phẩm Việt hãy đến với người tiêu dùng Việt bằng một phương cách tự nhiên nhất. Từ đó, tình yêu mới thực sự đâm chồi, từ hai chiều, và tạo ra giá trị chân thực từ chính chủ nghĩa ái quốc.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Theo Hà Quang Minh (Depplus.vn/MASK)