Bạn thân của mẹ trở thành mẹ kế, cô gái nhận được tình yêu thương vô bờ

16 năm sống với mẹ kế, chị Bé Lem (SN 1994, quê Gia Lai) đã có cái nhìn khác biệt về mối quan hệ 'dì ghẻ - con chồng' vốn được cho là khó lòng hòa thuận này.

Biết ơn khi có thêm một người mẹ

Bạn thân của mẹ trở thành mẹ kế, cô gái nhận được tình yêu thương vô bờ-1

Mẹ kế trở thành người quan trọng trong cuộc đời Lem

Lem mất mẹ năm 13 tuổi. Cả bầu trời của chị như sụp đổ. Ông bà hai bên không còn, bố đi làm ăn xa, anh trai cả cưới vợ ở riêng, em trai út còn nhỏ.

Năm đó, bố Lem quyết định gửi con gái cho bà Hằng (SN 1969, quê Bình Định). Bà Hằng là bạn thân của mẹ Lem. Lem ban đầu phản đối nhưng rồi cũng đồng ý.

“Hồi đó, mình gọi mẹ là ‘cô’, xưng ‘con’. Mình về ở với mẹ, em trai chuyển đến chỗ anh trai, chị dâu. Bố đi làm ăn xa, cả năm về thăm mình đôi lần. Mẹ mình (bà Hằng -nv) lúc đó đã ly hôn nhiều năm, là mẹ đơn thân của một bé gái kém mình 4 tuổi”, Lem kể.

Bé Lem thừa nhận, thời gian đầu chị không có hảo cảm với mẹ kế, thậm chí còn tỏ ý chống đối. Chị sống thu mình, ít khi trò chuyện với ‘cô’ nhưng rất thân thiết với con gái riêng của bà.

Nhưng rồi sự quan tâm, tình yêu thương chân thành của bà Hằng đã thay đổi hoàn toàn mối quan hệ này. Lem được bà Hằng quan tâm, lo lắng từ bữa ăn đến giấc ngủ.

Bạn thân của mẹ trở thành mẹ kế, cô gái nhận được tình yêu thương vô bờ-2

Ở cùng bà Hằng, Lem được quan tâm, chăm sóc chu đáo

Sự quan tâm của bà Hằng khiến Lem cảm động. “Năm lớp 11, mình bị ốm nặng, sốt cao, phải nghỉ học 1 tuần. Mẹ thức canh mình cả ngày lẫn đêm, lau người giúp mình hạ sốt, cho mình uống thuốc, vắt nước cam cho uống, nấu cháo cho ăn... Cứ chút xíu, mẹ lại kiểm tra xem mình thế nào.

Hành động ấy khiến mình thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Mình xác định, đây là người mẹ thứ hai của mình, là người mà mình tôn trọng và yêu quý”, Lem kể.

Năm học cấp 3, khi biết Lem dùng điện thoại, bà Hằng lo chị sao nhãng học hành nên đã lén cất đi. Lem phản ứng, nói những lời khiến mẹ tổn thương. Bà Hằng không nói một lời, chỉ lặng lẽ rơi nước mắt. Lem sau đó chủ động nói lời xin lỗi.

Khi Lem tốt nghiệp cấp ba, bà Hằng chủ động đưa chị đi mua một chiếc điện thoại thông minh và nói “đã đến lúc con được dùng điện thoại”. Kỷ niệm ngọt ngào ấy đã theo Lem đến tận hôm nay.

Mối nhân duyên đẹp nhất cuộc đời

Năm 2011, bố chị Lem quyết định hỏi cưới bà Hằng. Đôi bên ra mắt họ hàng, làm vài mâm cơm ấm cúng và cứ thế nên duyên vợ chồng. Với Lem, đó là mối nhân duyên tốt đẹp nhất đời mình bởi kể từ ngày đó, chị có thêm một người mẹ.

 

Bạn thân của mẹ trở thành mẹ kế, cô gái nhận được tình yêu thương vô bờ-3

Bà Hằng hết lòng yêu thương, chăm sóc cháu ngoại

Năm 2012, khi Lem vào TPHCM học đại học, bà Hằng chuyển về Gia Lai.

Bà Hằng trước và sau khi trở thành mẹ kế của Lem không hề thay đổi, vẫn dành cho chị tình yêu thương vô bờ bến. Đối với hai người con trai của chồng, bà cũng bao dung như mẹ ruột.

“Mẹ chăm ba và em trai mình như chăm em bé vậy, lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Có năm em trai mình bị bệnh phải nhập viện điều trị. Em ở viện bao nhiêu ngày là bấy nhiêu ngày mẹ kề cạnh chăm nom. Ba con mình vẫn thường nói với nhau ‘nhà mình giờ không thể thiếu mẹ. Mẹ về quê mấy ngày là nhà cửa lộn xộn liền’”, Lem kể.

Bạn thân của mẹ trở thành mẹ kế, cô gái nhận được tình yêu thương vô bờ-4

Lem biết ơn cuộc đời đã cho mình người mẹ thứ hai

Năm 2019, Lem kết hôn. Bà Hằng mất ngủ mấy tháng trời vì lo đám cưới cho con. Lem thích trang trí lễ gia tiên trang trọng nhưng bị bố phản đối vì tốn kém. Bà Hằng thấy vậy, nhất quyết lo cho con đầy đủ vì “cả đời mới cưới 1 lần”.

Năm 2021, Lem sinh con đầu lòng. Bà Hằng một lần nữa trở thành chỗ dựa cho chị. Cả ngày sinh nở lẫn quãng thời gian ở cữ, Lem luôn có mẹ đồng hành, chăm sóc.

“Sau khi lấy chồng, mình vẫn ở gần nhà bố mẹ. Từ khi mình sinh con, ngày nào mẹ cũng dậy sớm đi chợ, nấu ăn cho mình, chiều chuộng mọi sở thích ăn uống của mình.

Mình ngán ăn thịt lợn, mẹ làm bò tái cho mình ăn. Mình thích ăn trứng luộc lòng đào, mẹ canh từng tí để trứng không chín kỹ,... Đêm khuya mẹ cũng nấu cho mình ăn vì sợ mình cho con bú bị đói”, Lem kể.

Nhiều năm qua, Lem không còn cảm giác cô đơn. Bởi lẽ, trong mỗi dấu mốc trọng đại của cuộc đời, chị đều có mẹ bên cạnh. Từng thấy bất hạnh khi mẹ đẻ mất sớm nhưng giờ Lem lại thấy may mắn khi cuộc đời bù đắp cho chị người mẹ kế tuyệt vời.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-than-cua-me-tro-thanh-me-ke-co-gai-nhan-duoc-tinh-yeu-thuong-vo-bo-2339401.html

đám cưới

mẹ kế


Cách làm mứt gừng ăn Tết, chống mệt mỏi hay say tàu xe
Mứt gừng không chỉ là món ăn ngày Tết mà còn hữu ích quanh năm vì có thể giúp bạn chống say xe, giảm buồn nôn khi tụt huyết áp..., cách làm mứt gừng không quá khó.
Quan niệm kiêng kỵ khi bát hương trên bàn thờ gia tiên bị xê dịch và cách xử lý
Bát hương là một trong những vật phẩm thờ cúng vô cùng quan trọng trên bàn thờ. Do đó, có quan niệm cho rằng xê dịch bát hương là một trong điều kiêng kỵ nhất trong thờ cúng. Điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến gia đạo.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.