Bi kịch hôn nhân “trả nợ trinh tiết”

Đêm tân hôn, anh gằn giọng với Huệ: “Tôi đã trả nợ xong cho cái trinh tiết của cô rồi đấy! Từ giờ hãy để tôi yên!”.

Huệ là một cô gái được giáo dục nghiêm khắc từ bé. Là thân con gái, cô luôn được mẹ dạy bảo: “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng, người con gái nào để mất trinh trước đám cưới là hư hỏng”.
 
Cô đem theo những tư tưởng đó lớn lên. Rồi Huệ có người yêu là Khang - một chàng trai ưa nhìn, chăm chỉ. Tình yêu đầu đời đầy say mê và tò mò, Huệ đã quên hết lời mẹ dặn, trao thân cho Khang.
 
Khang không phải kẻ Sở Khanh, anh yêu Huệ thật lòng và xác định sẽ cưới cô. Khi biết mình là người đầu tiên của cô, khỏi phải nói anh hạnh phúc và thấy mình may mắn thế nào.
 
Sau khi thất thân với Khang, Huệ nghiễm nhiên cho từ giờ mình đã là vợ của anh vì hai người đã làm “chuyện vợ chồng”. Cô cũng lo sợ vô cùng nếu Khang rời bỏ cô, vì sẽ không có người đàn ông nào còn muốn đứa con gái hư thân như cô nữa.
 
Tình yêu của 2 người rẽ sang một bước ngoặt mới kể từ khi đó. Huệ luôn kiểm soát gắt gao người yêu, ghen với mọi người phụ nữ xuất hiện bên cạnh anh và luôn nhai nhải nhắc lại cho Khang phải nhớ một điều: “Em đã trao hết cho anh rồi đấy!”.
 
Càng ngày, Khang càng cảm thấy mình không chịu đựng nổi thái độ của Huệ. Anh đã không dưới một lần đề nghị chia tay. Nhưng những lúc ấy Huệ lại khóc lóc van xin Khang đừng bỏ rơi mình. Thậm chí cô còn đòi chết. Và lần nào cô cũng mang lí do trinh tiết ra để buộc Khang không được chia tay, đòi hỏi anh phải có trách nhiệm với cuộc đời cô sau khi hưởng trọn cái ngàn vàng của đời người con gái.

Khang stress và chán nản vô cùng. Anh đã từng yêu Huệ thật lòng nhưng giờ đây, ở bên cô anh chỉ thấy mệt mỏi và bực bội. Nhất là gần đây cô lại thúc anh làm đám cưới. Anh do dự thì cô chì chiết: “Anh chiếm được trong trắng của tôi rồi, giờ tính bài xù phải không?”. 

Huệ còn đi rêu rao khắp với bạn bè, cơ quan và làng xóm Khang về việc anh “xơi” xong định quất ngựa truy phong. Anh lấy được trinh tiết con gái nhà người ta xong thì tính bài chuồn. Khang xấu hổ, uất hận. Anh đến phát khùng với cái gọi là trinh tiết ấy rồi.

Anh quyết định cưới. Đêm tân hôn, anh gằn giọng với Huệ: “Tôi đã trả nợ xong cho cái trinh tiết của cô rồi đấy! Từ giờ hãy để tôi yên!”. Nói rồi anh bỏ đi, mặc Huệ bơ vơ trong căn phòng cưới.

Những ngày sau đó, Khang coi Huệ như không khí. Chẳng bao giờ hỏi han cô một lời, mặc cô muốn làm gì thì làm. Dù Huệ hết lòng làm tốt bổn phận của người vợ, người con dâu nhưng Khang vẫn chẳng mảy may đoái hoài. Có lẽ tình yêu anh dành cho cô đã sớm chết yểu từ ngày nào, giờ chỉ còn sự khó chịu và khinh ghét.

Chưa đầy một năm sau, anh chìa đơn li dị ra trước mặt Huệ. Cô lại khóc lóc van xin anh tha thứ. Anh nhìn cô cười mỉa mai: “Tôi với cô giờ có gì ràng buộc? Con cái và tình cảm đều không. Còn cái trinh tiết của cô thì tôi đã dùng cuộc nhân này để trả nợ rồi. Thiết nghĩ cũng đã trả xong. Cô còn cố níu kéo thì chỉ thiệt cái thân cô thôi!”.

Sau gần một năm níu kéo, Huệ cũng không thể thay đổi được Khang. Không những thế anh còn đối xử với cô tệ hại hết mức có thể, để mong “rũ” được cô càng nhanh càng tốt.

Cuối cùng, khi quá bất lực và tuyệt vọng, Huệ đành kí vào đơn ly hôn, giải thoát cho Khang và cho chính mình khỏi bi kịch của cuộc hôn nhân “trả nợ trinh tiết”.
 
Bi kịch hôn nhân “trả nợ trinh tiết” 1
Quá bất lực và tuyệt vọng, Huệ đành kí vào đơn ly hôn, giải thoát cho Khang và cho chính mình khỏi bi kịch của cuộc hôn nhân “trả nợ trinh tiết” (Ảnh minh họa).


Thiêm cũng giống Khang, khi biết mình là người đàn ông đầu tiên của Tú, anh sung sướng vô cùng và càng trân trọng cô hơn. Nhưng mỗi khi 2 người cãi vã, giận dỗi nhau, Tú lại niệm thần chú: “Em đã trao hết cho anh rồi, sao anh lại đối xử với em như vậy?”.

Vài lần đầu Thiêm còn thấy áy náy và quay ra dỗ dành cô. Nhưng cô càng nhắc nhiều anh càng phản cảm. Tình yêu nào mà không có giận dỗi, mâu thuẫn nhưng chính thái độ của Tú, như kiểu anh đã lấy trinh tiết của cô thì anh phải chiều chuộng cô mọi thứ, chịu trách nhiệm với cuộc đời cô khiến Thiêm điên hết đầu.

Tình yêu của 2 người cứ thế nhạt nhẽo và rạn nứt dần. Cho đến một ngày, Thiêm kiên quyết nói lời chia tay thì Tú gào lên: “Anh cướp đi trinh tiết của tôi, giờ kiếm bài chuồn à? Trước nay tôi đối với anh thế nào? Anh có thể trả lại được trinh tiết cho tôi thì lúc ấy hãy nghĩ đến chuyện chia tay!”.

Tôi vay cô à mà phải trả? Thân cô, cô tự nguyện, giờ đòi ai? Cô xem, có cái của gì cho đi mà đòi lại được không?” - Thiêm bực tức nói.

Thấy thái độ khăng khăng của anh, Tú cũng chẳng vừa: “Anh sẽ phải hối hận! Anh không chịu trách nhiệm thì không yên với tôi đâu!”.

Tú đã không hiểu một điều, đàn ông một khi đã nói hết yêu, muốn chia tay là họ đã không còn tí cảm xúc nào, có níu kéo cũng chỉ đem lại bi kịch mà thôi. Nhưng cô quá uất ức khi nghĩ đến mình trao trinh tiết cho Thiêm mà cuối cùng anh lại đòi chia tay. Cô nghĩ, sau nà cô còn mặt mũi nào để yêu ai nữa. Chính vì thế, Tú tìm mọi cách để bắt ép Thiêm cưới mình, không từ cả việc làm um lên cho anh xấu mặt.

Thiêm vì sợ mang tiếng nên cực chẳng đã, đành làm đám cưới với Tú. Đêm tân hôn, Thiêm giội ngay cho cô một gáo nước lạnh: “Tôi không còn yêu cô nữa, thẳng thắn nói lời chia tay để cô có thể tìm cho mình hạnh phúc khác. Nhưng cô không muốn, muốn đòi nợ tôi thì tôi trả cho cô rồi đấy. Đừng hòng mong chờ tình yêu từ tôi nữa!”.

Trong cuộc hôn nhân miễn cưỡng để trả nợ trinh tiết này, cho dù Tú có cố gắng xây dựng thế nào thì cũng đều vô ích. Khi cô tròn phận vợ, phục tùng hết lòng thì Thiêm coi đó là lẽ đương nhiên. Còn nếu cô có gì sai sót thì Thiêm càng ngứa mắt và nhìn cô với toàn khuyết điểm. Mỗi khi Tú góp ý hay yêu cầu gì chồng thì Thiêm đều mỉa mai: “Tôi trả nợ trinh tiết cho cô rồi, cô còn đòi hỏi gì nữa hả?”.

Sẵn ghét và coi thường vợ, Thiêm nhanh chóng có bồ. Anh ta về đòi ly hôn nhưng Tú không chịu. Nhưng một khi người đàn ông đòi ly hôn mà vợ không chấp nhận thì chắc chắn một điều rằng họ sẽ có rất nhiều cách để làm vợ mệt mỏi, chán nản mà phải đồng ý.

Khi không thể chịu đựng hơn trước những chiêu trò hành hạ cả về thể xác và tinh thần của Thiêm, Tú kí vào đơn. Vậy là cuộc hôn nhân trả nợ trinh tiết của cô cuối cùng cũng tan vỡ, như lẽ tự nhiên nó phải vậy.

Theo Trí thức trẻ


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.