Chàng rể Tây được cả xóm mời cơm, chăm con nịnh mẹ vợ khéo ít người bằng

Lần đầu về nhà bạn gái, anh Nathan Ross Keers nhanh chóng ghi điểm với vẻ ngoài điển trai và thân thiện. Chàng rể Tây còn chủ động giao lưu nên được cả xóm yêu thích, mời cơm.

Quen 3 tháng, đề nghị có em bé

Mỗi khi nhắc đến chồng, chị Ngô Băng Khanh (SN 1991, quê Thanh Hóa) rất hạnh phúc và cảm thấy may mắn. Chồng chị là anh Nathan Ross Keers (SN 1991, quốc tịch Anh). 

Chàng rể Tây được cả xóm mời cơm, chăm con nịnh mẹ vợ khéo ít người bằng-1
Vợ chồng anh Nathan và 2 con trai

Vợ chồng chị Khanh sống và làm việc tại Hà Nội. Cả hai kết hôn hơn 6 năm, có với nhau 2 con trai. Hiện tại, hai người cùng quản lý một trung tâm dạy tiếng Anh và sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.

Trên kênh TikTok và Facebook cùng mang tên Hai Em Bé Lai, chị Khanh công khai cuộc sống gia đình một cách hài hước. Thông qua các clip, cộng đồng mạng biết nhiều hơn về hôn nhân vợ Việt - chồng Tây đầy thú vị.

Đặc biệt, anh Nathan Ross Keers có lượng khán giả yêu thích đông đảo. Mọi người nhận xét anh điển trai, hóm hỉnh và thương yêu vợ con. Không chỉ vậy, anh đối xử với nhà vợ rất tử tế.

Khoảng 6 năm trước, chị Khanh quen anh Nathan qua mạng và gặp nhau lần đầu tại beer club. Sau đó, anh mời chị về nhà chơi. Lời đề nghị của chàng trai mới quen khiến chị Khanh nghĩ anh có ý đồ xấu.

Bẵng đi một thời gian, hai người lại có dịp trò chuyện, giải tỏa khúc mắc và có cảm tình với nhau nhiều hơn. “Dù chỉ mới quen một thời gian ngắn nhưng tôi thấy anh đáng tin tưởng và yêu thương mình. 

Anh tự nguyện đưa lương cho tôi quản lý. Anh thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, mua đồ ăn sáng cho bạn gái… Ở anh, tôi nhận ra nhiều ưu điểm hơn khuyết điểm, phù hợp làm bạn đời với mình”, chị Khanh chia sẻ.

    Chàng rể Tây được cả xóm mời cơm, chăm con nịnh mẹ vợ khéo ít người bằng-2
Hôn nhân vợ Việt - chồng Tây nhiều tiếng cười và hạnh phúc

Khi anh Nathan đề nghị “có em bé”, chị Khanh có chút bất ngờ nhưng cũng muốn có cuộc sống gia đình ổn định.

Tuy nhiên, chị Khanh nói rõ, phong tục người Việt không cho phép người con gái có con trước đám cưới. Dù ngày nay phong tục này không còn khắt khe như trước, nhưng mẹ chị lại có nếp sống truyền thống.

Hai tháng sau, chị Khanh có em bé. Họ thông báo tin vui đến gia đình và gấp rút đăng ký kết hôn, tổ chức lễ cưới.

Đám cưới vợ chồng chị kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Hơn 10 người thân của anh Nathan vượt đường xa đến Thanh Hóa dự lễ cưới. Họ còn vui vẻ sắm sửa áo dài để mặc làm lễ.

Nịnh mẹ vợ, thích sống ở Việt Nam

Trước khi đến Việt Nam, anh Nathan cảm thấy cuộc sống ở quê nhà nhàm chán. Vì vậy, anh lên kế hoạch chuyển đến sống tại một nước châu Á.

Ban đầu, anh và em trai dự định sống ở Thái Lan. Tuy nhiên, sau 2 tuần du lịch ở Việt Nam, em trai của anh Nathan thay đổi kế hoạch. Chàng trai chọn gắn bó với Hà Nội, bởi cuộc sống ở đây “vui lắm”.

Sống và làm việc như người bản địa, anh Nathan có cơ hội hòa vào không khí nhộn nhịp, vui vẻ trong môi trường mới. 

Chàng rể Tây được cả xóm mời cơm, chăm con nịnh mẹ vợ khéo ít người bằng-3
Anh Nathan rất thích phong cảnh, tập tục của người Việt

“Anh ấy nói phong cảnh Việt Nam rất đẹp. Phong tục của người Việt cũng vô cùng thú vị. 

Chồng tôi muốn sống ở Việt Nam cho đến già. Khi qua đời, anh muốn tổ chức tang lễ theo phong tục của người Việt”, chị Khanh thuật lại tâm sự của chồng.

Lý giải cho mong muốn lạ lùng của chồng, chị Khanh kể: “Ngày ông tôi mất, anh có về viếng. Anh bảo đám tang người Việt trang trọng, quy mô và đong đầy cảm xúc. Vì thế, anh muốn lúc mình mất đi cũng được như thế”.

Bên cạnh những điều yêu thích, anh Nathan gặp không ít khó khăn. Thời gian đầu, anh Nathan bị dị ứng thời tiết, e ngại giao thông và đồ ăn ở Việt Nam. 

Lần đầu vào quán bún chả vỉa hè, anh nhìn miếng thịt nướng có bụi than, lo lắng không biết có nên ăn. Tuy nhiên, sau khi ăn thử, anh lại thấy ngon.

Học tiếng Việt là thử thách khó nhằn đối với anh Nathan. Dù tìm gia sư và nỗ lực học, ứng dụng nhưng anh vẫn loay hoay với vốn từ ít ỏi. 

Sau lần về ra mắt gia đình bạn gái, anh quyết tâm học tiếng Việt nghiêm túc hơn. 

Chuyến đi đó cũng là kỷ niệm khó quên của chị Khanh và anh Nathan. Ban đầu, chị Khanh chỉ mời "hú họa" bạn trai về quê chơi. Thế nhưng, anh đồng ý về thật.

Chàng rể Tây được cả xóm mời cơm, chăm con nịnh mẹ vợ khéo ít người bằng-4
Chàng rể Tây chăm con rất giỏi


“Lúc đó, chúng tôi mới quen nhau 1 tháng. Tôi muốn tìm hiểu kỹ càng rồi mới đưa anh về nhà. Không ngờ, anh sợ tôi lăng nhăng, về quê để ra mắt chính thức”, chị Khanh bật cười.

Lần đầu gặp mặt, anh Nathan đã chào và gọi bà Lan (56 tuổi, mẹ chị Khanh) là mẹ. Dù có nghe con gái nhắc đến bạn trai, nhưng bà Lan không tránh khỏi bất ngờ. Tuy nhiên, bà khá cởi mở, tiếp đón bạn của con gái nồng hậu.

Anh Nathan còn biết cách lấy lòng nên ghi điểm tuyệt đối với cả nhà bạn gái. Anh còn xông xáo, sơn sửa nhà cho bà Lan.

Với tính cách hòa đồng và khéo léo, anh Nathan được họ hàng, người trong xóm nhà mẹ chị Khanh quý mến. Mọi người tò mò, hết nhà này đến nhà nọ mời cơm chàng rể nước ngoài.

Nhà nào cũng chào đón anh tưng bừng, ăn uống, trò chuyện rôm rả. Tuy nhiên, tiếng Việt của anh Nathan chưa tốt, chị Khanh phải lẽo đẽo theo sau để phiên dịch. Chính điều này khiến anh quyết tâm học và giao tiếp bằng tiếng Việt. 

Bố chị Khanh mất sớm, bà Lan tần tảo nuôi 4 cô con gái. Một chị và em gái của chị Khanh đã lập gia đình. Mối quan hệ giữa anh Nathan và các anh em rể rất hòa đồng. 

Chàng rể Tây được cả xóm mời cơm, chăm con nịnh mẹ vợ khéo ít người bằng-5
Anh Nathan chụp ảnh cùng đại gia đình nhà vợ

Lúc chị Khanh sinh em bé thứ hai, bà Lan từ quê ra Hà Nội hỗ trợ chăm cháu. Chàng rể nước ngoài chủ động dọn dẹp, trải chăn chiếu đàng hoàng, chuẩn bị phòng cho mẹ vợ.

Chị Khanh quản lý tiền bạc nên thường mua sắm quà đắt tiền tặng người thân. Trong khi đó, anh Nathan hay chuẩn bị những món quà tinh thần như thiệp, hoa… Nhiều khi đi đâu thấy cái gì hay ho, nho nhỏ mà biết mọi người thích, anh sẽ mua về tặng cho gia đình hai bên.

Sống chung nhà con rể hơn nửa năm, bà Lan cảm thấy thoải mái, không phát sinh mâu thuẫn. 

Dù sống theo văn hóa phương Tây nhưng mẹ vợ bắt kiêng cữ cho con mới sinh, anh Nathan đều vâng lời. Anh không ẵm con ra bên ngoài, nếu có bế ra ngoài thì anh sẽ bôi son lên trán bé và mang theo tỏi bên người.

Ban đầu, mẹ vợ hướng dẫn, anh Nathan ngơ ngác không hiểu tại sao. Khi được giải thích, anh biết làm vậy sẽ tốt cho con thì luôn nghe theo. Anh chăm con cực kỳ chu đáo, thậm chí có phần cực đoan.

Anh Nathan sống rất tình cảm, thương và thích chia sẻ những câu chuyện thường ngày với mẹ vợ. Lúc rảnh rỗi, chàng rể thủ thỉ với mẹ vợ đủ thứ chuyện. Đôi lúc, anh còn mách bà Lan những tật xấu của vợ.

Chàng rể Tây được cả xóm mời cơm, chăm con nịnh mẹ vợ khéo ít người bằng-6
Bà Lan bên 2 con trai của vợ chồng anh Nathan và chị Khanh

“Mẹ ơi, Khanh quát con. Mẹ ơi, Khanh ghê gớm. Mẹ ơi, Khanh ngủ muộn…”. Đó là những câu mà anh Nathan mách và nhờ bà Lan “làm chủ” cho mình.

Khi đó, bà Lan lại giả vờ mắng con gái. Chàng rể được xoa dịu liền cười thích thú.

Thỉnh thoảng, vợ chồng anh lại nài nỉ mẹ vợ cùng đi du lịch. Bà Lan ngại đi xa nhưng con cái thuyết phục mãi đành chịu. 

Chị Khanh thấy mình may mắn khi lấy anh Nathan. Chị biết ai cũng có khuyết điểm, anh cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, chồng chị biết lắng nghe và chịu thay đổi. 

“Anh thương, quan tâm đến cảm xúc của vợ thì sẽ tìm cách thay đổi. Với tôi, hiện tại rất hoàn hảo và hạnh phúc”, chị Khanh tự hào.

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Theo VNN

 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/chang-re-tay-duoc-ca-xom-moi-com-cham-con-ninh-me-vo-kheo-it-nguoi-bang-2288025.html

tình yêu


Bạn trai kém 4 tuổi ham mê cờ bạc nhưng tôi không thể chia tay
Bạn trai tôi thường xuyên "đốt tiền" vào những trò cá cược đỏ đen trên mạng, không ít lần tôi phải đi trả nợ thay cho anh ta. Dù tôi đã nhiều lần chia tay nhưng bạn trai liên tục níu kéo, thậm chí dọa dẫm khiến tôi không thể dứt khoát.
Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?
Trong 14 năm hôn nhân với ông N.V, bà M. luôn vun vén, chu toàn quán xuyến mọi công việc gia đình để chồng an tâm lập nghiệp, ủng hộ sự nghiệp của chồng và đóng góp đáng kể vào tài sản chung. Thế nhưng, khi ra tòa ly hôn bà M. lại chỉ được chia 42% tài sản chung.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.