Cháu gái 3 tuổi nghịch hỏng lon sữa đắt tiền, mẹ chồng liền nói mỉa "cháu hư tại nhà ngoại"

Giờ tôi mới thấm thía câu ngày xưa các cụ hay bảo, đó là cưới xin phải “môn đăng hộ đối”. Nhiều người nghĩ rằng nói vậy là phân biệt kỳ thị, cổ hủ và lỗi thời. Song tôi lại thấy nó rất đúng, kể cả thời hiện đại cũng không sai tí nào.

Vợ chồng lấy nhau mà hoàn cảnh 2 bên quá chênh lệch thì kiểu gì cũng phát sinh mâu thuẫn. Gia đình chồng tôi ban đầu cũng tỏ ra thân thiện không để ý đến vật chất. Song chỉ vài tháng sau đám cưới thì tôi đã nếm đủ vị đắng của khoảng cách giàu nghèo.

Bố mẹ chồng tôi có sản nghiệp kinh doanh 3 đời nên kinh tế rất dư dả. Nhà tôi toàn công chức lương cơ bản nên điều kiện không bằng. Ban đầu bố mẹ tôi ngại chuyện cưới xin vì sợ bị thiên hạ đàm tiếu là “đũa mốc chòi mâm son”, tham giàu nên cố gả con gái. Nhưng rồi chồng tôi cứ thuyết phục rằng không quan trọng chuyện cách biệt kinh tế, nhà anh sẽ tốt với con dâu như con đẻ nên tôi cảm động quá đồng ý cưới luôn.

Đến lúc bước chân vào cửa hào môn, tôi mới nhận ra mình sai ngay từ vòng gửi xe rồi. Nhà chồng tôi có lối sống thật sự quá khác biệt. Phú quý sinh lễ nghĩa, về làm dâu tôi phải học cả đống quy tắc do bố mẹ chồng đề ra. Họ bảo giàu sang thì phải có quy củ, không người ta chê cười là gia đình “vô văn hóa”.

Tôi kể cho mọi người nghe một số điều trong bảng quy tắc nha.

- Phụ nữ trong nhà phải dậy trước 6h sáng, đàn ông thì giờ nào cũng được.

- 7h phải xong xuôi bữa sáng, tối 6h30 phải có mặt đầy đủ trong bữa cơm. Ai đi vắng hoặc muốn ăn ngoài phải có lý do chính đáng, xin phép chủ gia đình (là bố chồng tôi).

- Ông bà thích ăn chay, bố mẹ chồng thì không ăn các món liên quan đến thịt dê, thịt vịt (vì họ chê hôi) nên nấu ăn phải tránh ra.

- Phụ nữ trong nhà phải đợi đàn ông tắm xong mới được tắm, rồi sau đó dọn dẹp luôn đồ bẩn.

- 1 năm nhà chỉ có 26 đám giỗ, phải nhớ hết tất cả các ngày.

Còn nhiều quy định khó hiểu khác nữa nhưng tôi không viết hết ra đây được. Nói chung là còn khổ hơn thiết quân luật vì quan niệm gia đình độc đoán, song tôi vẫn cân bằng được tất cả và duy trì “nhiệm kỳ” làm dâu được 4 năm rồi.

Tuy đống nội quy ấy hơi ngột ngạt nhưng có một chuyện tôi rất thích. Đó là tôi được phép giữ lại tiền lương cá nhân và không phải đóng sinh hoạt phí. Nhà họ không thiếu tiền, tất cả đã có chồng tôi lo nên tôi chỉ cần làm tròn trách nhiệm quán xuyến mọi việc trong gia đình cùng mẹ chồng là được.

Tháng nào tôi cũng biếu bố mẹ mình một nửa tiền lương, còn lại chi tiêu linh tinh theo sở thích. Thi thoảng tôi mua quà tặng mẹ chồng để tăng cảm tình đôi bên. Mẹ chồng thường không nhận xét hay tỏ thái độ gì cả, bà chỉ lãnh đạm nhận quà rồi mang cất đi khiến tôi không đoán được rằng bà có thích hay không. Nhưng rồi một lần tôi vô tình nghe thấy mẹ chồng nói chuyện điện thoại với ai đó, bà chê gu thẩm mỹ của tôi “quê kệch”, từ nước hoa đến trang sức đều là đồ rẻ tiền nên bà vứt cho giúp việc hết.

Cháu gái 3 tuổi nghịch hỏng lon sữa đắt tiền, mẹ chồng liền nói mỉa cháu hư tại nhà ngoại-1


Mẹ chồng không bao giờ nhận đồ ăn từ nhà thông gia gửi sang. Mẹ tôi toàn làm những món ngon như thịt đông, dưa muối, bắp bò ngâm, chân gà sả ớt… để cho tôi ăn vặt. Ban đầu tôi tưởng nhà chồng thừa mứa đồ ăn nên không cần mẹ tôi gửi. Ngờ đâu sự thật sau lưng là mẹ chồng chê nhà tôi mua toàn thực phẩm tầm thường, không tươi sạch cao cấp như nhà họ nên không muốn nhận. Bà ấy còn sợ đồ mẹ tôi mang sang dính vi trùng vi khuẩn do chế biến không sạch sẽ, sợ ăn vào bị ngộ độc.

Gần như ngày nào cũng xảy ra vài chuyện khiến tôi nhận ra bố mẹ chồng không tử tế như vẻ bề ngoài. Dù họ không tệ bạc với tôi nhưng họ cứ trưng bộ mặt giả tạo ra khiến tôi sợ hãi. Trước mặt thì bình thường, sau lưng thì kì thị tôi và gia đình, vứt bỏ mọi thứ liên quan đến nhà thông gia đi.

Toàn chuyện nhỏ nhặt nên tôi cũng cố nhịn để cho qua. Song đến lúc tôi đẻ đứa đầu lòng thì cuộc sống làm dâu ngày càng mệt mỏi.

Chồng tôi không phân biệt trai gái nhưng ông bà bố mẹ anh ấy thì thích cháu trai ra mặt. Vậy nên khi biết tôi bầu cháu gái, họ tỏ ra thờ ơ và không quan tâm tôi mấy. Chỉ có bác giúp việc hỗ trợ tôi nấu ăn, tắm giặt. Còn lại khám thai tôi cũng phải đi một mình. Đồ tẩm bổ thì tôi toàn phải sang nhà mẹ đẻ để ăn, thuốc men thì chồng mua hộ. Ngày tôi chuyển dạ, bố mẹ chồng cũng chỉ góp mặt cho có. Sau đó thì có mỗi mẹ tôi với dì ruột ở lại chăm.

Biết tính nhà chồng rồi nên tôi chẳng dám hi vọng gì nữa. Tôi bỏ tiền thuê bảo mẫu riêng giúp tôi chăm con ở cữ, dúi một khoản cho giúp việc để họ mua đồ ngon cho tôi và lén nhận tiếp tế từ bên ngoại. Cụ nội với ông bà nội rất ít khi chơi với cháu. Tôi chẳng dám đi đâu vì họ không bế hộ con tôi bao giờ.

Hôm qua là tiệc sinh nhật con gái tôi lên 3. Vì thấy nó xinh xắn đáng yêu nên bố mẹ chồng tôi cũng dần thân thiết với cháu nội hơn chút. Trông con tôi cũng nhiều nét giống hệt bà nội nên ai khen là bà sướng lắm.

Nhà chồng có sân vườn rộng nên tôi mời đầu bếp riêng tới để làm tiệc tại gia luôn. Mẹ chồng có vẻ hài lòng vì bữa tiệc được chuẩn bị chu đáo, chi phí cũng không quá nhiều nên bà khen tôi biết vun vén. Hiếm khi được bà khen nên tôi rất vui. Mưa đến đâu mát mặt đến đó, được ngày nào dễ chịu thì mình cứ tận hưởng.

Bố mẹ tôi mang hẳn 1 cây vàng đến mừng sinh nhật cháu ngoại. Giữa lúc vàng đang lên chót vót thì đây quả thực là một món quà to. Mẹ chồng tôi thấy thế liền cười híp mắt. Tôi hiểu là món quà ấy đã giúp thể diện bà nâng cao, xứng tầm với “đẳng cấp” gia đình này.

Cả bữa tiệc diễn ra khá suôn sẻ. Khách mời đến dự đông và cười nói rất nhiệt tình. Con tôi còn bé quá nên chẳng biết gì cả. Tôi bế nó chào hỏi lúc đầu xong đưa cho bảo mẫu trông để mình đi tiếp khách.

Lát sau khi đang nói chuyện với họ hàng thì tôi nghe tiếng con mình khóc ré lên. Vội chạy vào nhà xem thì thấy con khắp người lem luốc, đầu tóc trắng xóa, còn mặt mũi thì dính bột sữa nhòe nhoẹt. Bảo mẫu loay hoay lấy khăn lau người cho bé. Còn bên cạnh là bà chị dâu đang chửi bới ầm lên.

Khi mọi người chạy tới xem thì bà chị dâu đang kể tội con tôi với mẹ chồng. Chị ấy là vợ của anh trai chồng tôi, cũng có 1 đứa con trai nhỏ năm nay 4 tuổi. Con tôi nghịch ngợm lấy hộp sữa bột ở trong bếp ra đổ vào chậu cho mèo tắm. Nó xả nước ướt nhẹp cả nhà vệ sinh, bột vãi lung tung từ trong ra ngoài.

Chị dâu cứ lu loa lên rằng mẹ con tôi “phá nhà phá cửa”, đến hộp sữa tiền triệu mà chị cắn răng mua cho con cũng bị chúng tôi lãng phí. Mẹ chồng thấy vậy cũng tranh thủ mỉa mai vài câu: “Đúng là con hư tại mẹ”, “Bé tí đã không uốn nắn nên người”, “Sang nhà ngoại cho lắm xong giờ chẳng được ai dạy dỗ tử tế”...

Bố mẹ tôi vẫn ngồi nguyên ở đấy mà bị coi như vô hình. Khách khứa xung quanh cũng bắt đầu xì xào bàn tán. Hàng chục cặp mắt ngó nghiêng đứng hóng drama. Mẹ chồng tôi bóng gió thế kia thì khác gì chửi thẳng vào mặt gia đình tôi cơ chứ! Tôi ức quá nên định quay ra cãi, song bố mẹ tôi đã ra hiệu phải kiềm chế, kệ cho mẹ chồng lộng ngôn chán thì thôi.

Chồng tôi nghe mẹ với chị dâu nói toàn lời khó nghe nên anh cũng bực lắm. Anh đứng ra bênh chúng tôi và yêu cầu mẹ anh dừng việc mỉa mai xúc phạm nhà ngoại. Trẻ con quậy nghịch là việc ngoài ý muốn. Dựa vào đâu mà mẹ chồng cứ thích bé xé ra to, còn lôi cả nhà tôi ra để xỉa xói chứ?

Tôi thông báo với chồng rằng mẹ anh đã cư xử quá quắt rất nhiều lần rồi. Lần này thì bà đã đi quá giới hạn, nếu tiếp tục có lần sau thì tôi sẽ làm thủ tục ly hôn. Mang tiếng dâu hào môn mà tôi chẳng có ngày nào sung sướng cả. Bị mẹ chồng coi thường đã đành, bà còn không nể nang bố mẹ tôi. Lúc bố mẹ tôi xin phép về sớm thì mẹ chồng còn liếc xéo ra bảo "Không tiễn". Thế là đuổi thẳng cổ thông gia chứ tốt đẹp gì!

 

Theo PNVN

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/chau-gai-3-tuoi-nghich-hong-lon-sua-dat-tien-me-chong-lien-noi-mia-chau-hu-tai-nha-ngoai-20240502162409621.htm

mẹ chồng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.