Chuyện ẩn sau việc cụ bà hai lần đi đánh ghen thay... dâu

Bà N.T.K. (68 tuổi, Hà Nội) không đồng tình với việc phụ nữ đi đánh ghen, nhưng chính bà đã hai lần đích thân đánh ghen để bảo vệ hôn nhân cho em dâu và con dâu.

Muốn ly hôn hẵng đi đánh ghen!

32 năm trước, bà N.T.K. đi đánh ghen. Tuy nhiên, bà không đánh ghen cho mình mà đánh ghen cho em dâu.

"Em trai tôi đi làm xa nhà, phải lòng một nữ đồng nghiệp. Cả hai thậm chí lén lút sống chung trong căn tập thể cơ quan. Khi sự việc vỡ lở, cậu ấy đòi ly hôn vợ, chia con. Em dâu tôi ở quê lên Hà Nội khóc lóc vật vã, đòi đi đánh ghen, làm bẽ mặt "tiểu tam" để giành lại chồng.

Tôi nghĩ nếu để em đi thì mất hết, không còn gì. Em là giáo viên, đánh ghen là mất danh dự. Đàn ông bị đánh ghen cũng mất sĩ diện, khiến việc hòa giải càng khó khăn hơn. Muốn làm tanh bành một trận để ly hôn thì được, còn muốn giành lại chồng thì nhất định không được đi đánh ghen.

Nhưng làm thế nào để kéo được cậu em về với gia đình? Tôi quyết định đích thân tôi đi đánh ghen thay cho em dâu", bà K. hồi tưởng.

Chuyện ẩn sau việc cụ bà hai lần đi đánh ghen thay... dâu-1
Sự việc mẹ chồng cùng con dâu đi đánh ghen tại Quảng Ninh năm 2018 (Ảnh cắt từ clip).

Bà K. nhờ các mối quan hệ thân thiết theo dõi em trai, chọn đúng thời điểm cậu em đang ở trong phòng với nhân tình thì ập đến. Dù đã biết trước chuyện ngoại tình, nhưng khi chứng kiến trực tiếp, bà vẫn không kiềm chế được cơn giận mà lao đến tát em trai và cô nhân tình của cậu này.

"Thật may mắn không phải em dâu tôi đi. Cô ấy là người trong cuộc, sẽ khó mà chịu đựng nổi khi nhìn thấy cảnh ấy, dễ mất tỉnh táo mà gây hậu quả khó lường", bà K. nói.

Thập niên 90 của thế kỷ trước, chuyện "trai trên gái dưới" rất nhạy cảm. Vì việc đánh ghen ồn ào, cô nhân tình bị điều chuyển công tác, còn em trai bà bị kỷ luật. Bà K. cho hay, bà chấp nhận để em trai phải gánh chịu hệ quả về sự nghiệp để có một bài học thấm thía mà suy nghĩ. 

Một năm sau đó, khi "lửa" và "rơm" bị tách ra, em trai bà dần kết nối lại với vợ. Hai vợ chồng gương vỡ lại lành.

"Phải đi đánh ghen nghĩa người phụ nữ đang cô độc với nỗi đau"

Điều bà K. không ngờ đến là bà phải đi đánh ghen một lần nữa, sau 25 năm. Lần này, "tội nhân" là chính con trai bà.

"Nghe tin, tôi sốc đến mức phải nhập viện. Con dâu tôi không đi đánh ghen mà đòi ly hôn. Con trai tôi cũng đồng ý ly hôn. Tôi nghĩ phải làm cái gì đó để trì hoãn quyết định của hai đứa. Hai bên cần ngồi lại trao đổi, xem vấn đề nằm ở đâu, có thể sửa chữa, hàn gắn được hay không. 

Tôi hẹn con trai và cô bồ của nó ra quán cà phê nói chuyện. Tôi xác định tâm lý, nếu thực sự mối quan hệ của con và vợ không thể cứu vãn, tôi sẽ ủng hộ chúng chia tay. Ngược lại, nếu cuộc tình ngoài luồng của con chỉ là cơn say nắng, tôi sẽ cố gắng giúp các con nhận ra vấn đề của mình", bà K. bần thần nhớ lại.

Cuộc nói chuyện ở quán cà phê giữa bà K. và nhân tình của con trai diễn ra không thuận lợi. Bà K. thiện chí tìm hiểu bao nhiêu, "tiểu tam" thể hiện thái độ ngạo mạn, xấc xược bấy nhiêu, khiến bà phải lớn tiếng cảnh cáo.

Chuyện ẩn sau việc cụ bà hai lần đi đánh ghen thay... dâu-2
Mẹ chồng hơn 70 tuổi đi đánh ghen giúp con dâu ở Tuyên Quang năm 2017 (Ảnh cắt từ clip).

Trở về nhà, bà K. họp gia đình, tuyên bố ủng hộ con trai đến với "người phụ nữ không có ăn học", ủng hộ con dâu ly hôn và sẽ bảo vệ, giúp con dâu đấu tranh để có quyền nuôi cả hai con bằng được.

"Con trai tôi trong phút chốc nhận ra nếu không quay đầu sẽ mất hết, mất vợ, mất con, mất bố mẹ. Còn con dâu thấy cả nhà chồng đứng về phía mình thì suy nghĩ lại về chuyện ly hôn. Hai đứa chấp nhận ngồi xuống nói chuyện với nhau và đi đến thống nhất là cho nhau cơ hội", bà K. chia sẻ.

Từ trải nghiệm của mình, bà K. cho rằng, phụ nữ cần được người thân, gia đình tương trợ khi cuộc hôn nhân của họ có vấn đề. 

"Phụ nữ mà phải đi đánh ghen trực tiếp nghĩa là cô ấy đang cô độc. Bố mẹ hai bên, anh chị em, bạn bè đã bỏ mặc cô ấy trong nỗi đau của mình. Không ai khuyên giải, không ai tư vấn, không ai can ngăn để cô ấy không phải vác mặt đi đánh ghen, đánh mất hết danh dự và lòng tự trọng của bản thân.

Trong mọi trường hợp, phụ nữ phải giữ cho mình cái giá, vì hình ảnh người mẹ cũng là lòng tự trọng của con cái. 

Đồng thời, khi xử lý vấn đề hôn nhân, phụ nữ đừng quên luôn chừa cho mình và chồng một đường lùi. Rất có thể sau cơn giận dữ, họ không muốn ly hôn. Nhưng nếu lỡ đi đánh ghen rồi, muốn hàn gắn lại cũng sượng sùng lắm. Đó là vết sẹo tinh thần với cả hai", bà K. nêu quan điểm.

 

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/an-sinh/chuyen-an-sau-viec-cu-ba-hai-lan-di-danh-ghen-thay-dau-20240506220423238.htm

đánh ghen


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.