Dù đã sống thử, hôn nhân vẫn rất khác

Sau kết hôn, Khánh Vy bất ngờ khi thấy chồng hút thuốc. Hơn một năm chung sống trước đó, cô không hề biết thói quen này của anh.

Sau thời gian dài tìm hiểu và chung sống, nhiều đôi trẻ quyết định tổ chức hôn lễ. Gắn bó cùng nhau suốt thời gian dài, họ sẵn sàng cho chặng đường mới, cho rằng hôn nhân sẽ có khác biệt, song không quá nhiều so với cuộc sống hai người của hiện tại.

Tuy nhiên, một số người nhận ra bước tiến này làm thay đổi rất nhiều thứ. Một số cảm thấy áp lực với trách nhiệm gia đình, số khác lại bất ngờ trước tính cách hoặc sự thay đổi của đối phương.

Zing có cơ hội được lắng nghe câu chuyện của 4 bạn trẻ về khó khăn mà họ gặp phải khi chính thức kết hôn cùng nửa kia của mình.

Từ chung sống đến hôn nhân

Khánh Vy (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội): Tôi và chồng có hơn một năm chung sống trước khi tiến đến hôn nhân. Cùng ở dưới cùng mái nhà, chúng tôi từng nhiều lần cãi vã, mâu thuẫn vì bất đồng quan điểm.

Tôi không hài lòng nhất với việc anh ấy không san sẻ việc nhà. Có một lần, chúng tôi không nói chuyện, giao tiếp với nhau suốt vài ngày để cả hai có thời gian suy nghĩ lại.

Khánh Vy quyết định kết hôn sau khi chung sống hơn một năm với bạn trai.

Tình yêu dần ấm áp trở lại khi anh chủ động nhận lỗi, hứa sẽ thay đổi.

Sau đó, hai đứa quyết định tổ chức đám cưới, cảm thấy đã hòa hợp hơn và muốn trải nghiệm cuộc sống gia đình đúng nghĩa.

Ngô Kiên (29 tuổi, quận 1, TP.HCM): Sau 9 năm chung sống trên danh nghĩa người yêu, tôi và vợ đã kết hôn với nhau vào đầu năm nay khi cô ấy phát hiện mang thai.

Đây là điều chúng tôi không ngờ tới vì cả hai chưa có dự định cưới, muốn chờ thêm một thời gian để giải quyết nốt mớ công việc dang dở.

Tuy vậy, cưới sớm so với kế hoạch không có nghĩa là không hạnh phúc. Tôi và cô ấy đều tự hào khi có em bé, niềm vui chung và sẵn sàng đón nhận tương lai cùng nhau.

Vân Hồng (23 tuổi, Hà Nội): Tôi và người yêu về chung sống hơn một năm để tiết kiệm chi phí. Khi tài chính của cả hai ổn định hơn, bố mẹ hai bên lại thúc giục, chúng tôi quyết định kết hôn. Nhờ có giai đoạn sống chung tiền hôn nhân, tôi cảm thấy tự tin hơn, quen thuộc với việc có chồng bên cạnh.

Thanh Trà (27 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM): Sau 9 tháng sống chung, tôi bất ngờ được anh ấy ngỏ lời cầu hôn. Chúng tôi đều đã trưởng thành và có thu nhập ổn định, muốn cùng nhau hướng tới những mục đích lớn lao hơn. Đám cưới của chúng tôi diễn ra sau màn cầu hôn khoảng một tháng.

Khác biệt

Khánh Vy: Trong quá trình yêu nhau và sống chung, tôi chưa bao giờ thấy chồng mình hút thuốc. Bản thân tôi cũng bị dị ứng với mùi thuốc lá, nếu anh ấy có thói quen đó, tôi sẽ chấn chỉnh ngay từ lúc yêu.

Sau đám cưới, tôi bất ngờ khi mẹ chồng tìm đến tôi để nhờ khuyên ngăn anh ấy ngừng hút thuốc. Thì ra tật xấu này của anh đã duy trì trong nhiều năm, vậy mà anh giấu và tôi cũng không biết.

Một lần, tôi phát hiện chồng đang hút thuốc ngoài ban công. Thay vì giải thích, anh tỏ ra thờ ơ và nói rằng chúng tôi cần tôn trọng thú vui riêng của nhau. Tôi đã sốc và đến giờ vẫn chưa thể chấp nhận. Đây là vấn đề khiến cả hai thường xung đột.

Sau kết hôn, Vân Hồng thất vọng khi chồng không cùng mình làm việc nhà như trước đây.

Dù đã sống thử, hôn nhân vẫn rất khác-1

Ngô Kiên: Trước đây, tôi và vợ thuê nhà để chung sống.

Cả hai đi sớm về khuya, không để ý những chi tiết nhỏ trong đời sống thường nhật. Bản thân tôi cũng không quá bận tâm về việc trong nhà.

Nhưng sau kết hôn và sinh con, tôi phát hiện vợ mình sống không gọn gàng, ngăn nắp. Cô ấy quá ham mê công việc mà bỏ quên mọi thứ xung quanh.

Không ít lần, tôi mệt mỏi khi chứng kiến căn nhà bừa bộn, đồ đạc ném ngổn ngang hoặc chén đĩa cả ngày chưa rửa.

Tôi không dám tranh cãi bởi vợ tôi hay suy nghĩ và nhạy cảm, tôi sợ không khí gia đình căng thẳng. Phải cân bằng cuộc sống gia đình và công việc khiến tôi thường xuyên thấy áp lực.

Vân Hồng: Trước kia, khi sống chung, mọi việc trong nhà đều được tôi và chồng phân chia rõ ràng. Nhiều hôm, anh ấy còn làm hết cho tôi, muốn tôi được nghỉ ngơi, có thời gian ra ngoài với bạn bè. Nhưng sau khi cưới, về sống chung với bố mẹ, chồng tôi ỷ lại và không làm gì.

Nhìn bố mẹ chồng cao tuổi nhưng vẫn phải quét dọn, nấu nướng, tôi ái ngại, chạy lại giành phần việc về mình.

Tôi nhiều lần ý kiến với chồng rằng anh cũng cần chịu trách nhiệm với việc nhà, nhưng anh không lắng nghe. Nhiều khi tôi tủi thân, chỉ biết khóc thầm, không dám nói với ai.

Thanh Trà: Chung sống suốt thời gian dài, tôi đã quen với cuộc sống chỉ có hai người, cuối tuần gặp gỡ một vài người bạn thân. Nhưng từ khi kết hôn, tôi không có thời gian cho những cuộc hẹn như vậy nữa.

Trong tuần, vợ chồng tôi đi làm, cuối tuần lại sắp xếp về quê thăm bố mẹ hai bên. Hai bên nội, ngoại có việc nhỏ, to, vợ chồng tôi đều phải cùng tham gia giải quyết.

Hàng tháng, chúng tôi cũng cần đi thăm họ hàng. Đôi khi, việc nghe những lời phàn nàn, góp ý từ họ khiến tôi cảm thấy cuộc sống bị gò bó. Tôi thấy không còn được tự do và thoải mái như trước.

Chấp nhận, thích nghi

Khánh Vy: Về tật xấu hút thuốc của chồng, tôi đã ngồi lại nghiêm túc nói chuyện với anh. Sau này khi có con cái, thói quen này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của anh mà còn gây hại cho con.

Tôi đã đưa ra điều kiện anh phải bỏ thuốc thì mới tính đến chuyện sinh con. Thấy tôi buồn bã thời gian dài, anh cũng đang hạn chế để ‘cai’ dần.

Ngô Kiên tìm cách góp ý với vợ để cả hai thấu hiểu hơn cho nhau.

Việc chung sống trước đây quả thật chỉ giúp tôi yên tâm hơn, có trải nghiệm trước về sự xuất hiện của nhau khi chung một nhà, còn chưa hẳn là hiểu nhau về mọi thứ.

Nhưng suy cho cùng hôn nhân là sự ràng buộc và đánh dấu chặng đường mới của tôi và chồng.

Chúng tôi đã và đang hoàn thiện bản thân để tốt cho hiện tại, tương lai. Tôi nghĩ điều quan trọng cho cuộc hôn nhân bền vững là phải thấu hiểu và giúp nhau đi lên.

Ngô Kiên: Đối với tôi, chung sống trước hôn nhân vui hơn nhiều bởi hai đứa chưa phải lo lắng nhiều cho gia đình.

Từ ngày có con, cuộc sống của chúng tôi thay đổi hẳn. Gần đây, tôi quay một video ghi lại cuộc sống mỗi ngày của hai vợ chồng. Khi cho vợ xem, cô ấy đã bật khóc khi nhìn hai đứa thay đổi nhiều so với trước.

Đi làm, nấu cơm, thay tã cho con..., những hành động đó của tôi khiến vợ cảm động. Cả hai đã ôm lấy nhau và âm thầm thấu hiểu cho nhau. Sau lần đó, chúng tôi đều cùng nhau dọn dẹp, làm mọi thứ trong nhà và vui vẻ hơn trước.

Vân Hồng: Theo tôi, để cân bằng cuộc sống hôn nhân, cả hai cần có sự thấu hiểu và chia sẻ với nhau. Nếu có bất mãn, chúng ta nên nói ra ngay để cả hai cùng nhìn nhận và rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, tôi và chồng không cãi cọ ở nhà nếu có chuyện. Hai người dành thời gian lắng nghe nhau bằng cách đi du lịch hoặc đơn giản đi cà phê, làm lại những việc khi yêu từng làm để rồi trân trọng những khó khăn từng đi qua và giữ gìn nó.

Hiện tại, dù không thường xuyên nhưng anh cũng có san sẻ việc nhà cùng tôi, ví dụ tôi nấu cơm còn anh rửa bát.

Thanh Trà: Tôi chủ động tâm sự với chồng về những áp lực đối nội, đối ngoại với gia đình hai bên. May mắn, chồng thấu hiểu và lắng nghe, cùng tôi ngồi im lặng vài tiếng đồng hồ để bình tĩnh lại.

Khi khó khăn, chúng tôi sẽ nghĩ đến lý do cả hai bắt đầu. Tôi đang cố gắng hoàn thiện và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình mình. Mọi thứ sẽ được đáp trả xứng đáng khi tôi thành tâm, tôi nghĩ vậy.

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/du-da-song-thu-hon-nhan-van-rat-khac-post1362439.html

tình yêu


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.