Gia đình lục đục vì cài sinh trắc học

Chậm “nộp” lương, khất nợ, khó thanh toán chi tiêu... vì lý do chưa thể xác thực sinh trắc học đã khiến nhiều gia đình vốn đang êm ấm bỗng lục đục khi chuyển khoản từ 10 triệu đồng/lần trở lên

“Chiến tranh lạnh” vì… cái mặt

Thông thường ngay từ đầu tháng, khi lương cơ quan chuyển vào tài khoản, anh Hùng (32 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) phải “nộp” ngay vào tài khoản của vợ. Ấy vậy mà 3 hôm nay, âm thanh “ting… ting” quen thuộc vẫn chưa báo trên điện thoại của chị vợ. Khi bị vợ tra hỏi, anh Hùng giải thích do hệ thống ngân hàng chưa xác thực sinh trắc học tài khoản của anh nên chưa thể chuyển tiền.

Gia đình lục đục vì cài sinh trắc học-1
Gia đình cùng đăng ký sinh trắc học qua app ngân hàng (ảnh minh họa) ảnh: Duy Anh

“Nhờ vụ xác nhận khuôn mặt mà tới giờ tôi vẫn có thể giữ được tiền của mình trong tài khoản. Biết rằng trước sau gì cũng sung vào quỹ của vợ nhưng đây là lần đầu tiên tôi được “ngắm” tài khoản lâu như vậy” - anh Hùng nói vui.

Sau khi lấy chồng, tài khoản ngân hàng của chồng trở thành của chị Kim Thoa (27 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè). Mỗi lần cần mua sắm, shopping… chị chỉ cần bấm vài con số mật khẩu của chồng là xong. Thậm chí chị còn chuyển tiền từ tài khoản của chồng sang của mình. Vậy mà mấy hôm nay, chị Thoa “đứng ngồi không yên” vì cái vụ xác thực khuôn mặt. “Chẳng lẽ bây giờ mua sắm, chuyển khoản đều phải kêu chồng về đưa mặt vào mới thanh toán được, như vậy bất tiện vô cùng” - chị Thoa than thở.

Mới đây, chị Chinh Hoàng (30 tuổi, ngụ quận 7) “dở khóc dở cười” khi trót mua bộ mỹ phẩm có giá tầm 11 triệu đồng và dùng tài khoản của chồng để thanh toán. Do chồng đã đăng ký sinh trắc học nên app yêu cầu có mặt chính chủ thì mới chấp nhận thanh toán. Chị Hoàng đề nghị nhân viên cửa hàng chia thành hai hóa đơn, thanh toán dưới 10 triệu đồng để không cần xác định khuôn mặt. Tuy nhiên, đây là sản phẩm giảm giá chỉ áp dụng trên một hóa đơn nên không thể thanh toán hai lần.

“Bí quá, tôi liều gọi chồng đang làm việc ở công ty. Sau gần cả tiếng đồng hồ chờ đợi, chồng cũng về để “check mặt thanh toán”, rồi giận không nói gì. Anh quy cho tôi tội phung phí, còn tôi thấy chồng quá keo kiệt… Hai vợ chồng “chiến tranh lạnh” mấy hôm nay” - chị Hoàng nói.

Vợ chồng chị Thu Thủy (ngụ huyện Hóc Môn) lục đục mấy ngày liền vì thực hiện hàng chục lần trên điện thoại nhưng chẳng lần nào thành công. Chị Thủy ấm ức nói, chồng là dân công nghệ thông tin mà làm mãi cái xác thực gương mặt cho vợ cũng không xong. “Tôi đã chụp cả chục tấm ảnh, xoay đầu sang phải sang trái muốn nghoẹo cổ nhưng cuối cùng hệ thống vẫn báo lỗi. Ông chồng đổ thừa do tôi ham làm đẹp, xăm môi xăm mày đủ các kiểu nên hệ thống không nhận diện khuôn mặt so với ảnh trên căn cước công dân” - chị Thủy nói.

Viện cớ khất nợ?

Chị Ngọc Hà (ngụ quận Tân Phú), cho người bạn mượn 30 triệu đồng cách đây vài tháng, nay cần tiền gấp nên chị nhắn bạn trả. Cô bạn hứa đầu tháng 7 sẽ chuyển trả nhưng đến nay vẫn “chưa thấy tăm hơi”. Hỏi ra mới biết, bạn chưa làm được nhận diện khuôn mặt nên ngân hàng không cho chuyển tiền.

“Tôi ức lắm, nhà đang có việc cần tiền mà bạn cứ lấy lý do sinh trắc học gì đó để kéo dài thời gian trả nợ. Tôi đề nghị bạn ra ngân hàng chuyển khoản, hoặc chia nhỏ tiền nhưng người này viện đủ lý do và cuối cùng chốt lại là chờ xác thực sinh trắc học được mới trả tiền - chị Hà bức xúc.

Có căn hộ chung cư ở quận 7 cho thuê với giá 13 triệu đồng/tháng, chị Trần Minh Trang (47 tuổi), thường nhận được thông báo chuyển khoản vào đầu tháng. Nhưng tháng này đã trễ hạn gần 5 ngày mà bên thuê vẫn im hơi lặng tiếng. Gọi điện nhắc tiền nhà, chị Trang nhận được câu trả lời “em cập nhật sinh trắc học chưa thành công do căn cước công dân bị lỗi, em đang điều chỉnh căn cước công dân khoảng mươi ngày mới có kết quả. Sau đó sẽ chuyển khoản cho chị”. Chị Trang đề nghị chuyển từ ngân hàng hoặc tiền mặt, người thuê nói đang đi công tác, không có thời gian…

Tương tự, anh Hồ Quân (28 tuổi, quê Trà Vinh) “ôm cục tức” vì bạn hàng lấy lý do sinh trắc học để dây dưa không chuyển khoản. “Tôi bán hàng online, hàng đã giao mà tiền thì chưa nhận được cũng bởi nhiều người viện cớ app không nhận mặt, chẳng thể chuyển khoản” - anh Quân nói.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, nhờ phương pháp xác thực sinh trắc học giúp mỗi người có thể tự bảo vệ tài khoản của mình. Vì vậy, người dân nên hợp tác để thực hiện sinh trắc học khi chuyển khoản với số tiền từ 10 triệu đồng/lần. Việc xác nhận sinh trắc học đã được truyền thông trước đó khá lâu, nhiều người đã đăng ký chứ không phải chờ đến 1/7 mới thực hiện. “Chúng ta có thể chẻ nhỏ khoản tiền và chuyển nhiều lần; hoặc đến chi nhánh ngân hàng làm ủy nhiệm chi để trả tiền cho người thụ hưởng. Điều này không làm mất nhiều thời gian và việc chuyển khoản cũng nhanh chóng” - ông Phương nói.

 

Theo Tiền phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/gia-dinh-luc-duc-vi-cai-sinh-trac-hoc-post1652168.tpo

Hôn Nhân


Bạn trai kém 4 tuổi ham mê cờ bạc nhưng tôi không thể chia tay
Bạn trai tôi thường xuyên "đốt tiền" vào những trò cá cược đỏ đen trên mạng, không ít lần tôi phải đi trả nợ thay cho anh ta. Dù tôi đã nhiều lần chia tay nhưng bạn trai liên tục níu kéo, thậm chí dọa dẫm khiến tôi không thể dứt khoát.
Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?
Trong 14 năm hôn nhân với ông N.V, bà M. luôn vun vén, chu toàn quán xuyến mọi công việc gia đình để chồng an tâm lập nghiệp, ủng hộ sự nghiệp của chồng và đóng góp đáng kể vào tài sản chung. Thế nhưng, khi ra tòa ly hôn bà M. lại chỉ được chia 42% tài sản chung.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.