“Hôn nhân của ai mà không như vậy, hoặc là nhịn, hoặc là bỏ”, câu trả lời của người từng trải khiến tất cả mọi người phải lặng im

Nhiều người sợ hôn nhân bởi họ cho rằng nó là nấm mồ chôn của tình yêu, là thứ kéo hai người đang yêu đương lãng mạn về hiện thực phũ phàng. Vậy liệu hôn nhân có thật sự là xiềng xích mà bạn cam lòng mang vào người?

Hôn nhân kiểu Châu Á: Không nhịn được, cũng không bỏ được

Mấy ngày trước vừa đọc được một bài chia sẻ. Người đăng chia sẻ cuộc hôn nhân và khó khăn của cô ấy. Kết hôn 5 năm, có con 2 tuổi, chồng cô và cô đều có công việc ổn định, cả hai trước kia là tự do yêu đương rồi đi tới hôn nhân, trong mắt người khác họ là một gia đình nhỏ bình yên và hạnh phúc. Nhưng nếu gỡ bỏ lớp vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài thì sẽ lộ ra cuộc sống hỗn độn, rối ren. Lúc ấy mới nhận ra, hôn nhân của ai cũng không dễ dàng.

Sinh hoạt vợ chồng ngày càng ít, thậm chí còn không được hòa hợp. Tuy rằng người chồng đảm nhiệm kinh tế chi tiêu chính trong gia đình, nhưng dường như không làm việc nhà, cũng rất ít khi chăm con. Cô ấy muốn thi lên học Thạc sĩ, muốn dành thời gian vốn dĩ dành cho gia đình dần dần chuyển sang sự nghiệp, nhưng người chồng luôn từ chối, thậm chí còn cho rằng sau khi kết hôn cô ngày càng ích kỷ.

Những ngày kỉ niệm sau khi cưới cũng không còn hoa tươi, quà, thứ mà cô nhận được nhiều nhất đều là “quên mất rồi”, “đã vợ chồng bao nhiêu năm rồi còn gì”,... Hết lần này tới lần khác cảm thấy buồn bã, tích tụ lâu ngày thành sự bất mãn và oán trách. Đã từng bàn bạc một cách rất lý trí, cũng từng tranh cãi rất kịch liệt vẫn chẳng có tác dụng gì. Đủ các thứ mâu thuẫn tồn tại, chẳng ai chịu nhượng bộ ai.

Muốn ly hôn nhưng lại thấy vấn đề không nghiêm trọng đến vậy, con cái cũng còn nhỏ, cần có một gia đình hoàn chỉnh. Kết quả chính là càng sống càng mệt mỏi, càng nhẫn nhịn càng khó chịu. Cuối bài chia sẻ cô tự an ủi chính mình: “Hôn nhân của ai mà không như vậy, hoặc là nhịn, hoặc là bỏ, nhưng có bao nhiêu người thực sự nhẫn nhịn được, cũng có bao nhiêu người thực sự bỏ được?”.

Thật vậy, có biết bao nhiêu người tưởng rằng hôn nhân là nơi lánh nạn của cuộc sống, là công cụ giải tỏa sự cô độc, nhưng cho tới khi đích thân trải nghiệm mới hiểu rằng, ai cũng không thoát được khó khăn của cuộc sống, ai cũng không tránh được cái khổ của cô độc. Hôn nhân không phải là tình yêu, không còn tình cảm nữa thì có thể chia tay, không vui vẻ thì có thể đường ai nấy đi, hôn nhân là sự va chạm giữa gia đình này với gia đình khác, là sự thỏa hiệp của cuộc sống này với cuộc sống khác, chiếc kính lúp phóng to những khuyết điểm nhỏ nhặt.

Người đi trước thường khuyên rằng, cuộc hôn nhân của ai mà không như vậy, chắp vá tạm bợ rồi cũng hết cả cuộc đời, nhẫn nhịn một chút là được. Nhưng đợi đến khi có một số người nhẫn nhịn hết lần này tới lần khác tới mức không thể nhẫn nhịn được nữa mới phát hiện ra rằng, cho dù tất cả tình cảm đều đã hao mòn cạn kiệt, ly hôn cũng không hề dễ dàng như trong tưởng tượng.

Giống như một câu thoại trong bộ phim “Một tiếng thở dài”: “Tôi nắm tay của anh, giống như tay trái nắm lấy tay phải, không còn cảm giác nữa, nhưng muốn buông tay lại rất khó". Hôn nhân giống như một tòa thành khép kín, vào thì dễ mà ra thì khó.

Hôn nhân của ai mà không như vậy, hoặc là nhịn, hoặc là bỏ”, câu trả lời của người từng trải khiến tất cả mọi người phải lặng im-1

Đừng kết hôn bồng bột, ly hôn cũng cần thận trọng

Từ ngày 01/01/2021, Trung Quốc đã ra quy định tất cả những cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn đều cần thông qua 5 bước đơn từ, thụ lý, thời kỳ giảng hòa (thời gian để hai bên suy nghĩ lại để quyết định tiếp tục ly hôn hay rút đơn ly hôn), thẩm tra, đăng ký. Và chỉ riêng thời kỳ giảng hòa đã mất ít nhất 30 ngày. Hiển nhiên, thời gian và sức lực để ly hôn cũng rất tốn kém.

Nhiều người bày tỏ không đồng tình, cho rằng quy định này không hợp lý. Nhưng suy cho cùng, tiền đề của ly hôn là kết hôn, còn tiền đề của kết hôn là suy nghĩ thật kỹ. Nếu như hôn nhân ban đầu chỉ là bồng bột nhất thời, vậy thì gia đình và con cái cũng sẽ trở thành “trò trẻ con”. Nếu như hôn nhân bắt nguồn từ sự bất mãn, vậy thì trên chiến trường cuộc sống này, cho dù gặp phải ai, bạn cũng đều sẽ thua không còn đường lui.

Trên thế giới này, chẳng có cặp vợ chồng nào hạnh phúc từ đầu đến cuối, cũng chẳng có cuộc hôn nhân nào là 10 điểm hoàn hảo không có khiếm khuyết.

Ở Anh có một cuộc nghiên cứu đối với 2000 cặp vợ chồng, kết quả cho thấy, khi hôn nhân bước vào năm thứ 3, rất nhiều cặp vợ chồng đã coi việc hy sinh của đối phương là lẽ đương nhiên. Trong đó, 49% mọi người đã thể hiện sự bất mãn đối với bạn đời của mình.

Vui vẻ lúc ban đầu thì dễ, ở với nhau lâu ngày không chán mới là khó. Chung sống lâu ngày sẽ rất dễ nảy sinh sự bất mãn. Tình yêu là cái rung động của trái tim, còn hôn nhân lại là nhẫn nhịn hết lần này tới lần khác. Nếu nói sự ổn định của hôn nhân được quyết định bởi tình yêu thì thà nói rằng nó được quyết định bởi những điều nhỏ nhặt và hài hòa trong cuộc sống thường ngày.

Tình yêu có nồng nhiệt đến mấy, khi đã vào hôn nhân thực tế thì cũng chỉ còn lại những thứ vặt vãnh như cơm áo gạo tiền. Nếu như trước khi kết hôn không chuẩn bị sẵn sàng bao dung cho những khuyết điểm của đối phương, không chuẩn bị sẵn sàng cho việc chấp nhận sự khác biệt về thói quen sinh hoạt, vậy thì hãy cân nhắc thật kỹ.

Hôn nhân không phải là hoàn thành đại sự của cuộc đời, nhưng cuộc sống hôn nhân lại được tạo nên bởi những chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh.

Những năm gần đây, rất nhiều dữ liệu về ly hôn được công bố, ngày càng nhiều người vì những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống mà quyết định ly hôn.

“Ăn cơm xong, anh ta chẳng hề thu dọn bát đũa mà đã nằm ườn trên ghế sô pha, tôi thực sự không nhịn được nữa. Vậy thì ly dị thôi…”

“Rõ ràng anh ta biết tôi thích hoa lan, nhưng lại bỏ tàn thuốc lá vào trong đó…”

Những việc tương tự như vậy nhiều vô kể, người ngoài cảm thấy kỳ cục, nhưng người trong cuộc lại cảm thấy ly hôn mới là giải thoát. Giống như Tagore từng nói: “Thứ khiến người ta mệt mỏi không phải là núi cao nơi phương xa, mà là một hạt cát trong giày”. Thứ đè chết một con lạc đà không phải là một cọng rơm cuối cùng, mà là hàng ngàn hàng vạn cọng rơm phía dưới. Hàng ngàn hàng vạn cọng rơm đó, chẳng ai có thể tránh được.

Hôn nhân không dễ dàng, cố gắng trân trọng những gì đang có

Bên dưới là những cách để tránh “cọng rơm cuối cùng trong hôn nhân”, hy vọng có thể giúp đỡ được hôn nhân của bạn.

Cho bạn đời thời gian và không gian tự do

Tình cảm của những cặp vợ chồng tốt đẹp là tâm linh tương thông, chứ không phải là chiếm hữu và áp bức. Nếu như một bên cứ chèn ép thì bên kia sẽ chỉ có thể cố tìm cách né tránh. Hôn nhân là việc hai người cùng nhau chung sống, không phải là cuộc thi, chẳng có ai thắng ai thua cả, cả hai người mỗi người tự hạ thấp một chút cái tôi và đặc điểm của mình, như vậy mới có thể xây dựng nên một ngôi nhà hoàn chỉnh được.

Đừng suốt ngày lôi chuyện cũ ra bới móc

Oán trách nhiều quá thì có dễ tính đến mấy cũng đều sẽ bị hao mòn, chuyện cũ, lỗi lầm cũ hãy cứ để nó qua đi. Cho dù bạn cảm thấy mình quá uất ức, tủi thân, nhưng con người ai cũng phải nhìn về phía trước, vừa ngoái đầu lại nhìn phía sau vừa chạy về phía trước sẽ chỉ khiến gia đình ngày càng u ám, lạnh lẽo, ai ai cũng mệt mỏi. Bản chất của hôn nhân là hy sinh, quá so đo tính toán những gì mình đã hy sinh sẽ không thể có được hạnh phúc. Cái gì cũng phải tính toán rõ ràng lâu dần là con người thì đều sẽ cảm thấy mệt mỏi.

Kiềm chế thật tốt tính khí của bản thân, có vấn đề, mâu thuẫn hay hiểu lầm đều phải nói rõ

Đặc biệt là trước mặt những người mình thân thiết nhất, mỗi một lần gào quát, mỗi một lần giải tỏa cảm xúc không kiềm chế được đều sẽ đẩy bạn đời của mình ra xa hơn. Có vấn đề, có mâu thuẫn thì cần nói chuyện để giải quyết kịp thời, cứ giấu giếm, nhẫn nhịn, chẳng chịu nói ra, chẳng ai biết nỗi uất ức của bạn. Cho đến khi một ngày nào đó bộc phát, mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm dẫn tới việc đường ai nấy đi. Thực ra rất nhiều việc trong hôn nhân vốn dĩ có thể tránh được, rất nhiều vấn đề vốn dĩ có thể không nghiêm trọng đến vậy.

Coi bạn đời là người yêu, chứ không chỉ là người thân

Nói nhiều những lời thân mật hơn, dũng cảm biểu đạt sự quan tâm của mình dành cho đối phương. Ví dụ như một câu chào buổi sáng lúc ngủ dậy, một cuộc điện thoại lúc đi công tác, một câu “anh yêu em/em yêu anh” lúc tình cảm nồng thắm,... Những thứ này nhìn bề ngoài có vẻ chẳng có tác dụng gì, nhưng lại có thể tăng cường tình cảm trong hôn nhân.

Đừng bỏ qua những vấn đề nhỏ trong hôn nhân

Vấn đề có nhỏ đến mấy cũng đều là vấn đề. Ví dụ ai rửa bát nấu cơm, ai phơi quần áo, ai đưa đón con cái, cho bạn mượn tiền có cần nói với bạn đời của mình không… Sau khi cưới, cả hai người đều là một thể bao gồm tình cảm, lợi ích và trách nhiệm, mọi thứ đều phải rõ ràng mới không khiến hôn nhân bị gài đầy bom nổ chậm. Cuộc hôn nhân lâu bền quan trọng nhất chính là nhẫn nhịn lẫn nhau nhưng nhẫn nhịn cũng cần có giá trị, mục đích căn bản là để gia đình hòa hợp hơn.

cuộc sống hôn nhân gia đình, cuộc sống hôn nhân, tư vấn hôn nhân, chuyện gia đình, chuyện vợ chồng, bài học cuộc sống

Chúng ta cần đặt ra một giới hạn cho sự nhẫn nại, nếu nhẫn nại vô hạn thì đó là sự dung túng. Ví dụ ngoại tình và bạo lực gia đình, chỉ có 0 lần và vô số lần. Mong bạn gặp được người yêu bạn suốt đời, cùng nhau chung sống vượt qua những chua cay mặn ngọt, sóng gió bão táp cả cuộc đời nhưng vẫn có thể tìm thấy được hạnh phúc thực sự.

 

Theo Công lý

Xem link gốc Ẩn link gốc https://ngoisao.vn/tam/tam-su/hon-nhan-cua-ai-ma-khong-nhu-vay-hoac-la-nhin-hoac-la-bo-cau-tra-loi-cua-nguoi-tung-trai-khien-tat-ca-moi-nguoi-phai-lang-im-382635.htm

Hôn Nhân


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.