Từ vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành tử vong, chuyên gia tâm lý nhấn mạnh bài học về li hôn thất bại

“Chi tiết bác của bé gái kể lần gần nhất bé gái gặp mẹ ở trường – bé bảo với mẹ là bố không cho con gặp mẹ nên mẹ đừng gặp con nữa là câu nói ám ảnh, đau lòng. Điều này cũng cho thấy bài học về li hôn thất bại” - Chuyên gia tâm lý Hồng Hương cho hay.

Hôn nhân thất bại thì li hôn phải thành công

Những ngày gần đây, vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành tử vong khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Bố mẹ của bé gái đã li hôn. Sau khi li hôn, ông N.K.Tr.T. (bố bé V.A.) đưa bé V.A. cùng Nguyễn Võ Quỳnh Trang dọn về sống chung với nhau tại chung cư. Và điều đau lòng đã xảy ra khi cô bé bị hành hạ đến tử vong.

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương – Thường trực Thư viện Lưu trú thuộc Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho biết, một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cuộc sống của cả 2 người khi không thể tìm được niềm vui, không còn muốn cùng đối phương xây dựng một gia đình nữa thì đó chính là một cuộc hôn nhân thất bại. Khi mọi thứ đã không thể níu kéo thì việc chia tay nhau, trả cho nhau sự tự do là điều nên làm. Như vậy, li hôn chính là người trong cuộc tự bảo vệ quyền chính đáng bản thân, nhất là đối với những người là nạn nhân của bạo hành thể xác và tinh thần. Li hôn sẽ giải thoát họ khỏi những nghịch cảnh đó.

Từ vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành tử vong, chuyên gia tâm lý nhấn mạnh bài học về li hôn thất bại-1
Bé gái bị bạo hành. Ảnh TL

Tuy không phê phán hay cổ vũ li hôn, nhưng theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, câu chuyện của cô bé 8 tuổi cho chúng ta thấy cả gia đình của họ bị mắc kẹt lại giữa cuộc sống này. Họ đã li hôn, đã không cùng nhau chung sống nhưng dường như họ vẫn chưa rời khỏi nhau. Chính vì vậy dễ nhận thấy anh chồng còn hằn học, còn nhiều ấm ức. Anh chưa thông suốt nên vẫn tìm cách làm đau nhau, cụ thể ở đây là không cho mẹ thăm con,

Đứa con trước đây được mong chờ được coi là cục vàng thì có thể nay có lúc con trẻ lại trở thành "cục nợ" và thành công cụ để người lớn hành hạ nhau. Cứ nhìn 3 người họ chẳng thấy có sự giải thoát nào. Họ vẫn dính mắc vào nhau, cào xé nhau… "Lúc còn hôn nhân ta cũng không sống hết mình với nó, lúc hôn nhân kết thúc ta cũng không buông bỏ được mà mắc kẹt mãi với cuộc hôn nhân đó. Chi tiết bác của bé gái kể lần gần nhất bé gái gặp mẹ ở trường – bé bảo với mẹ là bố không cho con gặp mẹ nên mẹ đừng gặp con nữa là câu nói ám ảnh, đau lòng. Điều này cho thấy bài học về li hôn thất bại" – chuyên gia tâm lý Hồng Hương cho hay.

Chuyên gia nhấn mạnh, để không làm khổ mình và khổ những đứa con, hôn nhân thất bại thì li hôn phải thành công. Li hôn thành công là chúng ta trở về thực sự tự do, không còn hằn học, hóa giải được mọi mâu thuẫn, chấp nhận đón nhận những tính cách của nhau, chấp nhận rằng mọi thứ là khác biệt. Chúng ta không thích ứng với những khác biệt đó thì chúng ta tách ra. Tất cả những gì đi qua hãy lưu giữ những kỉ niệm đẹp. Những điều không như ý hãy coi đó là những bài học. Điều này giúp ta trưởng thành hơn, thậm chí nhờ đó mà ta lại có thể thấu hiểu được những nghịch cảnh trong cuộc đời này, mà sau này có thể rút ra những điều tâm đắc hỗ trợ con cái mình

Cách ứng xử và bảo vệ con

Theo chuyên gia, trong hôn nhân và li hôn thì câu chuyện giữa hai người là chính. Chỉ li hôn khi không còn oán hận, đã thống nhất được việc nuôi dạy con sau hôn nhân và phải thật cụ thể: khi người này khó khăn thì người kia sẽ hỗ trợ thế nào?. Khi ai đó lập gia đình và không còn khả năng hoặc không phù hợp để chăm nuôi con nữa thì sẽ ứng xử ra sao?. Việc thăm chăm con như thế nào là tốt cho con?

Ngoài ra hai người cần có một thời gian để thích nghi với việc một mình chăm con, ngồi trao đổi với nhau về tính cách của mỗi đứa trẻ. Bởi khi ở bên nhau, người bố thường làm kinh tế là chính còn chăm sóc gia đình lại là mẹ nên khi tách ra không tránh khỏi những bỡ ngỡ.

Từ vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành tử vong, chuyên gia tâm lý nhấn mạnh bài học về li hôn thất bại-2
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương

Về cách để chúng ta ứng xử và bảo vệ con khi một trong hai người có chồng hoặc vợ mới, chuyên gia nhấn mạnh:

+ Đối với hai bên gia đình: hãy quan sát và hỗ trợ con cháu mình khi cần thiết. Không bao giờ để tình trạng bện nội nói xấu bên ngoại và ngược lại gây hoang mang đau khổ cho con cháu. Hãy nhớ rằng con trẻ muốn được thấy tất cả mọi người yêu thương và chúng thương mọi người. Chỉ khi ấy, trẻ mới tránh những lệch lạc nhân cách sau này.

+ Nên dùng liệu pháp của tâm lý để chữa lành những tổn thương mà họ đã gây ra cho nhau, từ đó mâu thuẫn được hóa giải. Lúc này mục đích của li hôn mới thực sự đạt được và hệ lụy cho những đứa trẻ mới không xảy ra. Và đó chính là giải thoát những con người bị mắc kẹt.

 

Theo Gia đình & xã hội

Xem link gốc Ẩn link gốc https://giadinh.net.vn/tu-vu-be-gai-8-tuoi-bi-me-ke-bao-hanh-tu-vong-chuyen-gia-tam-ly-nhan-manh-bai-hoc-ve-li-hon-that-bai-172211229132325996.htm

Ly hôn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.