Từ vụ ly hôn của ca sĩ Đan Trường, giữ gìn hạnh phúc thế nào khi vợ chồng ở cảnh “Ngưu lang Chức nữ”?

Theo chia sẻ của vợ ca sĩ Đan Trường, họ chia tay sau 8 năm chung sống phần cũng vì khoảng cách địa lý.

Vợ chồng ở cảnh "Ngưu lang Chức nữ"

Vợ chồng ca sĩ Đan Trường ly hôn sau 8 năm chung sống đang gây bất ngờ cho nhiều người hâm mộ. Họ từng khiến nhiều người hâm mộ khi có cuộc sống êm đềm, giàu có. Cặp đôi đã vượt qua nhiều thử thách để đến được với nhau và có được quả ngọt là bé Mathis Thiên Từ.

Theo chia sẻ của vợ ca sĩ Đan Trường - doanh nhân Thủy Tiên, dù hoàn cảnh sống cách xa nhau về không gian, thời gian nhưng trong những năm vừa qua, hai vợ chồng vẫn cố gắng rất nhiều để nuôi dưỡng tình cảm, giữ gìn hạnh phúc. Nhưng sau tất cả đều không thể lấp đầy khác biệt. Nếu cứ cố gắng níu kéo khi không có được tiếng nói chung, cuộc sống vợ chồng cũng không thể có được một mái ấm hạnh phúc, một gia đình đúng nghĩa.

Kể từ khi kết hôn đến lúc ly hôn, vợ chồng Đan Trường ít có thời gian bên nhau. Hai vợ chồng vẫn sống cảnh vợ chồng Ngâu. Thủy Tiên và con trai sống ở Mỹ, trong khi ca sĩ Đan Trường chủ yếu hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam.

Từ vụ ly hôn của ca sĩ Đan Trường, giữ gìn hạnh phúc thế nào khi vợ chồng ở cảnh Ngưu lang Chức nữ”?-1
Vợ chồng ca sĩ Đan Trường ly hôn sau 8 năm sống cảnh "Vợ chồng Ngâu". Ảnh TL

Về nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của cặp đôi có thể sẽ có nhiều uẩn khúc mà chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu. Thế nhưng có thể nhận thấy trong cách chia sẻ của Thủy Tiên, sự xa cách địa lý, sống xa nhau nửa vòng Trái Đất đã khiến cho trái tim của họ xa nhau và không thể hàn gắn lại được.

Trong cuộc sống có nhiều cặp vợ chồng yêu thương nhau nhưng phải sống xa nhau về địa lý. Nhiều người phải sống trong cảnh "sống xa cùng nhau" vì bạn đời phải đi làm việc, học hành ở nơi khác… Các nhà xã hội học gọi điều đó có nghĩa là "sống xa cùng nhau". Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Gia đình Australia, ở Australia khoảng từ 7 - 9% người dân trưởng thành có bạn đời sống ở nơi khác. Ở Mỹ, 3,6 triệu những người trưởng thành đã kết hôn sống xa bạn đời. Ở Canada, theo Cục thống kê, 7% người trưởng thành có mối quan hệ vợ chồng bền vững nhưng không ở cùng địa chỉ.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, yêu xa không phải là chuyện dễ dàng, ngay cả với những người đã là vợ chồng. Làm sao để "xa mặt không cách lòng", để con cái vẫn cảm nhận không khí gia đình đầy đủ là điều không hề dễ. Điều đó đòi hỏi sự cố gắng của cả hai bên rất nhiều. Với người có nhu cầu gặp người bạn đời mỗi ngày, cách sống "Ngưu lang Chức nữ" này sẽ không thích hợp.

Ngày nay với công nghệ phát triển, mọi người có thể dùng các ứng dụng công nghệ để kéo tình cảm gia đình mình lại với nhau khi sống trong cảnh xa nhau. Thế nhưng, tình cảm cần được vun vén trực tiếp ngay tại chỗ đó thì mới đan chặt với nhau. Ở gần nhau có thể có những lúc giận hờn, mâu thuẫn nhưng ở xa dù có giận nhiều khi cũng không dám nói. Nếu được lựa chọn thì vợ chồng cũng nên cân nhắc xem có quyết định sống xa nhau hay không vì sự kết nối trực tiếp vẫn là quan trọng nhất ở mỗi gia đình.

Để giữ tình yêu bền lâu khi vợ chồng sống xa nhau

Trước khi quyết định sống xa nhau, chuyên gia tâm lý khuyên, bạn cần phải chuẩn bị sẵn tâm lý, cần độc lập, tin tưởng bạn đời và sức chịu đựng về tâm lý để có thể sống một mình. Xác định rõ những khó khăn mà cuộc sống xa nhau sẽ mang đến, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển tình cảm của con. Đồng thời, cân nhắc giữa lợi ích tài chính có được và những giá trị tinh thần mất đi.

Cả hai cùng phải cố gắng rất nhiều và phải xác định:

+ Vợ chồng cần bàn bạc xem gặp nhau như thế nào là tốt nhất, chẳng hạn như ai sẽ tới chỗ ai, mức độ thường xuyên sẽ là thế nào và làm sao để trang trải nổi chi phí cần thiết cho cả hai chỗ ở.

+ Thỏa thuận về cách liên lạc.

Không phải ai cũng muốn giữ liên hệ theo cách giống nhau. Có thể bạn muốn gửi tin nhắn mỗi giờ, còn bạn đời lại muốn chuyện trò qua điện thoại vào cuối ngày. Cho dù bạn muốn điều gì giữa hai người phải nói rõ với người bạn đời và nếu hai người không có sự giống nhau thì có thể mỗi bên sẽ cần nhân nhượng nhau một chút cho phù hợp. Hãy tận dụng các phương tiện để liên lạc, thể hiện tình cảm thường xuyên.

+ Dù có sống xa nhau vì bất cứ lý do gì cũng phải tìm mọi cách để được gần nhau khi có thể.

Có những thời điểm phải chấp nhận sống xa nhau nhưng phải tính đến cách để vun vén gia đình. Sự xa cách lâu sẽ làm cho con người ta dễ dàng lạnh nhạt, xa nhau nhiều hơn. Bởi vậy, dù có xa nhau vì bất cứ lý do gì thì phải tìm mọi cách để gần nhau khi có thể mới bền chặt được.

Chẳng hạn, có cặp vợ chồng người chồng làm ở Hà Nội còn vợ con ở Sài Gòn. Hai vợ chồng có nguyên tắc cứ 2 tuần là dành số tiền kiếm được để họ gặp lại nhau. Có khi người vợ đem con bay ra Hà Nội, có khi chồng lại bay vào. Tuy cực vậy nhưng vợ chồng gắn bó được với nhau, duy trì được gia đình chứng tỏ sự kết nối rất là chặt.

+ Đặt ra giới hạn cho thời gian xa cách, tránh tình trạng cả hai quen với việc không còn cần nhau nữa. Nhiều gia đình không phải xa nhau vì có người khác, chuyện quá nghiêm trọng mà đơn giản vì đã thành thói quen không cần có nhau.

Khi sống xa nhau, tệ nạn xảy ra với đôi bên cũng dễ hơn. Một bên phải gánh vác mọi thứ, sống xa nhau, họ sẽ cảm thấy nửa kia có cũng được mà không có cũng được.

Ở xa nhau ít ngày không là vấn đề nhưng nếu xác định lâu dài, có thể bạn nên tính đến chuyện đưa cả gia đình sống cùng. Tiền bạc rất quan trọng để vun đắp hạnh phúc của gia đình nhưng đó không phải là tất cả. Ở gần nhau sẽ cùng nhau làm rất nhiều việc. Mỗi đứa trẻ được sống cùng bố mẹ rất quan trọng và vợ chồng được sống cạnh nhau cũng là một điều tối quan trọng để duy trì cuộc hôn nhân. Cả hai cần tính đến chuyện khi nào thì kết thúc việc sống xa nhau.

Với hầu hết mọi người, cách sống này không thể lâu bền được. Nếu cả hai thấy ổn khi phải sống cách xa nhau mãi mãi thì có lẽ đã đến lúc nên đặt câu hỏi phải chăng đó là mối quan hệ phù hợp.

 

Theo Gia đình & xã hội

Xem link gốc Ẩn link gốc https://giadinh.net.vn/gia-dinh/tu-vu-li-hon-cua-ca-si-dan-truong-giu-gin-hanh-phuc-the-nao-khi-vo-chong-o-canh-nguu-lang-chuc-nu-20210719105108315.htm

cuộc sống hôn nhân


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.