Hương Tươi từng nhận cát-xê 70 nghìn đồng 1 đêm diễn

Nữ nghệ sĩ chia sẻ, dù cát-xê ít nhưng cô được sống với đam mê, học hỏi từ những nghệ sĩ lớn và dành nhiều thời gian chăm lo cho gia đình.

Nữ nghệ sĩ chia sẻ, dù cát-xê ít nhưng cô được sống với đam mê, học hỏi từ những nghệ sĩ lớn và dành nhiều thời gian chăm lo cho gia đình.

Gặp nghệ sĩ Trần Thu Hương ngoài đời, bạn sẽ hiểu tại sao chị lại được gọi là Hương Tươi. Đơn giản là chị luôn nở nụ cười thân thiện với đồng nghiệp hay với cả bác bảo vệ lẫn cô lao công.

 Chị chia sẻ: "Từ nhỏ tôi được mẹ dạy con phải luôn tươi cười, đời con sẽ sung sướng. Nếu con cứ mặt mày cau có, ủ rũ, số khổ sẽ mãi mãi theo con". Và cứ thế, khi bên tai văng vẳng tiếng khóc cười của dàn diễn viên đang dàn dựng vở kịch mới, những kỷ niệm về cuộc đời chị cứ mê mải tuôn ra.

Nghệ sĩ Hương Tươi luôn nở nụ cười bởi tin rằng cười nhiều, đời sẽ nhẹ nhàng, sung sướng.
Nghệ sĩ Hương Tươi luôn nở nụ cười bởi tin rằng cười nhiều, đời sẽ nhẹ nhàng, sung sướng.

Cản là mẹ, dạy cũng là mẹ

 Hồi nhỏ, chị được mẹ cho tham gia sinh hoạt tại Cung Văn hoá Thiếu nhi Hà Nội. Ở trong đội múa hát nhưng chị thường xuyên lên ngó trộm lớp kịch ở tầng trên. Khi lên cấp hai, chị thi vào đội kịch của Cung Hữu nghị và bắt đầu những tháng ngày dẫm mòn sân khấu. Khi ấy, cả đội kịch chỉ có mỗi chị là trẻ con nên hầu như lúc nào cũng được diễn.

Do cả bốn anh chị em đều học giỏi nên gia đình cũng mong chị thi vào trường Thương nghiệp (Đại học Thương mại bây giờ) để có thể có một cuộc sống ổn định. Nhưng cô bé Hương khi ấy đã quyết tâm theo đuổi đam mê và bí mật làm hồ sơ vào trường Sân khấu điện ảnh. Biết tin, mẹ Thu Hương hết mực can ngăn vì cho rằng cuộc sống nghệ sĩ, diễn viên vừa bấp bênh vừa nhiều cám dỗ.

Nhưng sau một tháng kiên trì đấu tranh, trời không chịu đất, đất phải chịu trời, mẹ chị cũng phải chịu ký vào hồ sơ cho con thi vào trường yêu thích. Khi đỗ vào trường Sân khấu điện ảnh (năm 1988), bên cạnh việc học ở trường, nghệ sĩ Hương Tươi có một người thầy khác là mẹ.

Mọi lời ăn, tiếng nói, cách đi lại, ứng xử, khóc, cười của chị đều được mẹ uốn nắn, rèn rũa. Không những thế, mẹ chị còn là nhà kiểm duyệt kịch bản trước khi quyết định cho chị tham gia vai diễn hay không. Với những kịch bản hay, mẹ chị sẵn sàng cho chị diễn không công. Còn những kịch bản dở hay có yếu tố nhạy cảm thì nhất quyết không được diễn.  

Đi lên bằng tài năng

 Khi bước vào trường, cô sinh viên năm nhất đã quyết tâm phải được đóng vai chính và nổi tiếng. Vì thế, Thu Hương luôn miệt mài trên sàn tập và thường xuyên đứng nhất lớp sau các bài kiểm tra.

May mắn được thầy giáo là NSND Xuân Huyền phát hiện, dìu dắt. Chị thường xuyên được đóng vai chính và có cơ hội để thể hiện mình. Đến tận bây giờ, nghệ sĩ Thu Hương vẫn nhớ lời thầy khích tướng: "Người ta đẹp, người ta là hoa khôi, người ta có diễn dở thì khán giả vẫn thích. Còn em, em chẳng có danh hiệu gì, em chỉ có thể đi lên bằng tài năng".

Và tài năng của chị đã nhanh chóng được ghi nhận khi trong hội diễn sân khấu nhỏ Quảng Ninh năm 1991, chị là diễn viên nhỏ tuổi nhất nhưng đã xuất sắc giành tới 2 huy chương vàng.

Nghệ sĩ Hương Tươi chọn Nhà hát Tuổi trẻ để đầu quân dù chỉ được nhận các vai phụ, chị cho biết mình muốn được tiếp xúc, học hỏi từ những "cây đại thụ" của làng kịch.
Nghệ sĩ Hương Tươi chọn Nhà hát Tuổi trẻ để đầu quân dù chỉ được nhận các vai phụ, chị cho biết mình muốn được tiếp xúc, học hỏi từ những

Sau hội diễn ấy, cái tên Thu Hương nổi lên như một hiện tượng. Nhiều đoàn kịch chào mời và hứa hẹn cho chị đóng vai chính ngay khi ra trường. Nhưng cuối cùng, chị lại quyết định về Nhà hát Tuổi trẻ - nơi mà chị chỉ có thể nhận các vai phụ, thậm chí là vai quần chúng.

 Nói về quyết định này, nghệ sĩ Thu Hương chia sẻ: "Thời điểm đầu thập niên 90 là thời kỳ sung sức nhất của các nghệ sĩ Lê Khanh, Chí Trung, Anh Tú. Mình muốn đầu quân cho một nơi có nhiều diễn viên lớn để có thể học hỏi và nuôi hy vọng một ngày mình có thể toả sáng".

Dù ở giữa "dải ngân hà" nhưng nghệ sĩ Thu Hương nhanh chóng được đóng các vai quan trọng. "Và dù có phải đóng vai phụ thì tôi luôn cố gắng để vượt lên, để tạo nét ấn tượng với khán giả trong thời gian xuất hiện ngắn ngủi" - chị chia sẻ.

Để có thể làm được điều đó, nghệ sĩ Thu Hương thường là người đến sớm nhất trong các buổi tập. Chị hay ngồi một mình trước gương, tập khóc, tập cười sao cho sinh động nhất. Đặc biệt, khi đóng bất cứ một vai nào, dù lớn hay nhỏ chị cũng tham khảo ý kiến mọi người.

Từ diễn viên gạo cội, đồng nghiệp, bạn bè đến cô lao công đều được chị hỏi ý kiến. Từ đó, chị gạn lọc các nhận xét để dần hoàn thiện mình. Sau từng vai diễn, chị lại cảm thấy mình lớn hơn một chút. Với chị, nghệ thuật không có đích vì: Hôm nay, tôi diễn tốt hơn hôm qua thì tôi phải cố gắng làm sao ngày mai, mình lại diễn hay hơn nữa.

Bén duyên hài kịch

 Thời kỳ mở cửa, đất nước chuyển sang cơ chế thị trường. Các nhà hát cũng phải chuyển mình theo. Chính kịch, bi kịch vốn kén khán giả nay lại càng vắng người đến xem. Chỉ có hài kịch, với tiếng cười, với sự thư giãn sau giờ làm việc là sống được và đến được với đông đảo khán giả.

Lúc ấy, người chuyên đóng các vai bi như nghệ sĩ Thu Hương cũng phải đổi mới mình. Chị học diễn hài và nhanh chóng để lại ấn tượng với vai Sàng, con gái út của nghệ sĩ Chí Trung trong vở Bốc bải dần sàng.

Từ diễn viên chuyên vai bi, Hương Tươi đã có cú lội ngược dòng để trở thành diễn viên hài kịch được yêu thích.
Từ diễn viên chuyên vai bi, Hương Tươi đã có cú lội ngược dòng để trở thành diễn viên hài kịch được yêu thích.

Rồi các vai diễn hài khi diễn ở hội nghệ sĩ sân khấu dần làm cho giới chuyên môn để ý tới chị. Bước ngoặt lớn nhất trong tên tuổi của Hương tươi là chị nhận lời tham gia chương trình Gặp nhau cuối tuần.

 Chị chia sẻ: "Khi diễn hài, tôi không thể làm mọi người cười ào lên mà chỉ tủm tỉm, tủm tỉm xong cười oà lên rồi lại tủm tỉm, tủm tỉm. Đó chính là bởi cái bi trong cái hài của tôi. Khi nghe tôi nói, mọi người có thể cười. Nhưng sau đó, họ sẽ phải dừng lại để ngẫm nghĩ, để đau cùng nỗi đau của nhân vật". Và rất nhanh chóng, cùng với sự nổi tiếng của mình, nghệ sĩ Hương Tươi trở thành cái tên để bán vé, để kéo khán giả đến nhà hát hay đến với các chương trình truyền hình.

Tiền thích nhưng không ham

 Do điều kiện gia đình khá giả nên ngay từ khi bước chân vào nghề, chị đã khá kén chọn vai diễn. Ba năm đầu ở nhà hát Tuổi trẻ, chị không có lương mà chỉ có tiền bồi dưỡng khoảng 10 nghìn đồng cho mỗi đêm lên sân khấu. Nhưng khi được đóng vai chính, nếu như nhà hát trả 70.000 đồng cho một đêm diễn thì chị đã có thể kiếm được vài trăm từ việc chạy sô.

Khi cái tên Hương Tươi dần trở nên quen thuộc với khán giả, cát xê của chị cũng tăng lên theo cấp số nhân. Có những lần, chị nhận được vài chục triệu đồng cho một đêm diễn. Cát-xê cao là vậy nhưng nghệ sĩ Thu Hương luôn khẳng định: "Tiền thì ai cũng thích nhưng tôi diễn chủ yếu vì đam mê, vì muốn được phục vụ khán giả". Và dù được mọi người yêu mến với các vai hài nhưng trước sau chị vẫn nhận mình có sở trường với bi kịch.

Vì thế nên khi lập gia đình, chị chạy sô ít hẳn đi dù những hợp đồng với khoản thù lao hấp dẫn vẫn luôn mời gọi. Chị cho biết: "Hai đứa con là tài sản lớn nhất của mình. Và ở độ tuổi này (con gái lớp 6, con trai lớp 2) thì mình phải luôn quan tâm, để mắt tới nó. Bởi thế, chị sẵn sàng từ chối lời mời chỉ để dành thời gian đón con và nấu cho chúng một bữa ăn gia đình".

Hai con xinh xắn, ngoan ngoãn là động lực để nữ nghệ sĩ cố gắng và cống hiến từng ngày.
Hai con xinh xắn, ngoan ngoãn là động lực để nữ nghệ sĩ cố gắng và cống hiến từng ngày.

Chị chia sẻ: "Hài kịch bây giờ hầu như không có kịch bản và càng ít kịch bản hay. Trong khi đó, chính kịch, bi kịch thì vẫn là một thế giới bao la với nhiều câu chuyện hấp dẫn. Ít xuất hiện trên tivi nhưng tôi sẽ vẫn bền bỉ diễn tại nhà hát Tuổi Trẻ. Bởi được lên sân khấu, diễn vai mình yêu thích trong sự cổ vũ của khán giả chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của mỗi người nghệ sĩ".

Theo Việt Hùng/ Báo Đất Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.