Đỗ Hải Yến: "Tôi ổn rồi!"

Câu trả lời nào cho hiện tượng Đỗ Hải Yến: May mắn hay nghị lực bứt phá của một ngôi sao điện ảnh không chuyên, có vóc dáng bé nhỏ và tuổi đời còn rất trẻ này? Điều này nếu không thể trả lời bằng khán giả - vốn luôn là số ít với dòng phim nghệ thuật mà Yến theo đuổi, thì liệu có thể là bởi Ban giám khảo LHP Việt Nam lần thứ 16 sắp tới -...

"Tỏa sáng trên thảm đỏ thì cũng chỉ được 1-2 giây"

Làm nghệ thuật (một cách thiết thực lẫn không thiết thực) ở ta thì nói chung, không mất cái này thì cũng phải mất cái khác. Vậy thì sá gì cái... múi giờ?

Quan niệm đến LHP để được dạo gót trên thảm đỏ và để đi chơi là ngộ nhận. Tỏa sáng trên thảm đỏ thì cùng lắm cũng chỉ được 1-2 giây, và được đặt chân lên nó, phải mất bao công lao tâm khổ tứ. Di chuyển liên tục qua nhiều múi giờ, tới mức không buồn chỉnh đồng hồ, thời gian lưu lại ngắn không để để hồi sức, nhất là với diễn viên nữ... - đó là những chuyện nằm ngoài vầng hào quang của các LHP quốc tế.

Ngay mỗi việc đưa mắt hình rẻ quạt ra sao, mỗi góc nhìn cần phải dừng lại bao nhiêu giây để các nhà báo tiện chụp hình; thậm chí nên cầm nĩa thế nào, khi uống rượu thì nên ăn kèm với món gì... Tất thảy, khi ra ngoài, đều cần phải học, phải chuyên nghiệp hóa. Năm vừa rồi tính ra chắc tôi phải đi máy bay nhiều hơn đi bộ - là món tôi rất khoái. Vì tôi chẳng biết điều khiển bất kỳ phương tiện giao thông nào. Hơn hết, còn là cảm giác được sống chậm lại, được đứng yên, sau những chuỗi dài di chuyển.

Thuê nhà ngay sát Bờ Hồ, một ngày bình thường của tôi coi như đi hết một vòng hồ. Sáng ra ghé quán ven hồ uống một cốc sinh tố, ngắm người đi dạo hồ; giữa buổi chếch lên chợ Hàng Bè mua lá gội đầu, trong khi chờ nước sôi thì tranh thủ xem phim, gội đầu xong lại quay ra quán ban sáng vừa hong tóc vừa kiếm cái gì lót dạ, lướt vài ba trang sách... Xâm xẩm tối thì đi mua đĩa phim, rồi về nhà mẹ "ăn chực", tối nào có phim hay ở rạp thì đi xem phim với cô em gái... Thế, cuộc sống của tôi thực ra rất đơn giản, gọn nhẹ. Đến mức, lắm lúc tôi dường như chỉ cần có vậy: mỗi ngày đi trọn một vòng hồ.

- Đơn giản như Duyên?

Không, đơ giản khác Duyên. Đơn giản của Duyên giống cô em gái của tôi hơn (chắc vì nó cùng tuổi); buồn lắm thì cũng chỉ trong vòng... 5 phút! Duyên đơn giản ở mức, cứ tưởng Hải (Duy Khoa) là an toàn, như Thổ (Trí Nguyễn) thì mới là mạo hiểm. Nhưng khổ nỗi, an toàn thì thường lại... không vui - Duyên thấy thế. Tôi thì tôi lại thấy cả hai chả có ai là an toàn. Với tôi, một người đàn ông trường thành là an toàn. Cố nhiên, sự trưởng thành này không tỷ lệ thuận với tuổi tác. Và an toàn là vui rồi, miễn vui là được - lúc này tôi chắc thế!

- "Một ngày bình thường" nhưng có đến ba lần dành cho phim ảnh! Phim ảnh cho chị sự an toàn sao, ít ra, so với... đàn ông?

Tôi nhớ, trong vai diễn đầu tiên của tôi với điện ảnh (trong bộ phim không thành của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn), tôi đã vừa máu vừa hát bài "Tự nguyện". "Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng...". Giờ nghĩ lại, thấy quả đúng là mình đã "tự nguyện" đến với điện ảnh vậy. "Nếu làm nghề, tôi sẽ chết cho phim" chăng? "Chết" thì chắc là không an toàn rồi! (Cười).

- 5 phim, chỉ vừa đúng một bàn tay, vậy mà mật độ và tần suất phủ sóng LHP quốc tế của chị thì có thể nói là vào hàng kỷ lục ở Việt Nam. Chị có nghĩ, chị đã quá may mắn, so với bao diễn viên đàn anh đàn chị tài danh khác, nhưng rất hiếm hoi có dịp được đi ra ngoài nhiều đến mức như chị?

May mắn của tôi là được sinh ra sau, trong một điều kiện làm nghề khác, ít nhiều thuận lợi hơn. Nhưng dù là vậy, khi quay về, tôi vẫn tự biết, phải rất lâu nữa, thậm chí là chẳng bao giờ, tôi mới chạm được đến trình độ diễn xuất như các cô Trà Giang, Như Quỳnh... thuở trước - những người mà tôi vô cùng kính nể.

- Phải rồi, bù lại, hạnh phúc của thế hệ trước lại là tình yêu nồng hậu và nhiệt thành của công chúng với điện ảnh. Trong khi đó, không ít bộ phim ở ta hiện nay sau khi gây được tiếng vang ở xứ người, về nước lại bị khán giả nhà ghẻ lạnh. Chị nghĩ sao khi có nhận xét rằng "Chơi vơi" chỉ là bản sao khó giấu của "Mùa hè chiều thẳng đứng" và một cô Duyên "giả người" như "Chơi vơi" là không có thật, ít ra là ở Việt Nam?

Về chuyện phim này có giống phim kia không, tôi nghĩ tốt nhất nên hỏi đạo diễn và các nhà phê bình. Phần tôi, tôi chỉ biết "bênh" cho Duyên thôi. Duyên, tôi nghĩ cô ấy không phải là người lạ đến mức không có thật. Cô ấy trái lại cũng như không ít người trẻ tuổi khác mới chập chững vào ngưỡng cửa trưởng thành, có thể có những vội vàng, những ngộ nhận, những thay đổi..., để rồi cuối cùng tự mỗi người sẽ rút ra bài học cho riêng họ, dù sau đó, lại có thể tiếp tục những cuộc khám phá mình trong những cuộc phiêu lưu khác, "chơi vơi" không kém...

"Không thể hy sinh cho nghệ thuật bằng sự ích kỷ"

- Khám phá mình trong điện ảnh, gần như ngay lập tức, chị sở hữu sự nổi tiếng. Chị có nghĩ, sự nổi tiếng, trước khi gây phiền toái, tự nó đã là một hấp lực đủ sức kéo con người ta đi...

Đúng là hào quang của sự nổi tiếng, tại một khoảnh khắc nào đó, nó thực sự là ma lực đối với người làm nghệ thuật. LHP Venice vừa qua chẳng hạn, với đoàn làm phim "Chơi vơi" đó quả là một bất ngờ quá ngọt ngào! Không phải lúc lướt đi trên thảm đỏ, những ánh đèn flash..., vì vầng sáng ấy kết thúc rất nhanh, và ai đến với liên hoan cũng được thế. Mà đó là lúc phim lần đầu tiên được chiếu tại một rạp lớn tới 2000 chỗ, buổi chiếu kín ghế. Phim hết, nhất loạt khán giả đứng dậy vỗ tay rất lâu, đoàn làm phim ngồi xuống, khán giả lại vỗ tay và chúng tôi lại phải đứng dậy thêm lần nữa. Cảm giác lúc ấy, bao nhiêu công sức bỏ ra trước đó cũng bõ. Dĩ nhiên, người ta không làm nghệ thuật chỉ vì tiếng vỗ tay đó, nhưng có những lúc, dường như chúng tôi cũng chỉ cần có thế: sự động viên, trân trọng...

- Khi nhìn thấy chị vụt nổi tiếng sau vai Phương - dường như đến quá sớm ở tuổi của chị, đã có lúc tôi thầm lo cho chị, rằng làm sao chị có thể tiếp tục sống bình thường được nữa, làm sao chị có thể nhận những vai quá nhỏ, hay đóng phim truyền hình, mà cơ hội lớn như Phượng thì biết bao giờ...

Ôi đâu vì Phượng mà tôi không dám nhận đóng phim truyền hình? Chỉ là chưa thu xếp được thời gian, trước những lời mời đến không đúng lúc. Hoặc có thể, tôi chưa có duyên với nó. Làm sao tôi có thể từ chối được, nếu đó là một kịch bản hay? Truyền hình hay điện ảnh thì cái đích cuối cùng cũng là khán giả. Nhưng khổ nỗi, hình như tạng tôi lại chỉ hợp với những việc gì cần đến sự tỉ mẩn, chăm chút, cần nhiều thời gian. Tôi dường như không thể làm được nhiều việc cùng một lúc.

Thế nên, gần như chỉ có thể hoặc là chạy thục mạng, hoặc là ngồi lại thở, chứ không thể vừa chạy vừa thở được. Dù "chậm" của tôi, dừng lại của tôi cùng lắm cúng chỉ được một tuần. Có những buổi sáng tỉnh dậy rõ ràng là hoang mang chứ, nhất là vào cái ngày đầu tiên sau khi phim đóng máy, bởi câu hỏi: Hôm nay mình sẽ làm gì?... Đoàn làm phim gắn bó bên nhau ngót nghét năm trời, có những người có thể suốt đời mình không bao giờ được gặp lại, chẳng hạn như những đoàn làm phim mà tôi đã đi qua... Đấy, đôi khi là những suy nghĩ vu vơ lãng đãng thế thôi, nhưng cũng có thể làm mình bần thần mất cả buổi sáng, cả một ngày. Thế nên, cứ sểnh ra là tôi lại khăn gói đi học. Để chuyên nghiệp hóa đã đành, nhưng cũng có thể còn vì để lấp chỗ trống, để đỡ thấy "nhạt miệng, buồn tay"... Được cái, hình như tôi có khả năng nắm bắt cái mới rất nhanh, nhìn người ta làm gì, nếu muốn, ít nhiều, tôi cũng sẽ làm theo được.

- Có chuyện chị từng dám từ chối hạnh phúc làm mẹ - trăm sự cũng chỉ bởi say nghề không; bởi "sống chậm", "dừng lại" trong nghệ thuật, đôi khi cũng có thể làm trôi qua cơ hội?

Chuyện đã qua, tôi không muốn nhắc lại nữa, không muốn đi giải thích. Tôi nghĩ mình đã đủ lớn để hiểu việc nào sai, đúng. Đã quá nhiều ồn ào rồi, thậm chí nhiều việc đã bị đẩy đi quá xa ngoài sức tưởng tượng...

- Nhưng dù sao chuyện cũng đã lên báo. Tại sao chị không nghĩ mình cũng cần phải lên tiếng - dù là cực chẳng đã - để bảo vệ mình, nếu điều đó là sai sự thật và gây bất lợi cho chị, nhất là ở thời điểm này?

Thời điểm này? Ý chị nói là thời điểm tôi vừa có bạn trai mới? Nếu chỉ là vì vậy thì tôi nghĩ tôi càng không cần phải nói và là nói lên báo. Bởi sự im lặng đầy cảm thông và tin tưởng mà tôi nhận được đã quá đủ để tôi cảm thấy không cần phải giải thích nhiều về mình, về những chuyện đã qua... Với công chúng, tôi chỉ có thể nói rằng: Đúng là tôi luôn ham thích công việc đóng phim, ham đến nỗi mỗi ngày không có phim của tôi rốt cuộc cũng vẫn có phim - như lúc này chị "phát giác". Nhưng tôi chưa bao giờ yêu nghề và say sự nổi tiếng ở mức bệnh hoạn. Không thể hy sinh cho nghệ thuật bằng sự ích kỷ, trừ khi là nó bị áp đặt và điều khiển bằng ý muốn của người khác!

- "Có tiếng mà không có miếng" với phim nghệ thuật (trừ "Người Mỹ trầm lặng"), vậy thì chị sống bằng gì? Nếu là để sống bằng giá trị bản thân? Một cái váy đầm hàng hiệu để xuất hiện 2 giây trên thảm đỏ chẳng hạn, đã bao giờ nó bị túi tiền của chị làm khó?

Thì đúng là tôi đâu có nhiều tiền! Làm phim nghẹ thuật, có đắt sô mấy thì cũng thường phải mất hai năm một phim... Cũng may, nhu cầu cuộc sống của tôi - như đã nói - cũng thuộc dạng đơn giản, ngày một vòng hồ, lại không bao giờ phải mơ xe đẹp thì đâu có cần quá nhiều tiền lắm đâu! Còn một hai chiếc váy hàng hiệu để "lấy ve" với người ta, nếu cần, thì cũng có lúc mình "rinh" mua được chứ! Tôi cầm tinh tuổi Tuất, vận số nghe đâu vất vả. May mà được cái dáng vẻ thảnh thơi, nên nếu cần, vẫn giấu tốt.

- "Đại gia" thì thường thích sánh với chân dài, nhưng biết đâu, có thể cũng thích che chở cho những dáng vẻ "mình hạc sương mai"?

Thế à? Tôi không biết. Phụ nữ, ai chả cần được che chở và đâu cứ phải đại gia thì mới là che chở được cho phụ nữ! Cuộc sống lẽ đương nhiên không thể thiếu tiền nhưng bản thân tiền tự nó đâu mang lại được hạnh phúc. Điều đó cũng đơn giản như xe thì phải có xăng mới đi được, nhưng xăng đâu phải là thứ làm nên chiếc "sang", đâu nhất thiết phải giàu, mà nó có thể ẩn chứa trong phong thái, cốt cách, phông văn hóa... NSND Lê Khanh chẳng hạn, ngay cả khi ăn vận giản dị nhất, chị ấy cũng vẫn luôn toát ra một vẻ đài các, quý phái... mà không ai dễ gì có được.

"Duyên đã dạy tôi cách yêu mình"

- Tới lúc này nghĩ lại, chị thấy, có đúng Phượng chính là vai diễn đã thay đổi cả cuộc đời chị?

Phượng thay đổi... tiếng Anh của tôi thì chính xác nhất. Sau sự cố buồn cười: "Em có muốn dùng Coca Cola không?" - Philip Noyce hỏi tôi thế, và tôi bảo: "Em 18 tuổi!", tôi đã được đưa Úc học tiếng, với giáo viên là một người Mỹ và trong suốt mấy tháng trời không hề được tiếp xúc với người Việt, chỉ để chí chết với tiếng Anh. Ban đầu tôi khóc suốt ngày, đến mức, đâm... "hận" cái thứ tiếng xa lạ, tự dưng ở đâu kéo đến làm khổ mình. Hồi trước cũng đã từng học mà không vào thì chớ! Nhưng sau đó, sự quyết tâm rốt cuộc cũng đến. Bởi tôi không muốn trong những cuộc tiếp xúc mà tiếng Anh có mặt, tôi lại cứ phải luôn là người hiểu chậm nhất, hoặc luôn phải mang một cái mặt nghệt, chỉ vì một thứ không phải là không học được.

Thiếu tiếng Anh, đã có những lúc, giữa những nơi xa lạ, tôi bỗng chốc cảm thấy cuộc sống của mình như chẳng còn ý nghĩa gì nữa hết... Giờ thì ổn rồi, tiếng Anh của tôi! Và rõ ràng, từ khi túm được nó, mọi việc với tôi bỗng trở nên thuận lợi hẳn. Những khóa học ngắn ngày về nắm bắt tâm lý tại Úc, về sản xuất phim và diễn xuất tại Mỹ sau này cũng chính là nhờ tiếng Anh và sự giúp đỡ của đoàn phim, đặc biệt thầy Philip Noyce. Tôi biết ơn Phượng nhất là điều đó.

- Vì sao chị lại học về sản xuất phim - thứ mà... phụ nữ ở nước ta thường ít khi dùng đến?

Đến với điện ảnh, cái tôi có - như người ta nói, là Múa, một gương mặt xi-nê, và chút năng khiếu bản năng. Đó là một may mắn, nhưng tôi luôn biết: Bản năng không phải là thứ tài nguyên vô tận đối với người làm nghệ thuật. Bản năng cần nhưng chưa đủ. Vì vậy, nếu tôi muốn tiếp tục đi xa hơn, tôi còn cần phải học. Trong số rất nhiều thứ phải học, bên cạnh kỹ năng diễn xuất, tôi nghĩ sẽ tốt hơn, nếu có thêm được cái nhìn của một nhà sản xuất.

- Cái nhìn đó, chị nghĩ có thể giúp được gì chị?

Là chừng nào muốn, tôi cũng có thể biết cách biến một câu chuyện mà nếu kể suông thì chỉ mất chừng 3 phút, nhưng nếu lên phim sẽ cần tới 90 phút!

- Như "Chơi vơi"?

Thì đấy! Cũng chính vì "Chơi vơi" vẻ như không có chuyện gì mà ban đầu đọc nó, tôi ngán lắm. Chả thấy có ấn tượng gì vì chẳng biết phim định nói cái gì, rồi thì cả Duyên nữa, hình như cũng chả có gì, cứ nhợt nhạt thế nào...

- Thế rốt cuộc chị phải cảm ơn Duyên hay Duyên phải cảm ơn chị?

Tôi chứ! Tôi cảm ơn Duyên vì Duyên đã thật kiên trì với tôi và biết cách thuyết phục tôi. Và ở một mức độ nào đó, Duyên đã giúp tôi hiểu thêm rằng: Nhiều lúc, mình cũng cần phải biết yêu mình và tôn trọng cá tính của mình, thay vì để người khác kéo đi đến mức đánh mất cả chính kiến của mình. Được sống tự nhiên, để được là mình, cho mình - đó có thể cũng là một hạnh phúc cần phải học. Bởi nếu như mình không yêu mình, rất dễ có khả năng mình cũng sẽ không yêu được ai cả.

- Chứ không phải vì chị nhận lời đóng phim của Bùi Thạc Chuyên là để chọc tức người cũ sao, vì nghe đâu hai đạo diễn của chị không hợp cạ - tôi nghe có người bảo thế?

Tôi nghĩ con đường tôi chọn không để phục vụ cho việc tôi muốn dùng nó để chọc tức ai. Tại sao tôi có thể dùng cái việc chọc tức một người vào một bộ phim mà người đại diễn đã mất gần 10 năm lao tâm khổ tứ cho nó, là công sức của cả một tập thể? Và chưa nói chuyện tôi dám đùa với xương máu của người khác, mà trước hết, làm sao tôi lại có thể dám đùa với xương máu của người khác, mà trước hết, làm sao tôi lại có thể dám đùa với chính mình, sau những gì đã mướt mồ hôi tạo dựng.

- Pao thì sao, lúc này, vì cái tên đạo diễn, chị có muốn quên nó?

Sau chuyến thực tế kéo dài 6 tháng, để học tiếng và tiếp xúc với đồng bào Mông, Pao đã thay đổi đáng kể cách nhìn cuộc sống của tôi. Nếu như "Người Mỹ trầm lặng" giúp tôi lăng kính nghề nghiệp thì "Chuyện của Pao" trao cho tôi một lăng kính cuộc sống. Ở cái nơi mà con người ta có thể không được yên chỉ vì bị một con bọ đốt, hay nặng hơn, là cái đói, cái rét... ấy vậy mà ngày ngày, cuộc sống vẫn diễn ra trong một phong thái yên bình nên thơ nhất: hoa cải nở vàng, và mọi người hát ca trên nương rẫy... Nhiều năm sau đó, trong cơn sóng gió, tôi rấy hay ngồi nhớ lại những cảnh đó. Nó khiến tôi thèm có sự bình yên hết sức.

- Chị có vẻ hay đụng phải vấn đề ngôn ngữ nhỉ, Phượng rồi đến Pao?

Đúng rồi, hết tiếng Anh rồi đến tiếng Mông. Và ngay cả Duyên cũng vậy, vì cách cô ấy nói cũng không phải là giọng điệu của tôi ngoài đời.

- Tôi rất thích những bộ váy áo được dành cho chị trong "Chuyện của Pao" - rõ ràng là có một sự chăm chút rất tinh tế và cẩn trọng. Duyên thì không được thế đâu nhé, bởi Duyên thì đúng là "chơi vơi" nhưng phục trang thì xem ra "chơi vơi" lắm! Chị có nghĩ, nói gì thì nói, người cũ của chị thực sự có tài?

Bản thân tôi thấy hài lòng về phục trang của Duyên. Còn thì trong sự thành công của một bộ phim, lẽ đương nhiên điều quyết định nhất bao giờ cũng thuộc về cái tài của đạo diễn. Nhưng tôi nghĩ, nếu để đánh giá một đạo diễn có tài hay không, không thể chỉ qua một bộ phim. Một đạo diễn theo tôi chỉ có thể đạt đến sự ổn định về phong cách và độ chín về tài năng sau ít nhất ba phim.

- Chị cũng đã đạt đến con số ấy rồi đấy, chị đã thấy mình "chín"?

Tôi nghĩ mình may mắn và đã biết tận dụng sự may mắn ấy bằng những nỗ lực hết sức.

"Rất hoang mang khi phim đóng máy"

- Chị có nghĩ sự đổ xô của báo chí vào "Chơi vơi" ngay cả trước khi nó gây được tiếng vang ở nước ngoài một phần cũng là vì một năm ta sản xuất được quá ít phim nhựa nên phim nào cũng được cho là lớn? Làm nghệ thuật ở ta vì vậy rất dễ rơi vào ngộ nhận và ảo tưởng?

Sự ngộ nhận đúng là điều đáng sợ nhất với người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, về chuyện ta làm phim ít, tôi lại không thấy bi quan. Bởi dù quả đúng thế, khi so sánh với nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển, nhưng bù lại, phim của ta hiện nay lại khá đa dạng thể loại: từ phim giải trí tới phim nghệ thuật... Một khi khán giả có nhiều quyền lựa chọn, phần nào đó, họ sẽ giúp người nghệ sỹ tránh được những ảo tưởng và ngộ nhận.

- Thẳng thắn mà nói, chị có thấy có một độ vênh nhất định trong diễn xuất của chị và Linh Đan không, rằng hãy còn lâu chị mới đạt được đến sự nhuần nhị tinh tế ấy? Hay chị cho rằng điều đó nếu có âu cũng là chuyện đương nhiên vì ngôi sao của "Đông Dương" là một đẳng cấp quốc tế?

Nếu đó là nhận xét của khán giả thì tôi đành chịu. Phần tôi, tôi luôn tin vào cô Duyên của mình vì không chỉ với Duyên, mà với bất kỳ vai diễn nào, tôi cũng đã cố hết sức mình cho nó. Để hoàn thành tốt vai diễn của mình, theo tôi, người diễn viên chỉ nên để tâm vào vai diễn, thay vì để tâm đến sự hơn thua, đẳng cấp hay không đẳng cấp, vì một khi đã vào phim, mọi nhân vật đều là bình đẳng.

- Vẫn tiếp tục tỏa sáng ngay cả khi thiếu người yểm trợ. Mừng cho chị, nhưng hãy nhớ lại, vào cái giây phút sợi dây với "người cũ" bị đứt, chị có thấy hoang mang cho sự nghiệp của mình?

Làm nghệ thuật ở mình sao tránh được những lúc hoang mang, nhất là ở phụ nữ. Và đâu cứ phải là lúc xảy ra biến cố lớn thì mới cảm thấy thế, mà chỉ cần vào cái ngày đầu tiền sau khi bộ phim đóng máy - như đã nói, là cũng đã có thể cảm thấy hoang mang rồi.

- Bù lại, có bao giờ là cảm giác thoát ra được một cái bóng trong nghề?

Không, vì công việc của tôi với Hải trước nay là độc lập.

- "Cánh đồng" phim vẻ như "bất tận" với chị nhỉ, khi lại thêm một vai mới nặng ký: Sương trong "Cánh đồng bất tận". Chị nghĩ mình có thể vào vai một cô gái điếm sao?

Thì mình phải cố thôi, về phần mình, còn chuyện tạo hình nhân vật thì đã có đạo diễn. Một vai diễn rất vất vả và đòi hỏi nhiều hy sinh! Nhưng thôi mình dừng ở đây đi! Giữ bí mật về bộ phim trong quá trình quay là điều khoản đã được ký trong hợp đồng với nhà sản xuất.

Điều ít ai biết, đạo diễn đầu tiên có công phát hiện ra Đỗ Hải Yến của điện ảnh - lúc đó còn là "trăng nơi đáy... Múa" - chính là đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Tiếc rằng, do những lý do khách quan, bộ phim đã không đi đến được ngày đóng máy. Tuy nhiên, ấn tượng về cô học sinh trường Múa trước ống kính vẫn còn đó, trong hồi ức của đạo diễn.

"Yến có thể vào được những vai lạ"

Năm đó, Yến vào cỡ 12, 13 tuổi vì tính từ đó tới nay, dễ cũng đã đến mời năm có lẻ. Tôi nhớ như in, lúc đó trông Yến nhỏ xíu, cười nói lách cha lách chách. Tôi nhìn thấy Yến lần đầu lúc cô đang trong phòng tập - khi đó tôi đi cùng một trợ lý đạo diễn người Pháp để chọn diễn viên cho phim, trong số hơn 20 gương mặt "nằm trong đích ngắm. Ấn tượng về một cô bé nhỏ bé nhưng rất duyên dáng, sinh động ngay lập tức đã thuyết phục chúng tôi. Bởi vai diễn chúng tôi đang tìm cũng chính là một cô học sinh trường múa và trường đoạn cô cần đảm nhận là hình ảnh một cô bé đang tập múa một mình trong căn phòng nhỏ, với một dáng vẻ vừa trong sáng hồn nhiên vừa tràn ngập say mê, mãnh liệt, mà không hề hay biết đang có một ánh mắt lạ chăm chú nhìn mình. Chưa nói, Yến còn sở hữu một gương mặt "xi-nê", rất dễ ăn hình.

- Phát hiện rồi... để đấy?! Đánh giá cao "chim chích bông" như vậy, vì sao ông không dám dành cho Yến vai Hạnh trong "Trăng nơi đáy giếng"?

Hạnh sinh ra là để dành cho Hồng Ánh. Yến khác: trong vẻ "mình hạc sương mai" của cô ấy, không bộc lộ đức tính cam chịu mà ngược lại, là một sự tự tin, mạnh mẽ và hết sức năng động. Nếu Ánh hợp với những vai người phụ nữ Á đông truyền thống thì Yến chính là hình ảnh người phụ nữ hiện đại. Yến có thể vào được những vai lạ. Duyên trong "Chơi vơi" vì vậy là một vai diễn rất hợp với Yến. Tôi cho đó là một vai khó, và chắc là ngoài Yến ra, khó ai vào được. Bởi Duyên của Yến vừa bộc lộ một vẻ trẻ con, hơi ngây ngô,lại có cái tuôn trào bung phá của một thiếu nữ băn khoăn tò mò trước ngưỡng cửa người lớn. Một vai rất khó nhưng Yến chơi được! Cô ấy diễn mà như không diễn - cái đấy rất khó và không đạo diễn nào có thể "cầm tay chỉ việc" giúp diễn viên được. Dĩ nhiên bất kể cái gì diễn ra trước ống kính cũng đều nằm dưới sự kiểm soát của đạo diễn nhưng để diễn xuất tự nhiên đến mức dường như mọi cử động cười, nói, khóc hờn... ấy đều là bản năng, tự phát, thì điều đó rõ ràng chỉ có thể thuộc về tư duy độc lập của người thủ vai. Chỉ có thể trông chờ vào đó! Thế nên, tôi chắc tôi sẽ có một vai cho Yến.

"Yến rất biết cách gia giảm"

- "Tự nhiên, không tự nhiên" - diễn viên, theo ông có phải ăn thua là ở chỗ đó?

Thì diễn mà, ăn nhau là ở sự tự nhiên. Xem Yến diễn, một loạt từ Phượng, Pao đến Duyên, thấy rõ cái mạnh nhất ở Yến chính là diễn xuất tự nhiên, lắm lúc đạt đến sự tinh tế, trong khi không ít diễn viên ở ta đã diễn rất kịch, cố mấy cũng không thoát ra được. Cái đó đến từ bản năng, và sau đó là bản lĩnh. Sở hữu thế mạnh này, trong số những diễn viên trẻ ở ta, theo tôi trước nay chỉ có Ngọc Hiệp, kế đến là Hồng Ánh và bây giờ là Đỗ Hải Yến.

- Hỏi khó ông nhé, nếu ông... ngồi ghế BGK LHP VN lần thứ 16 sắp tới, ông sẽ bỏ phiếu giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Hạnh của "Trăng nơi đáy giếng" hay Duyên trong "Chơi vơi"?

Mỗi vai có cái khó riêng của nó và nó hợp với tạng của từng người, Nhưng nếu nói về mức độ "phủ sóng" trong phim thì e Duyên không địch được Hạnh đâu nghe! Vì "Trăng nơi đáy giếng" dồn tất cả "đất đai nhà cửa" cho Hạnh, chỉ nhìn chăm chăm vào Hạnh, có thể nói Hạnh gánh cả bộ phim trên vai; còn "Chơi vơi" chia đều đất diễn cho một loạt diễn viên khác, nên đất diễn của Duyên có phần bị có rút lại. Tuy nhiên, cái giỏi nhất ở Yến ở vai Duyuên là đã tạo ra được những dáng vẻ khác nhau trong ba mối quan hệ khác nhau. Với Hải (Duy Khoa) là một dáng vẻ nhè nhẹ dịu dịu, quan tâm ở mức hờ hờ; với Cầm (Linh Đan) thì sự quan tâm đã đến độ đồng cảm, chia sẻ; với Thổ (Trí Nguyễn) thì có lẽ là sự quan tâm nhiều hơn đến chính mình, trước thứ lực hút mà cô ấy vừa muốn cưỡng ra vừa bị kéo vào... Phải nói Yến rất biết cách gia giảm, để tạo ra được một món ăn vừa miệng. Có điều, tôi thì tôi đoán, Sen Vàng, Sen Bach kỳ này chắc phần lớn sẽ được trao cho "Đừng đốt", chứ chưa chắc đã tới lượt Duyên hay Hạnh...

NSND Như Quỳnh: "Lợi thế kép ở Yến: Vẻ đẹp thuần Việt + khả năng tiết chế"

Đỗ Hải Yến phải nói là rất có duyên với NSND Như Quỳnh. 10 năm, chỉ tham gia vỏn vẹn 6 phim truyện nhựa nhưng có đến một nửa trong số đó, Yến diễn chung với đàn chị Như Quỳnh. Hãy xem NSND Như Quỳnh nhận xét thế nào về "cô con dâu" của chị trên màn ảnh.

- Trong bộ phim "Mùa hè chiều thẳng đứng" thực hiện cách đây 10 năm, Yến chỉ đóng một vai rất nhỏ và mờ nhạt. Tuy nhiên, với con mắt của một diễn viên kỳ cựu và có nghề, lúc đó, liệu chị có sớm nhận ra ở Yến một gương mặt triển vọng?

Mải tập trung vào vai diễn của mình, thú thực là tôi cũng không mấy để ý đến các nhân vật xung quanh. Hơn nữa, trong phim này, Yến cũng không diễn cùng tôi cảnh nào nên cái nhìn của tôi với Yến mới chỉ thoáng qua. Chủ đủ để nhận thấy Yến có một ngoại hình rất tốt, một vẻ đẹp rất Á đông, rất Hà Nội, rất dễ ăn hình... Còn về diễn xuất, thực sự bộ phim đầu tay đó, tôi cũng chưa thấy Yến có gì nổi bật.

- "Chơi vơi" đánh dấu cuộc hội ngộ lần thứ 3 trên màn ảnh giữa chị và Đỗ Hải Yến sau "Mùa hè chiều thẳng đứng" và "Chuyện của Pao". Theo dõi những vai diễn sau này của cô ấy, chị có thấy có sự tiến bộ trong diễn xuất của Yến?

Sang đến "Chuyện của Pao", tôi mới có dịp đóng chung cảnh với Yến và nhìn Yến rõ hơn. Ngay lập tức, tôi nhận thấy cô bé sở hữu một tiềm năng diễn xuất rất tốt. Yến năng nổ trong tất cả mọi công việc, đặc biệt là khả năng tập trung để thể hiện tốt nhân vật cũng như tạo hứng cho bạn diễn. Với "Chơi vơi", nỗ lực đó lại càng cho thấy một bước tiến mới.

- Một gương mặt đậm chất Á đông - lợi thế mà chị đánh giá cao ở Yến cũng chính là "bảo bối" đã giúp chị tạo được sức hút với nhiều nhà làm phim trong và ngoài nước. Theo chị, có phải chính vẻ đẹp ấy đã giúp cho Yến có được chiếc chìa khóa bước vào các dự án phim lớn?

Hẳn nhiên rồi! Là diễn viên, ngoại hình rất quan trọng. Nhất là với điện ảnh. Nhưng ngoài ngoại hình ra thì còn cần đến nội lực, nội tâm, sự nhạy cảm và khả năng diễn xuất của diễn viên. Đa phần diễn viên của mình thường diễn cường điệu, thiếu chân thực. Riêng Yến, tôi không thấy thế. Và bởi vậy, tôi thấy ở Yến hội đủ cả hai yếu tố: một gương mặt rất Việt Nam và một lối diễn chừng mực, biết tiết chế - lợi thế kép rất dễ giúp cô ấy lọt được vào mắt xanh của các đạo diễn nước ngoài và đạo diễn Việt Kiều. Tôi tin Yến còn nhiều cơ hội.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: "Không dễ tìm những gương mặt như Đỗ Hải Yến"

Sau nhiều năm, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vẫn giữ nguyên ý định "theo đuổi" Đỗ Hải Yến cho vai Duyên trong "Chơi vơi". Hấp lực nào ở cô diễn viên này khiến tay đạo diễn có tiếng khó tính này "chung thủy" đến thế? Bùi Thạc Chuyên giải thích lý do...

- Được biết, 7 năm trước, ngay thời điểm khởi động dự án, anh đã "chấm" Yến. Vì sao nhiều năm sau, anh vẫn cố "theo đuổi" Yến bằng được, dù đứng trước vô khối lựa chọn hấp dẫn khác và có thể nói, một vai nội tâm phức tạp như Duyên là khá nặng đối với Yến?

Thứ nhất là Yến có một gương mặt rất phù hợp với nhân vật. Vai Duyên rất khó. Nó khó ở chỗ, nếu không hợp vai diễn thì diễn viên sẽ không biết diễn gì hết. Bởi ngay trong phim, nhân vật cô ấy đảm nhiệm không diễn gì cả, cô ấy bị lôi đi. Nhân vật có đất diễn cho diễn viên là diễn viên có thể làm rất nhiều thứ cho nhân vật của mình. Nhưng ở đây, Duyên lại khá thụ động và bị nhân vật lôi kéo nên diễn xuất lại càng khó. Nếu một gương mặt không thực sự phù hợp thì sẽ làm cho vai diễn trở nên nhạt nhẽo. Thêm một lý do để tôi giữ nguyên ý định: Nếu như trước đây, gương mặt Yến phù hợp hơn với Duyên ở thời kỳ đầu ngây thơ, trong sáng thì sau này, bằng trải nghiệm của chính mình qua những sóng gió trong cuộc sống, Yến lại càng hiểu hơn nhân vật của mình. Yến đã rất cố gắng và thể hiện lối làm việc rất chuyên nghiệp. Có lẽ vì Yến từng có nhiều cơ hội tham gia các đoàn làm phim nên cô ấy ý thức được tình chuyên nghiệp của một diễn viên. Do vậy, sự kết hợp giữa Yến và Linh Đan tỏ ra vô cùng ăn ý. Tôi rất lo khi một diễn viên nghiệp dư lại đóng cùng một diễn viên chuyên nghiệp. Điều đó thật là kinh khủng!

- Một cách khách quan, điều anh thấy hài lòng và chưa hài lòng về Duyên của Yến là gì?

Trước sau tôi vẫn nghĩ: Để vào vai Duyên thì Yến là gương mặt phù hợp nhất. Một diễn viên nghiệp dư có thể hợp với điểm này hay điểm kia của nhân vật nhưng lại không đạt đến trình độ diễn xuất chuyên nghiệp. Bởi vai này có yêu cầu rất khó, không phải diễn viên diễn cái gì mà là họ phải kiềm chế tất cả những gì họ định thể hiện với nhân vật - một cấp độ cao hơn nhiều. Một diễn viên có thể diễn được những điều đạo diễn mong muốn là một diễn viên bình thường. Nhưng khi đạo diễn yêu cầu anh không được làm gì cả, hãy kiềm chế những gì mình định diễn, thì lúc đó cần đến một diễn viên có nghề. Do vậy, phương án lấy diễn viên nghiệp dư không thể thực hiện được. Điều duy nhất tôi tiếc ở Yến là giá như cô ấy trẻ hơn một chút thì sẽ thật sự hoàn hảo với Duyên. Nếu tôi làm "Chơi vơi" sớm hơn khoảng 3-4 năm thì sự thể đã khác.

- Ở thời điểm anh chọn Yến, hành trang điện ảnh của cô ấy dù đã được đóng mác "Người Mỹ trầm lặng" nhưng cũng có thể nói là chưa phải đã nhiều nhặn gì, chưa đủ để khẳng định độ chín về diễn xuất. Trong lúc đó, Duyên lại là một vai rất nặng với ngay cả một diễn viên giỏi nghề, lại còn đặt bên cạnh một tên tuổi đẳng cấp quốc tế như Linh Đan - vốn đã đạt đến độ chín muồi về diễn xuất tinh tế, nhã nhặn. Vì sao anh nhất mực tin Yến?

Với diễn viên, điều quan trọng nhất là gương mặt của họ. Tôi nghĩ rằng các đạo diễn chú ý đến Yến vì cô ấy có một gương mặt rất điện ảnh. Đó cũng là điều giúp cô ấy chiến thắng trong rất nhiều cuộc tuyển vai. Những gương mặt như thế ở Việt Nam không hề dễ tìm. Thêm vào đó, Yến có một môi trường để phát triển về nghề nghiệp rất tốt thông qua các đoàn làm phim chuyên nghiệp. Cô ấy đã từng tham gia đoàn phim "Người Mỹ trầm lặng"" trong 6 tháng trời. Đó là một trường học lớn cho một diễn viên. Yến còn có thêm một lợi thế là xuất phát điểm từ ngành múa nên tính biểu diễn cũng đã khác biệt rồi nên việc cô ấy bước chân vào điện ảnh cũng không có gì khó khăn. Đó là những lý do đã khiến không chỉ tôi mà nhiều đạo diễn khác cũng để ý đến Yến.

- Linh cảm thoạt tiên là vậy, nhưng trong quá trình bấm máy, liệu đã lúc nào anh phải ngờ hoặc: Biết đâu mình nhầm, rằng cũng có thể, nên có một "Duyên" khác, không phải như Duyên của Yến?

Đạo diễn phải biết đặt hết niềm tin của mình vào diễn viên thì bộ phim mới thành công được. Tôi luôn luôn có thói quen như vậy. Tất nhiên là dù đã nhắm Yến vào vai Duyên nhưng tôi vẫn phải thử diễn xuất của cô ấy. Khi đưa kịch bản cho Yến, tôi có nói chúng ta phải thử xem có được không dù tôi biết cô ấy rất lâu rồi. Yến đã phải "test" một số đoạn trong phim cùng với Duy Khoa. Khi đeo tai nghe vào và nghe giọng nói của cô ấy, tôi biết ngay đó chính là gương mặt mà tôi cần.

- "Chơi vơi" đã dạo qua rất nhiều thảm đỏ. Anh đánh giá thế nào khả năng giao tiếp của Yến trước bạn nghề quốc tế, bên cạnh một tên tuổi đẳng cấp như Linh Đan?

Tôi thấy Yến và Linh Đan rõ ràng là rất chuyên nghiệp trong việc giới thiệu hình ảnh của mình trên thảm đỏ. Họ luôn hiểu mình cần phải làm gì. Họ có tiếng Anh tốt, ngoại hình thu hút, lại kết hợp ăn ý ngay cả ngoài đời nên luôn đạt đến độ thuần thục khi giao lưu với báo giới và khán giả. Phần mình, Yến có thể trả lời trôi chảy mọi câu hỏi đặt ra trong phần Hỏi - Đáp sau mỗi suất chiếu ở các LHP bằng tiếng Anh.

NSƯT Song Thủy - Cô giáo dạy múa Trường múa VN: "Yến từng sống khá khép kín"

Đến giờ, tôi vẫn còn giữ băng video phần thi tốt nghiệp của Yến. Lớp của Yến hồi đó có 15 người thì Yến nằm trong số 7 người được chọn để đảm nhận những màn múa solo trong vở múa "Người đẹp ngủ trong rừng" của Tchaikovsky. Trong đó, Yến hóa thân thành một nàng tiên. Để đợi ngày thành "tiên", Yến thực sự là một tấm gương nghị lực. Có lẽ em học được từ mẹ em, một người phụ nữ tần tảo, tháo vát và cũng khá truân chuyên, lận đận về đường tình duyên. Theo như tôi được biết, những năm tháng em theo học ở trường Múa cũng chính là thời điểm gia đình em xảy ra biến cố, bố mẹ em trục trặc và em được gửi lên Hà Nội ở nhờ nhà ông chú (cũng là một người làm nghệ thuật).

Thêm vào đó, sức khỏe của Yến không được tốt, mà theo học nghề múa lại rất vất vả, nội việc tập đứng cho vững trên đôi giày mũi cứng cũng đã đủ mệt phờ. Có những thời điểm, tôi đã nghĩ chắc là Yến sẽ bỏ học. Nhưng không, một cách nhẫn nại, em vẫn quyết theo bằng hết 7 năm học múa, suốt từ năm 12 đến năm 19 tuổi. Kể cả thời điểm căng nhất là gần kề ngày thi tốt nghiệp, Yến còn phải xinh nghỉ học để điều trị bệnh đau chân và cột sống. Giao cho Yến vai tốt nghiệp, vì vậy tôi rất lo, sợ em không đi được đến cùng, không đủ sức gánh nổi. Nhưng tới lúc thi, không ngờ em lại diễn rất tròn vai.

Hoàn cảnh riêng đặc biệt, lại thêm sức khỏe hạn chế, thời gian đầu, Yến phần nào vì thế mà sống hơi khép kín, nhưng khi bộc lộ chính kiến thì lại rất rõ ràng, thẳng thắn, khiến bạn bè thoạt đầu rất dễ hiểu nhầm. Nhưng tới lúc hiểu, thì lại rất quý. Bản thân tôi cũng rất mến cô học trò vừa có học lực vừa có nghị lực này. Nên tới lúc Yến tốt nghiệp, sau khi nghe Yến bày tỏ nguyện vọng, tôi đã đưa em vào TP.HCM giới thiệu với bạn tôi là Hiệu trưởng Trường Múa TP.HCM để xin cho Yến vào dạy.

Tuy nhiên, tôi vẫn không quên dặn Yến: "Nếu muốn theo nghề đứng lớp, em cần phải học thêm và phải có đủ "lửa" thì mới đủ sức truyền đạt sự đam mê ấy sang học trò". Không biết Yến có suy nghĩ nhiều về lời khuyên ấy của tôi hay không mà sau đó, thấy Yến rẽ sang điện ảnh. Tôi chưa được xem "Pao" hay "Duyên", nhưng tôi thích những gì Yến đã làm cho "Phượng" và không khỏi ngạc nhiên trước cái cách em cố gắng giữ được sự tự nhiên trước ống kính. Tôi nghĩ, đó chính là cái mà Múa đã cho Yến. Có nghĩa là 7 năm và mồ hôi ở trường Múa đã không hoàn toàn đổ sông đổ biển, ngay cả khi người từng chọn nó đã không theo nghề...

Theo Thủy Lê



'Lật mặt 7' của Lý Hải cán mốc 103,5 tỷ đồng
"Lật mặt 7" là bộ phim điện ảnh thứ hai trong năm nay vượt mốc 100 tỷ đồng, sau "Mai" của Trấn Thành. Tác phẩm đang áp đảo loạt phim Việt và tác phẩm ngoại về doanh thu, suất chiếu dịp Lễ 30/5-1/5.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.