Thi tốt nghiệp THPT: Không nên dùng 'mẹo' khi làm bài môn Toán

Trước khi thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Mai Kim Bình - Giáo viên Toán, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), đã chia sẻ một số cách để có bài thi đạt điểm tốt nhất.

Theo cô giáo Mai Kim Bình, khi làm bài môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 thí sinh cần phải lưu ý 3 điểm sau đây:

Chú ý phân phối thời gian hợp lý

Cô Bình cho biết, bài thi môn Toán gồm 50 câu, 35 – 38 câu đầu thường ở mức độ nhận biết và thông hiểu, tạm gọi là “phần dễ”. Trong 12 – 15 câu còn lại, khoảng 7 – 10 câu ở mức vận dụng và 5 câu ở mức vận dụng cao. 

Vì thế thí sinh cần lưu ý phân phối thời gian hợp lý cho từng phần làm bài và nên được luyện tập khi làm các đề thi thử, chắc chắn sẽ giúp các em tự tin hơn khi làm bài chính thức.

Thi tốt nghiệp THPT: Không nên dùng mẹo khi làm bài môn Toán-1

Cô Mai Kim Bình - Giáo viên dạy Toán THPT Việt Đức (Hà Nội).

Thắc mắc của nhiều học sinh về “công thức phân phối thời gian khi làm bài thi môn Toán” theo giáo viên này, không có công thức chung cho tất cả học sinh, điều này phụ thuộc vào lực học, mục tiêu, thậm chí là tính cách của các em. 

Ví dụ mục tiêu em mong muốn điểm thi môn Toán là khoảng 8-9 điểm, công thức có thể là 30 - 30 - 30, tức là 30 phút đầu cho 35 câu đầu tiên, 30 phút tiếp theo cho 10 câu trong 15 câu tiếp, 30 phút cuối cho 5 câu còn lại và kiểm tra toàn bài. 

Tùy theo mục tiêu thấp hoặc cao hơn, các em sẽ tăng thời gian về phần dễ, khá hay khó. Ví dụ, mục tiêu điểm khoảng 6-7 điểm, các em sẽ tăng thời gian 2 phần đầu, giảm thời gian phần sau. Với mục tiêu điểm 9-10, chúng ta sẽ giảm thời gian phần đầu, tăng thời gian 2 phần sau. 

Tập thói quen đọc từ khóa và kiểm tra lỗi sai trong quá trình làm bài

Trong phòng thi, bị áp lực về nhiều mặt, phải làm 50 câu hỏi liền một mạch, học sinh dễ gặp tình trạng “đề bài hỏi cái này trả lời cái khác”, hoặc mắc những lỗi ngớ ngẩn ở những vấn đề mình đã biết. 

Thí sinh nên chú ý một số lỗi khi áp dụng công thức thường gặp ví dụ nhầm lẫn giữa công thức tính thể tích khối chóp với công thức tính thể tích khối lăng trụ, nhầm lẫn giữa các công thức đạo hàm hàm lũy thừa và đạo hàm của hàm mũ, nhầm lẫn giữa công thức tính nguyên hàm và công thức tính đạo hàm của hàm số... Lúc ôn tập, các em nên ghi chú những lỗi dễ mắc phải để rút kinh nghiệm. 

Ngoài ra, một biện pháp khá tốt để nâng cao hiệu quả làm bài là khi đọc đề bài các em có thể gạch chân hoặc khoanh tròn các từ khóa quan trọng để phân biệt và nhắc nhở mình không bị lẫn lộn giữa các công thức trên.

Thi tốt nghiệp THPT: Không nên dùng mẹo khi làm bài môn Toán-2

Cô Kim Bình cùng các học sinh của mình.

Không lạm dụng việc dùng 'mẹo' khi làm bài

Đôi khi do mục tiêu hay áp lực, một số em học sinh cố làm phần đầu (35 câu đầu) quá nhanh hoặc quá chậm so với thông thường. Việc này đôi khi có tác dụng tốt, nhưng rất nhiều trường hợp tâm lý học sinh bị phân tán và lo lắng hơn, như làm nhanh thì sợ bị nhầm, làm chậm lại sợ bị không kịp làm phần sau. 

Thực tế là khi tham gia một kì thi quan trọng, các em nên duy trì tốc độ làm bài tương đương với lúc làm đề thi thử. Khi mọi thứ không thuận lợi như em mong đợi, hãy bình tĩnh. Xét cho cùng, đây chỉ là một bài thi, nếu nó quan trọng cũng chỉ là thử thách nhỏ đầu tiên trong nhiều thử thách khi em trưởng thành. 

Nhiều năm dạy học, cô Bình không ủng hộ việc dùng ''mẹo'' khi làm Toán. Cô Bình cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây gần như không dùng được “mẹo”, nhất là trong những bài khó. 

"Ví dụ khi tính tích phân, để khóa máy tính đề bài thường cho 2, 3 tham số vào. Một số học sinh học đến tận 3, 4 "mẹo" để tìm các tham số này mà không chịu giải toán theo cách thông thường. Đã là "mẹo" thì chỉ dùng trong một số trường hợp và thường người ra đề cũng đã đề phòng việc học sinh học "mẹo" nên trong phòng thi cách này thường không hiệu quả và mất thời gian.

Hay có học sinh nhớ "mẹo" công thức liên hệ giữa các hệ số để hàm trùng phương thỏa mãn điều kiện nào đó, nhưng có quá nhiều công thức dẫn đến nhớ sai, dùng sai, bị rối và mất tinh thần", cô Bình phân tích thêm.

Thay vào đó, nếu không làm được một số câu khó, các em có thể dùng kiểu tư duy khác, ví dụ như thử sử dụng phương pháp tọa độ để làm bài toán hình học không gian… hoặc chú ý lựa chọn những câu khó thuộc sở trường của mình để làm trước.

Trước thềm kỳ thi, cô Bình thường khuyên học sinh dùng giai đoạn “về đích” này để tự học. Có thể, các em không cần thầy cô, không gia sư, không trung tâm luyện thi, chỉ là bản thân mình, tự nghiền ngẫm lại cho ngấm kiến thức. 

Nếu các em muốn làm đề, có lẽ chỉ nên làm một số ít đề thi thử nữa để căn lại việc phân phối thời gian. Các  cũng có thể chọn vài đề chỉ làm phần dễ, tức là khoảng 38 câu đầu tiên để kiểm tra lỗi sai đơn giản.

Khoảng 3 ngày cuối, cô Bình khuyên học sinh nên học nhẹ nhàng, duy trì lịch sinh hoạt gần giống những ngày thi, đi ngủ sớm, dậy sớm, ăn uống lành mạnh, đủ chất, giữ tinh thần và sức khỏe thật tốt. 

 

Theo vietnamnet.vn

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/thi-tot-nghiep-thpt-khong-nen-dung-meo-khi-lam-bai-mon-toan-2156137.html

thi tốt nghiệp THPT


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.