Vụ thiêu 11 người: Cả nhà từng bị dọa giết bằng lựu đạn

Khi nạn nhân thứ 4 sắp trút hơi thở cuối cùng thì nhiều thông tin bất hạnh liên quan đến đại gia đình cụ Nguyễn Thị Duyên (bà nội của sát thủ) mới được hé lộ khiến nhiều người giật mình...

Khi nạn nhân thứ 4 sắp trút hơi thở cuối cùng thì nhiều thông tin bất hạnh liên quan đến đại gia đình cụ Nguyễn Thị Duyên (bà nội của sát thủ) mới được hé lộ khiến nhiều người giật mình... 

Mâu thuẫn về thừa kế đất đai

Cụ Nguyễn Thị Duyên sinh hạ được 7 người con, nhưng ông Phạm Văn Hợp - bố Cường - là con trai duy nhất. Ông Hợp vắn số, để lại một người vợ trẻ và 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Do người anh trai cả của Cường nghiện ma túy rồi tử vong tại trung tâm cai nghiện, cậu em trai thì hiện đang mắc bệnh nan y, không có khả năng chữa trị nên Cường được giao quyền trưởng, trở thành cháu đích tôn của dòng họ.


Ngôi nhà nơi xảy ra vụ án.

Ý thức được vai trò quan trọng của mình, Cường cũng cố gắng học hành tử tế. Sau khi tốt nghiệp trung cấp y, Cường theo vợ về sinh sống và làm việc tại một bệnh viện ở tỉnh Thanh Hóa.

Mâu thuẫn trong đại gia đình này bắt đầu xảy ra khi việc thừa kế đất đai của cụ Duyên không tìm được sự đồng thuận giữa các thành viên trong nhà. Theo một người họ hàng của cụ Duyên, sự việc căng thẳng đến mức độ mẹ con Cường bị họ hàng bên nội tẩy chay, không quan hệ. Nhiều người dân ở phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ từng chứng kiến việc em trai Cường mang lựu đạn về dọa giết cả họ nhưng được can ngăn kịp thời.

Anh trai Cường qua đời, Cường muốn đưa xác anh vào nhà cô ruột là bà Phạm Thị Bình để làm tang lễ nhưng cũng không nhận được sự đồng ý, khiến cho mâu thuẫn giữa Cường và những người họ hàng càng thêm trầm trọng.

Ngọn lửa thù hận

Khi cụ Duyên mất, một người cô ruột của Cường đi nhờ thầy bói xem ngày giờ để hạ huyệt. Tuy nhiên, với vai trò là cháu đích tôn, Cường cũng đi xem bói và được thầy phán cho một thời điểm khác. Vì trước cái chết của cụ Duyên, đã có nhiều người trong đại gia đình này tử vong như chồng cụ Duyên, bố và anh trai Cường... nên cả họ đều rất cẩn trọng trong việc chọn ngày giờ.

Đúng 15 giờ 30 phút ngày 9.9, khi mọi người chuẩn bị hạ huyệt cho cụ Duyên thì Cường đã quỳ xuống xin lùi thời gian lại khoảng 30 - 60 phút nữa. Cường cho rằng, nếu chôn vào giờ này thì sẽ bị động và gây họa về sau cho những người trong nhà. Trước sự phản ứng mạnh mẽ của những bà cô bên nội, Cường tháo bỏ đồ tang lễ bỏ về nhưng được nhiều người khuyên nên ở lại.

Buổi tối cùng ngày, mâu thuẫn giữa Cường và gia đình bên nội lên tới đỉnh điểm khi gã trai trưởng họ không được tham dự bàn việc hậu tang lễ và chia phong bì phúng viếng. Trước khi gây án, mấy lần Cường đã đuổi mẹ mình về nhưng bà Phạm Thị Bền không nghe.

Khi ngọn lửa thù hận bùng lên từ can xăng của Phạm Việt Cường thì người bị bỏng nặng nhất và đã qua đời lại chính là bà Bền. Có lẽ đây chính là sự trừng phạt nặng nề nhất mà Cường sẽ phải gánh chịu trong quãng đời còn lại (?!).
 
 Theo Dân Việt
 


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.