73% bác sĩ thừa nhận có vi phạm y đức

Theo kết quả nghiên cứu cấp bộ về thực hành y đức, do ĐH Y Hà Nội tiến hành từ 2006-2009 vừa công bố tại Hà Nội, có tới 73% bác sĩ thừa nhận có vi phạm y đức. Khoảng 1/10 bác sĩ trong số này thừa nhận vi phạm thường xuyên.

10 hành vi thường thấy nhất - theo kết quả nghiên cứu - là gây khó khăn cho bệnh nhân, gợi ý và nhận tiền của bệnh nhân; kê đơn thuốc đắt tiền để hưởng hoa hồng của trình dược viên, móc ngoặc chuyển bệnh nhân về phòng khám tư; thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng bệnh nhân, lơ là, xao lãng không hoàn thành nhiệm vụ; thiếu tế nhị khi tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; không giải thích tình hình bệnh tật cho bệnh nhân, điều trị vượt quá khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bệnh nhân. Thậm chí có bác sĩ lấy bệnh nhân làm... vật thử nghiệm với mục đích riêng, không trung thực trong nghiên cứu khoa học!

Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM thường xuyên bị quá tải (Ảnh: Thanh Đạm)

GS.TS Phạm Thị Minh Đức (ĐH Y Hà Nội), người chủ trì đề tài, cho biết 100% sinh viên tham gia nghiên cứu nói cần học môn y đức một cách bài bản. Nhưng khi hỏi các bác sĩ thì 8% nói không cần học! Theo bà Đức, hướng giải quyết vấn đề y đức, bên cạnh các chính sách về lương thưởng, đãi ngộ, đầu tư cho y tế cần xây dựng chương trình và đào tạo chính khóa môn “y đức” tại các trường ĐH y khoa, đào tạo lại cho cả nhân viên y tế đang công tác tại các bệnh viện trong cả nước.

Đi tìm nguyên nhân

Dưới con mắt của sinh viên thực tập tại bệnh viện, cũng theo nghiên cứu này, có 23% sinh viên y khoa cho biết bác sĩ có nhận tiền, quà biếu của bệnh nhân; 66,35% cho rằng bác sĩ giao tiếp với bệnh nhân chưa đúng mực; 32% cho biết bác sĩ thiếu nhiệt tình, thiếu khẩn trương; 37,4% cho biết bác sĩ không tâm huyết với nghề, trực đêm còn... ngủ nhiều, chưa công bằng, thiếu tôn trọng đồng nghiệp, ghen tị, nói xấu, chỉ định thuốc sai, kê thuốc không cần thiết, hưởng tiền hoa hồng... Điều này thật sự nguy hiểm, bởi trong những năm vừa qua y đức chưa là môn học chính khóa trong trường y, bác sĩ tương lai thường học môn y đức từ những người đi trước! Cứ thế mà sự thiếu y đức được truyền qua nhiều thế hệ bác sĩ!

Cũng theo GS.TS Phạm Thị Minh Đức, lương thấp và ý thức thầy thuốc là hai vấn đề chính của tình trạng xuống dốc về y đức. Số bệnh nhân trung bình một bác sĩ VN phải khám trong một ngày là 58-70 bệnh nhân (tùy vùng miền). Tại khoa, phòng điều trị, trung bình mỗi bác sĩ điều trị cho 15-17 bệnh nhân/ngày, nhưng cá biệt có bác sĩ phải khám tới 110 bệnh nhân hoặc điều trị cho 30 người/ngày. “Ở nước ngoài, mỗi bác sĩ chỉ hẹn khám tối đa 10 bệnh nhân và điều trị 3 bệnh nhân/ngày” - bà Đức nói. Qua chấm điểm bác sĩ, những bác sĩ khám dưới 30 bệnh nhân/ngày, điều trị dưới 10 bệnh nhân/ngày đạt điểm cao hơn hẳn những người điều trị cho 30 bệnh nhân trở lên hoặc khám cho 80 người/ngày trở lên.

Khi được hỏi về nguyên nhân khiến y đức xuống cấp, các bác sĩ tham gia nghiên cứu cho rằng lương cán bộ y tế quá thấp, cơ sở y tế quá tải, kinh tế thị trường, sự xuống cấp của đạo đức xã hội nói chung, trình độ chuyên môn kém, chưa được đào tạo y đức trong nhà trường... là nguyên nhân. Thực tế cho thấy chỉ 9% bác sĩ được hỏi hiểu đúng về nghề nghiệp của mình, hiểu mình là người cung cấp dịch vụ y tế. 91% còn lại đánh giá mình là “bề trên” của bệnh nhân! Khi mang tâm thế ấy, làm sao tránh khỏi tâm lý chữa bệnh “làm ơn”, ban phát ân huệ cho bệnh nhân... Còn bệnh nhân thì bức xúc vì phải trả tiền, không được chăm sóc thỏa đáng và vẫn phải mang ơn!

Không thể nói suông

Một giám đốc bệnh viện ở Hà Nội cho rằng do chế tài, xử phạt không nghiêm nên y đức mới xuống cấp. Theo ông, giám đốc bệnh viện hiện chỉ được xử lý ở mức phê bình, còn muốn kỷ luật mức cao hơn, phải đề nghị lên Sở Y tế, Sở Nội vụ! “Nhân viên y tế không dại gì mắc khuyết điểm lớn, chỉ khuyết điểm nhùng nhằng nhưng đủ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế”.

“Nhiều bác sĩ chất vấn tôi vì sao chưa có công an đức, “sếp” đức mà đòi hỏi quá nhiều về y đức? Tôi nói với họ rằng nghề y là một nghề đặc thù, gắn bó với đau khổ và hạnh phúc của con người, cần phải có những yêu cầu riêng”.

GS.TS Phạm Thị Minh Đức

Từ hai tháng nay, Bộ Y tế bắt đầu chiến dịch thực hiện bộ “Quy tắc ứng xử” của cán bộ y tế. Các bệnh viện lớn ở Hà Nội như Bạch Mai, K, Việt Đức... đều đã mời chuyên gia đến nói chuyện với nhân viên bệnh viện về sự cần thiết của y đức. Nhưng hỏi có cải tiến trong thực tế hay chưa thì người dễ tính nhất cũng phải nói là chưa! Khi đến các bệnh viện để thuyết trình về y đức, phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Đoàn Hữu Đủ cho rằng: “Ngành khác có nhận phong bì dày cũng chẳng sao, nhưng ngành y tế có khi chỉ nhận 20.000-30.000 đồng cũng gây bức xúc”.

Thật ra những nguyên nhân khiến y đức xuống cấp đã rõ nhưng vấn đề là các bác sĩ, các cán bộ y tế luôn mang ý thức coi lỗi lầm là do... người khác mang đến, không phải do mình, cho nên để xây dựng được một nền tảng y đức trong ngành y VN hiện nay cần có những hành động quyết liệt chứ không thể chỉ nói suông.

“Nhiều sai sót y khoa là ngoài phạm trù kỹ thuật” - ông Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, thừa nhận. Chính vì lý do này, theo ông Hinh, từ năm học 2009-2010, trường ông sẽ mở môn học mới tinh trong chương trình chính khóa dành cho sinh viên y khoa: y xã hội học và y đức. Bộ môn đặc biệt này sẽ do bộ trưởng Bộ Y tế làm chủ nhiệm danh dự và hiệu trưởng làm chủ nhiệm bộ môn!

Và... nỗi lòng bệnh nhân

Đánh giá của bệnh nhân về cách thăm khám của bác sĩ: 73% bệnh nhân cho rằng bác sĩ có khám kỹ; 28% cho biết bác sĩ chỉ khám bộ phận bị bệnh; 0,7% cho biết bác sĩ chỉ hỏi, không khám; 49% có giải thích về các xét nghiệm cần làm cho bệnh nhân; 19% có để bệnh nhân lựa chọn các xét nghiệm; 21% có hỏi điều kiện kinh tế của bệnh nhân trước khi kê đơn/xét nghiệm; 51% có giải thích về tác dụng phụ của thuốc...

(Theo kết quả nghiên cứu)

Mổ nhanh, 2 triệu đồng!

Tôi mới trải qua đợt điều trị ung thư vú kéo dài ở Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Hồi mới đến Bệnh viện K, tôi đã giật mình vì choáng, bởi một người bệnh ngồi cạnh cứ hỏi tỉ mỉ ai mổ cho tôi, bao giờ mổ. Chị ấy kể trước khi vào bệnh viện, chị đã đến điều trị ở phòng khám bên ngoài và bị biến chứng. Đến Bệnh viện K, chị đã đi hỏi xem ai mổ giỏi nhất ở đây, rồi mang 2 triệu đồng đến gặp bác sĩ. 2 triệu không để trong phong bì mà xòe ra như người ta xếp quân bài tú lơ khơ đặt lên bàn trước mặt bác sĩ. Hôm sau chị ấy được mổ thật. Còn tôi, hơi có tí ngại, định điều trị xong sẽ gửi quà, nhưng quả thật lời lẽ của bác sĩ thiếu ôn tồn hơn, mình cũng cảm thấy ngại ngùng vì hình như ai cũng có quà mà mình chưa có!

Còn chồng tôi, trong đợt điều trị ở bệnh viện lớn nhất Hà Nội, sau ca mổ thoát vị bẹn, tôi đã đến gửi quà bác sĩ vì thấy ai cũng như vậy, mình không gửi quà lại áy náy. Nhưng bác sĩ hỏi luôn: “Em đã có quà cho bác sĩ gây mê và phụ mổ chưa?”. Tôi đã kể chuyện này cho vài người thân quen, ai cũng buồn cười! Đi bệnh viện bây giờ nhiều người gửi quà cho bác sĩ, y tá, hộ lý, thậm chí đa số có quà, nhưng nếu điều đó xuất phát từ trái tim người bệnh, họ mong được cảm ơn có lẽ đã khác. Đằng này lại có chuyện hỏi để được “cảm ơn”, làm khó dễ để được “cảm ơn”!

(Ghi theo lời kể của một bệnh nhân)

Theo Lan Anh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.