Cả thị trấn nấu ăn bằng... nước tinh khiết

Nào phải giàu có gì đâu mà chơi trội để được nổi tiếng, cũng vì nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm quá nặng nên đành phải "bấm bụng" mua nước tinh khiết đóng bình để nấu ăn, uống, ông Nguyễn Văn Nhân than thở.

Đâu phải chỉ một vài chục, theo chính quyền địa phương hiện ước khoảng 700 hộ dân ở thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa cùng chịu chung cảnh ngộ này.

Những đại gia "bất đắc dĩ"

Nằm dọc theo Quốc lộ 1A, cách cửa ngõ phía nam TP Quảng Ngãi chưa đến 4km và kinh tế cũng chỉ xếp vào loại "thường" trong tỉnh. Nhưng có lẽ thị trấn Sông Vệ là địa phương duy nhất ở Quảng Ngãi và cả miền Trung này, mà ước trên 80% gia đình phải mua nước uống tinh khiết đóng bình để nấu ăn, uống.

Nguyên nhân là do nguồn nước sinh hoạt nơi đây bị ô nhiễm quá nặng. Theo người dân thị trấn, trước đây đã bị. Khoảng 10 năm trở lại đây tình trạng ô nhiễm đã trở nên trầm trọng, đặc biệt là vào mùa nắng nóng.

Nước ô nhiễm biến dân thành các đại gia (Ảnh: Hoàng Sa)

"Đừng nói gì đến dùng nấu ăn, uống; ngay cả chỉ để rửa, tắm, giặt nếu không sử dụng bể lọc để lọc thì cũng không ai đủ can đảm để dùng vì nước rất đục, còn trên mặt còn nổi một lớp váng màu vàng, hoặc trắng giống như lớp mỡ"- bác Phan Minh Triều (75 tuổi), ở tổ 3 cho biết.

Anh Nguyễn Tiến Châu thì than thở: "Cách đây khoảng 6 năm đã tốn hơn 5 triệu đồng để xây một bể lọc khá hoành tráng. Tuy nhiên do nguồn nước bị nhiễm phèn nặng, nên cứ 2-3 tháng phải thuê thợ đến súc 1 lần, mất 300.000-400.000 đồng. Và cho dù đã qua bể lọc thế nhưng chỉ cần để vài giờ thì dưới đáy đóng một lớp bột màu trắng và vẫn có mùi tanh như nước gỉ sắt."

Chồng đi làm nghề ở miền nam, các con lớn cũng đã trưởng thành và ra làm việc ở xa nên nhà chỉ còn 2 mẹ con. Suốt 4 năm qua, mỗi tháng chị Võ Thị Xuân Phụng, ở khối 1 cũng phải sử dụng hết 12 bình nước, loại 22 lít/bình.

"Theo giá bán hiện nay là 12.000 đồng/bình, mỗi tháng riêng khoản tiền mua nước của hai mẹ con cũng mất 144.000 đồng"- Chị Phụng tính toán.

... Khi dùng nước tinh khiết nấu cơm, đun nước

Được biết trước đây cũng như nhiều người khác ở thị trấn này, để có nước nấu ăn, uống hàng ngày chị Phụng phải vào các giếng ở khu vực phía trong để gánh. Thế nhưng kể từ khi chứng kiến 3 người chị ruột của mình lần lượt đi mổ vì bị sỏi mật, gan...riêng người chị kế là Võ Thị Xuân Hùng đã mổ đến lần thứ 4 thì chị Phụng đâm ra sợ.

Một số khác để tiết kiệm cùng với sử dụng nước bình để nấu, hàng ngày mua thêm 2-3 gánh nước từ nơi khác chở về với giá 2000-4000 đồng/gánh để rửa rau quả, thực phẩm.

“Bao giờ mới đến tháng 10” ?

Theo chính quyền địa phương, vào năm 2001, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Cty cấp thoát nước tỉnh tiến hành triển khai xây dựng công trình nước sạch để cung cấp cho người dân thị trấn. Thế nhưng vào thời điểm lúc bây giờ, do thị trấn chưa được qui hoạch chi tiết nên dừng lại.

Đến năm 2004, mặc dù đã được tỉnh phê duyệt qui hoạch chi tiết, thế nhưng không hiểu sao dự án này vẫn "án binh bất động" cho đến nay.

Ông Nguyễn Tấn Thu, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Vệ ngán ngẫm lắc đầu: "Sự việc trên chính quyền cũng đã hàng chục lần báo cáo lên huyện và những lần Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh về tiếp xúc, cử tri địa phương cũng đã phản ánh. Thế nhưng ngoài sự ghi nhận và lời hứa vẫn chưa thấy cấp thẩm quyền xử lý gì."

Vào gần cuối năm 2008, vì quá bức xúc nên UBND thị trấn đã trích ngân sách 2,1 triệu đồng để làm xét nghiệm nguồn nước. Kết quả cho thấy ngoài vị tanh của sắt, nhiều thành phần có trong mẫu của nguồn nước sinh hoạt tại đây đã vượt mức cho phép.

Đến khi nào người dân mới có nước sạch? (Ảnh: Hoàng Sa)

Ông Đặng Quang Thoại, Trạm trưởng trạm Y tế cho biết thêm, thị trấn Sông Vệ có 3 khu vực dân cư là Sông Vệ, An Bàng và Vạn Mỹ. Riêng số lượng người mắc bệnh về đường ruột tại khu vực Sông Vệ cao gấp 2-3 lần so với các nơi còn lại.

Qua thống kê sơ bộ, trong vòng 3 năm trở lại đây riêng tại khu vực thị trấn Sông Vệ đã có 18 người đã chết vì các loại ung thư, như: gan, mật, da và 7 trường hợp đang mang bệnh.

Ở mẫu thử nước giếng đóng tại thị trấn, có 4 chỉ tiêu vượt chuẩn. Còn ở mẫu thử của nước giếng đào thì hàm lượng sắt là 4,62 mg/l, gấp gần 10 lần (mức cho phép là 0,5 mg/l); chỉ tiêu màu sắc là 232 TCU, gấp hơn 21 lần (tiêu chuẩn cho phép là 15 TCU). Điều đáng lo ngại hơn là số lượng vi khuẩn Colifoms quá cao: 79 vi khuẩn/100ml, so với mức cho phép là 50 vi khuẩn/100ml.

Theo ý kiến của một số bác sỹ, hàm lượng sắt trong nước cao sẽ gây độc cho gan và là một trong những nguyên nhân gây sỏi cho các bộ phận khác của cơ thể. Còn vi khuẩn Colifoms là loại gây ra các bệnh về đường ruột. Vì thế với số lượng cao như vậy là điều rất đáng ngại

Theo Hoàng Sa



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.