Đi hội đầu năm "một mất một còn", từ giờ... xin chừa

Mùa lễ hội đầu năm, mở báo ra là thấy buồn lòng: Hình như bao nhiêu thói tật xấu xa của người Việt đều được dịp “trăm hoa đua nở” trong môi trường lễ hội. Có người đã thốt lên “từ giờ xin chừa lễ hội đầu năm...”.

Mùa lễ hội đầu năm, mở báo ra là thấy buồn lòng: Hình như bao nhiêu thói tật xấu xa của người Việt đều được dịp “trăm hoa đua nở” trong môi trường lễ hội. Có người đã thốt lên “từ giờ xin chừa lễ hội đầu năm...”.

Đi hội “một mất một còn”

Nói đến lễ hội là nói đến nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của xã hội, nơi con người được giao tiếp với thần linh trong một mối cộng cảm thiêng liêng, giao tiếp với nhau trong tinh thần cộng đồng và giao tiếp với thiên nhiên.

Thế nhưng ở VN, lễ hội giờ đang trở thành một môi trường để người đi hội thể hiện hết những thói tật của mình. Trước những tiêu cực của mùa lễ hội, người ta không khỏi tự hỏi mình, vì sao người Việt lại có những hành xử không giống ai như vậy?

Khách chen nhau xoa tiền lên quả chuông ở đỉnh chùa Đồng (Yên Tử) để... lấy may.

Từ đầu năm đến nay, cứ mỗi lễ hội mở ra là lại có thêm rất nhiều những chuyện gai mắt. Một biển người chen lấn nhau ở hội cướp phết Bàn Giản (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đã khiến hàng loạt xe máy bị giẫm bẹp, hư hỏng. Từng đoàn người chen nhau leo đến đỉnh non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh), nơi có chùa Đồng rồi dùng tiền lẻ cọ xát vào thân chùa, thả luôn tiền xuống đó tạo thành một bãi rác phản cảm. Ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), tiền lẻ được giắt đầy tay tượng Phật, tượng La Hán, rồi người hành hương vo tiền ném qua khe cửa hậu cung. Còn đi chùa Hương, dòng suối Yến trong xanh biến thành dòng suối rác, rác trôi bồng bềnh khắp nơi, thịt thú rừng treo lủng lẳng...

TS Hồng Hải - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận xét: “Lễ hội là một hình ảnh phản ánh sinh động nhất lối hành xử của rất nhiều người dân trong đời sống bình thường. Thường ngày họ vứt rác tứ tung, chen lấn xô đẩy, tranh cướp lợi lộc thì khi đến với lễ hội, chùa chiền, đương nhiên họ cũng không thể cư xử khác đi được.

Có thể hình dung văn hóa đi hội của người Việt hiện nay như là chuẩn bị bước vào một cuộc chiến “một mất một còn” với thần thánh, cộng đồng, thiên nhiên, ai cũng chỉ lo mình bị thiệt thòi, ai cũng muốn xin xỏ, giành giật thật nhiều về mình, chà đạp lên xung quanh”.

Không hiểu cũng cứ đi

Không chỉ các nhà văn hóa mới nhận thấy người Việt đang thực sự khủng hoảng thiếu văn hóa đi hội mà ngay cả những người tham dự lễ hội cũng nhận thấy điều đó. Bác Trần Đắc Lâm (68 tuổi), ở đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi sợ đi lễ chùa vào dịp đầu năm này quá, đông đặc thanh niên, họ hầu như chẳng hiểu gì, đi đến đâu là chen lấn xô đẩy chỉ để nhét tiền lẻ vào khắp nơi, ăn mặc thì lố lăng.

Một giới khác cũng đông không kém là công chức, họ đi cầu tài cầu lộc, mà những thứ đó, đức Phật không thể cho họ được. Đến với chùa chiền là tìm đến sự bình an trong tâm mình, để đối diện với chính mình, nhưng dịp đầu năm này, tôi không dám bén mảng đến chùa nào hết".

“Nhìn cách người ta chen chúc ở các đền, chùa, phủ hiện nay ở nhiều nơi ở đồng bằng Bắc Bộ, dễ có cảm giác đây là chốn để làm “kinh tế” với thần thánh, nó khác với truyền thống xưa kia và khác cả với nhiều nơi khác ở nước ta”.

Ngày dâng sao giải hạn mùng 8 tháng Giêng ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội), trò chuyện với Dương Liên Hoa (21 tuổi, ở Tây Sơn, Hà Nội), hỏi vì sao lại tham gia vào lễ này, cô gái hồn nhiên trả lời: “Em cũng chẳng biết nữa, mẹ em bảo năm nay có hạn nên phải đi”.

Ở các lễ hội, đình chùa những ngày đầu năm này, đa phần là những bạn trẻ như Hoa, mà hầu hết trong số họ chẳng hiểu mình đi để làm gì, chỉ đi theo phong trào, cứ tụ tập rủ nhau đi cho vui, chen chúc... TS Nguyễn Văn Huy- Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nói: “Tôi cho rằng rất cần làm cho xã hội nhận thức đúng đắn về tâm linh, để không vượt quá ngưỡng cần có, nếu không sẽ trở thành cuồng si. Niềm tin tâm linh có thể cho con người thêm sự quân bình, thanh thản trong cuộc sống, chứ không phải lên đền, chùa, phủ chỉ để cầu chức vụ, cầu tiền bạc bằng mọi giá”.

Không quá khó để có một phép so sánh, so với các nước trong khu vực châu Á, văn hóa đi hội của người Việt đang nằm ở nấc thang thấp nhất nếu cứ nhìn vào những gì để lại sau khi một mùa lễ hội đi qua. Cây cối xác xơ, môi trường ô nhiễm, tượng và chùa đầy tiền lẻ, mọi thứ hư hỏng rất nhiều... Không biết đi hội lấy may đầu năm mà để lại những dư âm buồn như thế thì người dự hội sẽ có được gì cho mình?

Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.