Hai em gái giúp ông Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội

Liên quan đến vụ thao túng thị trường chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái đều bị đề nghị truy tố. CQĐT cho rằng, hai người này đã tích cực giúp sức anh trai phạm tội.

Trong hai cô em gái của ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Thúy Nga (SN 1979) giữ vai trò là thành viên HĐQT, Phó TGĐ Công ty CP chứng khoán BOS. 

Kết luận điều cho rằng, bà Nga đã tích cực thực hiện theo chỉ đạo của anh trai là ông Trịnh Văn Quyết, thực hiện cấp hạn mức khống cho nhóm 79/141 tài khoản VIP của ông Quyết để em gái là bà Trịnh Thị Minh Huế sử dụng, thực hiện thao túng thị trường chứng khoán, với thủ đoạn tinh vi xảo quyệt.

Bà Nga đã cùng đồng phạm giúp ông Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng, gây thiệt cho nhà đầu tư, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường chứng khoán và nền kinh tế, gây bức xúc dư luận.

Bà Nga còn cùng đồng phạm ký khống các hợp đồng, chứng từ khống để hợp thức dòng tiền góp vốn khống niêm yết, giúp anh trai thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán và thực hiện hành vi lừa đảo để thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư…

Hai em gái giúp ông Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội-1
Bà Trịnh Thị Thúy Nga. Ảnh: VnEconomy

Tại CQĐT, bà Nga thừa nhận việc thực hiện hành vi theo chỉ đạo của ông Trịnh Văn Quyết; đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới cấp hạn mức sức mua khống cho nhóm tài khoản của bà Trịnh Thị Minh Huế tại Công ty chứng khoán BOS nhằm thao túng đối với 3 mã chứng kkhoán GAB, ART, FLC nhưng không thừa nhận đối với 2 mã AMD, HAI. 

CQĐT cho rằng, có đủ chứng cứ chứng minh việc bà Nga thực hiện hành vi phạm tội với cả 5 mã chứng khoán nêu trên.

Bà Nga thừa nhận việc thực hiện việc ký khống các hợp đồng, chứng từ nhưng không thừa nhận biết mục đích để nâng vốn khống, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán bán chiếm đoạt của các nhà đầu tư. Giống như anh mình, bà Nga bị đề nghị truy tố 2 tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Không thừa nhận làm theo chỉ đạo của anh trai

Người em gái thứ hai của ông Trịnh Văn Quyết được nhắc đến trong kết luận điều tra là bà Trịnh Thị Minh Huế (SN 1981). Bà Huế được đặt ngồi vào vị trí khá quan trọng là kế toán tổng hợp Công ty CP Tập đoàn FLC.

Theo kết luận điều tra, bà Huế biết việc ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo mượn chứng minh nhân dân của 45 cá nhân, thành lập, đứng tên 20 doanh nghiệp để mở 500 tài khoản chứng khoán là vi phạm pháp luật về chứng khoán. Bà Huế cũng biết việc đặt lệnh mua cổ phiếu khi không có tiền hoặc không đủ tiền trong tài khoản là vi phạm luật chứng khoán.

Nhưng từ ngày 26/5/2017- 10/1/2022, bà Huế vẫn thực hiện theo chỉ đạo của anh trai để chỉ đạo người khác thực hiện 1.568 lần cấp hạn mức cho nhóm 79/141 tài khoản do bà Huế quản lý, sử dụng để đặt 15.128 lệnh mua hơn 2,8 tỷ cổ phiếu (tương đương hơn 46.980 tỷ đồng), nhưng chỉ khớp lệnh mua hơn 463 triệu cổ phiếu (với tổng giá trị là hơn 11.855 tỷ đồng, thiếu hơn 11.651 tỷ đồng).

Bà Huế còn sử dụng hàng trăm tài khoản liên tục đặt lệnh mua, bán, khớp chéo, đặt lệnh, hủy lệnh với số lượng lớn cùng một loại chứng khoán đối với 5 mã AMD, HAI, GAB, ART, FLC… nhằm tạo cung cầu giả đối với 5 mã chứng khoán nhóm FLC nói trên.

Khi giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của anh trai, bà Huế bán cổ phiếu ra thị trường, giúp ông Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Kết luận điều tra cũng cho rằng, bà Huế biết rõ việc nâng không vốn điều lệ của Công ty CP Xây dựng Faros để niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, bán cổ phiếu không đảm bảo giá trị cho nhà đầu tư để chiếm đoạt là vi phạm pháp luật.

Dù vậy, ba Huế vẫn thực hiện chỉ đạo của anh trai để vừa chỉ đạo, vừa nhờ các cá nhân là người thân, lãnh đạo, nhân viên FLC đứng tên là cổ đông, ký khống các chứng từ để bà Huế đến ngân hàng làm thủ tục nộp tiền vào, rút tiền ra, rồi nộp lại nhiều lần, để quay vòng dòng tiền nhằm tăng vốn điều lệ của Công ty CP Xây dựng Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng (tương đương 430 rtiệu cổ phần), dù thực tế không có tiền.

Tại CQĐT, bà Trịnh Thị Minh Huế ban đầu thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình là thực hiện theo chỉ đạo của ông Trịnh Văn Quyết. Nhưng đến nay, bà không thừa nhận thực hiện theo chỉ đạo của anh trai, mà bản thân tự thực hiện hành vi phạm tội.

CQĐT cho rằng, tuy bà Huế phạm tội lần đầu, nhưng dưới sự chỉ đạo của ông Trịnh Văn Quyết, bà Huế cùng đồng phạm đã tích cực lợi dụng các quy định của pháp luật về hoạt động chứng khoán để thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, số tiền thu lợi bất chính và chiếm đoạt của các nhà đầu tư là đặc biệt lớn, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường chứng khoán và nền kinh tế, gây bức xúc dư luận.

Vậy nên cần xử lý bị can Huế bằng một bản án nghiêm khắc trước pháp luật để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

Ngày 29/3/2022, khi khám xét tại Phòng Công nghệ thông tin, Văn phòng Công ty Tập đoàn FLC, trích xuất dữ liệu lưu trữ email huetm@flc.vn của bà Huế từ một máy chủ, CQĐT phát hiện ngày 10/6/2020 có hình ảnh Công văn số 640/TTGSNH1. Phía trên bên trái công văn được đóng dấu "Tối mật”. 

Tuy nhiên kết quả trưng cầu giám định cho thấy, "mẫu giám định không phải là tài liệu bí mật nhà nước tại thời điểm ban hành". Vì vậy, CQĐT cho rằng, hành vi lưu trữ hình ảnh bản photo công văn trên trong email của bà Huế không đủ yếu tố cấu thành tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tintuconline.com.vn/tags/trinh-van-quyet-219446.vnn

Trịnh Văn Quyết


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.