Hiểm họa từ dịch vụ tiêm vắc- xin tại nhà

Ngại đưa con đến Trung tâm y tế để tiêm phòng dịch vụ, nhiều bà mẹ đã sử dụng dịch vụ tiêm vắc- xin tại nhà mà không hề hay biết rằng cách làm này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với trẻ.

 Ngại đưa con đến Trung tâm y tế để tiêm phòng dịch vụ, nhiều bà mẹ đã sử dụng dịch vụ tiêm vắc- xin tại nhà mà không hề hay biết rằng cách làm này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với trẻ.

Trong dịch vụ này, nguồn gốc và chất lượng vắc- xin, tai biến và xử lý tai biến là điều đáng lo nhất.

Từ khi việc tiêm thiếu vắc xin xảy ra ở Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, nhiều bà mẹ lo lắng vắc- xin thừa có thể được dồn lại để tiêm tại nhà cho những người có nhu cầu, vì dịch vụ này diễn ra đều đặn nhưng không hề có hóa đơn, chứng từ nào.

Tiêm xong, con tím tái

Được người quen giới thiệu là tiêm vắc- xin tại nhà thuận tiện, an toàn, chị Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã xin số điện thoại rồi gọi người đến tiêm phòng mũi 6 trong 1 đầu tiên khi con được 2 tháng tuổi tại nhà riêng, đồng thời cho uống Rotavirus.

Do được chỗ thân quen giới thiệu nên chị Thanh cũng không hỏi xem người đến tiêm chủng làm ở đâu, có chuyên môn về tiêm chủng không và chị cũng không kiểm tra thông tin, nguồn gốc của loại vắc- xin mà người phụ nữ này mang đến.

vắc xin; tiêm chủng
Ngành y tế cấm hoạt động tiêm vắc xin tại nhà. Người dân cần đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng để tránh nguy hiểm tới tính mạng của trẻ (Trong ảnh: Người dân đưa con đi tiêm phòng tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: C.Q)

Chỉ biết khi đến, vắc- xin được để trong một hộp kín và chị Thanh được người tiêm giải thích đó là cách để bảo quản, đảm bảo chất lượng.

Sau khi tiêm mũi vắc- xin này, con chị Thanh tím tái dần. Quá hoảng sợ, người phụ nữ đến tiêm vội vã bế con chị chạy xuống Trung tâm y tế quận Đống Đa rồi được chuyển ngay lên Bệnh viện Xanh Pôn gần đó để được cấp cứu.

Rất may, cuối cùng cháu bé cũng qua khỏi. Kể từ lần đó, chị Thanh không dám gọi người đến tiêm cho con tại nhà mà mang con đến Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh) để tiêm nốt 2 mũi và 1 liều Rotavirus còn lại.

Cũng từ sau sự cố này, người phụ nữ trên cũng không dám gọi điện lại cho chị Thanh để nhắc tiêm các mũi sau.

Giá tiền chị Thanh phải trả là 680 ngàn đồng cho 1 liều 6 trong 1 và 760 ngàn đồng cho một lần uống Rotavirus, tương đương với giá tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.

Ngoài tiền vắc- xin, chị còn phải trả thêm 100 ngàn đồng tiền công.

Khi được hỏi về loại vắc- xin đó lấy từ đâu, chị Thanh cho biết do không hỏi nên chị không nắm được thông tin. Chị đoán người phụ nữ này mua vắc- xin ở cơ sở y tế rồi mang đi tiêm cho người có nhu cầu và lấy tiền công.

Sau sự việc này, chị “hú hồn”, “cạch” không dám sử dụng dịch vụ tiêm tại nhà.

Nguy hiểm tính mạng

Hiện đây cũng là dịch vụ có nhu cầu cao tại Hà Nội do các điểm tiêm chủng dịch vụ khá đông người, không gian chật chội, ngột ngạt, trẻ dễ nhiễm chéo bệnh,...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế thì theo quy định hiện hành của ngành y tế, hoạt động tiêm vắc- xin tại nhà bị cấm hoàn toàn.

Theo quy định, vắc- xin rất dễ hỏng, biến chất do ảnh hưởng tác động của nhiệt độ, ánh sáng.

Là một sinh phẩm đặc biệt, vắc- xin cần được bảo quản chặt chẽ trong hệ thống dây chuyền lạnh từ nhà sản xuất tới cơ sở y tế rồi tới khâu cấp phát và cuối cùng là khâu thực hiện tiêm chủng cho trẻ.

Khi vắc- xin bị hỏng bởi nhiệt độ cao làm giảm hiệu lực thì hiệu lực của loại vắc- xin đó sẽ bị giảm vĩnh viễn không thể hồi phục lại được.

Do đó, hoạt động tiêm chủng tại nhà tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Đầu tiên là chất lượng vắc- xin không đảm bảo do người đi tiêm không có thiết bị bảo quản. Đặc biệt, nguồn gốc vắc- xin là một vấn đề lớn, không ai có thể biết được lấy từ đâu.

Từ chỗ vắc- xin không đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, thêm quy trình tiêm chủng cho trẻ cũng không đảm bảo, nguy cơ trẻ bị tai biến rất cao và người đi tiêm thường không có khả năng xử lý chuẩn do không có chuyên môn đầy đủ.

Hiện nay, những người đi tiêm chủng “lưu động” tại nhà riêng của người dân thường mang theo thuốc chống sốc song việc này không phải “cứu cánh” trong trường hợp xảy ra tai biến nặng.

Do đó, ông Cường nhấn mạnh, đồng thời khuyến cáo: “Hoạt động tiêm chủng tại nhà bị cấm hoàn toàn. Người dân tuyệt đối không mời nhân viên y tế đến tiêm tại nhà để tránh rủi ro”.

Trường hợp người dân nào phát hiện nhân viên y tế có biểu hiện chào mời khách hàng hoặc công khai quảng cáo dịch vụ tiêm chủng tại nhà có thể báo với Trung tâm Y tế dự phòng hoặc Sở Y tế Hà Nội để có biện pháp ngăn chặn.

Vắc- xin tiêm tại nhà cho trẻ được lấy từ đâu?

Kể từ khi sự việc tiêm thiếu vắc- xin xảy ra, nhiều bậc cha mẹ còn đặt nghi ngờ về việc có thể số vắc- xin thừa sẽ được dồn lại để tiêm cho những trẻ có nhu cầu tiêm ở nhà, vì loại hình này không có giấy tờ, hóa đơn gì để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của vắc xin.

Điều này càng có cơ sở khi mà các điểm tiêm chủng hiện không bán vắc- xin cho người dân mà bắt buộc họ phải mang trẻ đến tận nơi để tiêm.

Vậy câu hỏi đặt ra là số vắc- xin tiêm tại nhà cho trẻ được lấy từ đâu? 

Theo Vietnamnet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.