Lại "đánh trống bỏ dùi"?

Sau khi báo chí lên tiếng về việc buôn bán sữa trong bệnh viện, ngày 13-15/8, Bộ Y tế tổng kiểm tra các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ em (sữa bột) tại 10 tỉnh, thành phố trọng điểm. Tuy nhiên, những đợt thanh tra "trống giong cờ mở" kiểu này sẽ khó thu được kết quả như mong muốn.

Đụng đâu, sai đấy

Mới chỉ kiểm tra bước đầu trên địa bàn Hà Nội, đoàn công tác của Bộ Y tế phát hiện hàng loạt sai phạm của các công ty sản xuất, kinh doanh những sản phẩm này trong việc ghi nhãn sản phẩm, quảng cáo không đúng quy định.

Các quầy có bán sữa trước cửa Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. (Ảnh: Phạm Yên)

Tổng hợp của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho thấy, sản phẩm sữa Infant Milk Plus của hãng Hipp ghi ngay trên nhãn sản phẩm là “gần hơn với sữa mẹ”.

Cũng hãng này, sản phẩm Infant Milk Bio thì có câu “sữa đặc nên cho trẻ ăn bằng bình có núm ty lỗ to”. Điều này không khác gì khuyến khích các bà mẹ dùng bình bú với đầu vú nhân tạo.

Hãng Humana còn tự tin khẳng định, sản phẩm sữa dùng cho trẻ dưới sáu tháng tuổi của mình có chất lượng tương đương sữa mẹ. Sữa Meiji 1, 2 thì in hình bình bú ngay trên nhãn sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm có công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, TP, BV đa khoa tuyến tỉnh, BV đa khoa, chuyên khoa sản, nhi trực thuộc Bộ Y tế, các bộ ngành, thực hiện nghiêm quy định không bán, trưng bày, niêm yết tên các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.

Chánh Thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cũng vừa ký quyết định thanh tra việc thực hiện Nghị định 21 của Chính phủ về kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em tại 10 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Tài liệu quảng cáo sữa Meiji Gold 1 cũng so sản phẩm này với sữa mẹ. Sữa Cerelac của hãng Nestle bán công khai trên phố Hàng Buồm (Hà Nội) mà không hề có nhãn dùng tiếng Việt.

Sản phẩm Mama sữa non của Cty Cổ phần G&P Mama sữa non, mặc dù thuộc diện cấm quảng cáo dưới mọi hình thức nhưng việc quảng cáo trá hình vẫn diễn ra trên một số tờ báo.

Sản phẩm sữa Heinz do Cty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái phân phối thì không hề ghi câu “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ...” như quy định bắt buộc.

Đối với các bình bú với núm vú nhân tạo, mặc dù đã có quy định bắt buộc phải ghi trên nhãn sản phẩm là “Thực hiện đúng hướng dẫn vệ sinh, tiệt khuẩn. Việc sử dụng bình bú có thể làm cho trẻ bỏ bú mẹ và có nguy cơ bị tiêu chảy”, tuy nhiên khi kiểm tra tại phố Hàng Buồm, tất cả các loại bình bú của các hãng lớn như Nano Silver, Pigeon, Chicco, Nuk... đều không ghi.

Các loại núm vú giả cũng không thực hiện ghi chữ “Sử dụng núm vú giả ảnh hưởng không tốt tới việc nuôi con bằng sữa mẹ”. Ngay tại siêu thị Intimex, đoàn kiểm tra cũng phát hiện ba loại bình bú không ghi nhãn đúng quy định, sáu loại không có hướng dẫn tiệt khuẩn và bảy loại không có cả địa chỉ cơ sở sản xuất...

Không phát hiện bán sữa trong bệnh viện?

Theo đoàn thanh tra, qua kiểm tra tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội và một số nhà hộ sinh, đoàn kiểm tra không phát hiện thấy việc bán sữa trong BV. Thực tế, việc tổ chức thanh, kiểm tra theo kiểu lập đoàn và có thông báo trước cho các cơ sở bị thanh tra chắc chắn không thu được kết quả.

Trong thời gian thực hiện bài viết tại BV Nhi Trung ương, phóng viên dễ dàng mua được một hộp Mama sữa non dùng cho trẻ sơ sinh giá 185.000 đồng tại kios đồ dùng cho mẹ và bé ngay tại sảnh của BV Phụ sản Hà Nội.

Quầy bán sữa nằm trong sảnh BV Phụ sản Hà Nội. (Ảnh: Phạm Yên)

Việc để tồn tại một kios bán hàng ngay trong sảnh tòa nhà chính BV này là điều khó chấp nhận, càng không thể chấp nhận nhân viên tổ chức bán sữa cho trẻ dưới 12 tháng tuổi trong kios này. Vậy mà, đoàn kiểm tra đến thì không phát hiện được gì!

Thực tế, các hãng sữa ngoại đã có sự liên kết rất chặt chẽ với cơ sở khám chữa bệnh. Các mối móc ngoặc làm ăn ngầm trong các BV sản thành hệ thống trong nhiều năm qua. Việc tổ chức các đoàn kiểm tra trống giong cờ mở như Bộ Y tế đang làm thì không thể phát hiện được.

Tại Hà Nội, trong một số phòng khám tư có ngay nhân viên của hãng sữa giới thiệu sản phẩm. Thậm chí, một hộ lý chỉ cần ghi tên, địa chỉ, điện thoại của các bà mẹ sắp sinh thì được hãng sữa chi hoa hồng 20.000 - 30.000 đồng cho mỗi bà mẹ.

Đối với các bác sỹ, khi đơn sữa được xác nhận thêm chữ “R” (đơn này đã được mua hàng) thì số tiền hoa hồng bác sỹ nhận được là không nhỏ.

Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế có thể biết chuyện này. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý là khá khó. Đợt tổng thanh kiểm tra này xem ra cũng lại đánh trống bỏ dùi mà thôi.

“Kết quả kiểm tra chất lượng sữa tại 14 tỉnh thành Bộ Y tế vừa tiến hành cho thấy, trong tổng số 279 mẫu sữa được kiểm nghiệm, khoảng 80 phần trăm số mẫu đạt các hàm lượng về độ đạm của sữa (protit, lipit, vi sinh)” - Đại diện Bộ Y tế cho biết tại hội thảo về Tìm hiểu chỉ số chất lượng trong sản phẩm sữa diễn ra ngày 26/8.

K.Huyền

Theo Hà Nhân

TIN LIÊN QUAN Bán sữa cho trẻ sơ sinh: Căn tin bệnh viện "lờ" lệnh cấm Giám đốc BV Nhi T.Ư: Không thể khẳng định sự móc nối giữa bác sỹ và y tá Y tá bán sữa, Bộ Y tế yêu cầu giải trình Phòng y tá trưởng hay quầy sữa ngoại?



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.