Lùm xùm liên quan Shark Thủy vừa bị bắt: Bị tố chiếm đoạt 226 tỷ đồng, hiện nợ 94 tỷ học phí

Trong vài năm trở lại đây, Shark Thủy liên tiếp bị các phụ huynh trung tâm Apax Leaders đòi lại tiền và nhiều người tố cáo ông lừa đảo, chiếm đoạt 226 tỷ đồng.

Ngày 26/3, thông tin từ trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Egroup.

Theo Bộ Công an, ông Thủy bị bắt liên quan vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP đầu tư và phân phối Egame.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy cũng là Chủ tịch HĐQT của Apax Holdings, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Anh ngữ Apax.

Lùm xùm liên quan Shark Thủy vừa bị bắt: Bị tố chiếm đoạt 226 tỷ đồng, hiện nợ 94 tỷ học phí-1
Ông Nguyễn Ngọc Thủy (trái) và Đặng Văn Hiền bị bắt - Ảnh: Bộ Công an

"Để phục vụ công tác điều tra, xử lý đối với hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Ngọc Thủy cùng đồng phạm và đảm bảo quyền lợi của người bị hại theo quy định của pháp luật, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị những người mua cổ phần, cho vay tiền bằng hình thức thế chấp cổ phần Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup hiện đang còn dư nợ chưa đến trình báo thì khẩn trương liên hệ để cung cấp hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an", thông báo từ Bộ Công an nêu rõ.

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Thủy hay còn được biết đến với cái tên Shark Thủy, một trong những khách mời "quyền lực" từng xuất hiện trong chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam.

Hoàng loạt lùm xùm kéo dài liên quan Shark Thủy

Apax Leaders là chuỗi trung tâm dạy tiếng Anh cho trẻ em thuộc hệ sinh thái Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy được cấp phép từ năm 2016. Trên trang web, đơn vị này cho biết có 120 trung tâm trên cả nước, với khoảng 120.000 học viên.

Tuy nhiên, từ năm 2022, hệ thống các trung tâm Anh ngữ Apax Leader của ông Thủy liên tiếp bị nhiều phụ huynh tố trung tâm yêu cầu học sinh đóng tiền học trước nhưng sau đó đột ngột đóng cửa hoặc chuyển sang giảng dạy online.

Sau nhiều lần các Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders trên cả nước xảy ra lùm xùm liên quan đến vấn đề học phí, phía Apax Leaders TP HCM đã 3 lần tổ chức đối thoại, gặp gỡ phụ huynh với mục đích xin lỗi, thông báo tái cấu trúc trung tâm và hoàn trả học phí.

Tuy nhiên, trong báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo gửi UBND TP HCM về tình hình các trung tâm ngoại ngữ Apax Leaders hôm 11/3 vừa qua thì riêng ở TP HCM, Apax Leaders còn nợ phụ huynh gần 94 tỷ đồng học phí.

Đơn vị đề xuất phương án từ tháng 1-2025 đến tháng 12-2025, mỗi quý trả 4 triệu đồng, chia đều định mức cho phụ huynh đến khi hoàn thành. Phần nợ còn lại chuyển tiếp sang năm sau.

Các trung tâm có gần 11.300 học sinh ở TP HCM. Sau khi 39/41 trung tâm dừng hoạt động, phụ huynh của 4.400 em muốn rút học phí, 6.000 em bảo lưu và 839 em đang học.

Tuổi trẻ dẫn thông tin từ phía Apax cho hay, số tiền học phí phải hoàn trả là 108,1 tỷ đồng, trong đó đã trả 14,3 tỷ đồng, còn nợ khoảng 93,8 tỷ đồng.

Đơn vị này đề xuất phương án trả nợ dần từ năm 2025, mỗi quý trả cho một phụ huynh 4,5 triệu đồng cho đến khi hết.

Ngoài ra, Apax nợ 11,5 tỷ đồng tiền lương giáo viên, nhân viên; nợ tiền thuê mặt bằng 9 tỷ đồng. Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội và Cục thuế TP HCM, chi nhánh của Apax Leaders còn chậm hơn 32 tỷ đồng các loại bảo hiểm cho người lao động và 15 tỷ tiền thuế, tính đến cuối năm 2023.

Ngoài ra, vào năm 2023, nhiều nhà đầu tư ở Hà Nội đã có đơn tố cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Shark Thủy thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi.

Thông tin báo Sài Gòn Giải phóng cho hay, các nguyên đơn tố cáo ông Thủy lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 226 tỷ đồng. Cụ thể, từ năm 2017 đến 2022, qua giới thiệu của bạn bè, người quen nhóm nguyên đơn được biết Shark Thủy có nhu cầu huy động vốn đầu tư cho Egroup với mức lãi suất hấp dẫn 15%/năm.

Lùm xùm liên quan Shark Thủy vừa bị bắt: Bị tố chiếm đoạt 226 tỷ đồng, hiện nợ 94 tỷ học phí - Ảnh 2.
Các nhà đầu tư căng băng rôn tố ông Nguyễn Ngọc Thủy hồi cuối năm 2023 - Ảnh: CAND

Vì tin tưởng danh tiếng, uy tín của Nguyễn Ngọc Thủy thông qua hệ thống Anh ngữ Apax và chương trình "Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank" nên đã nộp cho Nguyễn Ngọc Thủy lên đến vài trăm tỷ đồng.

Ngoài Egame, các nạn nhân tố cáo ông Nguyễn Ngọc Thủy còn lập ra nhiều công ty con khác nhằm huy động vốn từ rất nhiều người dân hòng chiếm đoạt tiền của họ như: OZen Group, Apax Holding (gồm Apax English, Apax Leader)... Các công ty này đã phát hành rất nhiều trái phiếu như: trái phiếu AE lô 1, lô 2; trái phiếu IG lô 1, lô 2, trái phiếu Edu Infra; trái phiếu hợp đồng hợp tác kinh doanh... để huy động tiền. Tuy nhiên, đến giờ phía công ty cũng không trả cho nhà đầu tư bất kỳ một khoản nào cả gốc và lãi.

Trái phiếu có thời hạn trả 3 tháng/lần, nhưng ông Thủy không trả bất kỳ khoản tiền lãi nào cho các trái chủ theo hợp đồng đã ký kết. Có nhiều người dù chưa lấy được một đồng nào nhưng công ty đã làm hợp đồng chuyển nhượng và thanh lý luôn hợp đồng đó.

Theo Đời sống và pháp luật 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/lum-xum-lien-quan-shark-thuy-vua-bi-bat-bi-to-chiem-oat-226-ty-ong-hien-no-94-ty-hoc-phi-a408412.html

Shark Thủy

lừa đảo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.