Một ngày ở làng rác

Trên 300 con người gồm cả già, trẻ, gái, trai đã quá quen thuộc với môi trường ô nhiễm.

"Hay quá, lại có thuốc đau dạ dày rồi", chị Nguyễn Thị Minh Hà, sinh năm 1971, một cư dân lâu năm của làng rác Nha Trang reo lên sung sướng. Trong đống hỗn độn do xe rác từ TP. Nha Trang vừa đổ xuống bãi, chị nhặt được mấy viên thuốc đau dạ dày vẫn còn hạn sử dụng.

Mặt mũi lấm lem, đen nhẻm, người ám đầy mùi hôi thối của rác thải tổng hợp, chị hồ hởi khoe: "Nhặt được thuốc hay cái gì còn mới với chúng tôi chẳng khác gì được vàng. 89 hộ gia đình ở đây bao năm qua sống trên rác, ngủ bên rác, ăn, uống cạnh rác...".

Đời sau tiếp đời trước bám rác

Từ TP. Nha Trang, theo quốc lộ 1A đến địa phận giáp ranh giữa xã Vĩnh Phương và Vĩnh Lương, sâu vào trong nghĩa trang lớn nhất của thành phố biển là làng rác.

Từ phía ngoài nghĩa trang, mùi hôi thối đã bốc lên nồng nặc. Con đường gồ ghề, sình lầy, hai bên ngập ngụa đủ loại rác.

Ở đầu làng, tôi gặp gia đình chú Nguyễn Nhựt. Chú đang hì hục với một đống phế liệu gồm vỏ chai, bao ni-lông, sắt vụn... Người đàn ông 44 tuổi, tay phải cụt đến sát nách ấy mặc chiếc áo cũ của vợ, rộng thùng thình, đen như nhuộm bùn.

Hỏi về cánh tay, chú cho biết: "Khoảng 18 năm trước, một chiếc xe chở rác chạy vào bãi. Như thường lệ, tôi bám theo để tranh thủ nhặt những thứ rác "ngon" nhất. Đến một đoạn đường, chiếc xe bị đổ. Tôi nhảy xuống nhưng không kịp. Chiếc xe nghiền nát, làm đứt lìa cánh tay phải của tôi ngay tại chỗ. Cũng lần ấy, đôi chân vốn nhanh nhất, nhì làng của tôi cũng trở thành tàn tật. Khi khỏe mạnh đã sống chung với rác, giờ tàn tật, không có bãi rác này tôi không biết lấy gì để ở, để ăn".

Gian nhà của chú làm bằng những tấm gỗ ghép nhặt được bãi rác. Cái đệm nằm, cái áo mặc, tấm bạt che mưa, nắng cũng nhặt từ bãi rác. Phải mất nhiều năm, vợ chồng, mẹ và con trai chú mới ghom đủ vật liệu để dựng được gian lều như cái tổ chim này.

Gia đình chú Nhựt là một trong số những hộ có thâm niên nhất làng rác này. Năm nay hơn 70, nhưng mẹ chú, bà Trần Thị Ngắn, đã gắn bó với nghề nhặt rác từ những năm 1975. Làng rác này đã chứng kiến sự chào đời của chú Nhựt và con chú. Nhìn cậu bé có khuôn mặt già đanh, đen như cột nhà cháy, không ai nghĩ cậu chỉ mới 14 tuổi.

Thấy chúng tôi có ý định đi tiếp vào làng, chú khuyên: "Không ai chịu nổi khi vào đó đâu, mùi kinh khủng lắm. Chúng tôi quen rồi thì không sao".

Càng vào sâu, mùi hôi thối càng bốc lên khó chịu. Khói từ những chiếc xăm xe đang cháy bốc lên đen kịt, mùi khét lẹt. Cái nắng của vùng biển càng làm cho không khí nơi đây thêm bức bối.

Biết chúng tôi đến tìm hiểu về cuộc sống của những người dân làng rác, chị Nguyễn Thị Minh Hà hớn hở chạy đến khoe: "Tấm áo này, đôi dép này, cái đệm kia, bát ăn cơm... tôi đều lượm từ bãi rác. Về chịu khó giặt giũ, rửa sạch là có đồ dùng cho mình, cho con. Với người khác, chúng là rác nhưng với chúng tôi, đó là của quý, có tiền đâu mà sắm đồ mới".

Sự hớn hở, hạnh phúc của chị khiến người nghe đau nhói lòng.

Ăn, ở, ngủ, sinh con... trên rác

Hai bên bãi rác là những túp lều được chắp vá đủ kiểu. Chúng mất hút trước những bãi rác cao ngút đầu. Mỗi lần có xe hay người đi qua, đàn ruồi, nhặng đua nhau bay dày đặc, che kín một khoảng trời.

Thấp thoáng giữa bãi rác mênh mông là những ông già, bà lão, thanh niên, con nít. Phần lớn họ đều chỉ trang bị cho mình mũ vải che đầu, không khẩu trang, khăn che mặt.

Bà Nguyễn Thị Ảnh, 60 tuổi, đội nón ra đường hóng xe rác vào bãi. Đấy là thói quen trước đây, bây giờ, có muốn chạy theo xe kiếm tiền cũng không được. Đã sáu năm nay, bà bị đau thần kinh tọa.

Bà Ảnh kể: "Đau nhưng tôi không dám ngồi trong nhà. Trong ấy tối và ruồi muỗi nhiều lắm, không nằm yên được. Dùng thuốc đuổi muỗi cũng không ăn thua. Nhìn này, bà chỉ vào hai bên tay: muỗi cắn sưng tay lên hết rồi!".

Không có con cái, vợ chồng bà dựng nhà ở phía cuối làng để thu ngắn khoảng cách đến bãi rác. Ông Nguyễn Văn Tài, chồng bà, đã 61 tuổi, vẫn cần mẫn nhặt rác từ sáng đến chiều, tối.

Bà Ảnh kể: "Tội nghiệp ổng. Ổng đi nhặt rác từ sáng sớm đến đẫy trưa, chiều lại đi nhặt tiếp. Đến tối, ông dắt cây đèn lên đầu rồi chui vào bãi rác nhặt đến 2 giờ sáng. Đi thế nguy hiểm lắm, rắn rết, đồ nhọn, đồ sắc, không khéo có cả mìn còn xót lại... Làng này bao nhiêu người đi ban ngày vẫn bị cụt chân, cụt tay. thế nhưng, phải làm như thế chúng tôi mới kiếm được vài chục nghìn một ngày, không lo chết đói".

Ông Tài bị hạch ở bên háng, đi lại rất khó khăn. Cứ trái gió trở trời hay là quá sức, hạch lại đau buốt. Đã mấy lần bà định vay mượn tiền cho ông đi mổ nhưng đành ngậm ngùi ở nhà: "Đi mổ rồi về lấy chỗ đâu mà nằm. Ở đây bẩn thỉu, nhiễm trùng, có mà chết sớm. Tôi đang chờ như trời hạn mong mưa đến ngày nơi này giải tỏa. Khi ấy, chúng tôi được tạo điều kiện nơi ở mới, việc làm mới, tôi mới dám đưa ông ấy đi chữa bệnh".

Tội nghiệp nhất là những em bé ở làng rác. Trẻ nhỏ, chưa biết làm thì lê la chơi trên bãi rác. Chừng năm tuổi, chúng rủ nhau nhặt báo, ni-lông kiếm thêm tiền phụ cha mẹ. Khoảng chín tuổi, các em được cha, mẹ hướng dẫn cách cào rác. Ở đây, rất hiếm trẻ được đi học đến nơi đến chốn.

Bé Nguyễn Thị Ngọc Ngân, 11 tuổi, đã có kinh nghiệm hai năm làm nghề cào rác. Không khỏe như người lớn, cứ nhặt được lưng bao, bé lại chất lên vai, khuân về nhà.

Hỏi Ngân: "Em có muốn đi học không?", bé trả lời: "Em thích lắm nhưng mẹ nghèo không có tiền cho em đi học. Em cũng không dám đi chơi vì phải phụ mẹ lo cho em. Ba mất vì tai nạn giao thông, mẹ em cực lắm. Em chỉ ước được đi học nghề, kiếm tiền để nuôi mẹ thôi".

Chị Nguyễn Thị Minh Ngọc, nổi tiếng ở làng rác này vì sinh hai đứa con đều tự đẻ, tự cắt rốn tại chính ngôi nhà trên rác của mình. Chị bảo: "Nếu không có trời thương, mấy lần đó tôi chết chắc".

Làng sống tự do, không ai quản cũng không có nước sinh hoạt, ăn uống. 89 hộ gia đình với trên 300 con người sống nhờ vào chiếc giếng đào duy nhất của nghĩa địa Công giáo Ba Làng. Giếng xây trong nghĩa địa, dùng để xây dựng và rửa bình hoa, nhưng cư dân làng rác vẫn lấy nước giếng này về tắm, gội, giặt đồ, rửa rau, vo gạo. Nhà nào nhà nấy chất đầy chum, vại chứa nước giếng, nằm xen lẫn giữa các bao rác lớn, nhỏ đủ kiểu, đủ loại. Nước sạch phải mua 5.000 đồng/can, họ chỉ dám để uống và nấu cơm.

Không sợ bẩn, chỉ sợ bị giải tỏa

Bãi rác này là bãi rác lớn nhất thành phố Nha Trang. Do vậy mức độ ô nhiễm khá trầm tọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của các hộ dân nơi đây.

Năm 2004, UBND xã Vĩnh Phương và Vĩnh Lương đã tiến hành động viên bà con di dời khỏi bãi rác, trả lại đất cho công ty môi trường đô thị.

Thế nhưng, có người đã sống cả cuộc đời ở đây, không nhà, không tài sản, nếu bãi rác giải tỏa, họ không biết đi đâu. Vì thế, chính quyền đành bó tay và người dân vẫn sống chung với rác mỗi ngày.

Cuối năm 2008, dự án chất thải rắn tinh Khánh Hòa được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Năm 2009, chính quyền lại tiếp tục "đấu tranh" với nhân dân.

Bà Ngô Thị Dễ, một cư dân của làng rác từ năm 1975, kể: "Xe rác đi đến đâu, tôi bám theo vết ruồi bâu đến đó. Từ bãi rác cầu Giăng Dây, bãi rác Bình Tân, Đắc Lộc, Mã Dòng, Bà Quan Âm, Lò Thiêu... đến bãi rác cạnh cầu Rù Rỳ đều có mặt tôi. Giọng bà ngậm ngùi: "Tôi muốn rời xa cái nơi bẩn thỉu này từ lâu lắm rồi. Thế nhưng, bỏ nó tôi biết đi đâu? Ai sẽ thuê người già như tôi làm việc? Tôi cam chịu sống ở đây cả đời, đừng cắt đứt nguồn sống của chúng tôi".

Chị Minh Hà nói như khóc: "Chúng tôi sẵn sàng đi, sẵn sàng tháo gỡ tất cả nhưng biết sống thế nào sau đó? Nếu chính quyền có thể hỗ trợ nơi tái định cư, công việc mới... chúng tôi chẳng đến nỗi bám bãi rác thế này".

Mặc dù biết nơi này rất bẩn, ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế nhưng, người dân ở đây chấp nhận, miễn sao có cái ăn, cái mặc. Tôi hỏi: "Ở đây chị có hay bị bệnh gì không?", chị Hà trả lời: "Quen rồi nên sức đề kháng tốt lắm. Hôm nào nhặt được thuốc cảm cúm, dạ dày thì để dành lại, khi ốm, đau uống. Tiền đâu đi khám bệnh với mua thuốc". Không khám bệnh, họ không biết mình có bệnh gì, khi bệnh nặng thì đã quá muộn.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.