Người đi qua không cứu sám hối trước người nhường áo phao

Trong khi vì ngại gió to và sợ nguy hiểm mà hai con thuyền chở 35 đồng nghiệp đã bỏ rơi chiếc tàu bị nạn vào bến đỗ an toàn, thì ngoài biển khơi, anh Trần Hữu Hiệp ngay cả lúc biết rõ có nguy hiểm đến tính mạng vẫn sẵn sàng nhường áo phao, nhường sự sống cho 5 người khác.

Trong khi vì ngại gió to và sợ nguy hiểm mà hai con thuyền chở 35 đồng nghiệp đã bỏ rơi chiếc tàu bị nạn vào bến đỗ an toàn, thì ngoài biển khơi, anh Trần Hữu Hiệp ngay cả lúc biết rõ có nguy hiểm đến tính mạng vẫn sẵn sàng nhường áo phao, nhường sự sống cho 5 người khác. 

Như đã đưa tin, đêm ngày 2/8 vừa qua, một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trên vùng biển huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) làm toàn bộ 30 người bị rớt xuống biển, 21 người may mắn được cứu vớt, 9 người bị sóng cuốn trôi. 
 
Anh Trần Hữu Hiệp (25 tuổi, trú xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) là một trong những người gặp nạn, anh Hiệp đã cứu sống được 5 người, trong đó có một trường hợp là thai phụ sắp sinh, được anh Hiệp vớt lên và nhường áo phao. Vì quá đuối sức, anh Hiệp đã bị sóng cuốn trôi, xác được tìm thấy vào chiều ngày 4/8. Cái chết của anh Hiệp khiến bất kì ai cũng nghiêng mình trước anh.
 
“Đáng nhẽ anh em phải quay lại cứu chú ấy…”
 
Lễ tang anh Hiệp diễn ra sáng ngày 6/8 trong sự trang nghiêm, lặng lẽ với nỗi đau đớn, xót thương tột cùng của người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Từ tờ mờ sáng, hàng trăm người đã đỗ về gia đình ông Trọng (bố đẻ anh Hiệp) để chia buồn. Một người dân nhận xét về anh Hiệp: “Sống có hiếu, có đức thế mà số kiếp ngắn ngủi quá”.
 
Sau lễ tang, linh cữu anh Hiệp được đưa đến nghĩa trang địa phương. Lọt thỏm trong dòng người đông nghịt lê lết bên chiếc xe chở linh cữu anh Hiệp là những người đồng nghiệp công tác cùng công ty với anh.
 
Anh Hòa kể lại sự việc khiến nhiều anh em day dứt.
Anh Hòa kể lại sự việc khiến nhiều anh em day dứt.
 
Anh Đinh Văn Hòa (29 tuổi, quê ở huyện Nam Đàn, Nghệ An), một trong những người đi cùng chuyến (khác thuyền) với anh Hiệp, lặng lẽ bước nhẹ theo người quá cố, anh Hòa tâm sự: “Hiệp sống với anh em trong công ty rất tốt, bản thân tôi xem chú ấy như em trai”.
 
Anh Hòa kể, anh làm tại công ty Dầu khí ống thép của PVPIPE đã hơn 3 năm nay, vốn đồng lương khoảng hơn 3 triệu/ tháng nên cuộc sống bó chặt. “Sống chật vật nhưng tất cả các anh em công nhân sống rất đoàn kết, tình cảm. Hễ ai khó khăn là anh em khác tìm cách giúp đỡ liền”, anh Hòa nói.
 
Được biết, anh Hiệp mới xin công việc tại công ty trên chưa đầy 2 năm nên trong cuộc sống được anh Hòa giúp đỡ rất nhiều, họ coi nhau như anh em ruột thịt. “Chú ấy với tôi coi nhau như anh em ruột. Hiệp là một người hiền lành, trầm tính và hòa đồng”, anh Hòa kể.
 
Kể lại chuyến đi định mệnh khiến 9 người tử nạn trên biển, anh Hòa nhớ lại, theo kế hoạch tổ chức đi dự một đám cưới ở Vũng Tàu, có tất cả 65 công nhân đi cùng, trong đó thuyền anh Hòa chở 20 người, thuyền anh Hiệp chở 30 người và thuyền còn lại là 15 người.
 
Riêng thuyền anh Hiệp xuất phát lúc 17h40' còn thuyền của anh Hòa và thuyền còn lại xuất phát lúc gần 19h ngày 2/8. Trên đường đi do khoảng cách xa, sóng lớn và đêm tối nên việc liên lạc giữa họ chỉ diễn ra qua điện thoại. 
 
Nhớ lại thời điểm thuyền anh Hiệp gặp nạn, anh Hòa nói, lúc đó thuyền anh Hòa đang chạy cách xa thuyền gặp nạn hàng hải lý, mặc dù có nghe đồng nghiệp trên thuyền báo lại sự việc xảy ra với thuyền anh Hiệp nhưng đêm tối, ý kiến không thống nhất nên mọi người tiếp tục xuôi thuyền về điểm đỗ.
 
“Tôi nghe điện thoại thấy thuyền Hiệp gặp nạn, liền bảo anh em quay lại cứu vớt nhưng vì có nhiều ý kiến trái chiều, và sóng to, đêm tối nên cuối cùng chúng tôi đã chạy tiếp”, anh Hòa kể.
 
Theo anh Hòa, lúc một số người trên thuyền nhận được tin thì có nhiều ý kiến cho rằng đó chỉ là tin đùa giỡn, có nhiều ý kiến sợ vì với khoảng cách xa nếu quay lại giữa lúc sóng gió, trời tối mịt, sẽ rất nguy hiểm. 
 
“Không cứu được Hiệp và các anh em khác, chúng tôi dù không cố ý nhưng cũng rất ân hận, mong rằng linh hồn họ được siêu thoát”, anh Hòa trần tình.
 
Cùng chung suy nghĩ đó, một người đồng nghiệp với anh Hòa nói: “Hiệp xưa nay sống rất tình cảm với anh em trong công ty, thật sự dù không mong muốn việc đau lòng này xảy ra nhưng chúng tôi cũng cảm thấy ân hận vì không làm được gì để cứu giúp Hiệp”.
 
Sẽ đề nghị khen tặng người nhường sự sống cho đồng loại
 
Cùng đi trong chuyến xe đưa linh cữu anh Hiệp về quê, anh Tuế một đồng nghiệp cùng đi trong chuyến ăn cưới (khác tàu) buồn bã kể lại: 
 
"Khi tàu chúng tôi vào bến khoảng 30 phút vẫn không thấy tàu của Hiệp. Đợi mãi mới hay tin tàu Hiệp bị nạn, nhưng do thời tiết, sóng giữ nên không thể quay ra ứng cứu".
 
Chiếc tàu định mệnh đã cướp đi mạng sống của 9 con người
Chiếc tàu định mệnh đã cướp đi mạng sống của 9 con người
 
Anh Tuế cho biết, khi có sự hỗ trợ từ lực lượng cứu hộ, những đồng nghiệp của anh đã nín thở dõi theo từng thông tin về đội cứu. Khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được con tàu của Hiệp, thì được biết 9 người đã mất tích. 
 
Suốt mấy ngày liền, các anh không ăn không ngủ dõi mắt theo từng diễn biến của cuộc tìm kiếm cứu nạn. Cứ mỗi lần nghe tiếng chuông báo từ tàu cứu nạn nghĩa là đã tìm thấy được một đồng nghiệp, cảm xúc trong các anh lại vỡ òa. Đau đớn, xót thương, bất lực trước cái chết tức tưởi của đồng nghiệp. 
 
Mặc dù vậy, các anh vẫn tự hào vì hành động dũng cảm, quên mình hy sinh vì người khác của Hiệp. Đó là hành động rất đáng được tôn vinh, anh Tuế nói.
 
Ở quê nhà, nén nỗi đau nhận xác con khi mới 25 tuổi, người cha già không một lời trách móc dẫu biết nếu được cứu kịp thời con trai ông và những người khác đã không phải bỏ mạng.
 
Ông Trọng nghẹn ngào: “Gia đình chúng tôi dù xót thương cháu nhưng cũng rất tự hào về nghĩa cử cao đẹp đó, trong cuộc sống, vợ chồng tôi vẫn răn dạy con cháu rằng sống là phải biết yêu thương nhau, biết cứu người gặp hoạn nạn”.
 
Ông Lê Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Long cho biết, hiện chính quyền địa phương đang đốc thúc việc lập hồ sợ để tiến hành đề nghị với cấp trên trao tặng danh hiệu cho anh Hiệp.
 
“Anh Hiệp xứng đáng được xã hội tôn vinh sau những hành động cao đẹp, không màng sự sống cho bản thân vì những sinh linh cạnh mình”, ông Thủy nói.
 
Liên quan đến vụ chìm tàu làm 9 người tử nạn, ngày 6/8, hai tài công bỏ đi không cứu nạn là  Lục Văn Bảo (24 tuổi) và Lê Văn Hiếu (25 tuổi) đã được triệu tập, lấy lời khai suốt 4 giờ đồng hồ.
 
Trong khi đó, làm việc với báo chí, Giám đốc Công ty Việt- Séc và nhiều người biết tàu gặp nạn nhưng đã quyết định để tàu tự xoay sở. Sau đó, vị giám đốc này đã đổ lỗi cho người chết, cho rằng lỗi chính là do tài công Phạm Duy Phúc (55 tuổi, thuyền trưởng đã tử nạn) mà ra.

Theo ĐVO



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.