Những việc làm gây bức xúc

Trong một lần "xuất quân" cưỡng chế nhà xây dựng trái phép, công an xã Lương Phú (Phú Bình, Thái Nguyên) và các lực lượng chức năng đã thẳng tay... gô cổ cả một đứa trẻ mới 14 tuổi đầu!

Trói cả mẹ lẫn con

Câu chuyện này xảy ra từ năm 2001, nhưng đến giờ, vợ chồng ông Nguyễn Văn Sinh và bà Đồng Thị Mười ở xóm Lân vẫn không thể nào quên được. Cũng chính vì "dư âm" của câu chuyện này khiến kinh tế nhà bà Mười sa sút bởi phải lận đận kêu oan khắp nơi. Quá bức xúc nên câu chuyện của hai vợ chồng nông dân này liên tục bị ngắt quãng do nước mắt tuôn trào.

Cố trấn tĩnh, ông Sinh kể, gia đình ông có 2 cái ao từ xưa do cha ông để lại, vẫn sử dụng bình thường và đến năm 1992 đã được cấp quyền sử dụng đất. Bởi ao cách nhà cả nữa cây số nên cá nuôi cứ bị trộm cắp luôn. Trước tình trạng "thủy tặc" ghé thăm ao cá nhà mình, vợ chồng ông đã dựng một căn nhà nhỏ ngay trên bờ ao làm chỗ vào ra, trông coi chiếc "cần câu cơm" của cả nhà. Nông dân, chẳng mấy khi ra khỏi lũy tre làng, nên vợ chồng ông đâu biết việc làm ấy là không được phép. Bởi thế, ngày 28-5-2001, ông Vũ Thiện Giáp - Chủ tịch UBND xã, hiện là Bí thư Đảng ủy xã đã "ra lệnh" cưỡng chế gải tỏa ngôi nhà phục vụ mục đích mưu sinh này.

Thực hiện lệnh cưỡng chế đó, ngày 31-5-2001, ông Lê Hồng Thái, khi đó là Trưởng công an xã, nay là Chủ tịch UBND xã đã dẫn người xuống bờ ao nhà ông Sinh giải tỏa.

Bà Mười, vợ ông Sinh kể: "Lúc cưỡng chế, chồng tôi không có mặt, mấy mẹ con tôi đang gặt lúa ở gần đó, thấy "người ta" đến dỡ nhà của mình thì vội vàng chạy đến". Tuy nhiên, theo bà Mười, khi vừa đến nơi, chưa kịp trình bày gì thì bà đã bị lực lượng công an xã khống chế, dùng khóa số 8 còng tay lại. Con trai tôi Nguyễn Văn Huyên khi đó 14 tuổi cũng bị bắt luôn. Xử lý hai mẹ con tôi xong, họ hô dỡ đồng loạt 18 người đấy đổ căn nhà trông cá. Nhìn cảnh ấy, xót của, tuy bị còng tay nhưng tôi vẫn phản ứng. Thấy thế, 4 công an viên đã được lệnh khênh tôi vắt ngang lên xe máy, giống như buộc bò, buộc lợn để chở lên ủy ban".

Ông Nguyễn Văn Hiển, 58 tuổi, lúc đó là Trưởng xóm Lương Tạ II, nhà gần hiện trường cưỡng chế đã chứng kiến toàn bộ vụ việc Ông Hiền kể, thấy bà Mười bị bắt gông lên xe trong tư thế hai tay bị bẻ quặt ra phía sau, đường làng lại quá xóc, tôi và dân làng ai cũng phẫn nộ.

Vợ chồng ông Sinh kể tiếp về cái ngày không muốn nhớ ấy: "Thằng con nhỏ của tôi là Nguyễn Văn Hoạt, khi ấy mới 12 tuổi, có mặt ở đó cũng bị công an xã đuổi bắt. Nó vừa chạy vừa ném gạch lại, không biết có vào ai không? Thế nhưng, sau này, người ta đã "buộc tội" nó là ném bị thương ông công an viên Nguyễn Văn Hưng và buộc phải bồi thường 475.000 đồng...".

Thi hành án bằng... lợn

Vụ án dân sự mà "bị can" là Nguyễn Văn Hoạt, 12 tuổi, bị hại là ông công an viên Nguyễn Văn Hưng đã được tòa án cấp huyện và tỉnh xét xử. Cả hai phiên tòa đều tuyên phạt cậu bé ấy số tiền là 475.000 đồng. Bởi gia cảnh khó khăn, thêm nữa, chưa tâm phục khẩu phục với bản án trên, nên gia đình ông Sinh chưa chịu thi hành. Tuy nhiên, không thể chây ì, các cơ quan liên quan đã buộc gia đình bà phải thi hành bằng lợn.

Chị Nguyễn Thị Xuân, con dâu bà Mười, người chứng kiến từ đầu đến cuối việc cưỡng chế thi hành án đối với gia đình mình nhớ lại: "Hôm đó ngày 26-3-2002, ông Giáp - Chủ tịch UBND xã dẫn đoàn cưỡng chế, chỉ đạo cho ban công an xã do ông Thái làm trưởng ban, nhảy vào chuồng lợn của mẹ tôi. Họ bắt đi 2 con lợn choai và 1 con lợn nái đang có chửa sắp đến ngày đẻ!".

Bà Mười bức xúc: "Không hiểu họ làm ăn kiểu gì mà lại hành xử với dân lạ lùng đến vậy. Lúc tôi, họ đến bắt lợn, vợ chồng tôi không có nhà. Họ đến cũng chẳng có quyết định gì, mãi đến 11 giờ trưa hôm đó, khi cả mấy mẹ con đang ngồi khóc vì tiếc của thì họ mới cho người mang quyết định cưỡng chế tới. Hai con lợn choai của tôi lúc đó 52kg giá thị trường 10.000 đồng/kg, còn con lợn nái sắp đẻ khoảng 1 tạ bán rẻ nhất cũng được 1,5 triệu. Tổng cộng họ bắt 3 con lợn trị giá nên 2 triệu đồng để đòi số... tiền 475.000 đồng. Điều ngạc nhiên là từ đó không có ý kiến gì về khoản chênh lệch này!".

Gia đình bà Mười cho biết, sẽ tiếp tục khiếu nại về việc chính quyền địa phương đối xử thô bạo với gia đình mình. Theo bà Mười, việc chính quyền xã bắt giữ mẹ con bà, đặc biệt là với đứa con mới 14 tuổi (Nguyễn Văn Huyên) là hành động coi thường pháp luật, chà đạp lên danh dự, nhân phẩm công dân.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong biên bản bắt giữ người mà chính công an xã đã lập thì Nguyễn Văn Huyên bị bắt bởi "có hành động côn đồ, đã dùng gạch ném vào tổ bảo vệ... làm một cán bộ bảo vệ phải đi cấp cứu tại trạm xá". Tuy nhiên, thực tế, theo bà Mười, biên bản này chứa đựng nhiều điểm sai sự thật, bởi nó mâu thuẫn chính với bản án mà tòa đã tuyên cho Hoạt. Vì theo bản án đã được thi hành bằng... lợn ấy, thì Hoạt mới là người... "làm một cán bộ phải đi cấp cứu tại trạm xá" chứ không phải là Huyên.

Trong biên bản tháo dỡ tường nhà xây dựng trái phép của gia đình bà Mười do ông Trưởng công an xã Lê Hồng Thái lập hòm 31-5-2001 có sự tham gia của nhiều ban ngành, đặc biệt có sự có mặt, chứng kiến của đại diện cáp ủy, trưởng xóm Lân. Tuy nhiên, biên bản này chỉ có duy nhất chữ ký của ông Thái, còn phần đại diện phía cơ sở thì không ai ký.

Theo Gia Tưởng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.