Chị dâu cao tay lập kế đối phó với em chồng “mất nết”

Những cô em chồng quái tính không phải hiếm nên để trị được em chồng, nhiều người chị dâu đã phải "nát óc" nghĩ kế.

Những cô em chồng quái tính không phải hiếm nên để trị được em chồng, nhiều người chị dâu đã phải "nát óc" nghĩ kế.
 
Có một cô em chồng “khó nhằn”, Hà Liên (Cửa Đông, Hoàn Kiếm, HN) thực sự đau đầu vô cùng. Cô than thở: “Mình kết hôn xong không phải làm dâu, nhưng lại sống chung với em chồng. Không phải nói xấu nhưng em chồng mình là con gái mà lười và ‘mất nết’ lắm, dù em ấy đã học năm cuối Đại học rồi chứ bé bỏng gì đâu. Việc nhà đều do một tay mình làm hết, còn em ấy kiếm cớ bận học nên trốn tiệt. Thế mà thi thoảng mình nhờ em nhặt rau, gọt trái cây cũng không nổi đấy vì gọt quả em sợ đứt tay, nhặt rau em sợ có sâu.
 
Quần áo bẩn thay ra em ấy giăng khắp nhà, làm gì thì đụng đâu bỏ đó, bừa bãi kinh khủng. Khi mình nhắc nhở thì em giận dỗi, nói hỗn và gọi điện về bù lu bù loa với bố mẹ chồng ở quê. Ông bà có được chứng kiến đâu, nên chả tin con gái mình hơn con dâu. Chồng lại trách mình rằng biết tính em ấy thế rồi sao không nhịn em ý đi cho yên nhà”.
 
Hà Liên bảo, còn quá nhiều chuyện “chướng mắt” với em chồng mà cô không thể kể hết ra được. Ngày đi làm mệt mỏi, tối về lại lao vào làm việc nhà, thêm những ức chế tâm lí do em chồng mang lại khiến cô muốn nổ tung đầu. Cô quyết không thể nhịn mãi nữa, cô phải nghĩ cách để trị cô em chồng “mất nết” này.
 
“Việc ở riêng với hoàn cảnh của mình là không thể vì nhà chồng chỉ có 2 anh em, dù đây là nhà của bọn mình nhưng sao có thể bắt em chồng ra ngoài thuê nhà - chuyện đó nhất định sẽ gây sóng gió lớn trong gia đình.
 
Em chồng mình ngọt không ưa (hoặc giả em ấy coi mình là ô sin nên không thèm để ý đến lời nói của mình). Em ấy cũng không sợ cứng rắn, sẵn sàng ‘đốp’ lại mình còn kinh khủng hơn nhiều. Vì thế, mình chọn cách để em ấy và cả chồng nữa tự ‘ngộ’ ra vấn đề mà mình không cần phải nói năng hay chê trách, lên án gì cả” – Hà Liên tâm sự.
 
Liên cho biết, cô đã xung phong đi công tác mặc dù chuyến đi đó kéo dài một tháng trời, cơ bản là cô chưa có em bé nên có thể đi lâu được. Mục đích là cô muốn để chồng và em chồng tự xoay xở với nhau, để họ hiểu cho nỗi khổ của cô và nhận ra họ nên cư xử thế nào mới là đúng.
 
Hà Liên kể: “Trong một tháng ấy chồng mình không biết bao nhiêu lần gọi điện cho mình kêu ca về em chồng. Mình chỉ cười nhẹ, nhắc lại câu anh ấy từng nói: ‘Anh biết tính em ấy thế rồi thì cố nhịn vậy cho yên nhà anh ạ!’. Song song với đó, chồng cũng ngày ngày hỏi mình: ‘Bao giờ em về thế?’
.
Sau một tháng về, nhìn cái nhà ngập ngụa bẩn mà mình cũng phải hãi hùng, cho dù đã đoán trước được phần nào. ‘Hậu quả’ một tháng vắng mình quả là khủng khiếp! Nhưng mình kệ mặc, để nguyên hiện trạng kinh khủng ấy và ‘làm việc’ thẳng thắn với chồng. Chồng mình sau một tháng như ác mộngcũng đã khiếp vía lắm rồi nên ủng hộ ý kiến của mình lắm. Vụ này mình để chồng ra mặt, tránh bố mẹ chồng lại có cớ nói mình thế nọ thế kia.
 
Chồng liền gọi bố mẹ chồng lên chứng kiến để ông bà biết con gái ông bà như thế nào, không lại đổ hết tội cho con dâu. Trước mặt bố mẹ chồng, chồng mình làm rõ luôn những nghĩa vụ và quyền lợi của em chồng khi sống chung với vợ chồng mình, thông qua bố mẹ chồng rồi sau đó cứ thế mà làm việc. Em chồng vi phạm là bọn mình có quyền nhắc nhở và phạt. Nó phải học, thế bọn mình không phải làm việc kiếm tiền à?”.
 
Hà Liên cho hay, sau vụ đó, em chồng cô không “thoát thai hoán cốt” tốt lên được nhưng cũng tiến bộ hơn khá nhiều. “Đúng là không ‘rắn’ không được!” – người vợ trẻ này mỉm cười nói.
 

Em chồng - chị dâu luôn tồn tại những mâu thuẫn khó hòa giải (Ảnh minh họa).

 
Bà mẹ trẻ tên Quỳnh (Nhật Tân, Tây Hồ, HN) cũng phải sống chung với một cô em chồng quái tính chả kém gì em chồng của Hà Liên.
 
“Từ khi về ở chung, chưa một lần em ấy cầm cái cây lau nhà, đến áo quần khô cũng không chịu gấp cất. Đến giờ ăn cơm, mình gọi vài lần mới xuống, ăn xong lại phủi mông lên nằm nghe nhạc trên phòng. Bực nhất là nhiều lần quần áo bẩn của em ấy thay ra liền ném luôn vào chậu quần áo của bé nhà mình vừa giặt xong chưa kịp phơi. Giày dép của mình, em ấy cứ thích là lấy đi, đến khi đứt rách lại vứt trả lại. Thực sự là nhiều không kể xiết được ấy!
 
Bố mẹ chồng mình cưng em ấy lắm, vì thế chồng mình hễ động đến em là bị bố mẹ la mắng, xỉ vả ngay. Chồng mắng thì em ấy cãi lại, rồi không nỡ đánh nên em ấy được thể lấn tới. Còn mình mà nói gì là em chồng lại mách với bố mẹ chồng, rồi ông bà lại đi hành chồng mình. Bọn mình đi làm đã quá nhiều áp lực, con nhỏ lại thêm này nữa, thật sự quá mệt mỏi!” – cô bức xúc nói liền một hơi.
 
Rồi Quỳnh bật mí chiêu “trị” em chồng của mình: “Sau đó, mình được cô bạn mách cho một chiêu, nghe thì nhẹ nhàng, tình cảm nhưng lại có hiệu quả không ngờ đấy! Cụ thể, mình sắm một cuốn sổ dày dày, đặt tên là ‘Nhật kí gia đình’, thông cáo rộng rãi với chồng và em chồng về sự tồn tại của cuốn sổ đó.

Từ đó, hễ có chuyện gì xảy ra trong nhà là mình liền ghi vào sổ. Đơn thuần là thuật lại chuyện thôi, ví dụ như: Ngày X tháng Y năm Z: H. (tên em chồng mình) đi chơi về, đi thẳng lên phòng đóng cửa gọi cho mẹ nói bị ốm không ai thèm chăm. Trong khi về nhà nhìn thấy anh chị mà đến tiếng chào còn không thèm nói thì ai biết bị ốm, anh trai cũng không hề biết”.
 
Cô nói về hiệu quả của phương pháp mình đã áp dụng: “Mình cứ miệt mài, cần cù ghi lại tất cả những gì không hay không tốt của em chồng. Mỗi lần ghi xong mình lại đọc lớn cho chồng và em ấy nghe, để biết là mình không ghi sai sự thật, có hôm hứng lên còn bảo chồng kí tên vào xác nhận. Em chồng tức lắm nhưng chẳng làm gì được, vì mình viết là sự thật rành rành ra rồi.
 
Làm được gần một tháng, mình tự dưng thấy vui vẻ,  yêu đời hơn hẳn. Vì nguyên việc ghi chép ấy cũng giúp mình giải tỏa tâm lí. Hết một cuốn sổ mình lại photo ra gửi về cho mẹ chồng mình một bản đọc tham khảo để bà biết sự thật con gái bà – cô sinh viên năm thứ 3 là như thế nào. Chồng mình cũng đứng ra làm chứng, còn bảo nếu ông bà còn nghi ngờ thì quay video cho ông bà xem hẳn hoi. Dần dà, ông bà chẳng dám mạnh miệng bênh con gái nữa”.

Chị Quỳnh cho biết, khi độ bênh con gái của mẹ chồng giảm đi, việc “dạy bảo” em chồng đối với 2 vợ chồng cô cũng không phải là quá khó. “Mình đề ra quy củ trong nhà hẳn hoi, dán lên tường rồi cứ thế mà thực hiện. Nhiều lúc mẹ chồng gọi lên, mình không muốn nghe bà ca thán thì lại giở bài ‘điện thoại bị mất sóng, con nghe không rõ, vậy thôi lúc khác nói chuyện mẹ nhé!” – bà mẹ trẻ tinh nghịch nháy mắt.
 
Theo Phượng Vỹ (Afamily.vn/Trí Thức Trẻ)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.