Nhạc chế phản cảm trên TikTok: Đến lúc cần quét rác

Về phần mình, đã đến lúc người chơi TikTok cần "chậm” hơn. Mỗi khi thưởng thức hoặc “đồng sáng tạo” một đoạn nhạc, nên suy nghĩ về nội dung, cái hay cái đẹp và sự tử tế mà nó mang lại cho cộng đồng.

Trên TikTok, nền tảng chia sẻ video ngắn phổ biến nhất toàn cầu hiện nay - nơi mà “nhạc không ra nhạc” cũng dễ dàng xuất hiện nhưng lại được giới trẻ hưởng ứng một cách nhiệt tình.

Nhạc trend là những bản nhạc thịnh hành với giới trẻ trong một khoảng thời gian nào đó. Ở mỗi thời điểm khác nhau lại xuất hiện những xu hướng nhạc khác nhau. Điều này diễn ra bình thường như lẽ tất yếu, cho đến khi những bản nhạc nhảm, nhạc chế trở thành nhạc trend, được hỗ trợ phát tán một cách quá dễ dàng trên các nền tảng như TikTok, Facebook…

Mới đây nhất, đoạn nhạc chế được biến tấu từ bài thơ Lượm, ghép với những video phản cảm đã thành trend với những clip triệu view, xuất hiện tràn lan trên TikTok, nhưng lại được các bạn trẻ thi nhau sử dụng, chia sẻ.

Hình ảnh "chú bé loắt choắt" hồn nhiên, gan dạ, dũng cảm trong thơ Tố Hữu đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ. Đây là hình ảnh mang tính biểu tượng cho sự hy sinh cao cả, thiêng liêng của những anh hùng nhỏ tuổi vì quê hương, đất nước.

Nhạc chế phản cảm trên TikTok: Đến lúc cần quét rác-1

Đoạn nhạc chế được biến tấu từ bài thơ Lượm.

Vậy nhưng qua đoạn nhạc chế, mọi thứ đã trở nên tầm thường, cợt nhả. Những video được ghép vào trend này cũng rất phản cảm, với hình ảnh những nữ sinh áo dài trắng đứng trên bàn, khoe thân cùng hàng loạt hình ảnh hở hang, phản cảm khác.

Thiếu hụt nền tảng thẩm mỹ

Thời đại các nền tảng mạng xã hội phát triển, những công cụ làm nhạc, thu âm cũng dễ dàng được sử dụng. Việc một cá nhân tự tạo ra một bài nhạc và đăng tải lên mạng xã hội trở nên rất dễ dàng mà không cần kiểm duyệt.

Chỉ cần làm “lạ” một chút, bắt tai một chút là bài nhạc có thể nhanh chóng được nhiều người hưởng ứng, đu theo, bất chấp nội dung bài hát, thuần phong mỹ tục.

Nhạc chế phản cảm trên TikTok: Đến lúc cần quét rác-2

Bản nhạc chế Doraemon gây nhiều phản cảm.

Còn nhớ cách đây không lâu, bài nhạc chế Doraemon của Lê Dương Bảo Lâm cũng gây nên nhiều tranh cãi. Lời lẽ sáo rỗng, sai lệch với tác phẩm gốc, nhưng lại được nhiều người cho là vui nhộn, giải trí.

Họ lên tiếng bênh vực “thần tượng”, và biện hộ rằng “đây chẳng qua chỉ là tác phẩm hài, miễn là vui thôi, không ảnh hưởng đến ai là được”. Nhưng thực tế một dạo đi đâu cũng nghe nhiều người lẩm nhẩm theo bản nhạc chế này, cả những em bé ở độ tuổi mẫu giáo, cấp 1. Nghe lời bài hát phát ra từ đôi môi nhỏ xinh của các em mà bỗng thấy “sợ”. Điều gì sẽ xảy ra trong tâm lý và hành động của các em?

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Huy, giảng viên Cao đẳng VHNT Đà Nẵng cho rằng việc chế lại bài hát với lời nhảm không những xúc phạm đến tác giả mà còn ảnh hưởng đến thế hệ trẻ.

Có những người chế nhạc đôi khi chỉ xuất phát từ ý muốn “vui vui” nảy sinh trong một phút chốc nào đó. Nhưng nhiều người ngay từ đầu đã có chủ đích dùng sự nhảm nhí, "khác người" để tạo sự chú ý, câu view, câu like. Với thành phần này tư tưởng thật sự có vấn đề và cần được lên án.

Thạc sĩ Lê Thị Kiều Yến, Phó Trưởng Phòng Đào tạo (Cao đẳng VHNT Đà Nẵng) cho rằng: “Để nhân cách một con người phát triển toàn diện cần phải chú trọng vào giáo dục 3 nội dung: Trí thức, đạo đức và thẩm mỹ. Cả 3 nội dung này phải được phát triển cân bằng như nhau. Nhưng thực tế, giáo dục thẩm mỹ chưa thật sự được coi trọng. Trước năm 2000 chỉ chú trọng vào giáo dục trí thức và đạo đức. Điều này dẫn đến giới trẻ có thị hiếu thẩm mỹ dễ dãi, vì thiếu kiến thức thẩm mỹ nền tảng. Đó cũng là nguyên nhân mà khi các trào lưu âm nhạc bên ngoài tràn vào, chúng ta không có đủ kháng thể để sàng lọc, chống lại”.

Cần sự tử tế của người làm nhạc

Không chỉ nhạc chế, những bản remix lại nhạc xưa, hay thậm chí là remix Chú Đại Bi cũng từng gây nên nhiều tranh cãi.

Mỗi người một ý kiến và quan điểm riêng, nhưng chắc chắn rằng nếu không có những giải pháp để quản lý, chọn lọc, thì nhạc chế, nhạc vô tri, nhạc rác…sẽ tiếp tục lan tràn. Không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn mới, quy định mới cho sáng tạo âm nhạc và những người làm nhạc, mà còn cần hơn nữa sự mạnh tay “quét rác” của các cơ quan quản lý.

Nhạc chế phản cảm trên TikTok: Đến lúc cần quét rác-3

Bản remix Chú Đại Bi từng gây nên nhiều tranh cãi.

Nhạc chế xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1965, nhưng đến những năm gần đây, khi các nền tảng như Youtube, TikTok… phát triển thì loại hình này mới thật sự thịnh hành. Tất nhiên, không phải bài nhạc chế nào cũng có nội dung sai lệch, sáo rỗng. Nhiều người chế nhạc bằng cái tâm, bằng khát khao muốn thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của bản thân.

Nhiều bài nhạc chế thật sự mang lại giá trị giải trí, nhưng vẫn đảm bảo được tiêu chuẩn cộng đồng. Nhiều bài nhạc chế còn mang nhiều ý nghĩa hơn cả bản gốc, cảm xúc hơn và lấy được sự đồng cảm, nước mắt của nhiều người.

Nhạc chế phản cảm trên TikTok: Đến lúc cần quét rác-4

Bản nhạc chế Ghen Cô Vy (Ghen CoV) nổi tiếng toàn cầu, được đánh giá như một cột mốc về cách truyền thông sức khỏe cộng đồng sáng tạo, hiệu quả trong dịch COVID-19.

Nói về vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Huy cho rằng: “Khi muốn viết một bài hát mới, người viết phải chọn lựa ngôn từ, giai điệu, điệu thức sao cho phù hợp để truyền tải hết ý nghĩa bài hát, còn chế lại một bài nhạc thì dễ hơn. Người viết chỉ cần dựa vào những cái đã có sẵn để chế lại nhạc hoặc lời. Nhạc chế cũng thường được chèn thêm những câu nói trend, vui nhộn nên dễ lan tỏa hơn. Chính vì điều này mà tình trạng nhạc chế, nhạc nhảm xuất hiện ngày càng nhiều”.

Nhạc chế phản cảm trên TikTok: Đến lúc cần quét rác-5

Một trong những đoạn nhạc chế có lời lẽ nhảm nhí.

“Trong quá trình giảng dạy các bạn sinh viên nghệ thuật, chúng tôi luôn nhấn mạnh phải thường xuyên rèn luyện cảm xúc, thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ. Đồng thời cũng gửi gắm và đặt nhiều niềm tin vào sự tử tế của sinh viên khi tham gia các hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật”, Thạc sĩ Lê Thị Kiều Yến nói.

Nhạc chế phản cảm trên TikTok: Đến lúc cần quét rác-6

Thạc sĩ Lê Thị Kiều Yến cho rằng cần sự “tử tế” của những người tham gia hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật”. Ảnh: NVCC.

Một thông tin làm yên lòng những người yêu âm nhạc cũng như loại hình nghệ thuật tử tế, đó là từ ngày 15/5, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Hàng loạt sai phạm trong hoạt động của nền tảng này tại Việt Nam đã được chỉ rõ, để mạnh tay xử lý.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc...

Theo ông Tự Do, cùng với việc kiểm tra toàn diện, trong thời gian tới, sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Về phần mình, đã đến lúc người chơi TikTok cần "chậm” hơn. Mỗi khi thưởng thức hoặc “đồng sáng tạo” một đoạn nhạc, nên suy nghĩ về nội dung, cái hay cái đẹp và sự tử tế mà nó đem đến cho cộng đồng.

 Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/nhac-che-phan-cam-tren-tiktok-den-luc-can-quet-rac-post1532136.tpo

TikTok

nhạc chế


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.