Trần Tiến - kẻ lãng du của làng nhạc Việt

Ninh Thuận và nhiều địa danh khác của Việt Nam từng xuất hiện trong ca khúc của Trần Tiến. Ít ai biết đó đều là “quả ngọt” kết nên từ những chuyến du ca rong ruổi và đầy ngẫu hứng.

Những chuyến du ca đến mọi miền đất nước là cảm hứng dẫn lối người nghệ sĩ hơn 70 tuổi viết nên nhiều bản nhạc sống cùng năm tháng.

Những chuyến du ca đầy ngẫu hứng

Nếu không đọc tiểu sử Nhạc sĩ Trần Tiến, có lẽ khán giả sẽ không thể biết người nghệ sĩ của những bước đường du lãng đến từ đâu và sẽ còn đi về đâu. Nghe nhạc của ông, khán giả sẽ có cảm giác như đang ngắm bức họa D'où venons-nous? Que sommes-nous? Où allons-nous? (Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta sẽ về đâu?) của Paul Gauguin. Danh họa người Pháp đã một mình thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới từ năm 17 tuổi và dành cả cuộc đời để đi tìm câu trả lời cho cái cớ hiện sinh.

Quay trở lại Nhạc sĩ Trần Tiến - người nghệ sĩ có tuổi thơ gắn liền với những con ngõ nhỏ Hà Nội, người nghe nhạc của ông sẽ không thể biết nhạc sĩ ấy sẽ còn đi về đâu và đưa người nghe tới đâu. Bởi lẽ dù viết về nơi nào, ca từ của ông cũng vừa hừng hực, lãng đãng, vừa chất chứa niềm rung động rất riêng.

Trần Tiến - kẻ lãng du của làng nhạc Việt-1

Nhạc sĩ Trần Tiến vẫn say mê sáng tác ở tuổi 71.

Có lúc, ông như đang thổ lộ nỗi day dứt không yên của một người con đồng bằng Bắc Bộ “nhớ thương làng quê, lũy tre bờ đê, ước mơ trở về nghe mẹ hiền ru bên thềm đã cũ” (Quê nhà). Cũng có khi, ông kết hợp âm nhạc dân gian với ngôn ngữ hiện đại trên bước đường cao nguyên nguồn cội: “Còn đàn chim Chơ-rao bay qua, bay qua giữa bầu trời... ư hư/Còn dòng sông A-yn-pa trôi qua, trôi qua dưới mặt trời... ư hư” (Ngọn lửa cao nguyên).

Và trong Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp, ông lại sắm vai của chàng lữ khách mê mải trước điệu múa lăm-vông duyên dáng, lấy cảm hứng từ cuộc gặp ngắn ngủi năm 19 tuổi cùng cô công chúa yêu kiều của gia đình hoàng thân Souphanouvong. Ca khúc ra đời trong chuyến du ca đầu tiên trên đất Lào chính là bài hát đưa nhạc sĩ Trần Tiến lại gần những trái tim yêu nhạc. Để rồi từ đó, ta lại theo chân ông đến những miền xa, được lắng nghe chuyện kể về những cuộc gặp gỡ, và cùng ông mơ những giấc mộng bềnh bồng.

Nhạc sĩ của những mối duyên lạ

Có một cuộc gặp gỡ thú vị của nhạc sĩ Mặt trời bé con cùng ca sĩ Ngọc Tân khi cả hai đặt chân tới cù lao Châu Giang, An Giang. Còn nguyên trong ký ức sáng tác của ông là khoảnh khắc cô gái Atiza mở chiếc khăn mat’ra che mặt, khoe nhan sắc lay động lòng người.

Chuếnh choáng say trước nhan sắc người mỹ nữ, ông đã nhầm tiếng trống Paranưng cất lên khi ấy mà tỏ bày rằng: “Như nắng buông trên dòng Tiền Giang/Như gió reo trên dòng Hậu Giang/Như lời thương nhớ ai mà giọng hát xa vời/Pa ra paranưng, ôi tiếng trống ru lòng tôi...” (Tiếng trống Paranưng).

Trần Tiến - kẻ lãng du của làng nhạc Việt-2

Lễ hội truyền thống của người Chăm đã khơi nguồn cảm hứng để Trần Tiến viết “Giấc mơ Chapi”.

Thực tế, đây là nhạc cụ của người Chăm ở Ninh Thuận, và tiếng trống Paranưng chính là một trong những thanh âm không thể vắng mặt trong lễ hội Katê của người Chăm Bà La Môn. Nhưng cái duyên của nhạc sĩ Trần Tiến với vùng đất Phan Rang - Ninh Thuận tới đây chưa dứt. Hơn 10 năm sau khi cất lên tiếng trống Paranưng, ông tiếp tục kể chuyện một giấc mơ gắn liền với loại nhạc cụ thiêng liêng của người Raglai (một trong 2 dân tộc thiểu số có cư dân đông nhất Ninh Thuận).

Chuyện kể trong lần lang thang giữa núi rừng Ninh Thuận để tìm kiếm một loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam mang đi giới thiệu tại Pháp, nhạc sĩ tình cờ nghe thấy tiếng đàn vang lên từ ngôi nhà sàn đơn sơ, tách biệt giữa đại ngàn. “Ở nơi ấy, nơi ngọn núi cao”, trong ngôi nhà không có lấy một vật dụng bằng kim khí, ông thấy mình cảm động trước câu chuyện tình đơn sơ của cặp vợ chồng “không mùa đông, không mùa nắng mưa, có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau” (Giấc mơ Chapi).

Khi nhạc sĩ ngỏ ý muốn mua lại cây đàn, người chồng nói: “Nếu anh thích, tôi sẽ tặng anh. Tôi không bán đâu vì đã mười mấy năm rồi tôi không dùng đến tiền”. Nhạc sĩ gốc Hà Nội khi ấy rất ngạc nhiên bởi vẫn còn nơi người ta có thể vui sống mà không màng vật chất. Đời sống chan hoà với muông thú, ruộng đồng và niềm hạnh phúc có nhau là tất cả mà gia đình nhỏ ấy cần.

Cây đàn Chapi được chế tác bằng gốc tre già ấy là khởi nguồn của những thanh âm mộc mạc, chân phương như một lời kể chuyện, mượt mà, biến chuyển tùy tâm trạng người chơi và bối cảnh xung quanh. Chapi ngày mùa nghe rộn ràng hứng khởi, Chapi những đêm gió mát trăng thanh lại nghe màu nhiệm, miên man giữa trùng khơi cảm xúc… Và âm thanh trong trẻo, tươi vui ấy còn là cách đồng bào dân tộc Raglai thể hiện tình cảm gắn kết của chồng - vợ, con cái với mẹ cha, của người con bản xứ với rừng thiêng bao đời trú ngụ.

Trần Tiến - kẻ lãng du của làng nhạc Việt-3

Ninh Thuận là vùng đất truyền nhiều cảm hứng sáng tác cho Trần Tiến.

Sau Giấc mơ Chapi, nhạc sĩ Trần Tiến còn sáng tác một ca khúc bất hủ gắn liền với vùng đất Ninh Thuận giàu di sản - Mưa bay tháp cổ được ca sĩ Tùng Dương thể hiện rất thành công.             

Mảnh đất cằn cỗi, khắc nghiệt ấy hoá ra vẫn đơm hoa kết trái. Trên những gương mặt hằn in nỗi nhọc nhằn đời sống chưa bao giờ thiếu vắng niềm hạnh phúc của sự sum vầy. Vào mùa lễ hội, vũ điệu rộn ràng tươi vui vẫn ngày đêm vang vọng núi rừng như một lời khẳng định: Xương rồng vẫn đơm hoa trên mảnh đất bạc màu.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/tran-tien-ke-lang-du-cua-lang-nhac-viet-post878036.html?fbclid=IwAR19u32SAFCIW7lQLVZcVoOIRYlnuB03_6Uv0k664kCq-fJac0yk5FilkGw

nhạc sĩ Trần Tiến


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.