
Thời gian gần đây, anh Lý 45 tuổi thường xuyên mệt mỏi, thừa cân, tâm trạng chán nản, dễ cáu gắt dù đã kiểm soát chế độ ăn nghiêm ngặt nhưng không cải thiện. Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết vấn đề không đơn thuần do ăn uống mà là chức năng tuyến giáp của anh có vấn đề.
Tuyến giáp chịu trách nhiệm tiết hormone điều chỉnh quá trình trao đổi chất. Nói cách khác, sức khỏe tuyến giáp ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chuyển hóa năng lượng, điều chỉnh thân nhiệt...
Theo các bác sĩ, thực tế hành vi gây hại nhất cho tuyến giáp không phải do ăn uống, mà là những thói quen hàng ngày chúng ta vô tình thực hiện. Đáng ngạc nhiên hơn, 4 việc nhiều người thường xuyên làm chính là "sát thủ" khủng khiếp nhất với tuyến giáp.

1. Thường xuyên chịu áp lực cao
Áp lực cuộc sống là điều khó tránh khỏi, đặc biệt trong xã hội hiện đại với áp lực công việc, gia đình... khiến con người kiệt sức. Căng thẳng kéo dài gây gánh nặng cho cơ thể, đặc biệt là hệ nội tiết, trong đó tuyến giáp là cơ quan dễ bị ảnh hưởng nhất.
Khi căng thẳng, cortisol trong cơ thể tăng cao, phá vỡ quá trình tổng hợp và tiết hormone tuyến giáp, từ đó ảnh hưởng chức năng tuyến giáp. Nghiêm trọng hơn, cơ thể ở trạng thái căng thẳng kéo dài sẽ chuyển sang "chế độ khẩn cấp", khiến quá trình tiết hormone bị rối loạn, dẫn đến chuyển hóa chậm, suy giảm miễn dịch...
Nghiên cứu y học cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nhóm người thường xuyên chịu áp lực cao hơn hẳn. Nhiều người không nhận ra lo lắng, căng thẳng hay biến động cảm xúc đều ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến giáp.
Do đó, học cách kiểm soát căng thẳng thông qua thiền định, yoga hoặc hít thở sâu... giúp giảm gánh nặng lên tuyến giáp, duy trì chức năng bình thường.

2. Thức khuya và làm việc quá sức
Nhịp sống hiện đại khiến nhiều người có lịch sinh hoạt thất thường, đặc biệt nhóm áp lực công việc lớn thường xuyên thức khuya, làm việc quá sức. Lối sống này không chỉ gây mệt mỏi, suy giảm miễn dịch tạm thời mà về lâu dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tuyến giáp.
Quá trình tiết hormone tuyến giáp liên quan mật thiết đến đồng hồ sinh học. Thức khuya phá vỡ nhịp sinh học, gây rối loạn tiết hormone. Thiếu ngủ triền miên khiến cơ thể không phục hồi đủ, gây rối loạn hệ thống chuyển hóa, ảnh hưởng hoạt động bình thường của tuyến giáp.
Nhiều người cho rằng thức khuya là bắt buộc để hoàn thành công việc hoặc đã quen với việc ngủ muộn mà không thấy ảnh hưởng. Thực tế, thói quen này tích tụ dần, cuối cùng tác động xấu đến sức khỏe tuyến giáp.
Để cải thiện, nên ngủ đủ 7-8 tiếng/đêm, tránh thức khuya thường xuyên, sắp xếp cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Duy trì giờ ngủ và thức dậy cố định mỗi ngày giúp ổn định nhịp sinh học, bảo vệ tuyến giáp.

3. Lười vận động
Nhiều người nghĩ vận động không liên quan trực tiếp đến tuyến giáp, nhưng thực tế tập luyện điều độ không chỉ thúc đẩy tuần hoàn máu mà còn kích thích tiết hormone tuyến giáp.
Lười vận động khiến quá trình trao đổi chất chậm lại, hệ nội tiết mất cân bằng, ảnh hưởng quá trình điều tiết hormone. Tập thể dục giúp tăng tỷ lệ trao đổi chất cơ bản, hỗ trợ tuyến giáp duy trì tiết hormone bình thường.
Các bài tập aerobic như chạy bộ, bơi lội... không chỉ tăng cường chức năng tim phổi mà còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tạo môi trường lý tưởng cho tuyến giáp. Duy trì thói quen vận động giúp bảo vệ chức năng tuyến giáp khỏe mạnh.
Ngược lại, lười vận động kéo dài khiến quá trình trao đổi chất chậm, gây tăng cân, chán ăn. Đây là những dấu hiệu cảnh báo vấn đề tuyến giáp. Với người cao tuổi hoặc ít vận động, tập thể dục hợp lý giúp tăng cường trao đổi chất, phòng ngừa bệnh tuyến giáp.

4. Tiếp xúc với hóa chất độc hại
Trong cuộc sống hiện đại, con người ngày càng tiếp xúc với nhiều loại hóa chất. Tuyến giáp đặc biệt nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi các chất độc hại như kim loại nặng, thuốc trừ sâu, chất ô nhiễm...
Các chất gây rối loạn nội tiết như chất hóa học nhân tạo, thuốc trừ sâu... có thể trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp hormone, thậm chí gây bướu cổ, rối loạn chức năng. Chúng xâm nhập qua không khí, nước hoặc thực phẩm, tích tụ lâu ngày gây hại cho tuyến giáp, đặc biệt ở khu vực ô nhiễm nặng.

Để phòng tránh, nên hạn chế tiếp xúc với hóa chất không cần thiết, chọn thực phẩm sạch, đồ dùng không độc hại. Tăng cường ăn rau củ quả hữu cơ, duy trì chế độ ăn lành mạnh. Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt kiểm tra chức năng tuyến giáp giúp phát hiện sớm vấn đề.
Bệnh tuyến giáp giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng, nhiều bệnh nhân chỉ cảm thấy khó chịu nhẹ nên dễ bị bỏ qua.
*Lưu ý: Nội dung mang tính tham khảo, nếu có triệu chứng bất thường, cần tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Theo Thương trường