
Liệu ung thư gan có thực sự xa vời với chúng ta?
Nhắc đến ung thư gan, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến rượu. Vậy uống rượu có liên quan đến ung thư gan không?
Theo số liệu mới nhất năm 2017 từ Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ, có 41% ung thư khoang miệng, 23% ung thư vòm họng, 22% ung thư gan, 21% ung thư thực quản, 16% ung thư vú và 13% ung thư đại trực tràng đều có liên quan đến rượu.

Acetaldehyde - sản phẩm trung gian chuyển hóa của rượu - có khả năng phá hủy DNA, cản trở quá trình tự sửa chữa của tế bào, được xếp vào nhóm chất gây ung thư nguy hiểm. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO từ lâu đã xếp acetaldehyde vào nhóm chất gây ung thư loại 1.
Tại Đông Á, đặc biệt là một số quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc và Mông Cổ, có tỷ lệ mắc bệnh ung thư gan cao nhất thế giới.
Theo y học, trong trường hợp uống cùng một lượng rượu, người Đông Á có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn do cơ thể thường mang gen ALDH2 đột biến. Nếu cơ thể mang ALDH2 đột biến, kết quả có thể đoán trước được: ALDH2 bị mất chức năng, khiến enzyme đồng phân vốn dùng để xúc tác acetaldehyde không thể phát huy tác dụng, dẫn đến tích tụ lượng lớn acetaldehyde trong cơ thể. Bản thân acetaldehyde có tác dụng giãn mạch, khiến mao mạch ở mặt giãn nở, từ đó tạo nên phản ứng đỏ mặt đặc trưng.
Các nhà nghiên cứu ở châu Âu và Mỹ thường gọi hiện tượng đỏ mặt do rượu là "cơn bừng mặt châu Á" (Asian Flush). Qua khảo sát các nhóm dân cư trên toàn thế giới, họ phát hiện hiện tượng này phổ biến ở khu vực Đông Á, trong khi rất hiếm gặp ở người da trắng và da đen. Do đó, họ đặt tên cho hiện tượng đỏ mặt đặc trưng khi uống rượu này là "Asian Flush".
Vì vậy, những người uống rượu bị đỏ mặt sẽ dễ tích tụ acetaldehyde trong cơ thể hơn, đồng nghĩa với nguy cơ ung thư gan cao hơn.
Tuy nhiên, ngoài rượu, còn một yếu tố quan trọng khác không thể bỏ qua, đó là chế độ ăn uống.
Gần đây, có những bệnh nhân bị ung thư gan. Họ không mắc viêm gan virus, cũng không có thói quen uống rượu lâu năm. Qua thăm hỏi, được biết bệnh nhân sống trong môi trường ẩm thấp, thực phẩm trong nhà thường xuyên bị mốc nhưng anh ta tiếc không bỏ đi, có thói quen sử dụng đồ ăn bị mốc trong thời gian dài.
Vậy thực phẩm mốc có gây ung thư không? Câu trả lời là CÓ.
Aflatoxin thực chất là độc tố do nấm Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus tiết ra. Năm 1960, aflatoxin lần đầu tiên được phát hiện khi 100.000 con gà tây ở Anh chết vì một căn bệnh lạ. Để tìm ra nguyên nhân, các nhà khoa học đã tiến hành điều tra và phát hiện vấn đề nằm ở thức ăn chăn nuôi - loại bánh làm từ lạc. Sau đó, họ tìm thấy trong bánh lạc một loại độc tố do nấm mốc tạo ra và đặt tên là aflatoxin.

Aflatoxin phát quang dưới ánh sáng cực tím sóng dài, tùy theo màu sắc huỳnh quang, giá trị RF và cấu trúc khác nhau mà được chia thành các loại B1, B2, G1, G2, M1, M2, P1, R1, GM và aflatoxicol.
Mỗi loại aflatoxin có độc tính khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là aflatoxin B1.
Nghiên cứu cho thấy độc tính của aflatoxin B1 gấp 10 lần kali xyanua và 68 lần thạch tín. Với độc tính khủng khiếp như vậy, không lạ khi nó có thể giết chết 100.000 con gà tây chỉ trong một đêm.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả khi tiếp xúc với liều lượng nhỏ, aflatoxin vẫn gây hại cho gan. Nó khiến tế bào sửa chữa DNA sai cách, làm tăng nguy cơ ung thư gan. Aflatoxin còn gây đột biến gen P53 - một gen ức chế khối u đã được khoa học chứng minh. Khi gen P53 bị đột biến, ung thư gan dễ phát triển hơn.
Năm 1960, aflatoxin được phát hiện lần đầu. Năm 1961, các nhà khoa học phát hiện bánh lạc nhiễm nấm Aspergillus có thể gây ung thư gan ở chuột. Năm 1962, aflatoxin được xác định là chất gây ung thư mạnh. Đến năm 1993, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp aflatoxin B1 vào nhóm chất gây ung thư loại 1.
Có người uống rượu cả đời mới bị ung thư gan, nhưng nếu thường xuyên tiếp xúc với aflatoxin, chỉ vài năm đã có thể mắc bệnh. Độc tính của aflatoxin với gan vượt xa rượu - ít nhất gấp 10 lần. Nó mới chính là "kẻ giết người hàng đầu" gây ung thư gan.
Đáng sợ hơn, aflatoxin có khả năng chịu nhiệt cao, nhiệt độ phân hủy lên tới 280°C. Ngay cả khi dùng nước sôi 100°C để đun, aflatoxin vẫn không bị tiêu diệt. Vì vậy, việc trần qua nước sôi hay đun sôi thực chất chỉ là hành động an ủi bản thân mà thôi.

Với bệnh nhân ung thư gan, bệnh được chia thành 3 loại: dạng khối lớn, dạng nốt và dạng lan tỏa. Dù thuộc loại nào, khi phát hiện, gan thường đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Gan là tuyến tiêu hóa lớn nhất cơ thể. Những gì chúng ta ăn vào quyết định sức khỏe của gan. Có thứ nên ăn, có thứ cần tránh. Đồ đã hỏng phải bỏ đi, đừng vì tiết kiệm mà đánh đổi sức khỏe.
* Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo, mọi quyết định điều trị cần dựa trên tình trạng cụ thể của bệnh nhân và chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa.

Theo Thương trường