
Tôi và anh yêu nhau đã gần 3 năm, tình cảm chân thành, gắn bó và đủ sâu đậm để chúng tôi nghĩ đến chuyện kết hôn. Anh là người đàn ông chín chắn, hiểu chuyện, luôn biết cách quan tâm và bao dung cho tôi. Bên anh, tôi cảm nhận được sự an toàn và bình yên điều mà một cô gái có xuất thân bình thường như tôi luôn mong mỏi.
Gia đình tôi không khá giả. Bố mẹ tôi là công nhân về hưu, hiện vẫn đi làm thuê để có thêm đồng ra đồng vào. Nhà tôi ở ngoại thành, chỉ có một căn nhà cấp nhỏ do ông bà để lại. Tôi lên thành phố học đại học rồi đi làm, tự thuê trọ, tự nuôi sống bản thân từ năm thứ 2. Cuộc sống không dễ dàng, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy mình thấp kém hay mặc cảm. Tôi luôn nghĩ, chỉ cần mình sống tử tế, nỗ lực từng ngày thì sớm muộn gì cũng có một cuộc đời xứng đáng.
Ngược lại, anh sinh ra trong một gia đình có điều kiện. Bố mẹ anh kinh doanh, sở hữu vài căn nhà cho thuê và một công ty gia đình đang làm ăn thuận lợi. Ngay từ đầu khi biết điều đó, tôi có chút dè dặt, nhưng cách anh đối xử chân thành khiến tôi dần cởi mở hơn. Tôi từng sợ, khác biệt về xuất thân sẽ là rào cản, nhưng anh luôn trấn an tôi: “Chúng ta yêu nhau, không phải vì tài sản. Anh tin ở em.” Vậy mà, mọi sự chẳng đơn giản như tôi tưởng. Khi chuyện cưới xin bắt đầu được bàn tới, tôi cùng anh về ra mắt bố mẹ anh một cách chính thức. Buổi gặp gỡ ban đầu khá thân thiện, nhưng sau đó vài hôm, anh gọi tôi ra nói chuyện. Gương mặt anh căng thẳng, anh bảo: “Bố mẹ anh có yêu cầu này. Họ muốn em ký vào giấy khước từ tài sản trước khi kết hôn.”
Tôi sững người. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ rơi vào hoàn cảnh ấy. Một mặt tôi hiểu, bố mẹ anh lo lắng, đề phòng vì tôi nghèo hơn, vì tài sản của gia đình anh lớn. Nhưng mặt khác, tôi không khỏi tổn thương. Tôi chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ lấy chồng vì tiền. Tôi hỏi anh: “Anh nghĩ sao về chuyện này?” Anh im lặng hồi lâu, rồi đáp nhỏ: “Anh hiểu cảm giác của em. Nhưng anh là con trai một, anh không muốn mâu thuẫn với bố mẹ. Nếu điều đó khiến họ yên tâm thì…” Tôi cười buồn. Hóa ra sự tin tưởng mà anh từng nói, cũng chỉ có giới hạn. Tôi nghẹn ngào nghĩ đến bố mẹ mình những người đã nuôi tôi khôn lớn bằng mồ hôi, nước mắt, vậy mà giờ đây, tôi lại bị đánh giá chỉ vì không có của cải.

Tôi không vội trả lời. Tôi xin thời gian suy nghĩ. Suốt mấy hôm nay, lòng tôi rối bời. Một mặt, tôi vẫn yêu anh. Tôi hiểu, tài sản của bố mẹ anh là mồ hôi công sức của họ, họ có quyền bảo vệ. Nhưng mặt khác, tôi thấy bị xúc phạm. Tôi cảm thấy như tình yêu của mình đang bị đem ra cân đo đong đếm, như thể tôi là kẻ ăn bám, chực chờ tài sản nhà chồng. Tôi từng nghĩ, hôn nhân là sự gắn bó giữa hai con người, là xây dựng từ tình cảm, sự sẻ chia. Nhưng hóa ra, trước cả khi bắt đầu, người ta đã nghĩ đến việc ràng buộc, đề phòng và giữ tài sản cho riêng mình.
Tôi không phản đối việc minh bạch tài chính, càng không phản đối chuyện mỗi người giữ tài sản riêng. Nhưng bắt tôi ký vào một văn bản với tinh thần “khước từ toàn bộ quyền lợi” khi tôi chưa bước chân vào nhà chồng, thì với tôi, đó là sự thiếu tôn trọng. Nó như một nhát dao vô hình chém vào lòng tự trọng của tôi, một người con gái không giàu có, nhưng chưa từng đánh đổi tình yêu lấy tiền bạc. Anh vẫn nhắn tin mỗi ngày, giọng điệu áy náy và lo lắng. Tôi biết, anh ở giữa, bị giằng co giữa tình yêu và chữ hiếu. Nhưng tôi cũng không thể vờ như không có gì, để mà đặt bút ký vào thứ giấy tờ khiến tôi mất đi phần nào giá trị của chính mình.
Nếu phải chọn giữa một tình yêu bị điều kiện hóa và một lòng tự trọng nguyên vẹn tôi chọn phương án thứ 2. Tôi biết khó có thể thay đổi được suy nghĩ và quyết định của bố mẹ anh. Bởi vậy tôi cần mạnh mẽ để dứt khoát đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo Thương trường