Thông tin được ông Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết tại buổi tọa đàm “Giải pháp đảm bảo có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội” do báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức hôm nay (1/4). 

Có nên khống chế giá trần đối với nhà ở xã hội

Liên quan đến giá nhà ở xã hội (NƠXH), ghi nhận thực tế ở Hà Nội, giá cao nhất đang bán (tạm tính) là 25 triệu đồng/m2 tại huyện Thanh Trì; 19,5 triệu đồng/m2 tại Trung Văn (quận Nam Từ Liêm); 18,4 triệu đồng/m2 tại huyện Đông Anh... 

Trong khi đó, suất đầu tư được Bộ Xây dựng công bố với NƠXH dưới 20 tầng chỉ từ 5,6-8,8 triệu đồng/m2. 

Trả lời câu hỏi vì sao cùng ưu đãi nhưng giá bán NƠXH lại có chênh lệch, ông Chử Văn Hải cho biết, theo quy định, giá bán NƠXH được xác định dựa trên chi phí đầu tư xây dựng cộng thêm lợi nhuận định mức (10%). Mức giá này được cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh thẩm định. 

Theo ông Hải, NƠXH theo quy định là nhà chung cư. Hiện NƠXH và nhà ở thương mại đều áp dụng Quy chuẩn 04/2021 và các quy chuẩn khác có liên quan. NƠXH so với nhà ở thương mại chỉ khác nhau là khống chế về diện tích căn hộ để giảm giá bán. 

Cùng với đó NƠXH được nhà nước ban hành một số cơ chế chính sách để giảm chi phí, giảm giá thành phù hợp với thu nhập của người dân nhưng chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn phải đảm bảo giống nhà ở thương mại, đầy đủ hạ tầng giao thông, xã hội… 

“Giá thành là chi phí đầu tư xây dựng được tính toán theo quy định của pháp luật. Việc NƠXH có sự chênh lệch với dự án khác nhau là do sự khác nhau về yêu cầu thiết kế, quy mô dự án. Ngoài ra, nếu sử dụng thiết kế mẫu, nhà lắp ghép giá còn khác biệt nữa”, ông Hải nói. 

nha o xa hoi vietnamnet.jpg
Tọa đàm “Giải pháp đảm bảo có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội”, ngày 1/4. Ảnh: D.V

Vị này cũng cho hay, trước đây giá nhà ở xã hội dưới 20 triệu đồng/m2, nhưng nay tăng lên khoảng 25 triệu đồng/m2 là do ảnh hưởng của dự toán, chi phí nhân công và giá vật liệu đầu vào.

Trao đổi về giá NƠXH hiện nay, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài Chính - Tiền tệ Quốc gia đặt vấn đề có nên khống chế giá trần đối với NƠXH hay không?

“Mặc dù chúng ta đã đưa ra định mức lợi nhuận với dự án NƠXH là 10%, nhưng cực kỳ khó để xác định khi nào doanh nghiệp vượt định mức lợi nhuận. Công thức, cách làm có vẻ chưa hiệu quả. Vì vậy tôi nghĩ sang phương án khác, có thể khống chế giá trần, nhưng không phải vô tội vạ”, ông Lực nêu ý kiến.

Đề nghị chuyển đổi dự án nhà ở thương mại bỏ hoang sang làm NƠXH

Một trong những vấn đề được đưa ra tại tọa đàm là giải quyết bài toán cung - cầu NƠXH hiện nay. 

Ông Lê Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đánh giá, trước đây, ngoại trừ các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng mới bức xúc về NƠXH, còn lại nhiều địa phương chưa quan tâm nhiều. Thời gian qua do giá nhà đất tăng cao, cùng với đó là quá trình đô thị hoá mạnh nên vấn đề về NƠXH càng đặt ra cấp thiết.

“Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội nghị quyết cơ chế đặc thù ở trong phát triển NOXH. Trong đó, giải quyết nhanh gọn vấn đề lựa chọn nhà đầu tư. Bây giờ vấn đề là quyết tâm chính trị của các địa phương từ công tác quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư đến giải quyết vấn đề quỹ đất.

Bên cạnh đó, phải lựa chọn địa điểm xây dựng, thăm dò thị trường có thể bán được nhanh, hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Bình nhấn mạnh và lưu ý không để xảy ra tình trạng nơi có nhà bán thì không có người mua, nơi thì không có nhà bán. Vì vậy, công tác thăm dò thị trường, quy hoạch của địa phương là rất quan trọng.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, quan hệ cung - cầu, nếu làm không khéo sẽ khiến nơi thừa, nơi thiếu. 

“Trong giai đoạn 3 năm, 5 năm tới, địa phương cần dựa trên thực tế khu công nghiệp, doanh nghiệp, dân cư có nhu cầu như thế nào để đề xuất sát tình hình với Chính phủ, với Bộ Xây dựng về số lượng NƠXH đăng ký. Có thể, Bộ Xây dựng đã khảo sát, nhưng thời gian qua, có sự thay đổi rất nhiều trong các khu công nghiệp nên địa phương cũng cần phải khảo sát lại”, ông Lực cho hay. 

Cũng liên quan đến nguồn cung nhà ở, dẫn câu chuyện thực tế tại các địa phương với hàng nghìn dự án bất động sản bị lãng phí, trong đó có rất nhiều dự án nhà ở thương mại, hiện đang bị “treo”, bị bỏ hoang rất lãng phí, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nếu những dự án này tháo gỡ được sẽ giải phóng nguồn lực rất lớn. 

Từ đó, ông Lực đề nghị xây dựng cơ chế chuyển đổi nhà ở thương mại đang bị bỏ hoang chuyển sang làm dự án NƠXH.

Theo Vietnamnet