Chiến thắng của đội U19 Việt Nam tại vòng loại U19 châu Á không chỉ lá câu chuyện thành tích. Hơn thế, những gì mà các cầu thủ trẻ làm được lại mang đến những bài học về ứng xử mà V-League đang thiếu.

Bài học từ Guillaume: Hãy tôn trọng và chấp nhận cuộc chơi


Guillaume là một người Pháp lịch thiệp, đặc biệt trên băng ghế chỉ đạo. Lịch thiệp đến mức điềm tĩnh như những gì thường thấy ở HLV Pháp huyền thoại Aime Jaquet, Arsenen Wenger hay đa số các HLV Pháp khác.

Tất nhiên người ta không thấy Guillaume đóng complet, thắt caravat, áo sơ mi trắng tinh đứng ngoài đường piste chỉ đạo các học trò. Ông HLV trẻ tuổi này mặc quần ngắn, áo cộc tay. Dĩ nhiên, sự lịch thiệp không ở áo quần, nó ở thái độ chuyên nghiệp.

Điển hình là chuyện… phản đối trọng tài. Còn nhớ ở giải VĐ U19 ĐNÁ, nhiều CĐV đã phản đối việc BTC để trọng tài người Thái Lan (U19 Thái Lan bị U19 Việt Nam đánh bại ở vòng bảng) điều khiển trận chung kết. Thậm chí có người còn cho rằng chính ông trọng tài đã “cướp” đi chức vô địch giải ĐNÁ của U19 Việt Nam. Chuyện đẩy lên ở mức hài hước khi lãnh đạo cao nhất của VFF còn định “kiện” trọng tài lên AFF mà quên rằng FIFA không khuyến khích chuyện “tố” trọng tài. Cho đến vòng loại U19, lại có người phàn nàn BTC để ông trọng tài Trung Quốc cầm còi trận U19 Việt Nam - U19 Hồng Kông (Trung Quốc).

Chuyện HLV cay cú trọng tài không thiếu trong làng bóng đá Việt. Thậm chí có lãnh đội còn làm đơn yêu cầu BTC “không phân công một số trọng tài” trong các trận đấu của mình, nếu không sẽ… bỏ cuộc.

Guillaume không thế. Ngay cả khi các học trò của mình bị đối phương đá cho gãy tay, gãy mũi ông vẫn yêu cầu các học trò cố gắng chơi đẹp, không trả đũa. Thậm chí có những tình huống bị trọng tài ép trắng trợn, Guillaume cũng không có những phản ứng thái quá.

Nó không phải là sự nhẫn nhịn mà là một sự lịch thiệp chuyên nghiệp, cũng là dạy cho các học trò biết chấp nhận và tôn trọng luật chơi ngay cả khi trọng tài không đứng về phía mình, tốt nhất là cứ tập trung vào công việc của mình thay vì phàn nàn các trọng tài. Bóng đá là như thế.

Nguyên trưởng Ban Trọng tài VFF Đoàn Phú Tấn khi theo dõi cách hành xử của Guillaume đã nhận xét: “Hãy nhìn xử sự của ông HLV trưởng đội U19 của chúng ta. Những người xung quanh đa số la hét, phàn nàn về trọng tài nhưng chính HLV trưởng lại không có phản ứng gì nhiều. Đó là thái độ rất đúng cần có ở những người cầm quân. Thứ nhất, họ biết tôn trọng cuộc chơi, Luật chơi, tông trọng và tin tưởng những người điều hành cuộc chơi. Thứ hai, những người chuyên nghiệp họ không tìm những yếu tố khách quan kiểu như thế, để đổ lỗi cho những hạn chế của đội mình, của mình. Họ không gây cho cầu thủ một thói quen "đổ lỗi" và một tâm lý sợ sệt, bất an trước khi ra trận”.

Không phải “quý ngài” Guillaume đã và đang là bài học cho các HLV nội ở V-Legaue đấy sao?

Bài học từ các cầu thủ: Hãy từ bỏ lối chơi bạo lực


Các cầu thủ U19 Việt Nam đã lập một kỷ lục rất khó phá là ghi từ 5 bàn thắng trở lên trong 3 trận đấu liên tiếp ở sân chơi châu lục. Sẽ rất ít, nếu như không có đội bóng nào ở Việt Nam làm được điều này. 16 bàn thắng chỉ trong 3 trận - đó là điều rất đáng kinh ngạc.

Nhưng điều gây ngạc nhiên có khi còn lớn hơn, lại chính là việc các cầu thủ U19 Việt Nam “không phải nhận bất kỳ chiếc thẻ vàng nào” trong cả vòng loại U19 châu Á. Ở giải U19 ĐNÁ, U19 Việt Nam cũng là đội nhận ít thẻ nhất 1 thẻ vàng cho 7 trận đấu.

V-League đã có lúc cổ xúy cho lối chơi bạo lực, Ban Kỷ luật VFF liên tục phải làm việc để ra các quyết định xử phạt. Các cầu thủ lớn “chiến đấu với nhau” thay vì cùng nhau chơi bóng. Thậm chí ở mức độ cao hơn, trong chiến thuật có một lối chơi chặt chém để dằn mặt đối phương, đặc biệt là những trận đấu ở sân nhà.

Các cầu thủ U19 cho một bài học về việc tôn trọng đối thủ và cũng là tôn trọng chính nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi. Hơn nữa họ - những cầu thủ U19 Việt Nam đã chứng minh rằng không cần đá xấu, không cần đá láo, không cần phải trả đũa đối phương vẫn có thể chiến thắng, thậm chí thắng đẹp và thắng đậm.

Bài học từ đồng tiền


Bóng đá chuyên nghiệp là tiền. Không sai. Nhưng V-Legaue có một thứ bệnh là “bệnh thích tiền”, có tiền mới thi đấu, nếu không có thưởng treo thì éo uột, thậm chí đá thua để “lãnh đạo lần sau biết đường mà thưởng”.

Chuyện 8 năm trước ở SEA Games 23, cầu thủ gác chân lên bàn đòi tiền thưởng vẫn còn đó. Tại V-League đã có những năm phải đấu play-off để xác định đội xuống hạng, nhiều cầu thủ ở đội “đã an toàn” nhưng lại thích đá play-off vì dễ câu thưởng lãnh đạo.

Bầu Đức cấm các cầu thủ nhận tiền, coi như là cách dạy dỗ cầu thủ trẻ nhưng nên nhớ việc của các cầu thủ U19 bây giờ chưa phải là lúc kiếm tiền. Tất nhiên các cầu thủ U19 Việt Nam không mảy may nghĩ đến thưởng khi bước vào mỗi trận đấu. Thậm chí chính đội U19 này còn biết cách thể hiện trách nhiệm với nỗi đau của đất nước, trách nhiệm của một công dân tốt bằng việc khâu mảnh băng đen tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

V-League, thậm chí là cả những cầu thủ đội tuyển, U23 hãy nhìn các em để học. Bởi nếu cầu thủ nào, đội bóng nào cũng có thái đội và trách nhiệm với nghề nghiệp như U19, có lẽ chúng ta đã có một V-League khác, rất khác so với bây giờ.

Theo Bóng đá Toàn cầu