Ngày nhỏ, ăn gì tôi cũng thấy thích, thấy ngon, đôi khi chỉ
giản dị là món... đậu hủ mắm tôm. Nhớ làm sao miếng đậu hủ mẹ rán vàng
ươm, nhớ bát mắm tôm cay nồng đầu lưỡi, nhớ cả liếp rau sau hè với đủ
loại từ húng quế, tía tô, kinh giới… mỗi chiều chiều hai mẹ con cùng ra
tưới nước.
Nhiều lần tôi tự hỏi, sao cái mùi hăng hắc của mắm tôm, cái vị nhàn nhạt
của đậu hủ lại có thể kích thích vị giác người ta đến thế? Chả thế mà
cái hương vị dân dã ấy, chỉ sau vài lần theo chân người nhà quê đến chốn
thị thành đã chinh phục được người phố thị. Để rồi giờ đây, bún đậu mắm
tôm trở thành một món ngon trong nền ẩm thực Việt, và cũng là một trong
những món ăn được yêu thích ở Sài Gòn vài năm trở lại đây.
Có lần, vô tình ghé một quán bún đậu mắm tôm, tôi gặp lại chị bạn
quen và không ngờ chị chính là chủ của một hệ thống những quán bún đậu
mắm tôm danh tiếng ở Sài Gòn. Hỏi, trắng trẻo mỹ miều như chị mà cũng
vào bếp chiên đậu hủ, pha chế mắm tôm sao? Chị cười, lý do mở quán ban
đầu là để thỏa nỗi nhớ quê của anh xã. Cứ tưởng, mở quán cho anh xã có
nơi tụ tập bạn đồng hương, ai dè quán mỗi ngày một đông khách. Vậy là cô
thư ký xinh đẹp là chị đã xin nghỉ hẳn ở nhà phụ chồng vào bếp.
Theo kinh nghiệm của chị, muốn có mắm tôm ngon thì phải chọn loại gia
truyền ở Nam Định. Mắm có màu hồng nhạt, vị thơm quyến rũ. Mắm múc ra
bát, pha thêm một chút rượu nếp cái hoa vàng, một chút đường, rưới thêm
lớp mỡ rán đậu. Sau đó vắt chanh hoặc trái tắc vô, đánh cho sủi bọt lên
là vừa ngon. Còn đậu hủ, rán vàng tới hay cháy cạnh thì tùy vào sở thích
của người ăn. Tuy nhiên, cần phải chọn loại đậu hủ mềm, mịn. Bún nên
chọn loại bún sợi nhỏ, dẻo và cắt ra cho vừa một gắp.
Nếu không có thời gian la cà quán xá, bạn cũng có thể tự mình chế biến món ăn này tại nhà, bởi món bún đậu mắm tôm không đòi hỏi sự cầu kỳ trong chế biến, cũng bởi bún đậu mắm tôm ăn mùa nào cũng hợp, cũng ngon. Chỉ dăm con bún lá xinh xinh, đĩa đậu hủ chiên vàng, kèm theo bát mắm tôm pha chanh, ớt và một rổ rau thơm là đã có một bữa ăn ngon lành.