
Anh Tôn và chị Lý yêu nhau 7 năm và dự định tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, khi bàn chuyện cưới xin, gia đình chị Lý đòi sính lễ 380.000 tệ (khoảng 1,2 tỷ đồng), trang Sohu đăng tải.
Sính lễ 380.000 tệ là số tiền quá lớn đối với nhà trai. Dù đã rút hết tiền tiết kiệm họ cũng không đủ lo cho con trai cưới vợ. Họ quyết định bàn bạc lại với gia đình nhà gái, hi vọng có thể giảm số tiền.
Tuy nhiên, khi nhà trai đưa ra yêu cầu, nhà gái không những không giảm số tiền mà còn bắt nhà trai phải mua thêm một chiếc xe hơi cho con gái của họ, khoảng 300.000 tệ (gần 1 tỷ đồng).
Bố mẹ cô Lý cho rằng, con gái mình vừa xinh đẹp lại giỏi giang, số tiền sính lễ và yêu cầu như vậy là quá bình thường.
Anh Tôn hi vọng bạn gái có thể nói vài điều trước mặt bố mẹ để giảm tiền sính lễ xuống.
Nhưng không... Cô Lý không những không nói gì mà còn cho rằng việc mua xe hơi cho cô là hoàn toàn hợp lý. Bởi cô không muốn thua kém bạn bè, những người vốn lấy chồng giàu có, ở nhà sang, đi xe đẹp.
Thất vọng vì sự cứng nhắc và thực dụng từ người yêu cùng gia đình cô, anh Tôn quyết định chia tay dù rất đau lòng.
Sau đó, vì đã đến tuổi lấy vợ lại không muốn bố mẹ buồn, anh quyết định hẹn gặp một người con gái qua mai mối. Cô thấu hiểu, không đòi hỏi vật chất và chấp nhận hoàn cảnh gia đình anh. Hai người nhanh chóng tổ chức đám cưới.

Bạn gái cũ đến đám cưới người yêu cũ làm ầm ĩ. Ảnh minh họa. Nguồn: Sohu
Khi biết tin, chị Lý sốc nặng, lập tức tìm đến đám cưới gây náo loạn. Tuy nhiên, mọi thứ đã an bài – người yêu cũ nay đã là chồng của người khác.
Câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội, gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng anh Tôn cưới vội vàng, nhưng cũng không ít người ủng hộ quyết định của anh, cho rằng tình yêu đích thực cần sự cảm thông, không phải những đòi hỏi vật chất vô lý.
Đây cũng là bài học đắt giá cho những ai đặt tiền bạc cao hơn tình cảm trong một mối quan hệ.
Vấn nạn "hét giá" sính lễ tại Trung Quốc
Hiện nay, ít chủ đề nào gây tranh cãi trong dư luận Trung Quốc nhiều như vấn nạn sính lễ.
Theo truyền thống Trung Quốc, sính lễ là một phần quan trọng của hôn lễ, gồm tiền mặt và nhiều món đồ khác như vàng, trang sức, thậm chí là tài sản như nhà, xe, để trao cho nhà gái.
Đầu năm nay, bài báo với tiêu đề "Cô dâu ở Giang Tây đòi sính lễ nhà trai ở Thượng Hải mức giá 2,75 triệu USD" đã vươn lên dẫn đầu danh sách tìm kiếm trên nhiều nền tảng mạng xã hội, gây xôn xao dư luận nước này.

Chuẩn bị sính lễ là một tập tục ở Trung Quốc nhưng ngày càng trở thành gánh nặng đối với gia đình nhà trai. (Nguồn: Shutterstock)
Tại nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, sính lễ là điều bắt buộc, là tập tục được lưu truyền từ nhiều đời, còn gọi là của hồi môn.
Đó có thể là tiền, tài sản hoặc hình thức của cải nào đó mà nhà trai phải tặng nhà gái trước khi lễ cưới diễn ra.
Chính quyền nhiều địa phương đặc biệt là khu vực phía Bắc Trung Quốc đã nhiều lần tìm cách ngăn chặn tập tục này.
Dù vậy, yếu tố bị coi là trở ngại để ổn định "thị trường hôn nhân" vùng nông thôn này, vấn nạn sính lễ vẫn tồn tại.
Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, sính lễ này vốn mang ý nghĩa "là phương tiện điều chỉnh các mối quan hệ hôn nhân bằng cách buộc họ tuân theo nghi lễ".
Tuy nhiên ngày nay, nghi lễ xưa đã nhường chỗ cho "mức giá của cô dâu". Sinh lễ được hiểu cụ thể là "tiền bồi thường" mà nhà trai phải gửi nhà gái và hỗ trợ tài chính với cặp đôi mới cưới.
Tại các vùng nông thôn phía bắc Trung Quốc như Hà Nam, Sơn Đông và An Huy, cha mẹ cô dâu thường không giữ sính lễ cho riêng mình vì sợ bị buộc tội "bán con gái". Thay vào đó, họ đưa lại cho cô dâu để dùng cho cuộc sống sau này.

Theo Gia đình và Xã hội