Trước khi đi ngủ, Vũ Ngọc Anh Thư (27 tuổi, Hà Nội) sờ thấy sau tai xuất hiện hạch. Cô rà tay xuống dưới cổ cũng có hạch, ấn vào có cảm giác đau. Thư lo sợ liền lướt tìm kiếm từ khóa "hạch xuất hiện ở cổ" trên TikTok thì hàng loạt video cảnh báo với các nội dung: Xuất hiện hạch cảnh báo bệnh gì, sờ thấy hạch là ung thư, ung thư hạch, chữa ung thư không cần thuốc, uống sả chanh…
Quá lo lắng, cả đêm cô không ngủ được. Các video nối tiếp nhau đưa ra chuỗi thông tin về sức khỏe đều được những người tự nhận là bác sĩ cảnh báo.
“Cả đêm đó, tôi sống trong lo lắng, cho rằng mình sắp chết, không biết sống thêm được bao lâu, có hạch là di căn rồi… Tôi nghĩ làm sao để thông báo bệnh cho ba mẹ, tôi còn mường tượng về đám tang của mình”, Thư kể.
Hôm sau, cô đi làm trong hoang mang, nước mắt muốn trào ra khi nghĩ tới bệnh tật và cái chết.

Đêm tiếp theo, Thư tiếp tục lên mạng tìm đủ các video nói về ung thư. Đến 23h, cô gọi điện với bạn thân vì không dám đối diện với sự thật đang mắc bệnh nan y. Thư được bạn khuyên đến bệnh viện kiểm tra để biết chính xác tình trạng sức khỏe.
Hôm sau, cô đến Bệnh viện K (Hà Nội) khám từ sáng sớm. Bác sĩ không phát hiện cô bị bệnh gì, chỉ có hạch sưng đau và viêm hạch phản ứng. Lúc này, cô gái mới thở phào vì đã trải qua 2 đêm kinh hoàng sau khi lướt mạng xã hội để nghe các phán đoán về bệnh.
Theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Mạch máu Việt Nam, TikTok từ lâu đã trở thành một kênh được giới trẻ yêu thích và tìm kiếm thông tin, trong đó có cả cảnh báo về sức khỏe.
Tuy nhiên, tình trạng chia sẻ kiến thức trên nền tảng này có nhiều vấn đề đáng báo động vì một số người tự xưng là bác sĩ, chuyên gia y tế. Thực tế, không ít nội dung cảnh báo bệnh tật thái quá và đằng sau đó là các biện pháp phi khoa học, chứa các nội dung nguy hại.
Nhan nhản bác sĩ trên mạng
Năm 2023, bác sĩ H.D.T (TPHCM) nổi tiếng trên mạng xã hội với các chia sẻ về cách ăn uống gây hoang mang dư luận như uống nhiều sữa gây ung thư, nước mắm thừa gây ung thư, vỏ củ cải gây teo não, ăn gạo lứt muối mè, pha nước tương uống, sắn dây, ăn thực dưỡng chữa ung thư… Thậm chí, bác sĩ này còn tuyên bố "chữa khỏi cho khoảng 40 bệnh nhân ung thư tuỵ, gan, xương, vú, hầu họng". Thông tin cảnh báo được chia sẻ rộng khắp khiến người dân lo lắng, các bác sĩ chính thống cũng lên tiếng phản đối thông tin thiếu chứng cứ khoa học.
Tháng 11/2023, khi Sở Y tế TPHCM tiến hành kiểm tra, “bác sĩ” T. không cung cấp đủ các giấy tờ chứng minh từng được đào tạo tại trường nào cũng như chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế cấp. Người đàn ông này bị phạt 104 triệu đồng.
Một trường hợp khác nổi tiếng trên mạng TikTok tên thật T.T.T (lấy tên là Mr. L) có hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Ông T. đưa ra hàng loạt nhận định lôi kéo người dân đến sử dụng dịch vụ của mình như phát ngôn 99% cơ sở thẩm mỹ ở Việt Nam không được cấp phép, không có đủ điều kiện để thẩm mỹ, hành nghề sai…
Khi cơ quan chức năng kiểm tra, ông T. không xuất trình được chứng chỉ hành nghề cũng như thừa nhận chưa học qua trường lớp nào về khám chữa bệnh.

Theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, những video chia sẻ trên TikTok thường ngắn, người diễn đạt lưu loát, đánh trúng tâm lý người dân mong muốn nhanh khỏi bệnh. Những TikToker này thường mặc áo blouse trắng để tăng “tính uy tín” nhưng thực chất không ai rõ về họ.
Bác sĩ Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ trên mạng xã hội hoạt động ngày càng khó nhận diện, nhiều tư vấn có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng.
Nhiều lần, bản thân các bác sĩ Nam cũng sốc khi nghe những thông tin tư vấn người bệnh như ung thư vú uống nước chanh, nước mía là khỏi hay não chỉ là u lành tính vì trong não chỉ có nước và mỡ, chữa theo Tây y "bệnh nhân chỉ có chết"...
Thực tế, Sở Y tế TPHCM đã nhiều lần phát đi cảnh báo một số người tự nhận mình có kiến thức y khoa và tạo lập các website, tài khoản, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội và đăng tải các clip dưới hình thức chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong khám chữa bệnh. Thông qua đó, họ quảng cáo cho hoạt động khám chữa bệnh tại một cơ sở hoặc mạo danh để bán thực phẩm chức năng. Những người này thậm chí còn sử dụng hình ảnh của các bác sĩ uy tín, người có tầm ảnh hưởng để thu hút sự chú ý của người dân.
Thực tế, nhiều bác sĩ cũng xây dựng kênh TikTok riêng cho mình và không phải toàn bộ nội dung trên TikTok là sai nhưng người xem cần tỉnh táo. Các thông tin trên video ngắn thường hạn chế về nội dung, đôi khi được cóp nhặt lại, đúng sai lẫn lộn khiến người hoang mang, lo lắng thái quá.

Theo VietNamNet