
Tôi là một người mẹ đã ngoài 60, sống cả đời vì chồng vì con, quen với việc nhẫn nhịn và lặng lẽ hi sinh. Gia đình tôi không giàu có, nhưng tôi luôn cố gắng vun vén để các con có cuộc sống đủ đầy, và đặc biệt là luôn giữ suy nghĩ: con trai hay con gái, đều là máu mủ, là ruột thịt, không thể phân chia yêu thương.
Con gái tôi là đứa hiểu chuyện, dịu dàng, sống nội tâm nhưng lại có chút khờ khạo trong tình cảm. Nó từng bỏ ngoài tai mọi lời khuyên để cưới một người đàn ông mà nó tin là "tình yêu đích thực". Kết quả là chỉ sau ba năm hôn nhân, nó tay trắng ra đi, mang theo cả tổn thương về tinh thần lẫn thể xác.
Nhìn con gái sau ly hôn không chịu quay về nhà mà chấp nhận ở thuê ngoài kia, lòng tôi như có ai bóp nghẹn. Tôi khuyên nó về nhà, nhưng nó từ chối thẳng thừng. Nó nói thà ở ngoài tự lập còn hơn ngày ngày nhìn mặt chị dâu, khiến vợ chồng tôi khó xử. Con gái tôi là đứa hiểu chuyện, lại tự trọng. Tôi càng nghĩ thì lại càng xót. Nhà tôi tuy có con trai, nhưng từ lâu tôi vẫn giữ suy nghĩ: Con nào cũng là con, không có chuyện thiên vị.

Nhìn hai mẹ con nó sống với nhau trong căn phòng trọ chật hẹp, tôi đau đến không chịu nổi. Bàn với chồng, chúng tôi quyết định đưa nó 500 triệu từ tiền tích cóp dưỡng già, giúp nó mua được một căn hộ nhỏ để có chốn đi về. Tưởng chuyện ấy yên ấm, ai ngờ lại châm ngòi cho một trận cãi vã dữ dội với bà thông gia, mẹ của con dâu tôi.
Bà ấy đến tận nhà, chỉ vào mặt tôi mà mắng: “Bà có con trai, có cháu nội, sao lại đem tiền cho đứa con gái đã xuất giá? Bà thiên vị quá rồi!” Tôi nghẹn lời. Lẽ nào con gái tôi ly hôn thì không còn là con tôi nữa? Lẽ nào tiền tôi, tôi không được quyền dùng cho đứa con tôi mang nặng đẻ đau?
Bà ấy nói chúng tôi sống ở nhà con trai, được con dâu chăm sóc nên phải để lại hết cho bên đó. Tôi tức mà chẳng buồn nói lại. Bao năm nay tôi là người lo cơm nước, chăm cháu, giặt giũ có phải nằm không ăn bám đâu? Đám cưới con trai, chúng tôi lo nhà lo của, tiền sính lễ 30 triệu cũng không quay về tay tôi một xu. Tôi không tính, vì nghĩ đó là chuyện nên làm. Vậy mà giờ tôi bỏ ra chút tiền lo cho đứa con khốn khổ nhất, lại thành kẻ có tội?
Cay đắng nhất là con dâu tôi chẳng nói đỡ cho tôi nửa lời, chỉ lầm lầm tức giận, rồi ấm ức nói: “Mẹ có con trai, có cháu, sao lại không để dành tiền cho chúng con?” Tôi nghe xong mà chán nản. Mọi điều tôi làm, hóa ra trong mắt người khác đều là thiên vị.
May mà con trai tôi vẫn còn chút hiểu chuyện. Nó bảo: “Tiền của bố mẹ, bố mẹ muốn làm gì là quyền của bố mẹ. Em con khổ, bố mẹ giúp nó là điều bình thường.” Nhưng nói là nói vậy, trong nhà từ hôm đó đến nay vẫn âm ỉ không khí căng thẳng. Tôi mệt, không muốn nói thêm nữa.
Tôi đã nghĩ thông rồi: Từ nay, không lo cho nhà con trai nữa. Chúng tôi già rồi, không muốn mang danh thiên vị hay làm phiền ai cả. Tiền ai nấy giữ, phận ai nấy sống. Bởi tôi hiểu ra một điều, càng cho đi vô điều kiện, người ta càng nghĩ đó là điều hiển nhiên và không biết coi trọng.

Theo Thương Trường