Cảnh báo: YouTube Việt Nam tràn ngập video làm hại trẻ em

Năm 2019 được xem là năm của những nội dung gây hại cho trẻ em trên YouTube. Từ tháng 2 đến nay, nổi lên những nội dung như hướng dẫn chơi ma túy, tự sát và các trò mạo hiểm.

Năm 2019 được xem là năm của những nội dung gây hại cho trẻ em trên YouTube. Từ tháng 2 đến nay, nổi lên những nội dung như hướng dẫn chơi ma túy, tự sát và các trò mạo hiểm.


Giới làm nội dung YouTube luôn ý thức trẻ em là nhóm khán giả mục tiêu. Thế nhưng, nền tảng video này vẫn tràn ngập nội dung gây hại cho trẻ.

Ngày 13/1, cộng đồng mạng đã phát hiện kênh YouTube "Hành tinh ***" đăng tải các video hướng dẫn trẻ em ăn xà bông, uống sữa tắm trên YouTube.

Bất chấp việc YouTube đag siết chặt các chính sách bảo vệ trẻ em, và cộng đồng kêu gọi báo cáo, đến nay những video này chưa được xóa khỏi nền tảng và vẫn hiện quảng cáo.

Các bậc phụ huynh thường chủ quan cho rằng trẻ em sẽ không học theo những video trên YouTube. Tuy vậy đã có không ít trường hợp trẻ em học theo các video trên YouTube gây hại đến bản thân.

Trẻ em có đủ hiểu biết để phân biệt thật giả?

Gần đây nhất là trường hợp của cháu N.H.Đ.D. Ngày 10/1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận Đ.D. (15 tuổi, quê Hải Dương) trong tình trạng đa chấn thương do thuốc nổ theo video hướng dẫn trên YouTube.

Trước đó, ngày 29/11/2019, một cháu bé 7 tuổi ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM hôn mê sau khi thắt cổ theo video trên YouTube.

Cảnh báo: YouTube Việt Nam tràn ngập video làm hại trẻ em-1
Video này vẫn đang được bật quảng cáo bất chấp sự lên án, kêu gọi báo cáo của người dùng.


Theo Tuổi Trẻ, dì của Đ.T.K. phát hiện cháu mình bỗng dưng treo cổ bằng chiếc khăn quàng của học sinh trên dây phơi đồ của nhà.

Lúc phát hiện, hai chân cháu đã cách mặt đất 20 cm, tím mặt, tím môi, tiểu không tự chủ, hôn mê. Cháu được người nhà đưa đến phòng khám gần nhà, sau đó được sơ cứu, chuyển vào Bệnh viện Pháp Việt.

Sau khi cháu được điều trị, tỉnh lại nói chuyện được, chị M. (dì cháu K) đã hỏi sao cháu lại làm như vậy?

Cháu hồn nhiên trả lời cháu hay xem những trò ma, ảo thuật trên YouTube. Trong đó có trò hướng dẫn cách thắt cổ, nhưng dù thắt cổ xong những nhân vật trên YouTube vẫn thở, vẫn sống được nên cháu làm theo.

Cảnh báo: YouTube Việt Nam tràn ngập video làm hại trẻ em-2
Một bé gái đã tự cắt tóc mình theo video YouTube.


Có thể cháu Đ.T.K. đã xem những clip hướng dẫn ảo thuật cách diễn trò thắt cổ nhưng không chết. Tuy vậy, có thể đầu óc non nớt của trẻ chưa phân biệt đâu là thật, đâu là giả để lường trước rủi ro.

Ngày 14/11, kênh YouTube 8 triệu đăng ký NTN Vlog của Nguyễn Thành Nam đăng tải video có tiêu đề “Thả 100 cái dao trên cao xuống”. Sau một ngày, video này nhận được hơn 1 triệu lượt xem.

Nhiều người biện hộ rằng NTN thả 100 con dao vào miếng thịt, không thả vào người, trẻ con sẽ không học theo trò nguy hiểm đó. Thế nhưng, đa phần người dùng cho rằng hành động của NTN có thể thôi thúc trí tò mò của trẻ nhỏ, khiến chúng làm theo.

“Con biết NTN không?”, Thanh Trúc, giáo viên của một trường cấp 2 tại Đồng Nai hỏi con sau khi đọc được những tin tức và tận mắt xem video của NTN.

Chị nhận được câu trả lời có từ cháu bé. Lúc này chị phải phân tích kỹ cho cháu hiểu và cầu mong cháu không làm theo. Nhưng trước thông tin có một bé trạc tuổi con mình bị thương sau khi làm theo các clip YouTube, chị Trúc không khỏi lo lắng.

Trước đó, ngày 29/4, chị Lê Thị Hòa, một phụ huynh tại Lâm Đồng sau khi thấy con mình xem video hướng dẫn sử dụng ma túy trên YouTube đã vô cùng bức xúc.

"Video này xuất hiện trong phần gợi ý trên ứng dụng YouTube của TV nhà tôi. Ngay lập tức tôi đã báo cáo nhưng video này vẫn tồn tại", chị Hòa nói thêm.

Video trên được đăng bởi kênh ***troll với hơn 800.000 người đăng ký. Sau gần một tháng tồn tại, video này không những không bị gỡ xuống mà còn đạt hơn 700.000 lượt xem và vẫn được gắn quảng cáo.

Dễ thấy, cứ vài tháng lại có một loạt video độc hại trên YouTube hướng đến trẻ em khiến phụ huynh không khỏi bất an.

Khi cha mẹ không theo kịp con


Không quá am tường công nghệ, chị Trúc không biết cài ứng dụng và YouTube Kids, nền tảng video với nội dung phù hợp cho trẻ em. Không theo kịp sự phát triển của công nghệ, chị Trúc chỉ có thể mua thiết bị để con có cái xem "cho bằng bạn bè", để không phải "mù công nghệ" như chị.

Có lẽ trong nhà chị, cháu bé 10 tuổi là người rành và tiếp xúc công nghệ nhiều nhất.

Cuối tháng 2, dõi theo tin tức báo chí, chị Trúc biết được YouTube Kids và cả việc ứng dụng này bị phát hiện có những video hướng dẫn trẻ em cách tự sát. Chị Trúc không thể ngờ, những nội dung này tồn tại trong thiết bị mà con chị sử dụng hàng ngày.

"Hiện tại, tôi đã để ý hơn những gì con xem trên YouTube. Chỉ khi có tôi, cháu mới được xem", chị Trúc khẳng định.

Trước đó, Free Hess, một bác sĩ nhi khoa ở Florida, Mỹ cho biết khi đang cùng con xem video về game Splatoon của Nintendo trên YouTube Kids, cô phát hiện một đoạn có hình ảnh một người đàn ông đeo kính râm, cầm con dao tưởng tượng và hướng dẫn trẻ cách cắt tay.

“Nhớ nhé mấy nhóc, cắt ngang để có được sự chú ý, cắt dọc nếu muốn ‘đạt kết quả’”, gã vừa nói, vừa mô phỏng hành động dùng dao rạch cổ tay. “Hãy kết liễu cuộc đời mình đi”.

Quyết định truy cập YouTube Kids và tự mình khám phá nền tảng này, Hess đã sốc khi thấy rằng không chỉ có video nói về tự tử, còn rất nhiều chủ đề khác như lạm dụng tình dục, buôn người, bạo lực súng đạn và bạo lực gia đình xuất hiện trên nền tảng cho trẻ em.

“Tôi thực sự cảm thấy rất tồi tệ”, cô nói.

Nếu không xem cùng con, cả chị Trúc và Free Hess sẽ không thể tưởng tượng nổi con họ đang xem những gì mỗi ngày.

"Một thành phố thiếu cảnh sát, cứu hỏa và nhà máy xử lý rác"


YouTube hiện có quá nhiều video không phù hợp cho trẻ em. Đó là lý do YouTube Kids ra đời. Tuy vậy, chính YouTube cũng thừa nhận, nền tảng mới này cũng không thật sự hoàn hảo.

"Hệ thống của chúng tôi cố gắng loại trừ nội dung không phù hợp với trẻ nhỏ, nhưng vì chúng tôi không thể xem lại thủ công tất cả nội dung và không có hệ thống tự động nào là hoàn hảo, chúng tôi có thể bỏ lỡ một số video. Nếu bạn tìm thấy một video không phù hợp với trẻ em, vui lòng báo cáo", YouTube Kids nêu trong phần chính sách.

Trong trường hợp của Free Hess, dù đã báo cáo, video trên vẫn tồn tại nhiều tuần liền. Đến khi những video này được báo cáo và gỡ bỏ, nó đã tiếp cận bao nhiêu trẻ em?

Trường hợp video thả 100 con dao của kênh YouTube NTN cũng cho thấy sự chậm trễ của YouTube khi video bị giới hạn độ tuổi sau khi đạt 2 triệu lượt xem.

Đến khi những video này được báo cáo và gỡ bỏ, nó đã tiếp cận bao nhiêu trẻ em?

Mặc dù thông cảm với Google (chủ sở hữu YouTube) vì quản lý những video trên nền tảng là rất khó, nhưng cô muốn hãng phải phản ứng nhanh hơn khi người dùng báo cáo video vi phạm. “Chỉ gỡ những video đó thôi là chưa đủ. Tôi muốn nội dung độc hại phải bị xóa ngay lập tức khi bị báo cáo”, Hess nói.

Dù YouTube cam kết có 10.000 nhân sự kiểm duyệt video nhưng con số này thật sự không thấm với 500 giờ tải lên mỗi phút. Có lẽ, YouTube đang quá lệ thuộc vào công cụ gắn cờ.

Trong khi, phụ huynh, những người có khả năng nhận thấy nội dung xấu lại không phải mục tiêu những video này hướng tới.

Cảnh báo: YouTube Việt Nam tràn ngập video làm hại trẻ em-3
Video thả 100 con dao từ trên cao xuống của NTN chỉ bị tắt kiếm tiền và giới hạn độ tuổi sau khi đạt 2 triệu lượt xem, trong đó đa phần là trẻ em.


Theo Wired, Swisher, một bà mẹ có con tuổi vị thành niên đã đòi giết CEO YouTube sau khi phát hiện con mình được truyền bá tư tưởng Phát-xít chỉ sau vài cú click chuột trên YouTube.

“Có cảm giác các công ty công nghệ đang cố xây dựng những thành phố xinh đẹp nhưng không đưa vào đó cảnh sát, cứu hỏa hay nơi xử lý rác thải”, người này nói.

Không thể phủ nhận mặt tốt mà các video được người dùng đăng tải lên YouTube mang lại. Thế nhưng, chỉ một vài lần lầm lỗi, sự an toàn của YouTube hay YouTube Kids tan biến. Nội dung độc hại vô tình đạp đổ những gì YouTube và đội ngũ mình xây dựng.

10 nội dung tốt không đổi được 1 nội dung xấu


Không phải ngẫu nhiên những ngày qua, các bậc cha mẹ hết sức quan tâm đến sự xuất hiện của Thử thách Momo hồi tháng 2. YouTube đang có ảnh hưởng rất lớn đến nhóm gia đình và trẻ nhỏ. Và hơn hết, ngoài Momo, Youtube - ứng dụng được phụ huynh coi là bảo mẫu thời công nghệ vẫn tiềm tàng những thứ có thể là vết nhơ trong tuổi thơ nhiều trẻ nhỏ.

"Bé Bin sử dụng chung thiết bị với tôi để xem YouTube. Có mạng video này, Bôn biết nhiều hơn về thế giới bao la ngoài sách vở. Các chường trình giáo dục, thế giới động vật thu hút bé xem", chị Thùy Minh ngụ Tân Phú có con 10 tuổi cho biết.

Cảnh báo: YouTube Việt Nam tràn ngập video làm hại trẻ em-4
Video hướng dẫn chơi ma túy xuất hiện trong phần đề xuất của YouTube.


Nhưng đến một ngày, chị Minh nhìn thấy Bin đang xem một bộ phim hoạt hình có cảnh hai chiếc xe đang giao hợp với nhau, một chiếc xe khác chạy đến cán bẹp hai chiếc kia như một cách trả thù cho sự bội bạc. Ngạc nhiên là video trên được bật kiếm tiền. Đồng nghĩa với việc chúng được YouTube thừa nhận là “sạch”. Hiện, video này vẫn tồn tại trên YouTube với hơn 2,3 triệu lượt xem.

“Chính lúc này tôi thật sự hoảng loạn. Nếu nhìn sơ qua, tôi chỉ nghĩ cháu đang xem hoạt hình. Tôi không tưởng tượng được có ai đó lại làm ra những video hoạt hình có nội dung người lớn như vậy. Chắc chắn nó hướng đến trẻ em”, Chị Minh nói.

Trước đó, chị nghe được tin những video Peppa Pig mà Bin hay xem có nội dung tự sát. Chị tìm thử Peppa Pig, sau khi xem vài video chị bất ngờ được gợi ý đến video gia đình Peppa đi chơi công viên. Nhưng đến nơi, bố mẹ Peppa đã đưa con vào mổ lấy thịt đem bán.

“Đây là một nội dung quá kinh tởm"

Chị Minh cách ly con với YouTube sau khi xem một đoạn phim hoạt hình nhái Peppa Pig bị bố mẹ giết thịt.

“Đây là một nội dung quá kinh tởm". Ngay lập tức, chị Minh cách ly con với YouTube. “Thà để con không dùng YouTube chứ tôi không đủ lòng tin để giao con mình cho nền tảng này. 10 nội dung bổ ích không thể đổi lấy dù chỉ một lần nội dung có hại”, chị Minh nói.

Qua tìm hiểu, chị biết được YouTube Kids là nền tảng dành cho trẻ nhỏ. Thời điểm đó, chị Minh an tâm rằng con mình sẽ được bảo vệ bởi YouTube Kids.

Nhưng đến khi chị Minh thấy những bài đăng trên Facebook về hình ảnh chú heo Peppa cầm dao đâm vào đầu xuất hiện trên YouTube Kids, chị đã chọn cách mỗi ngày cho Bin xem chỉ 30 phút với sự giám sát chặt chẽ của chị.

Trẻ em dư sức tự tắt YouTube Kids để bật YouTube bản chính


Khác với chị Minh, trường hợp của chị Ngọc Oanh ngụ Tân Bình khá tréo ngoe. Chị làm nhân viên văn phòng, đặc thù công việc buộc chị phải làm nhiều vào ban đêm. Không có thời gian cho con nhỏ, chị nhờ YouTube thay mình làm bạn với con.

Con chị sử dụng chung tài khoản YouTube trên iPad với bố. Sau một lần nhìn thấy video có nội dung hở hang trong đề xuất, chị đã phải tải thêm ứng dụng YouTube Kids cho bé 13 tuổi.

“Bố đổ lỗi cho con, con đỗ lỗi cho bố. Vì vậy cài đặt YouTube Kids là an toàn nhất bởi chị không đủ tài chính để sắp riêng cho cháu một máy”, chị Oanh nói.

Cảnh báo: YouTube Việt Nam tràn ngập video làm hại trẻ em-5
iPad và YouTube là con dao hai lưỡi nếu để trẻ em sử dụng thiếu kiểm soát.


“Ban đầu, bé khóc rất nhiều vì theo bé YouTube Kids quá ít thứ để xem. Phải thừa nhận, nội dung trên YouTube Kids chỉ dành có các bé dưới 12 tuổi. Vậy từ 13-16, giai đoạn hình thành nhân cách, các cháu xem gì?”, chị Oanh chia sẻ.

Chính nhu cầu về nội dung này khiến cháu tuy đồng ý sử dụng YouTube Kids nhưng sau ít ngày, chị Oanh phát hiện cháu có thể tự tắt YouTube Kids mở YouTube khi bố mẹ không chú ý. Việc tắt một ứng dụng để mở một ứng dụng khác với trẻ em trên 8 tuổi hết sức đơn giản. Có lẽ đây cũng là một khuyết điểm YouTube Kids. Nhưng, việc yêu cầu mật khẩu để thoát ứng dụng là chuyện gần như bất khả thi trên nền tảng iOS.

"YouTube chứa nhiều kiến thức tốt cho sự phát triển của trẻ. Nhưng nếu họ không có biện pháp khắc phục, buộc lòng phụ huynh hoặc cấm, hoặc chỉ cho xem trong khoản thời gian có phụ huynh, việc này rất hạn chế sự tìm tòi của bé, chị Minh nói.

"Quan điểm của tôi, cha mẹ phải là bộ lọc cho con trong thời đại Internet quá phát triển. Nếu không đủ thời gian chơi với con, tốt nhất không cho dùng Internet. Dù vậy, YouTube không thể phủi bỏ trách nhiệm của mình trong việc duy trì một nền tảng mạng xã hội", Hoàng Đức, viên chức nhà nước có con nhỏ tại TP.HCM chia sẻ.

Top xu hướng thịnh thành đầy rẫy nội dung vô bổ


YouTube có 500 giờ video tải lên mỗi phút. Trong quý 3/2018, mạng xã hội video này đã xóa 8 triệu video có nội dung độc hại, 75% số đó được xóa bởi các máy học. Tuy vậy, vẫn tồn tại rất nhiều nội dung không phù hợp chưa được loại bỏ khỏi nền tảng này.

Dạo một vòng tab xu hướng thịnh hành của YouTube, dễ thấy các video có nội dung “giang hồ”, “đừng bao giờ coi thường người khác”, “thử thách”, “cái kết”, "chơi ngu" với nội dung vô bổ thậm chí là bạo lực nghiễm nhiên leo lên nhóm thịnh hành với hàng triệu lượt xem. Điều này phần nào phản ánh các thuật toán vô hồn mà Google đang áp dụng trên YouTube.

Cảnh báo: YouTube Việt Nam tràn ngập video làm hại trẻ em-6
Video hoạt hình kinh dị tràn lan YouTube.


Theo một cách không chính thức, những video này hướng đến đối tượng là trẻ chưa vị thành niên từ 10-16 tuổi. Trong phần bình luận, hình bóng trẻ em xuất hiện dày đặc, dễ thấy nhất là qua ảnh đại diện.

Những nội dung như “Thử thách ngủ trong quan tài”, “24 giờ làm chó”, “hút thuốc bằng mũi”, "ăn mỳ trong bồn cầu" hay các trào lưu "giang hồ" quá vô bổ để dành cho trẻ em nhưng không được giới hạn lứa tuổi. Đó là chưa kể đến những nội dung độc hại núp bóng phim hoạt hình.

Ngay cả YouTube Kids, những video dành cho trẻ em cũng không thật sự tốt về nội dung. Kênh BonBonTv có một video dạy trẻ nhỏ cách bỏ rác vào thùng. Ngay sau đó, YouTube Kids đề xuất một video khác của kênh này nhưng thông điệp hoàn toàn khác. Nội dung video có một đứa trẻ chơi khăm một người bán kem dạo. Đồng thời, nhân vật nhí này vừa ăn kem, vừa xả rác ngay trong công viên.

Trong một video khác, diễn viên nhí vui cười trong sự ủng hộ của phụ huynh khi dùng "bút thần" lột áo của bạn. "Sướng không con" cùng tiếng cười nắc nẻ được lồng vào video này khó ai có thể đồng ý đây là nội dung tốt cho tính cách trẻ em.

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/youtube-viet-nam-tran-ngap-video-lam-hai-tre-em-post921739.html

video làm hại trẻ em trên YouTube

YouTube kids

YouTube


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.