Từ những giọt nước mắt chua xót thuở World Cup 1990, 2 pha ghi bàn kinh điển tại sân Wembley cho đến kết cục không được dự World Cup 1998, Paul Gascoigne ôn lại sự nghiệp đầy màu sắc của mình và tiết lộ lý do vì sao lại từ chối đề nghị khoác áo Man United của Sir Alex Ferguson.

Cựu tiền vệ Paul Gascoigne: “Họ luôn chà đạp tôi dù tôi chả hại ai”


LÝ DO TỪ CHỐI QUỶ ĐỎ

- Sir Alex Ferguson kể lại rằng năm 1988, anh hứa sẽ gia nhập CLB Man United nhưng rồi trở cờ ký với Tottenham vào phút cuối. Chuyện ấy thế nào? Anh có bao giờ hối tiếc với quyết định ấy không?


+ Tôi không hối tiếc, nhưng khi ấy tôi đã suy nghĩ nhiều về quyết định của mình. Tôi có nói với Sir Alex là mình sẽ ký với Man United nên anh ấy cứ yên tâm mà đi nghỉ Hè. Tôi lái xe đến Old Trafford rồi ấy chứ, nhưng lái tiếp tới London luôn để ký với Tottenham.



Ngày ấy tôi còn trẻ và hay đi tìm lời khuyên từ những người khác. Ở Newcastle tôi gần gũi với Chris Waddle (cựu tuyển thủ Anh). Khi anh ấy sang Tottenham thì rủ tôi theo cùng. Rồi HLV Terry Venabales gọi điện, hứa là sẽ mang tôi vào ĐT Anh chỉ sau 3 tháng (thực tế là chỉ 2 tháng sau là tôi đã được gọi). Điều ấy khiến tôi ấn tượng. Tôi đã tận hưởng khoảng thời gian của mình tại Spurs. Thỉnh thoảng cũng có nghĩ lại liệu sẽ ra sao nếu tôi ký với M.U. Dám Sir Alex cũng “bóp chỗ kín” của tôi như gã đồ tể Vinnie Jones (Wimbledon) nếu tôi không làm ông ấy hài lòng lắm.

- Có thật là Bryan Robson bán cho anh một chiếc xe hơi bị hỏng động cơ sau một đêm chè chén không?

+ Tôi mua chiếc Lotus với giá 12.000 bảng. Vừa nhìn là mê liền. Nhưng lúc tôi ngồi lên xe, ấn nút đề nhưng máy lại không nổ. Thế là tôi gọi điện nhờ một chiếc xe tải cẩu về nhà. Nhưng mê chiếc xe quá, tôi cứ ngồi yên bên trong chứ không ra ngoài. Xe tải cẩu chiếc xe, cẩu luôn Gazza trong đó. Trên đường ai cũng nhìn tôi như quái thú.

- Điều gì diễn ra trong tâm trí anh khi trọng tài rút chiếc thẻ vàng trong trận bán kết World Cup 1990 (nghĩa là Gazza sẽ phải nghỉ trận chung kết nếu Anh loại Đức, nhưng chuyện ấy đã không xảy ra vì Đức đã thắng sau loạt sút luân lưu)?

+ Tôi chả biết phải phản ứng gì vào lúc ấy nữa. World Cup có ý nghĩa đặc biệt với tôi. Italia 1990 tôi như đang sống trong giấc mơ vậy, nhưng khi nhìn thấy chiếc thẻ vàng ấy tôi biết mọi thứ đã chấm dứt nên tôi sợ, rất sợ. Tôi không biết làm gì cả ngoài việc khóc nguyên đêm ấy.

- Tại sao anh không nhận sút quả luân lưu hôm ấy? Nếu có thì anh sẽ sút vào chứ?

+ Tôi chưa sút trượt một quả 11 mét nào cả. Khi đứng trước chấm phạt đền, tôi chọn lấy một điểm trong khung thành và đưa quả bóng vào ấy. Tôi chỉ đổi ý một lần hồi EURO 1996, cũng là một trận bán kết trước Đức. Vào đúng giây cuối cùng tôi quyết định chuyển hướng sút và rất may là quả bóng cũng vào. Còn ở bán kết World Cup 1990, tôi vẫn còn bị sốc sau chiếc thẻ vàng nên nhường lại quyền sút cho David Platt.

CHO BẠN ĂN... PHÂN

- Ông có bao giờ ám ảnh bởi sự quan tâm quá mức từ giới truyền thông sau World Cup 1990?

+ Không. Sự thật là tôi thích nổi tiếng vì nó kéo theo nhiều tiền nữa. Nhưng tôi ghét người ta đuổi theo bố mẹ tôi và tất cả những lời dối trá kể về tôi. Ở Anh, báo chí nâng bạn lên để chờ cơ hội đạp bạn xuống. Họ làm thế với mọi người nổi tiếng. Tôi không hiểu tại sao họ chà đạp tôi trong khi tôi có làm hại ai đâu? Nếu Gazza có làm hại ai thì người ấy chỉ có thể là chính anh ta!

- Ai là cầu thủ hay nhất mà anh từng đối đầu tại Serie A?


+ Bạn hãy tự chọn cho mình một trong số những cái tên Ruud Gullit, Van Basten, Frank Rijkaard, Paolo Maldini và Franco Baresi. Vậy mà họ lại đá cùng một đội. Một lần đối đầu với AC Milan của những danh thủ trên, chúng tôi dẫn trước 1-0 sau 10 phút. Tôi tự nghĩ rằng êm quá, mọi thứ sẽ ngon lành đây. Để rồi 80 phút sau tôi chả chạm bóng được lấy 1 lần và chúng tôi thua 1-5. Đội bóng ấy quả là đáng sợ.



- Anh nghĩ gì mà đi nuôi tóc dài hồi còn ở Lazio vậy?

+ Tôi nghĩ điều mà Gazza vẫn hay nghĩ: thử làm điều gì điên điên cho vui. Công nhận tôi để tóc dài trông ngu thật, nên không lâu sau là tôi cắt ngay. Mà mấy tay để tóc dài cũng hay thật. Tôi để có mấy tuần đã muốn phát điên. Mỗi là đá xong, đi tắm lại phải tốn cả giờ đồng hồ để sấy cho khô.

- Anh có hối tiếc gì đã sang Rangers khi còn ở đỉnh cao?

+ Tôi là một người trình diễn, thích chơi bóng trước đám đông. Mà ở Vương quốc Anh đâu có nhiều đội lớn hơn Rangers vào thời điểm ấy. Tại sao tôi phải chơi trước 30.000 CĐV tại Anh trong khi có cơ hội đá trước 50.000 người ở sân Ibrox? Graeme Souness, Terry Butcher, Chris Woods, Ray Wilkins, Gary Stevens, Trevor Steven, Mark Hateley và Brian Laudrup đều đã chơi cho Rangers, họ phải có lý do gì đấy chứ.

- Anh thích pha ghi bàn kinh điển nào ở Wembley hơn: cú sút từ 30 thước vào lưới Arsenal năm 1991 hay cú vô-lê vào lưới Scotland tại EURO 1996?

+ Cả hai đều có ý nghĩa đặc biệt với tôi vì đấy đều là những trận derby. Hơn nữa, đứng trong khung thành đều là những người bạn của tôi: David Seaman của Arsenal và Andy Goram của Scotland. Pha ghi bàn vào lưới Arsenal còn có ý nghĩa bởi khi ấy tôi đã phải ngồi ngoài khá lâu. Tôi nói với Terry Venabales là sẽ không làm ông ấy thất vọng. Còn bàn tại England 1996 thì lại được ghi từ một kỳ EURO trên sân nhà, trong màu áo ĐTQG. Tôi sẽ chọn bàn sau.

- Có thật là anh từng nhét thứ gì đó rất bẩn vào bánh nhân thịt và cho bạn mình ăn không?

+ Có. Tôi nhét phân. Phân mèo, chả nhớ nữa, nói chung là phân. Tôi lấy bánh ra, nhét phân vào giữa rồi bỏ vào tủ lạnh như chưa có chuyện gì xảy ra. Rồi 2 người bạn tôi trở về sau khi chơi đêm, bụng thì đói meo nên mỗi người ăn một cái bánh thịt. Jimmy thì buồn nôn trong khi người kia bảo đấy là một trong những cái bánh thịt ngon nhất mà mình từng ăn. Tôi cười suốt nhiều ngày hôm sau vì câu chuyện ấy.

MÃN NGUYỆN VỚI SỰ NGHIỆP

- Khi Glenn Hoddle thông báo anh không có tên trong danh sách dự World Cup 1998, anh có muốn ném HLV của mình ra cửa sổ không?


+ Trước khi đến gặp Glenn Hoddle, tôi có vào phòng HLV và nhìn thấy anh bạn Glenn Roeder đang khóc. Khi ấy, tôi đã biết mình sẽ không được dự World Cup. Tôi lao vào phòng Glenn, trút giận vào cánh cửa. Phil Neville chạy ra ngăn cản trong khi tôi dùng mọi từ ngữ ghê tởm nhất mà mình có thể nghĩ ra lúc ấy.



Tôi ném mọi thứ mình với tới vào người Glenn khi ông ấy nói: “Hãy để tôi giải thích”. Nhưng khỏi giải thích chi cho mệt, tôi giúp ông ấy giành vé đến World Cup ở vòng loại, đặc biệt là trận hòa 0-0 ở Italia. Vậy mà dám không gọi tôi. Sau đó tôi chửi Glenn không ra gì trong cuốn hồi ký.

- Bobby Charlton từng bảo chỉ có duy nhất Duncan Edwards khiến ông ấy cảm thấy nhỏ bé. Có cầu thủ nào mà anh tự thấy mình thua sút hoàn toàn về tài năng?


+ Bryan Robson. Đấy là một tiền vệ đỉnh của đỉnh. Anh ấy có mặt ở mọi nơi, ghi bàn và là một thủ lĩnh.

- Ai là HLV giỏi nhất mà anh từng thi đấu dưới trướng?

+ Terry Venabales (ĐT Anh) và Walter Smith (Rangers). Terry là một thiên tài, đối xử rất tuyệt vời với tôi. Walter nghiêm túc, nhưng luôn cho tôi không gian riêng. Tôi yêu mến cả 2 và trân trọng cách đối xử của họ với tôi.

- Nhìn lại sự nghiệp, anh có thấy mình đã hoài phí tài năng của mình?


+ Hoài phí tài năng? Tôi sẽ không nói như vậy. Ta bắt đầu từ đâu nhỉ? Tôi gia nhập Spurs từ Newcastle với giá 2,2 triệu bảng, kỷ lục cho một cầu thủ Anh khi ấy. Tại Spurs tôi có Cúp FA trước khi sang Lazio với cái giá cao nhất mà một CLB nước ngoài từng chi cho cầu thủ Anh (5,5 triệu bảng).

Rõ ràng, ở Italia mọi thứ không thật tốt. Tôi gãy chân, vỡ xương gò má, nhưng khi sang Rangers, đấy lại là bản hợp đồng kỷ lục của CLB. Ở Irbox tôi có 5 huy chương. Tôi lập hat-trick trong trận định đoạt chức vô địch và tôi là cầu thủ hay nhất trong mùa. Rồi tôi sang Middlesbrough, cũng với cái giá cao nhất lịch sử CLB, giúp đội lên hạng. ĐT Anh thì sao? 57 lần khoác áo, từng dự EURO và World Cup, từng có tên trong cuộc bầu chọn đội hình vĩ đại nhất lịch sử ĐT Anh. Sao anh lại có thể nói tôi đã hoài phí cả sự nghiệp?

- Mọi người dường như có một câu chuyện của riêng mình về Gazza. Có bao giờ anh bị bạn bè chơi khăm lại không?


+ Một ngày nọ cầu thủ Rangers rủ tôi ra ngoài nhậu nhẹt tí. Tôi hí hửng đồng ý ngay. Nhưng khi tắm xong thì tôi phát hiện lũ bạn quậy đã khua quần áo của tôi mất rồi. Thế là tôi đành mặc đại quần áo của một người khác còn đang tắm dở. Đồ của người này nhỏ hơn size của tôi nên khi mặc vào nhìn ngu không thể tả.

- Nhiều cầu thủ trẻ bây giờ được mang mác “Gazza mới”, anh thấy có ai giống mình khi trẻ không?

+ Không, sẽ không có ai là Gazza tiếp theo cả. Tôi cũng chả muốn họ giống mình. Nếu họ tiến gần đến trình độ ngày xưa của tôi thì tuyệt. Tôi thích Lampard, Gerrard, nhưng thích nhất là Scholesy.



- Lần cuối cùng anh nhậu là khi nào?

+ Lâu rồi. Bạn bắt đầu đếm ngày, đếm tuần, đếm tháng, cứ nghĩ về nó hoài. Nhưng đến lúc phải ngừng trò đếm lại vì càng đếm càng dễ điên hơn. Tốt nhất là phải quên nó đi.

- Điều tiếp theo xảy ra cho Gascoigne là gì?

+ Tôi cố thật vui vẻ. Tôi cố tận hưởng từng ngày tới và không tạo thêm áp lực cho mình.

Một CĐV Rangers tên Kenny yêu quý Gascoigne đến mức đến tận bây giờ, anh vẫn in số 8 và tên Gascoigne lên chiếc áo đấu mới mỗi đầu mùa bóng. Ngày Gazza còn chơi cho Rangers, anh có dịp may được Gazza ký tặng lên cánh tay. Vì quá yêu quý thần tượng, Kenny chạy ra tiệm xăm luôn chữ ký ấy lên tay để lưu giữ suốt đời. Về chuyện ký tên, Gazza từng thổ lộ là anh chưa từng từ chối ký tặng bất kỳ ai trong đời. Kể cả khi vào quán bar, ai muốn uống gì anh đều thiết đãi.

Chuỗi ngày tăm tối sau khi giải nghệ:


1998: nhập viện khẩn cấp vì nốc 32 shot wisky
2001: nhập viện điều trị chứng nghiện rượu dài ngày
6/2001: điều trị chứng rối loạn trầm cảm lưỡng cực
2003: đi cấp cứu vì suy nhược cơ thể
2004: nhập viện vì chứng viêm phổi cấp do nghiện thuốc
2005: bị bắt vì say rượu và quậy phá tại sân bay
2007: phẫu thuật loét thành dạ dày
12/2007: thay xương hông phải
2/2008: bị giám sát bởi có hành vi tự hủy hoại cơ thể
11/2008: tuyên bố phá sản
2/2010: bị bắt vì lái xe trong tình trạng say xỉn
10/2010: bị bắt vì lái xe khi say xỉn
11/2010: bị bắt vì tàng chứa ma túy
7/2012: nhập viện khẩn cấp vì chứng nghiện rượu
7/2013: bị bắt vì hành hung vợ cũ khi say xỉn

LÝ LỊCH TRÍCH NGANG

Ngày sinh: 27/5/1967
Nơi sinh: Gateshead, Tyne & Wear
Cao: 1,75 m
Vị trí: Tiền vệ
Các CLB đã thi đấu:

1985-1988: Newcastle (97 trận, 25 bàn)
1988-1992: Tottenham (111/33)
1992-1995: Lazio (41/6)
1995-1998: Rangers (92/39)
1998-2000 Middlesbrough (44/4)
2000-2002 Everton (32/1)
2002: Burnley (cho mượn; 6 trận)
2003: Gansu Tianma (4/2)
2004: Boston United (4/0)

Sự nghiệp quốc tế:

1988-1988: ĐT Anh (57/10)

Danh hiệu:

Cầu thủ trẻ hay nhất Anh năm: 1988
FA Cup: 1991
Vô địch Scotland: 1995/96 và 1996/97
Cúp Scotland: 1996
Siêu Cúp Scotland: 1996

Theo BongdaPlus